Góc nhìn về Covid-19: Các chủ thương hiệu thời trang Việt đang xoay xở ra sao?

Ngày đăng: 08/04/20

Đầu năm 2020 được xem là thời điểm khó khăn của nền kinh tế toàn cầu. Lệnh cách ly xã hội tại các quốc gia khiến tình hình kinh doanh trở nên ảm đạm. Tại Việt Nam, kinh doanh thời trang gặp nhiều thử thách. Style-Republik đã trao đổi cùng những nhà thiết kế và các nhân vật đang hoạt động trong làng thời trang Việt với nhiều vai trò khác nhau. Qua các góc nhìn riêng biệt, các ý kiến và giải pháp cho ngành thời trang Việt, đã làm nên chuyên đề Góc nhìn về Covid-19. 

Mở đầu chuyên đề Góc nhìn về Covid-19, gặp gỡ Nhà thiết kế Lý Giám Tiền, Hà Thanh Huy và chị Nhung Phạm – Founder Hobb Design – cùng lắng nghe những chia sẻ về tình hình kinh doanh thời trang giữa mùa dịch Covid-19, để hiểu thêm về việc các chủ thương hiệu thời trang Việt đang xoay xở ra sao?

Nhà thiết kế Lý Giám Tiền

Covid-19 đang ảnh hưởng thế nào đến anh trong việc kinh doanh? 

Covid-19 đang ảnh hưởng rất nhiều đến công việc kinh doanh của các doanh nghiệp. Sau Tết âm lịch, Covid -19 làm giảm 50% doanh thu của quý đầu tiên của Lý Giám Tiền. Hiện tại cửa hàng đang thực hiện theo lệnh cách ly toàn xã hội của Thủ tướng nên đã đóng cửa và một vài bộ phận làm việc của team cũng đã tạm về quê hoặc gia đình để tránh dịch. 

Những người bạn xung quanh anh trong nghề thiết kế thì sao?

Hầu hết các cửa hàng dọc trên phố gần cửa hàng mình đều đã đóng, một số trả lại mặt bằng kinh doanh do chịu nhiều ảnh hưởng. 

Anh có thể chia sẻ về hướng đi của mình trong thời điểm khó khăn này?

Theo Tiền đây là giai đoạn để làm các việc sau:

1. Hạn chế ra ngoài hết sức có thể và tuân thủ các quy định của Nhà nước và chính phủ. 

2. Tập trung vào kinh doanh online thay vì offline. 

3. Tạo ra các chương trình khuyến mãi thu hút người tiêu dùng với các nguồn hàng tồn trước Tết. 

Theo anh, đây có phải là thời điểm những NTK Việt nhìn lại phong cách và sáng tạo của mình, để có hướng đi sáng sủa và phong cách cá nhân không?

Đối với những ai chưa tìm được dấu ấn cá nhân thì đây là thời điểm thích hợp để nhìn lại phong cách và sáng tạo của mình.

Anh nghĩ gì về xu hướng tiêu dùng, liệu sẽ có chất nhiều hơn lượng trong thời trang sau Covid-19?

Mình nghĩ hiện giờ chuyện an toàn là trên hết và chuyện ăn mặc sẽ đứng sau. Sau Covid-19 thì cần một khoảng thời gian, hồi phục kinh tế thì xu hướng tiêu dùng mới ổn định lại hoặc sẽ thay đổi hơn trước. 

Anh có thể mô tả đôi chút về thương hiệu của mình sau Covid-19 và ước muốn sau 5 năm?

Sau Covid-19, Lý Giám Tiền sẽ hoạt động lại các công việc kinh doanh. Ước muốn sau 5 năm xây dựng thương hiệu LY GIAM TIEN trở thành một trong top những thương hiệu thành công với phong cách thời trang cá tính và độc đáo.

NTK Lý Giám Tiền

Lý Giám Tiền là cái tên đoạt giải quán quân Project Runway Vietnam 2014 khi mới 18 tuổi. Năm 2015 anh được tạp chí Thể thao Văn hoá Đàn ông bình chọn là Nhà thiết kế đột phá của năm và tạp chí Forbes đưa vào danh sách những cái tên đầy triển vọng hứa hẹn sẽ tạo dấu ấn trong năm. Anh cũng từng ra mắt tác phẩm tại sàn diễn quốc tế New York Couture Fashion Week. Với những cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ suốt 5 năm qua, Lý Giám Tiền đã dần trở thành một tên tuổi gắn bó với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong showbiz Việt.

Nhà thiết kế Hà Thanh Huy 

Việc kinh doanh của anh có bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?

Covid 19 không những ảnh hưởng đến thương hiệu Ha Thanh Huy mà còn ảnh hưởng đến tất cả ngành nghề trên toàn cầu. Về mức độ ảnh hưởng ít nhiều tùy thuộc vào quy mô công ty. Với những thương mới thành lập trong 5 năm trở lại đây như tôi thì đã có số lượng khách hàng ổn định và trung thành thì vẫn giữ được nguồn thu nhập mỗi tháng, doanh thu đủ để duy trì thương hiệu và cửa hàng. Hiện tại, các thiết kế của Ha Thanh Huy được trưng bày tại 125 Nguyễn Thái Bình, Quận 1, tạm ngừng tiếp khách nhưng vẫn sáng đèn để trưng bày mẫu thiết kế mới. 

Trong giai đoạn này, anh áp dụng các chiến lược kinh doanh nào để tiếp tục vận hành thương hiệu?

Trong giai đoạn này, Huy áp dụng sale các sản phẩm tồn kho, giảm giá thành các sản phẩm mới và tạo ra một sản phẩm đặc trưng với giá thành vừa phải để bán trong mùa dịch.

Các nhà thiết kế Việt nên làm gì trong thời điểm này?  

Theo Huy đây là thời điểm thích hợp để nhìn lại thị phần, phong cách và định hướng của thương hiệu mình. 

Thị trường thời trang sẽ có nhiều thay đổi hay không sau khi dịch kết thúc?

Xu hướng tiêu dùng có chất nhiều hơn lượng trong thời trang tuỳ thuộc vào định hướng của nhà thiết kế cho thương hiệu của mình. Cá nhân Huy vẫn ưu tiên chất lượng nhiều hơn số lượng với giá thành phải chăng. 

Trong tương lai anh có những mục tiêu gì mới cho thương hiệu? 

Thương hiệu của Huy vẫn đi đúng với định hướng từ lúc thành lập sẽ tạo ra được nhiều thiết kế ứng dụng có màu sắc riêng đi kèm chất lượng. Ước muốn sau này của Huy là sẽ ra mắt được BST Xuân Hè và Thu Đông một năm 2 lần và được công chúng đón nhận.

Chân dung NTK Hà Thanh Huy

Nhà thiết kế Hà Thanh Huy là nhà sáng lập 3 thương hiệu thời trang Hà Thanh Huy, David Wong và David – H. Các thiết kế của anh gắn liền với nhiều người mẫu nổi tiếng, nổi bật trong đó có Lan Khuê. Hà Thanh Huy cũng chính là người đã thiết kế váy cưới cho Lan Khuê trong hôn lễ của cô, tác phẩm được chính anh nhận xét “thiết kế cao cấp và tốn nhiều công sức nhất Huy từng làm”. 

Nhung Phạm – Founder Hobb Design

Việc kinh doanh của Hobb có bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?

Dịch Covid 19 làm sụt giảm 50% doanh số tháng 3 và có thể 70% doanh số tháng 4 của thương hiệu bên mình so với năm ngoái. Đến thời điểm này do dịch gây ảnh hưởng thay đổi theo ngày, nên mọi KPI mình để ra cho năm nay hay kế hoạch cho thương hiệu đều không thực hiện được.

Hiện tại cửa hàng Hobb như thế nào? 

Do lệnh của Chính Phủ nên Hobb bắt buộc đóng cửa hàng từ ngày 27/3. Hiện đội ngũ nhân viên bán hàng mình phải nghỉ hết. Tuy nhiên bộ máy marketing và team sản xuất hình ảnh vẫn hoạt động, bộ máy nhân sự như kế toán và xưởng mình cho hoạt động 3 ngày mỗi tuần.

Chị nhận nhận xét thế nào về tình hình này? 

Các thương hiệu thời trang mình thấy đều có tình trạng chung như vậy. Các thương hiệu tập trung tới nhóm đối tượng khách hàng ở thành phố lớn như Hobb có vẻ gặp khó khăn hơn so với thương hiệu hướng tới khách hàng ở tỉnh thành phố nhỏ.

Theo chị các chủ kinh doanh thời trang Việt nên làm gì vào thời điểm này? 

Thời điểm này, mình nghĩ các nhà thiết kế có thương hiệu riêng có thể khắc phục bằng cách giảm bớt chi phí cố định, như chi phí dành cho nhân viên bán hàng; hoạt động bộ máy hành chính luân phiên; xin giảm thuế, giảm tiền nhà; ra các bộ sưu nhỏ; đẩy mạnh bán hàng online.

Dịch Covid-19 này khiến chị nghĩ sao về con đường đã đi và sắp tới?

Mình nghĩ đây là một khoảng lặng. Nếu thực sự đam mê và phát triển sự nghiệp lâu dài, hãy coi đây là nốt “chấm” để viết Hoa cho câu mới. Trong thời gian này, mình dành thời gian đọc khá nhiều cuốn sách về triết lý sống, quan điểm nhân sinh, để tìm ra sứ mệnh và con người mà Hobb hướng tới. Đó cũng là kim chỉ nam cho thiết kế của Hobb. Khi bạn nhất quán được con người, bạn có thể nhất quán được phong cách sáng tạo.

Xu hướng tiêu dùng thời trang có thay đổi sau dịch Covid-19?

Chắc chắn ngay sau đại dịch Covid, xu hướng người tiêu dùng sẽ là ít dùng đồ fast fashion hơn, mà sẽ quan tâm nhiều hơn tới những sản phẩm mới mức giá cao hơn gắn liền với chất lượng. Mình thấy đây là một tín hiệu đáng mừng, có ích cho môi trường.

Trong tương lai chị có những mục tiêu gì mới cho thương hiệu? 

Thương hiệu Hobb vẫn luôn gắn liền với những sản phẩm chất lượng và mang tính vượt thời gian. Các bộ sưu tập của Hobb không bị lấn át bởi xu hướng theo mỗi mùa hay mỗi năm, thay vào đó Hobb hướng tới những sản phẩm có thể ứng dụng lâu dài, khiến những quý cô còn muốn giữ mãi trong tủ đồ. Thời gian này, bên mình đang củng cố lại vững chắc bộ máy sản xuất, để sau dịch, Hobb còn phải cung cấp những sản phẩm chất lượng hơn. Hobb sẽ bắt tay vào việc đẩy mạnh truyền thông với những campaign khẳng định tinh thần người phụ nữ của Hobb, tuy nhiên đẩy mạnh sự tích cực và mang tính thời đại hơn.

Sau 5 năm, mình mong rằng, bên mình sẽ có bộ máy sản xuất và marketing vững mạnh, để có thể quảng bá và mở rộng mặt hàng ‘tailor made’, đặc biệt là suit – sản phẩm chủ lực của Hobb, sang thị trường nước ngoài.

Chị Nhung Phạm – Founder Hobb Design

Chị Nhung Phạm, người sáng lập thương hiệu Hobb Design, sau quá trình tìm tòi và nghiên cứu về tạo ra sản phẩm thời trang từ a-z. Song song đó chị cũng học thêm về kinh doanh thời trang. Hobb Design mang đến những sản phẩm tailoring, lấy trung tâm là suit và các sản phẩm có cảm hứng từ suit phù hợp với hình thể người Châu Á.

Mời các bạn đón đọc kì tiếp theo: Góc nhìn về Covid-19 – Sáng tạo gặp khó giữa thời điểm kinh doanh đình trệ

Thực hiện: Thư Quân

Biên tập: Hoàng Khôi