Global Updates: Ferragamo có nguy cơ khủng hoảng khi CEO rời đi, tương lai thương hiệu ngày càng bất định

Ngày đăng: 07/02/25

Ferragamo đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng: CEO Marco Gobbetti ra đi, Giám đốc sáng tạo Maximilian Davis có nguy cơ rời bỏ. Liệu thương hiệu có thể vực dậy?

CEO Gobbetti ra đi: Báo hiệu thay đổi cả vị trí Giám đốc sáng tạo?

Ferragamo và Burberry có nhiều điểm chung: cả hai đều là những thương hiệu lâu đời, đều đã rơi vào khủng hoảng gần đây, đã bổ nhiệm cho vị trí giám đốc sáng tạo là người Anh trẻ tuổi, và đều có Marco Gobbetti làm CEO. Tuy nhiên, nếu như các vấn đề của Burberry không hoàn toàn xuất phát từ Gobbetti (trong bốn năm tại Burberry, ông điều hành thương hiệu chịu tác động lớn từ đại dịch Covid và Brexit), thì câu chuyện lại khác tại Ferragamo.

CEO của Ferragamo – Marco Gobbetti (người từng nắm quyền điều hành tại Burberry). Nguồn ảnh: FashionNetwork.

Vị cựu CEO, người sẽ rời khỏi chức vụ này vào ngày 6 tháng 3, đã chứng kiến giá cổ phiếu của thương hiệu giảm 65% trong ba năm. Đầu năm 2022, giá cổ phiếu Ferragamo đạt mức hơn 22 euro, nhưng hiện chỉ còn khoảng 7,65 euro. Khi Gobbetti mới đảm nhiệm vị trí, WWD từng nhận định: “Gobbetti khó có thể đối mặt với những thách thức tại Ferragamo giống như ở Burberry. Với mức vốn hóa thị trường 3,17 tỷ euro, Ferragamo chỉ bằng một phần ba quy mô của Burberry và được niêm yết trên một sàn giao dịch nhỏ hơn, ít quan trọng hơn so với London Stock Exchange (LSE). Doanh thu thương hiệu chủ yếu đến từ phụ kiện da cao cấp, vốn ít bị ảnh hưởng bởi xu hướng theo mùa hoặc phụ thuộc vào các nhà thiết kế ngôi sao. Hơn nữa, những sản phẩm này đảm bảo tỷ suất lợi nhuận cao hơn.” Tuy nhiên, có vẻ như các vấn đề của Ferragamo đã bị đánh giá thấp.

Sàn Giao Dịch Chứng Khoán Milan (Borsa Italiana) có mã viết tắt là BIT – là nơi Ferragamo đăng ký niêm yết cổ phiếu với mã giao dịch: BIT: SFER

Năm 2024 là một năm đầy khó khăn đối với thương hiệu: doanh thu sơ bộ đạt 1,04 tỷ euro, giảm 10,5% so với năm trước, trong khi lợi nhuận hoạt động hàng năm dự kiến chỉ khoảng 30 triệu euro – giảm mạnh so với mức trước đại dịch khi con số này từng lên đến khoảng 80 triệu euro. Như thường thấy, sự ra đi của CEO đặt ra nghi vấn về tương lai của. Maximilian Davis – nhà thiết kế trẻ tài năng người Anh, được bổ nhiệm vào năm 2022 – liệu anh còn tiếp tục gắn bó với thương hiệu hay không?

Maximilian Davis – nhà thiết kế trẻ tài năng người Anh. Cre: Nicolò De March cho báo TIME

Xáo trộn liên tiếp trong ban lãnh đạo

Việc Gobbetti rời đi đánh dấu thêm một lần thay đổi lãnh đạo tại Ferragamo – thương hiệu đã có tới bốn CEO khác nhau chỉ trong chưa đầy một thập kỷ. Michele Norsa rời đi vào năm 2016 sau mười năm điều hành, tiếp đó là Eraldo Poletto vào năm 2018 và Micaela Le Divelec Lemmi vào năm 2021. Sự bất ổn trong đội ngũ quản lý đã tạo ra tâm lý lo ngại, không chỉ bên trong công ty mà còn đối với các nhà đầu tư, và càng làm phức tạp thêm quá trình tái thiết thương hiệu.

Các đời CEO của Ferragamo trong 10 năm qua (trái qua phải): Michele Norsa (2006-2016), Eraldo Poletto (2016-18), Micaela Le Divelec Lemmi (2018-21), và Marco Gobbetti (2021-hiện tại)

Trong thời gian chuyển giao, chủ tịch Leonardo Ferragamo sẽ tiếp quản quyền điều hành, cùng với sự hỗ trợ của một ủy ban quản lý bao gồm các giám đốc cấp cao dày dặn kinh nghiệm như James Ferragamo, Ernesto Greco, và cựu CEO Michele Norsa, người đã được triệu hồi trở lại. Có tin đồn cho rằng những khó khăn trong lãnh đạo xuất phát từ cuộc đấu tranh quyền lực giữa Gobbetti và các thành viên trong gia đình sáng lập, những người vốn được đánh giá cao vì sự đoàn kết nhưng cũng bị xem là rào cản do thái độ bảo thủ, ít chấp nhận thay đổi.

Ngay từ năm 2020, Reuters đã cảnh báo rằng quyền kiểm soát phần lớn cổ phần thương hiệu (ước tính từ 64% đến 70% tùy theo nguồn tin) có thể trở thành một rào cản do các vấn đề liên quan đến cơ cấu quản lý gia đình và sự bảo thủ trong việc ra quyết định – một nhận định được BoF xác nhận khi cựu giám đốc sáng tạo Paul Andrew rời khỏi thương hiệu vào năm 2021.

Theo bài báo, cơ cấu sở hữu phức tạp của gia đình Ferragamo khiến việc đạt được đồng thuận trong các quyết định chiến lược quan trọng, chẳng hạn như bán cổ phần thiểu số hoặc tìm kiếm nhà đầu tư bên ngoài, trở nên khó khăn. Chính điều này làm chậm quá trình ra quyết định và cản trở thương hiệu thích ứng nhanh trong một thị trường xa xỉ đầy cạnh tranh.

Tồn đọng lâu năm và áp lực cạnh tranh

Pre-fall 2024 campaign. Cre: Ferragamo

Ngay cả trước đại dịch, Ferragamo đã có dấu hiệu trì trệ, với doanh số mắc kẹt quanh mức 1,4 tỷ euro, mặc dù ngành xa xỉ đang bùng nổ trong cùng thời kỳ. Sau đó, doanh thu của thương hiệu sụt giảm 60% so với cùng kỳ năm trước trong quý hai năm 2020. Cách đây năm năm, giá cổ phiếu của Ferragamo cũng đã giao dịch ở mức thấp hơn nhiều so với các đối thủ như MonclerPrada, trong khi giá trị cổ phiếu của các thương hiệu này sau đó đã tăng mạnh – phản ánh sự yếu thế của Ferragamo trên thị trường.

Quy mô tương đối nhỏ cũng khiến Ferragamo kém hấp dẫn hơn đối với các tập đoàn xa xỉ lớn như LVMH hay Kering, khiến khả năng được mua lại cũng trở nên xa vời. Việc gọi vốn từ quỹ đầu tư tư nhân cũng không phải là giải pháp dễ dàng, vì sẽ đòi hỏi gia đình sáng lập phải từ bỏ quyền kiểm soát thương hiệu – một điều mà họ chưa bao giờ sẵn sàng làm.

Nhìn từ bên ngoài, vấn đề của Ferragamo không hẳn nằm ở sản phẩm hay hướng sáng tạo. Chiếc túi Hug của Maximilian Davis vẫn được giới mộ điệu đánh giá cao, nhưng thị trường xa xỉ đang bị kìm hãm bởi hai áp lực lớn: sự suy giảm chi tiêu toàn cầu và tình trạng bão hòa trong ngành thời trang.

@ferragamo

Fiamma. #FerragamoFiammaBag #Ferragamo #FerragamoFW24 #TikTokFashion #MFW

♬ suono originale – FERRAGAMO

Nhiều thương hiệu tái cấu trúc đã theo đuổi phong cách modernist-chic mà Daniel Lee từng làm mới tại Bottega Veneta – với các chất liệu phong phú, phom dáng sang trọng, cùng xu hướng ton-sur-ton theo phong cách Phoebe Philo. Trong bối cảnh đó, tài năng của Maximilian Davis có thể ví như một “nhà thờ giữa sa mạc”: các bộ sưu tập của anh được đánh giá xuất sắc, các buổi trình diễn được săn đón, nhưng sức hút của chúng không vượt ra khỏi phạm vi “bong bóng thời trang” (là nội bộ ngành – giới chuyên môn, nhà mốt, biên tập viên, người có ảnh hưởng trong thời trang – nhưng không phải thị trường tiêu dùng nói chung) để chuyển hóa thành sức mạnh thương mại.

S/S 2025 Runway. Cre: Ferragamo

Cuối cùng, vấn đề của Ferragamo không hẳn nằm ở người “lái xe” mà ở chính chiếc xe. Tuy nhiên, nếu thương hiệu đánh mất người cầm lái hiện tại (Maximilian), thì những nghi ngờ về tương lai của hãng sẽ càng gia tăng. Nhưng đó có thể chỉ là hệ quả của vấn đề lớn hơn, chứ không phải nguyên nhân chính khiến thương hiệu gặp khó khăn. 

Chuyển ngữ: Linh J.

Theo NSS Magazine