Filter hình ảnh – Chứng mặc cảm ngoại hình thời đại số, kì thị chủng tộc và nhiều hơn thế nữa

Ngày đăng: 02/12/20

Những filter làm đẹp trên các ứng dụng mạng xã hội từ đã trở nên quá quen thuộc đối với người dùng thế hệ Gen-Z. Chúng rất giải trí! Áp filter lên mặt và voila, bạn trông đáng yêu như một chú cún con, ngây thơ như một chú mèo nhỏ thậm chí kiêu sa lộng lẫy như những nàng công chúa bước ra từ phim Disney!

Bạn vẫn là bạn đó, nhưng xinh đẹp hơn rất nhiều (theo chuẩn xã hội) với chiếc cằm được gọt nhọn hoắt và làn da trắng xóa như Bạch Tuyết. 

Gen-Z bị ám ảnh bởi những tiêu chuẩn về ngoại hình

Một tấm filter, hai tấm filter… hàng trăm tấm tiếp theo thật khó để không tiếp tục filter bởi… bạn nghĩ bạn đáng lẽ phải nhìn xinh đẹp như vậy! Nếu 5 hay 10 năm trước, người ta tìm đến bác sỹ thẩm mỹ cầm theo tấm hình của những diễn viên, ca sỹ, thần tượng mà họ muốn trở thành thì ngày nay, người ta cầm tấm ảnh của chính bản thân họ đã áp filter. “Mặc cảm ngoại hình thời đại số” – bệnh lý mới của nhiều người trẻ thế hệ Gen-Z. 

“Mặc cảm ngoại hình thời đại số” – bệnh lý mới của nhiều người trẻ thế hệ Gen-Z. 

Không chỉ Gen-Z mới dùng mạng xã hội, hầu như ngày nay ai cũng có ít nhất 1 tài khoản mạng xã hội. Snapchat, Facebook, Instagram, TikTok… không một nền tảng nào không có các filter làm đẹp. Dần dà, như một thói quen, các filter làm đẹp này ăn sâu và khiến chúng ta tin rằng đó mới là cái đẹp chuẩn mực, rằng chúng ta chưa đẹp và cần đẹp được như hình. 

Mạng xã hội tạo ra một thế hệ trẻ mắc chứng “sống ảo”, “ái kỷ”…

Khoan hãy nhầm lẫn với bệnh tâm lý rối loạn nhân cách ái kỷ trong y học. “Ái kỷ” trong ngữ cảnh này là khi Gen-Z ngắm nhìn hình ảnh của chính bản thân quá nhiều, không thể chịu được việc không chỉnh sửa ảnh, khát khao được sự chú ý và tán thưởng của bạn bè và những người xa lạ trên mạng xã hội. 

Ông bà ta ngày xưa có chụp ảnh chứ và họ trưng ảnh ở một nơi khiêm tốn, thỉnh thoảng nhìn vào để nhớ lại những khoảng thời gian tươi đẹp. Gen-Z ngày nay nhìn thấy bản thân của mình ở mọi nơi: tràn ngập trên mạng xã hội những tấm hình selfie, các trang web hẹn hò, màn hình điện thoại, màn hình máy tính,… thậm chí còn in to đóng khung treo đầu giường hình ảnh của bản thân. 

Filter hình ảnh - Mặc cảm ngoại hình thời đại số, kì thị chủng tộc...

Có đôi khi, người ta từ chối sống với phiên bản thật của chính mình mà chỉ sống với phiên bản kỹ thuật số trên mạng xã hội. Mọi thứ đều là ảo, từ cuộc sống cá nhân được cập nhật từng phút trên mạng xã hội, một vài cú quẹt tay để tìm được “ý trung nhân” đến vài thủ thuật kéo – thả để có một diện mạo hoàn toàn mới.  Còn nhớ nhiều vụ việc vừa đáng thương vừa đáng trách của rất nhiều hiện tượng mạng xã hội “bị bóc phốt nhan sắc thật” đã thể hiện cái nhìn khắt khe của xã hội đối với mỗi cá nhân khiến nhiều bạn trẻ lâm vào trầm cảm, chống đối xã hội, thậm chí tìm đến cái chết vì không cảm thấy hài lòng với diện mạo và cuộc sống thật của bản thân. 

Filter làm đẹp có xu hướng “tẩy trắng”

Không nói đến những chuẩn mực cái đẹp được người châu Á nói chung và người Việt nói riêng ưu ái như da trắng, mắt to, môi đỏ… Người sử dụng mạng xã hội Việt Nam gần đây còn đang bị “tẩy trắng”, “Tây hóa” bởi những chuẩn mực cái đẹp được du nhập từ phương Tây. 

Nếu tìm hiểu kỹ về các nền tảng mạng xã hội mà chúng ta đang sử dụng, chúng ta sẽ nhận thấy điểm chung là phần lớn các nền tảng đó được sáng tạo và điều hành bởi những người đến từ nền văn hóa phương Tây. Facebook, Instagram, Snapchat, Whatsapp đều là của Mỹ. Thậm chí TikTok của Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng bởi làn sóng “tẩy trắng” này khi liên tục lăng xê cho các vẻ đẹp phương Tây đến người dùng của họ dù họ có đến hơn 800 triệu người dùng trên toàn thế giới. 

Filter hình ảnh - Mặc cảm ngoại hình thời đại số, kì thị chủng tộc...

Khi nhìn vào một “biểu tượng” của cái đẹp trên mạng xã hội, chúng ta cần cân nhắc đến 3 yếu tố: ai đại diện cho vẻ đẹp đó, ai quyết định lăng xê vẻ đẹp đó và nền tảng (công nghệ) được áp dụng. Những chuẩn mực cái đẹp đang được xã hội chấp nhận rộng rãi và xuất hiện nhan nhản trên các tạp chí thời trang, quảng cáo và truyền thông đại chúng: da láng mịn, gò má cao, cằm nhọn, mắt mèo, lông mi dày và dài, mũi cao và nhỏ, môi dày…. Những filter làm đẹp thay đổi diện mạo của bạn một cách tinh vi bằng việc nâng tông da, xóa bỏ các đặc trưng khuôn mặt mang tính vùng miền, sắc tộc (da vàng, mũi to, mắt nhỏ, mắt một mí…) để ứng với các tiêu chuẩn quy định sẵn đó. 

Filter hình ảnh - Mặc cảm ngoại hình thời đại số, kì thị chủng tộc...

Đây không phải là lần đầu tiên công nghệ công khai tán thành các quan điểm kỳ thị chủng tộc nhưng với cách tiếp cận tinh tế đã khiến cộng đồng dễ dàng chấp nhận. Đã từng có những scandal công nghệ xảy ra với Nikon khi không “nhầm” đôi mắt của châu Á là “đang nhắm”. Hay thuật toán quét khuôn mặt của phần mềm Idemia được các cơ quan an ninh sử dụng thất bại trong việc nhận diện khuôn mặt của người châu Phi hoặc gốc Phi. 

Chúng ta nên làm gì?

Làm gì để thôi ám ảnh về vẻ đẹp có thể mãi mãi chúng ta sẽ không bao giờ đạt được (thậm chí ngay cả khi thẩm mỹ)? Vẻ đẹp thực sự nằm trong cách chúng ta nhìn nhận chính bản thân mình. Học cách chấp nhận những điều không hoàn hảo của mình và hạn chế so sánh bản thân với những hiện tượng trên mạng xã hội. Đặc biệt hãy trân trọng những giá trị vùng miền, sắc tộc mà bản thân sở hữu. Dành nhiều thời gian cho cuộc sống thật và những điều tích cực hơn là cuộc sống ảo trên mạng xã hội với những người bạn không có thật. 

Nếu không thể thay đổi thế giới, hãy thay đổi chính bản thân mình!

Thực hiện: Mỹ Đỗ

Tham khảo: NYLON, CNN

Ảnh bìa: NYLON