Gucci, Balenciaga và Burberry bắt đầu quyên góp vì hòa bình thế giới

Ngày đăng: 05/03/22

Sau nhiều ngày im lặng, đã có nhiều thương hiệu thời trang từ lớn đến nhỏ đang thể hiện sự ủng hộ của mình và gây quỹ cho Ukraine sau cuộc tấn công của Nga.

Gần một tuần sau khi Nga tấn công Ukraine, các nhà mốt xa xỉ hàng đầu như Burberry, Gucci và Balenciaga thuộc sở hữu của các tập đoàn Kering, Marni và Diesel thuộc OTB Group, đã phá vỡ sự im lặng của họ và đang thể hiện sự ủng hộ thông qua loạt nguồn quỹ. 

Từ khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nổ ra, cũng trùng với thời điểm diễn ra của Tuần lễ thời trang Milan, vì thế sự chú ý cũng bắt đầu dồn vào các thương hiệu quốc tế cao cấp. Các nhà thiết kế thời trang Ukraine, người mua và cửa hàng bách hóa Tsum Kyiv đã kêu gọi ngành công nghiệp thời trang ngừng giao dịch với Nga và có những biện pháp cụ thể. Thương hiệu Hungary Nanushka đã ngừng bán hàng cho Nga và các thương hiệu nhỏ hơn như Elleme cũng đã kêu gọi hòa bình và bắt đầu gây quỹ.

Và hiện tại, đã có nhiều cái tên lừng danh trong địa hạt thời trang bắt đầu lên tiếng vì hòa bình. Burberry đang quyên góp cho Tổ chức Chữ thập đỏ Anh về Khủng hoảng Ukraine để cung cấp viện trợ khẩn cấp đồng thời cũng sẽ kết hợp các khoản quyên góp của nhân viên cho các tổ chức từ thiện hỗ trợ người dân ở Ukraine. Burberry cho biết: “Đây là những thời điểm cực kỳ khó khăn đối với nhiều người, đặc biệt là những người chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng.”

Balenciaga cũng đã quyên góp tiền cho World Food Programme (Chương trình Lương thực Thế giới), trong khi đó Gucci tặng 500.000 đô la cho Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn hay UNHCR. Kering cũng quyên góp cho UNHCR, mặc dù số tiền không được công khai. “Chúng tôi hy vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này,” Kering chia sẻ trên Instagram. 

Tập đoàn OTB, gồm các thương hiệu con như Maison Margiela và Diesel, cũng quyên góp một khoản tiền (không được tiết lộ) cho UNHCR. Arianna Alessi, phó chủ tịch Quỹ OTB của công ty chia sẻ với Vogue Business: “OTB là tập đoàn thời trang Ý đầu tiên đã hành động ngay lập tức với lời kêu gọi từ UNHCR và có những đóng góp cụ thể vào cuộc khủng hoảng.”

Ganni cũng đã quyên góp 100.000 krone (tương đương 15.000 USD) cho Hội đồng Người tị nạn Đan Mạch để cứu trợ khẩn cấp ở Ukraine. Công ty đang tuân thủ các lệnh trừng phạt quốc tế và đóng băng mọi hoạt động thương mại với Nga. 

Thương hiệu thời trang kỹ thuật số DressX, có người sáng lập là người Ukraine, đang tích cực gây quỹ cho cuộc khủng hoảng bằng cách tạo ra một bộ sưu tập thời trang kỹ thuật số, trong đó tất cả số tiền thu được sẽ được chuyển đến Bộ Quốc phòng Ukraine và các quỹ từ thiện. Công ty cũng đang cung cấp các khoản hỗ trợ cho các đồng nghiệp Ukraine và phát triển các hình thức, phương thức để kết nối với họ và đảm bảo gia đình họ được an toàn. “Chúng tôi giúp đỡ nhiều nhất có thể, quyên góp tiền, khuyến khích bạn bè quốc tế gửi đơn kiến ​​nghị đến chính quyền địa phương và chúng tôi cần đảm bảo việc này được ngăn chặn càng nhanh càng tốt vì người dân đang chết dần chết mòn,” đồng sáng lập Daria Shapovalova, người Người Ukraine, nói với Vogue Business.

Thực hiện: Huỳnh Trân

Theo Vogue Business, Ảnh: Vogue