Gặp gỡ Thu Thuỷ và Chie Dù Pù Dù Pà – 11 năm bảo tồn và phát triển thổ cẩm dân tộc thiểu số

Ngày đăng: 11/12/22

Thổ cẩm là tinh hoa của ngành dệt may thủ công đất Việt, với một số cộng đồng dân tộc thiểu số, tấm vải thổ cẩm còn chứa đựng ý nghĩa tâm linh, văn hoá. Nhưng gần đây, chúng ta đang chứng kiến những cú chuyển mình lớn trong lĩnh vực in kỹ thuật số ở ngành dệt may, điều này một phần nào đang đe doạ đến nghề dệt truyền thống.

Tuần này, cùng Style-Republik gặp gỡ chị Thu Thuỷ – Founder tại Chie Dù Pù Dù Pà – doanh nghiệp với sứ mệnh bảo tồn và tìm hướng đi mới cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Việt Nam phát triển một cách bền vững, có định hướng, có ý nghĩa.

Chie toạ lạc tại 66 Hàng Trống, không lớn, nhưng từ cái biển hiệu, chi tiết thổ cẩm của bà con vùng núi Tây Bắc được đẽo, điêu khắc trên tấm biển, đủ để thấy chị Thuỷ yêu thích và trân trọng văn hoá của các dân tộc thiểu số như thế nào.

Hơn một thập kỷ gắn bó với bà con dân tộc thiểu số, đuợc biết chị Thuỷ bắt đầu Chie Dù Pù Dù Pà vào năm 2011, không biết chị có thể chia sẻ cho Style-Republik về hành trình của Chie được không? Điều gì đã thôi thúc chị lựa chọn gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Việt Nam?

Xin chào Style-Republik, hành trình của Thuỷ với bà con dân tộc, và đặc biệt là hành trình với Chie Dù Pù Dù Pà cũng khá đặc biệt. Năm 2008, mình tham gia dự án “Xúc tiến ngành nghề nông thôn Tây Bắc” do JICA tài trợ – một chương trình của Nhật Bản với mục đích nâng cao tay nghề may của nghệ nhân các vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Sau ba năm, 2011, dự án kết thúc với những câu hỏi bỏ ngỏ: những người dân vùng cao sẽ làm gì sau dự án? Đâu là đầu ra cho các sản phẩm thủ công của họ? Họ sẽ tiếp tục duy trì sản xuất thổ cẩm truyền thống với định hướng như thế nào? Sự kết thúc của JICA tại thời điểm đó dường như cũng đặt dấu chấm hết đáng tiếc cho sự phát triển của nghề dệt thổ cẩm – truyền thống văn hoá độc đáo của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Chị Trương Thị Thu Thuỷ – Founder của Chie Dù Pù Dù Pà

Tuy nhiên, nhờ sự động viên của các chuyên gia người Nhật, cùng với mối cơ duyên với nghề dệt đã thôi thúc Thủy tìm hướng đi mới cho những sản phẩm thủ công bà con vùng cao. Chie Dù pù dù pà ra đời cũng vì thế, với mục đích đồng hành cùng bà con dân tộc thiểu số bảo tồn và phát triển nghề làm vải thủ công truyền thống, tăng thêm sinh kế bền vững và lan tỏa nét đẹp văn hóa bản địa.

Chị có thể chia sẻ về câu chuyện, ý nghĩa đằng sau cái tên Chie Dù Pù Dù Pà không?

“Chie” là một cái tên rất phổ biến trong tiếng Nhật, mình lấy cái tên “Chie” này một phần cũng muốn để mọi người nhớ đến sự giúp đỡ lớn lao các chuyên gia người Nhật, các bác là người đã đặt nền móng cho dự án “Xúc tiến ngành nghề nông thôn Tây Bắc” này. Ngoài ra, “Chie” cũng là tên một nhân vật truyện tranh gắn liền với tuổi thơ của Thuỷ, đó là “cô bé hạt tiêu”.

Còn “Dù Pù Dù Pà” bắt nguồn từ tiếng Thái, nghĩa là “ở rừng ở núi”. Ở Chie, món gì cũng mộc mạc, đơn sơ, đều “dù pù dù pà – ở rừng, ở núi về”.

Chị có thể chia sẻ cho Style-Republik về những sản phẩm, nghệ nhân và Hợp tác xã mà Chie đang đồng hành không?

Hiện tại, các sản phẩm chủ đạo của Chie đa phần là đồ phụ kiện và đồ trang trí nhà cửa/đồ đa dụng. Xưởng mẫu được đặt ở Hà Nội, sau đó chuyển lên các hợp tác xã dệt may mà Chie hợp tác như: Hợp tác xã dệt thổ cẩm Na Sang (Điện Biên), hợp tác xã dệt Chiềng Châu (Hòa Bình) và một số nhóm chị em, hộ gia đình nhỏ lẻ, rải rác ở Cán Tỷ (Hà Giang), Pà Cò (Hòa Bình), Kỳ Sơn (Nghệ An)… Mới đây, Thuỷ cũng đã cho xây dựng một xưởng may ở trên đó để bà con có thể tụ tập lại, cùng nhau ngồi may, cũng đỡ vất vả hơn cho mình và công tác vận chuyển.

Hợp tác xã Chiềng Châu thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa bình được thành lập từ năm 2009 và đã gắn bó với Chie trong suốt 10 năm.

Khoảng thời gian đầu, Thủy thường phải lên tận nơi để hướng dẫn bà con mỗi khi có mẫu mới. Sau đó, các hợp tác xã sẽ cử một đến hai người tay nghề khá về Hà Nội học. Gần đây, nhờ sự phát triển của các phương tiện hiện đại, cộng với tay nghề ngày một nâng cao của bà con nên mình cũng chỉ cần gửi thông tin, hình ảnh và yêu cầu về sản phẩm là bà con tự làm được.

Những cột mốc đáng nhớ trong suốt hành trình làm Chie vừa qua?

Thời điểm trước dịch, doanh thu của Chie trung bình dao động từ 200-400 triệu đồng/tháng. Tuy không quá nhiều, nhưng cũng đủ để mình có thể vận hành cửa hàng và đồng hành cùng cộng đồng dân tộc thiểu số. Thu nhập của bà con trung bình từ 3-5 triệu đồng/xã viên. Bà con đi làm vừa có lương ổn định, ngày mùa vẫn cấy gặt được. Không những vậy, bà con còn được vay tiền “không lãi suất” từ quỹ của hợp tác xã để sửa nhà, mua con giống, hoặc mua đồ dùng thiết yếu nên ai cũng phấn khởi.

Trong suốt quá trình làm Chie và gắn bó với bà con vùng cao, chị Thuỷ có gặp những khó khăn và thách thức gì không? Đâu là động lực để chị vượt qua những khó khăn đó?

Khó khăn thì nhiều lắm, nhưng Thuỷ nghĩ bất cứ ai kinh doanh mà chẳng từng gặp qua khó khăn, chỉ khác một chút là với Chie, những khó khăn có lẽ hơi “đặc biệt”.

Đầu tiên là làm thế nào để hợp tác với các bà con. Cộng đồng người dân tộc thiểu số, không phải ai cũng là nghệ nhân, nên các sản phẩm làm ra sẽ không đồng đều về chất lượng. Nhưng nếu chỉ chăm chăm hợp tác với các nghệ nhân với số lượng rất ít thì thể không giải quyết được bài toán về kế sinh nhai và phát triển ngành thổ cẩm được. Nên điều đầu tiên là phải hướng dẫn bà con làm sao để họ hiểu, họ phải may như này, phải làm như kia thì mới có thể bán được. Ngày trước thì mình rất vất vả, phải lên tận nơi để hướng dẫn mỗi khi có mẫu mới, nhưng dần dần, mọi người làm quen, chất lượng và đầu ra cũng được cải thiện hơn. Bà con trên đó cũng bận rộn lắm, đi làm nương, làm rẫy, hái trà, chăn nuôi, nên thuyết phục được họ gắn bó với nghề dệt cũng là một thử thách.

Hợp tác xã Na Sang II thuộc xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên được thành lập vào tháng 8 năm 2007 với các sản phẩm dệt may mang nét đặc trưng của dân tộc Lào.

Một trong những khó khăn khác, đó là thời điểm Covid. Đại dịch Covid-19 xảy ra khiến chúng mình phải hoạt động cầm chừng, sản phẩm thủ công của bà con cũng kén người dùng do giá thành cao và khó bảo quản, khó cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp… Trước đây, các khách hàng của Chie chủ yếu là người nước ngoài, nhưng thời điểm đó, không có khách du lịch, cửa hàng phải đóng một thời gian. Nhưng dù thế nào, Thuỷ tin rằng chúng vẫn có chỗ đứng trong đời sống hiện đại. Vì vậy, chúng mình luôn cố gắng cải tiến mẫu mã, tăng tính ứng dụng và quảng bá rộng hơn nữa đến mọi người. Và thật may mắn, khách nội địa Việt Nam lúc đó lại bắt đầu tìm hiểu về thủ công truyền thống nhiều hơn, và dần dần, Chie cũng tiếp đón nhiều các bạn trẻ, bạn nhỏ và các gia đình đến tham quan, mua sắm và tìm hiểu về nghề dệt thủ công.

Một trong những từ khoá mà Chie đưa tới trong mục Tác động xã hội, đó là “Trao quyền cho phụ nữ”. Thông điệp này có ý nghĩa như thế nào?

Thông điệp này xuất phát từ chính bản thân Thuỷ. Trước đây, Thuỷ sinh ra ở Hà Nội, nhưng khu vực đó vẫn chưa phát triển, các tệ nạn rượu chè, cờ bạc diễn ra thường xuyên, phụ nữ rất khó khăn, chật vật để tìm kiếm việc làm và mưu sinh. Thấm thía việc đó, khi lên vùng cao và gặp bà con miền núi, Thuỷ nhận thấy cái hoàn cảnh đó dường như đang lặp lại. Rất nhiều người phụ nữ không có tiếng nói, thậm chí trong bữa cơm hàng ngày, người phụ nữ, trẻ con không được ăn cơm trên nhà mà phải ăn dưới bếp, hôm nào có khách, khách ăn xong thì họ mới được ăn. Mình thiết nghĩ, người phụ nữ cũng là người lao động vất vả, họ thậm chí phải sinh con, nhưng lại không nhận được quyền bình đẳng. Và có lẽ, kinh tế sẽ là thứ cứu rỗi được tất cả, nếu mà người ta còn “đói bụng”, thì người ta sẽ không nghĩ đến được vấn đề khác.

Với cái nghề thủ công này, nếu gắn bó với nó, bà con sẽ có thêm thu nhập, mỗi tháng 3-5 triệu đồng. Ở các hợp tác xã, sẽ có thêm phần quỹ để bà con vay tiền “không lãi suất” để sửa nhà, mua con giống, mua xe, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, dần dần chị em phụ nữ sẽ tự tin hơn, và có tiếng nói hơn.

Chie Dù Pù Dù Pà là một ngọn cờ đi đầu trong việc vừa gìn giữ văn hoá truyền thống, vừa hướng tới giá trị hiện đại, bền vững cho tương lai. Vậy chị Thuỷ có thể chia sẻ gì về hành trình tương lai của chị và Chie không?

Một trong những dự định Chie đang làm là tái trồng lại các vùng trồng bông. Hiện nay tại Việt Nam, đặc biệt là vùng núi phía Bắc, các khu vực trồng bông đang ngày càng thu hẹp, sản lượng bông sụt giảm mạnh, bởi trồng bông vất vả hơn trồng gai dầu. Chính vì thế, Chie đang cố gắng phát triển thêm, cơ giới hoá nguyên liệu, thử nghiệm các máy xe sợi. Từ đó thì có thể giúp tăng vùng trồng lên, chất lượng ổn định, mới có thể xuất khẩu đáp ứng được nhu cầu.

Với các sản phẩm, mình luôn muốn bán đồ mới, Chie “bảo tồn” chứ không phải “bảo tàng”, việc làm mới, sáng tạo sản phẩm để đáp ứng thị trường giúp bà con gắn bó, đổi mới, nghề dệt thổ cẩm thủ công này mới có thể tiếp tục phát triển được.

Và điều quan trọng nhất, mình muốn gìn giữ và lưu truyền văn hoá bản địa của người dân tộc. Văn hoá của người dân tộc thiểu số rất thú vị, ví dụ như tấm vải thổ cẩm được dệt từ cây lanh còn chứa đựng ý nghĩa tâm linh, được ví như là sự gắn kết giữa người sống và tổ tiên. Sợi lanh dẫn đường cho người chết trở về với tổ tiên và đầu thai trở lại làm người sống kiếp sau… Có nhiều cách để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số, chỉ là bản thân của mỗi cá nhân, cộng đồng dân tộc phải nhận thức được ý nghĩa về cái đẹp, bản sắc quý báu dân tộc mình, mà tự hào và có trách nhiệm để giữ gìn và phát huy được giá trị của nó”.

Cảm ơn chị Thuỷ về những chia sẻ vừa rồi, chúc cho Chie Dù Pù Dù Pà hơn ngày càng phát triển rực rỡ, chúc cho các bà con dân tộc thiểu số ngày càng gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, chúc chị vững tay chèo để đưa dự án đầy ý nghĩa này đi càng xa và phát triển hơn nữa.

Thực hiện: Heidi Trương

Nguồn ảnh: Heidi Trương & Chie Dù Pù Dù Pà