Góc nhìn về Covid-19: “Đánh giá cơ hội, tiềm năng phía trước để chuyển mình cùng với thời đại”

Ngày đăng: 17/04/20

Đầu năm 2020 được xem là thời điểm khó khăn của nền kinh tế toàn cầu. Lệnh cách ly xã hội tại các quốc gia khiến tình hình kinh doanh trở nên ảm đạm.

Tại Việt Nam, kinh doanh thời trang gặp nhiều thử thách. Style-Republik đã trao đổi cùng những nhà thiết kế và các nhân vật đang hoạt động trong làng thời trang Việt với nhiều vai trò khác nhau. Qua các góc nhìn riêng biệt, các ý kiến và giải pháp cho ngành thời trang Việt, đã làm nên chuyên đề Góc nhìn về Covid-19

Trong bài viết kì này, cùng lắng nghe những chia sẻ dưới góc nhìn của một nhà tư vấn chiến lược kinh doanh thời trang đến từ chị Trần Hà Mi – Thạc Sĩ chuyên ngành Quản Trị Kinh Doanh ngành Thời Trang tại ESMOD-ISEM và là nhà đồng sáng lập của chuyên trang giám tuyển Style-Republik. 

Chị Hà Mi – Thạc Sĩ chuyên ngành Quản Trị Kinh Doanh ngành Thời Trang tại ESMOD-ISEM và là nhà đồng sáng lập của chuyên trang giám tuyển Style-Republik

Là người gắn liền với ngành công nghiệp thời trang nội địa. Chị nhận thấy những thương hiệu Việt đang gặp phải những khó khăn như thế nào?

Tôi nghĩ không riêng gì thời trang mà tất cả ngành nghề đều bị ảnh hưởng rất nặng. Riêng với thời trang, Covid-19 đã gây 1 hiệu ứng domino tác động lớn từ sản xuất đến bán lẻ và đến cả những ngành dịch vụ liên quan như nhiếp ảnh, quay phim, tổ chức sự kiện và kể cả giáo dục. Các thương hiệu Việt vừa bị thiếu hụt nguồn cung ứng nguyên vật liệu do phải nhập khẩu từ những nước lân cận, đặc biệt là Trung Quốc nên không thể ra BST mới, mặt khác lại chịu ảnh hưởng lớn từ việc cách ly xã hội nên lưu lượng mua sắm tại cửa hàng giảm đáng kể từ sau Tết đến bây giờ là phải đóng cửa theo quy định của chính phủ nhằm ngăn chặn lây nhiễm chéo. Khách hàng mua sắm do bị buộc cách ly tại gia nên cũng không có nhu cầu mua sắm thời trang (vì đây là sản phẩm phục vụ cho việc đi ra ngoài). Điều tích cực duy nhất trong thời điểm hiện tại là thói quen mua sắm qua mạng đang được hình thành và hứa hẹn sẽ là tương lai của bán lẻ, nên những thương hiệu thời trang trước giờ đã quan tâm và đầu tư vào kênh e-commerce thì vẫn có thể sống sót qua mùa dịch nhờ vào việc đẩy doanh số trên các kênh online.

Những bước xử lý cho sự khủng hoảng kinh tế lần này, theo chị, nên được thực hành ra sao?

Đây là câu trả lời mang tính vĩ mô mà tôi nghĩ bản thân mình không đủ tự tin để đưa ra câu trả lời. Tuy nhiên, nếu đặt mình vào phương diện của nhà bán lẻ thì tôi sẽ phân tích thị trường trong mùa dịch để phân tích tiềm năng cần khai thác, cụ thể là e-commerce. Tôi nghĩ sau mùa dịch này, các thương hiệu Việt sẽ có sự đầu tư kỹ lưỡng vào website bán hàng riêng và phát triển hệ thống phân phối trên những nền tảng thương mại điện tử khác để không quá phụ thuộc vào bán lẻ ở cửa hàng. Một trong những bài học mà nCoV dạy cho chúng ta là không có điều gì là không thể xảy ra. Việc cách ly xã hội những tưởng chỉ diễn ra ở thời kỳ chiến tranh bất ngờ thực thi lại sau cả trăm năm. Bán lẻ vốn dĩ là xương sống của một nền kinh tế thì trở nên đóng băng làm ai cũng đều phải tự hỏi mình rằng liệu chỉ phụ thuộc vào một hệ thống phân phối đã là đủ. Do đó chúng ta cần tỉnh táo để tiếp tục tìm ra câu trả lời làm sao để luôn có chọn lựa thay thế để tồn tại trong tất cả mọi điều kiện khắc nghiệt nhất.

Những nhà sáng lập thương hiệu, trong giai đoạn này cần làm gì để khắc phục hậu quả sau Covid-19? 

Việc đầu tiên là phải xem lại chi phí vận hành và sản xuất để tìm lỗ hổng và tái tạo lại cơ cấu cho nhỏ gọn hơn, giảm chi phí không cần thiết. Việc thứ hai là xem lại nguồn nhân lực đang có để giữ những ai thật sự hiệu quả và giảm bớt nguồn nhân sự dư thừa. Dùng thời gian cách ly xã hội để huấn luyện lại kỹ năng lao động bằng cách khuyến khích nhân viên tham gia các khóa học online hoặc tổ chức huấn luyện online để bồi dưỡng kiến thức giúp nhân sự làm việc hiệu quả hơn khi cuộc sống trở lại bình thường. Việc thứ ba là tìm hướng phát triển mới cho công ty bằng cách đánh giá tiềm năng và rủi ro của mùa dịch mang lại để từ đó phân tích cơ hội tương lai, cụ thể là e-commerce hay hình thức dịch vụ gia tăng nào đó để kết hợp đẩy doanh số cho bán lẻ hiệu quả.

Chị Hà Mi chia sẻ những kiến thức trong lớp học Fashion Business tại SR Fashion Business School

Thay đổi – hay nên dừng lại trong giai đoạn này? Câu trả lời cho vấn đề này sẽ rơi vào từng trường hợp nhà thời trang. Về mình, chị nhận định sao về điều này?

Tôi nghĩ câu trả lời là “Thay đổi hoặc là chết.” Dù có dịch bệnh hay không thì thị trường vốn dĩ luôn thay đổi, khách hàng cũng thay đổi, cuộc sống luôn thay đổi. Do đó để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp nào cũng phải thấu hiểu thị trường để phân tích và đánh giá tiềm năng để chộp thời cơ.

Chúng ta cũng nhìn thấy các thương hiệu nước ngoài gặp phải trường hợp tương tự, các “ông trùm” về fast-fashion cũng gặp khó khi giãn cách xã hội. Thương hiệu của họ không có câu chuyện di sản, và khi có khủng hoảng xảy ra, họ sẽ bị bỏ rơi đầu tiên. Chị nghĩ gì về nhận định này?

Tôi không đồng ý với nhận định này vì hiện tại các thương hiệu đều có những cách đối phó với dịch bệnh riêng. Ông chủ Zara tuyên bố sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ để chung tay hỗ trợ bệnh nhân và bác sĩ. H&M cũng tham gia làm PPE (Personal Protective Equipment – Dụng cụ bảo vệ cá nhân), Uniqlo cũng ủng hộ 10 triệu khẩu trang trên toàn thế giới… Các thương hiệu fast fashion ở Việt Nam cũng chung tay trích doanh thu ủng hộ người nghèo hay hỗ trợ công tác phòng dịch, mỗi thương hiệu đều cố gắng góp sức theo khả năng. Vừa làm việc ý nghĩa, vừa tô điểm cho hình ảnh là một thương hiệu luôn mang lại giá trị cho người tiêu dùng và cộng đồng, tôi nghĩ người tiêu dùng sẽ không quay lưng với họ.

Các chiến lược marketing vào thời điểm này cũng gặp khó khi sự kiện không thể tổ chức. Có thương hiệu sản xuất khẩu trang để kiếm thêm hoặc marketing cho thương hiệu vào thời điểm này. Chị nghĩ sao về điều này? 

Theo tôi, thương hiệu không nhất thiết phải sản xuất khẩu trang mới có thể đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là với năng lực sản xuất không đủ. Thương hiệu có thể mua lại khẩu trang và nước rửa tay để làm quà tặng kèm khi mua sắm, thường xuyên cập nhật những thông tin chính thức về dịch bệnh để khách hàng để tạo nội dung gắn kết với khách hàng trong mùa dịch, trở thành một trong những kênh truyền thông để khách hàng tin cậy cũng là một hoạt động Marketing thiết thực. Nếu không tổ chức được event thì có thể tạo nhiều nội dung video hấp dẫn để truyền tải cảm hứng cho khách hàng. Thậm chí cũng có thể làm livestream tương tác trực tiếp hoặc những buổi workshop online để kết nối với khách hàng trong mùa này. Đó cũng là lý do tại sao Style-Republik.com đã khởi xướng chiến dịch #OnhaVanDep để khuyến khích thương hiệu tạo content về cảm hứng mặc đẹp trong tất cả khoảnh khắc ở nhà, để khách hàng cảm thấy thích thú mua sắm hơn để theo trào lưu, cũng là cách để họ giải khuây trong những ngày cách ly buồn tẻ.

Chị Hà Mi tại chương trình SR Business Talk – Những buổi trao đổi về thời trang được tổ chức định kì hàng tháng tổ chức bởi Style-Republik

Nhân sự trong ngành thời trang bán lẻ tại Việt Nam vốn chưa được training cho sự khủng hoảng này. Sự hoang mang là điều chắc chắn. Chị nhìn nhận vấn đề này thế nào giải quyết ra sao? 

Tôi nghĩ là khủng hoảng Covid-19 là điều mà không ai ngờ tới để có thể được trang bị kiến thức đủ để đối phó. Dù là thời trang hay ngành nghề nào cũng đang rất hoang mang như nhau. Thế nhưng đây cũng là dịp để nhìn lại chiến lược kinh doanh trước giờ, về nguồn vốn và nhân sự, đồng thời đánh giá cơ hội tiềm năng phía trước để chuyển mình cùng với thời đại. Trong mọi sự việc đều có tốt và xấu nên chúng ta cần giữ vững cái đầu tích cực để phân tích sự việc chính xác hơn. Và tôi đồng ý đây cũng là thời điểm để học hỏi vì có rất nhiều thương hiệu thời trang kể cả ngành nghề khác cũng đang ứng phó rất tốt với tình hình này. 

Trong mọi sự việc đều có tốt và xấu nên chúng ta cần giữ vững cái đầu tích cực để phân tích sự việc chính xác hơn.

Nhiều thương hiệu thời trang Việt Nam trước nay vốn thờ ơ với thương mại điện tử. Theo chị, lý do ra vì sao?

Thương mại điện tử trước giờ vẫn chưa phải là kênh mua sắm chính ở Việt Nam. Riêng với thời trang thì ngành này lại còn gặp khó khăn đáng kể vì khách hàng thời trang thường thích đi mua sắm, ướm thử quần áo rồi mới có chọn lựa phù hợp. Chính vì thế chúng ta vẫn chưa có ai dám đầu tư vào kênh thương mại điện tử lớn như Lazada hay Tiki. Bằng chứng là kể cả Zalora hay Leflair vốn có định vị là thời trang cũng đã ra đi sau 4-5 năm do thương mại điện tử ngốn quá nhiều vốn nhưng nếu chỉ tập trung vào thời trang thì chưa đủ. Còn lại thì chỉ có một vài kênh thương mại điện tử nhỏ nhưng không đáng kể để có thể trở thành kênh mua sắm lớn cho người yêu thời trang. Việc mà các thương hiệu Việt cần làm là đầu tư làm một kênh riêng cho mình, ít nhất cũng là một trang website đơn giản (có thể dùng Shopify hay Squarespace, Wixx) để xây dựng mà không tốn quá nhiều chi phí, rồi thành lập một đội sale online để phát triển riêng cho kênh này. Covid-19 tạo ra một hành vi mua sắm mới là online, đây là cơ hội tốt cho e-commerce sau này.

Covid-19 tạo ra một hành vi mua sắm mới là online, đây là cơ hội tốt cho e-commerce sau này.

Có phải những công ty tổ chức sự kiện show diễn và gameshow thời trang đều gặp phải khó khăn trong giai đoạn này? 

Điều này là dĩ nhiên vì đã có quá nhiều khủng hoảng xảy ra từ fashion week hay những sự kiện thời trang tập trung đông người nên ở thời điểm này, sự kiện thời trang đang trở thành điều nhạy cảm và chắc chắn dù có sự kiện cũng không ai muốn đi và nhà tổ chức cũng không dám chắc sẽ chịu nổi trách nhiệm nếu có khủng hoảng xảy ra. 

Cách nào để họ vượt qua giai đoạn này?

Tôi nghĩ đây là câu hỏi nên dành cho founder của các công ty tổ chức sự kiện. Riêng bản thân tôi thì tôi nghĩ có thể tìm hiểu những platform làm sự kiện online, hay kể cả làm dịch vụ digital marketing. Hôm trước tôi cũng có đọc tin về một số ca sĩ lớn thế giới tổ chức nhạc hội online. Đấy là một tin tức thú vị và là một sự kiện đáng để tìm hiểu và tham khảo.

SR Fashion Business Talk được chỉ đạo thực hiện bởi chị Hà Mi

Khi không có show diễn và sự kiện thời trang, kols, influencers cần làm gì để giữ tên tuổi của mình? Tik tok và các kênh online có phải là một cứu cánh?

Tik Tok đang là “dậy sóng” trên toàn thế giới, tất cả celebrities đều cũng đang mon men làm quen với Tik Tok và kể cả những ai trước giờ nói không với TikTok cũng đều đã bị thuyết phục. Tôi nghĩ mảng dịch vụ tư vấn và tạo content TikTok sẽ là 1 dịch vụ hot trong tương lai.

Vừa qua, BOF có đưa một thông điệp rằng, “Thời trang vốn dĩ đã chết, trước cả COVID-19, chúng ta đang chết đi vì hệ thống thiếu bền vững, vì ý tưởng và sự sáng tạo không được tôn vinh…”. Quan điểm của chị về vấn đề này dưới con mắt của một chuyên gia tư vấn chiến lược kinh doanh thời trang? 

Cá nhân tôi cho rằng đây là một nhận định chủ quan và khá là gay gắt bởi người viết chỉ đứng về góc nhìn của người làm sáng tạo và xem thời trang như một bộ môn nghệ thuật, còn tôi luôn nhìn thời trang bằng con mắt của người yêu thời trang làm kinh doanh. 

Thời trang vốn dĩ là nghệ thuật nhưng từ lâu đã bị thương mại hoá, nhất là bởi tác động của thời trang nhanh. Thế nhưng đó là quy luật tự nhiên của xã hội vì 7 tỉ dân trên thế giới không thể nào tranh nhau một chiếc đầm Haute Couture được. Mà để phục vụ cho từng ấy con người sẽ đòi hỏi năng lực sản xuất rất lớn và nhanh. Nhưng khi đã lớn và nhanh thì sẽ không thể nào tỉ mỉ và nghệ thuật được, và đặc biệt lại càng rất khó để tuân thủ quy luật của bền vững.

Tôi hoàn toàn đồng ý với việc đảm bảo tính bền vững trong thời trang để bảo vệ môi trường và cũng sẽ làm những gì trong khả năng để cổ vũ và thực hiện thời trang bền vững. Thế nhưng tôi cảm thấy nhiều người đang quá cực đoan với chủ đề này trong khi vấn đề không chỉ nằm ở chúng ta – những người am hiểu thời trang mà nằm ở người tiêu dùng. Ngày nào họ vẫn còn chưa được giáo dục ý thức về bền vững tốt hay thậm chí không có thu nhập đủ cao để sở hữu những sản phẩm thời trang giá trị thì chúng ta sẽ cứ phải vòng vo mãi với chủ đề này. Bền vững không hề đơn giản và cũng không rẻ để theo đuổi nhưng lại có quá nhiều người muốn kinh doanh thời trang rẻ, xoay vòng vốn nhanh, và bên cạnh đó khách hàng cũng thường thích chọn thời trang rẻ. 

Tôi nghĩ thời trang sẽ vẫn luôn tồn tại song song 2 phân khúc. Một là phần nghệ thuật để dành cho những người thật sự am hiểu và trân trọng. Phần kia là dành cho người tiêu dùng đại trà. Vấn đề còn lại là làm sao để có thể bền vững hoá thời trang nhưng vẫn đảm bảo được giá thành thấp, kiểu dáng hợp gu đại chúng để người tiêu dùng sẵn sàng bỏ fast-fashion.

Resale và Sustainable fashion có phải là lựa chọn tiếp theo của người tiêu dùng? Các thương hiệu đang đi theo con đường này, cần làm gì ở bước kế tiếp? Đặc biệt tại thị trường Việt Nam?

Tôi thích khái niệm Resale vì tôi tin rằng đây sẽ là một trong những mô hình kinh doanh thời trang bền vững dễ thực hiện và dễ đón nhận. Tất cả chúng ta ai cũng có xu hướng mua nhiều hơn là cần và mặc vài lần lại chán. Do đó bất kỳ ai mở tủ quần áo ra cũng sẽ phải bất ngờ với khối lượng đồ “mặc chỉ một lần” hoặc “chưa mặc bao giờ” của mình, nhưng chúng ta vẫn cứ tiếp tục mua sắm tiếp. Resale là giải pháp hoàn hảo cho nhu cầu “không cần thiết” ấy để giảm bớt cảm giác tội lỗi và cũng giúp kéo dài vòng đời sản phẩm hơn, mang chúng đến tay nhiều người cần chúng hơn. Chúng ta có thể cân nhắc về ý tưởng mua đi bán lại giữa khách hàng của cùng thương hiệu, khuyến khích khách hàng mang đồ cũ đổi ưu đãi để mua sản phẩm mới, hay việc mở kinh doanh đồ secondhand chất lượng, hoặc kể cả những quỹ từ thiện chuyên thu thập thời trang, phụ kiện cũ để mang chúng đến những người cần. 

Về sustainable fashion thì tôi luôn tin đây là ý tưởng hay nhưng sẽ rất khó thực hiện bởi người làm phải có kiến thức chuyên sâu, nghiên cứu lâu dài, thậm chí là vốn lớn để đầu tư về những chất liệu bền vững để có thể phát triển thành sản phẩm thời trang. Khái niệm kinh doanh này sẽ khó khăn với doanh nghiệp nhỏ nhưng nếu là hãng lớn thì tôi nghĩ đây là tương lai cho sự phát triển của họ. 

Nhà thiết kế Việt đang chạy theo quá nhiều công việc cùng một lúc, vừa đảm nhiệm khâu sáng tạo lại vừa tự mình nghiên cứu thị trường, vận hành cả kinh doanh. Chị có nghĩ đây là một điều thiệt thòi?

NKT Việt được đào tạo về kỹ năng và tư duy thiết kế nhưng chưa được đào tạo bài bản về kinh doanh thời trang. Hơn nữa khi làm một thương hiệu mà phải phụ trách quá nhiều công việc từ thiết kế đến kinh doanh thì sẽ khó mà có hiệu quả mong muốn. Do đó họ cần trang bị kiến thức kinh doanh bài bản để dù không làm thì vẫn đủ kiến thức để thuê và điều hành người khác làm kinh doanh trong lúc họ tập trung vào thiết kế. Họ có thể học thêm hoặc còn cách khác là tìm một đối tác biết làm kinh doanh thời trang.

Chị Hà Mi, Thạc Sĩ chuyên ngành Quản Trị Kinh Doanh ngành Thời Trang tại ESMOD-ISEM – trường học tư thục về thời trang lâu đời nhất Paris. Chị từng được biết đến với vai trò Head of Marketing tại Gucci Vietnam, tạp chí ELLE Vietnam, và trang thương mại điện tử cao cấp Leflair. Chị cũng là đồng sáng lập của tổ chức thời trang từ thiện Áo Đổi Áo và cũng là người đã tạo nên hashtag #unghoNTKViet. Hiện tại, chị là nhà đồng sáng lập Style-Republik và không gian giảng dạy kinh doanh thời trang SR Fashion Business School. 

Thực hiện: Thư Quân