Issey Miyake – Chân đế của sự tiến hóa vải vóc

Ngày đăng: 03/02/22

Một trong những tài năng được ghi nhận trong lịch sử thời trang, nhà thiết kế tài danh Issey Miyake.

Để thành công trong ngành công nghiệp thời trang ngày nay, một nhà thiết kế cần phải sở hữu trong mình rất nhiều thứ như ý tưởng sáng tạo mới, sự táo bạo, tư duy về chiến lược tiếp thị để thúc đẩy sự khao khát của giới trẻ, một ngân sách cho phép họ có thể xuất hiện trước những người quan trọng trong ngành để giúp họ thúc đẩy sự nghiệp, và có lẽ là cả một chút may mắn. Với nền văn hóa khát xu hướng ngày nay, vấn đề thường không nằm ở điều tốt nhất tiếp theo, mà là điều “lớn lao” tiếp theo. Điều này thật không may, bởi khi nhìn về lịch sử phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo vải vóc, đã có lúc những ý tưởng mới, khái niệm và trí tưởng tượng là thứ quyết định danh tiếng của một nhà thiết kế. Một trong những tài năng được ghi nhận trong lịch sử ngành công nghiệp thời trang đó là nhà thiết kế tài danh Issey Miyake.

Issey Miyake – Chân đế của sự tiến hóa vải vóc | So awkward, Rose
Chân dung NTK Issey MIyake

Issey Miyake, tên ban đầu là Miyake Kazumaru, là một nhà thiết kế thời trang Nhật Bản. Ông cùng với một số người khác là người dẫn đầu, nhà tiên phong trong phong trào đương đại của Nhật đang rất phổ biến ngày nay. Sinh ngày 22 tháng Tư năm 1938 tại Hiroshima, Nhật Bản, Miyake mới 7 tuổi khi sống sót sau vụ ném bom ở Hiroshima; thật không may, mẹ của ông đã qua đời trong vụ ném bom đấy. Sự hy sinh của người mẹ đã trở thành nguồn sống và cảm hứng đầu tiên của ông. Tận mắt chứng kiến hai cây cầu – hiện được đặt tên là Tạo (Create) và Đi (Go), là trung tâm của cuộc chiến tranh, những cây cầu này giúp Miyake nhận thức rằng thiết kế là để gợi lên cảm xúc: hy vọng, tự do và cả sáng tạo trong sự hủy diệt.

Issey Miyake hiện là cái tên nổi tiếng trên toàn thế giới, có tầm tóc quan trọng và cũng được xem là một trong số những nhà thiết kế vĩ đại nhất trên thế giới. Ông đã vượt qua ranh giới và thách thức quy ước, tạo ra một câu chuyện phương Đông gặp phương Tây thông qua sáng tạo thời trang của mình, điều này sẽ thúc đẩy ông trở thành bậc thầy của nghề thủ công. Hiện đế chế của Miyake bao gồm hơn 300 cửa hàng trên toàn thế giới, 8 dòng quần áo cũng như dòng nước hoa dành cho cả nam và nữ. Miyake là một chân đế thực sự của sự tiến hóa vải vóc, cả từ quan điểm cấu trúc và thẩm mỹ, và ông sẽ được luôn lưu danh là một trong những nhà thiết kế thành công và có ảnh hưởng nhất trong thời đại của chúng ta.

Issey Miyake – Chân đế của sự tiến hóa vải vóc | So awkward, Rose

Lịch sử thành hình

Ban đầu theo học thiết kế đồ họa tại Đại học Nghệ thuật Tama ở Tokyo, Issey Miyake tốt nghiệp năm 1965 trước khi chuyển đến Paris, chỉ ba tháng trước Kenzo Takada – nhà thiết kế Nhật Bản đầu tiên thành công ở Paris. Kenzo và Miyake quen biết nhau ở Nhật Bản, và cả hai cùng học tại một trường dạy cắt may và trang phục là l’Ecole de la Chambre Syndicale de la couture. Lúc này đã thiết kế quần áo, Miyake bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là người học việc cho thợ pha chế người Pháp Guy Laroche, và hai năm sau đó, ông học việc tại Givenchy trước khi chuyển đến New York vào năm 1969.

Thật khó tin rằng một ngày nào đó Miyake có thể đang kiến tạo những thiết kế sang trọng dành cho phụ nữ và ngày càng tinh xảo hơn. Ngày nay, Miyake theo đuổi những sáng tạo công nghiệp mang tính tương lai và thể nghiệm, chẳng hạn một chiếc ghế trong đó gấp đôi như một bộ quần áo. Xuyên suốt quá trình, Miyake đã trải qua những cuộc bạo loạn của Pháp trong thời gian ở Paris, điều này đã khiến ông không muốn tạo ra những lớp trang phục “che đậy” cho những người phụ nữ có lối sống xa hoa, thích uống rượu ngon vào bữa trưa. Thay vào đó, việc chứng kiến sự bất bình đẳng trong xã hội đã thúc đẩy ông muốn tạo ra những tác phẩm có tính phổ biến rộng rãi hơn. Bởi lẽ đó mà Miyake chuyển sang một chương mới trong sự nghiệp thiết kế của mình.

Rời Paris, thời gian của ông ở New York chỉ là một đoạn ngắn trong sự nghiệp. Đó là khi ông làm việc cho một thương hiệu quần áo may sẵn ở New York, ông bắt đầu cảm thấy trở nên thú vị hơn với sự tiến hóa và phát triển đang diễn ra ở Nhật Bản. Chỉ một năm sau, Miyake quay trở lại Nhật Bản, thành lập studio đầu tiên của mình là Miyake Design Studio và bắt đầu khẳng định mình là một tài năng trong ngành thời trang. Một năm sau, Miyake giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên của mình tại New York, chủ yếu là áo phông với các thiết kế lấy cảm hứng từ hình xăm truyền thống của Nhật Bản. Năm 1973, ông được mời đến Paris cùng với nhiều nhà thiết kế trẻ tài năng khác để trưng bày tác phẩm của mình. Đây cũng là lúc ông thiết lập cửa hàng đầu tiên của mình tại Paris.

Nghệ nhân của nghệ nhân

Kể từ những năm 1980, Issey Miyake đã là một nhân vật nổi tiếng và được ca ngợi trong làng thời trang, và sự công nhận này còn mạnh mẽ hơn nữa khi có sự xuất hiện của hai tài năng thiết kế trẻ nổi tiếng thế giới khác đi theo bước chân của Miyake. Miyake đã đặt nền móng cho phong cách Nhật Bản tiên phong mà tất cả chúng ta đều biết và yêu thích là Rei Kawakubo của thương hiệu Comme des Garçons và nhà thiết kế Yohji Yamamoto. Hai tài năng trẻ đã có cơ hội được giới thiệu tác phẩm của họ ở Paris cùng với Miyake vào năm 1981. Mặc dù không phải là chủ đích, nhưng 3 người này đã thiết lập nên Cerberus of Fashion, với Miyake là người đứng đầu. Họ trở thành những người dẫn đầu xu hướng sáng tạo, styling, định hình cho loại hình nghệ thuật cấp tiến, tiên phong của Nhật Bản trong tương lai.

Issey Miyake – Chân đế của sự tiến hóa vải vóc | So awkward, Rose

Kawakubo cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Olivier Séguret tại Madame Air France, “Chúng tôi chắc chắn không có mong muốn tạo ra một bộ ba thời trang, nhưng mỗi người trong chúng tôi đều có một sự thôi thúc mạnh mẽ để thiết kế những bộ quần áo mới, cá nhân mà chúng tôi nhận ra.

Miyake đã thách thức quy ước về trang phục phương Tây dành cho phụ nữ vào thời điểm đó. Xu hướng phương Tây thường bó sát, khoe da thịt hay ôm sát vóc dáng của phụ nữ, thay vào đó, Miyake tập trung vào sự đơn giản, tối giản và phom dáng bồng bềnh. Đó là một quyết định có ý thức khi nó gần như đi ngược hướng với các hệ tư tưởng phương Tây, và Miyake thậm chí còn nói rằng cách tiếp cận này là một trong những lợi thế lớn nhất của ông.

Issey Miyake – Chân đế của sự tiến hóa vải vóc | So awkward, Rose
“Tôi nhận ra rằng chính bất lợi của tôi, trong việc thiếu quan tâm đến di sản phương Tây, cũng sẽ là lợi thế của tôi. Tôi không có truyền thống hoặc quy ước phương Tây … Thiếu truyền thống phương Tây là điều tôi cần để tạo ra thời trang đương đại và phổ quát.”

Đi ngược lại các phương pháp luận và hệ tư tưởng phương Tây là cách Miyake phá bỏ khuôn mẫu, tạo ra sự nổi bật và bất ngờ. Ông không tập trung vào việc tạo ra quần áo truyền thống, thay vào đó tập trung vào việc tạo ra quần áo phù hợp với cả giới tính và văn hóa.

Vẻ đẹp trong thiết kế của Issey Miyake

Trong suốt sự nghiệp của mình, khi ông tiếp tục trau dồi kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo, thì tư duy, khái niệm chính và nàng thơ của Miyake chưa bao giờ thực sự khác biệt quá nhiều. Ông luôn rất chú tâm vào cách quần áo và vải vóc di chuyển, lưu chuyển với cơ thể, và đã phá vỡ quy ước của phương pháp tiếp cận phương Đông gặp phương Tây thông thường để tập trung nhiều vào mối quan hệ của vải với cơ thể con người. Tất cả mọi nỗ lực đó giúp ông yêu thích sáng tạo và kết hợp cả hai lại với nhau để tạo ra ngôn ngữ thời trang thực sự độc đáo và thẩm mỹ.

Miyake được công nhận rộng rãi là một nhà thử nghiệm tiên phong, nhưng không chỉ có diện mạo bên ngoài của trang phục đơn thuần, mà chất lượng của sản phẩm cũng rất tốt. Cách tiếp cận và hình thức của Miyake là một sự kết hợp về cả mặt nghệ thuật và công năng, sử dụng các hình dạng và cấu trúc kỳ lạ để tạo ra phong dáng độc đáo và chưa-từng-có, nhưng vẫn mang lại cảm giác tinh tế và nhẹ nhàng và vẫn có thể mặc trong thực tế.

Một cách tiếp cận đặc trưng của ông có thể thách thức nhận thức của một người về tính thời trang là ‘A-POC’, hay ‘A Piece of Cloth’. Ý tưởng này là trang phục có hình dáng như một ống vải đơn thuần, được làm từ một sợi duy nhất bằng máy dệt kim công nghiệp hoặc kỹ thuật dệt kim được lập trình bằng máy tính. Khái niệm này bắt nguồn từ năm 1976 và là nền tảng cho công việc sáng tạo của Miyake khi nó tiếp tục phát triển và đổi mới theo từng giai đoạn khác nhau.

Hình thức cuối cùng của A POC là trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2001, khi mà Miyake làm việc và cộng tác cùng Dai Fujiwara để loại bỏ hoàn toàn công đoạn cắt và may trong quá trình sản xuất. Sản xuất dựa trên việc đưa chỉ vào một chiếc máy được lập trình bằng máy tính, sau đó sẽ tạo ra một bộ quần áo hoàn chỉnh. Sau đó, trang phục làm ra sẽ có các lỗ và chỗ để cắt để tạo ra một kích thước gần như phù hợp với đa số vóc dáng. Tính bền vững và chống lãng phí luôn được đặt lên hàng đầu trong các sáng tạo của Miyake và phương pháp A-POC này nhằm đảm bảo rằng việc sản xuất có thể tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên mà không bị lãng phí.

Issey Miyake – Chân đế của sự tiến hóa vải vóc | So awkward, Rose

Sự cuồng mộ dành cho chất liệu

Issey Miyake cũng được truyền cảm hứng, hay thậm chí là bị ám ảnh bởi việc sử dụng các loại vải và chất liệu khác nhau cho việc sáng tạo. Cùng với phương pháp A-POC của mình, Miyake còn khám phá thêm các chất xúc tác khác nhau cho sự kết hợp giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa thực nghiệm của mình, với những thứ vật liệu không thuận tiện cho may mặc như như nhựa, giấy và dây điện.

Rattan vine-body

Ông gọi những sáng tạo của mình từ thời kỳ này là “Body Works”. Tạp chí nghệ thuật Artforum của Mỹ đã giới thiệu thiết kế “Rattan vine-body” do Miyake tạo ra trên trang bìa tháng Hai năm 1982. Đây cũng đánh dấu lần đầu tiên trang phục được sáng tạo bởi Miyake được xuất hiện trên trang bìa của một tạp chí nghệ thuật.

Ngay từ những ngày đầu Miyake đã biết rằng ông muốn tạo ra những thứ nghệ thuật khác bên cạnh là thời trang, và nó thể hiện qua quá trình nghiên cứu sâu rộng của ông về các phương pháp dệt và công nghệ khác nhau được sử dụng trong sản phẩm may mặc. Thay vì hợp tác với một nhà thiết kế thời trang streetwear với các sản phẩm bán chạy mà tất cả những khách hàng trẻ tuổi sành điệu đều sính mộ, ông lại tập trung làm việc với các thợ thủ công khác nhau để phát triển và mở rộng biên độ sáng tạo của mình với hàng dệt may.

“Tôi không biết cách tạo ra công việc ở cấp độ cao hơn những gì tôi đang thấy. Sau khi trở lại Nhật Bản, tôi đã hợp tác với các nhà thiết kế dệt may và những người có khả năng cắt quần áo và sử dụng công nghệ tuyệt vời. Tôi không phải là loại người có thể làm được mọi thứ. Khi chúng ta làm việc trong môi trường và ngành công nghiệp này, chúng ta cần phải chấp nhận kiến thức của người khác. Ngày nay, một số người trong nhóm của tôi đã làm việc với tôi hơn 40 hoặc 50 năm.”
Issey Miyake – Chân đế của sự tiến hóa vải vóc | So awkward, Rose

Bằng cách hợp tác với các bậc thầy về dệt và vải, ông có thể linh hoạt thời gian để làm việc cùng với họ để phát triển thương hiệu của mình lên như ngày nay. Người thợ cả luôn cực kỳ quan tâm đến các sản phẩm tổng hợp và tái chế, tạo ra những sản phẩm may mặc có tuổi thọ cao và có mức giá có thể đảm bảo tuổi thọ của sản phẩm. Nhiều tác phẩm của Miyake đều có thể giặt bằng máy, và đây không phải là điều thường thấy đối với nhiều nhãn thời trang cao cấp sử dụng chất liệu sang trọng cho sản phẩm may mặc của họ.

Miyake luôn là một người sính chuộng (và là nhà tiên phong) của hàng dệt được sử dụng trong thời trang hiện đại ngày nay, và sức ảnh hưởng của ông đã lan rộng ra thị trường phổ thông. Thực tế thú vị là Miyake đã từng nói với giám đốc sáng tạo của Uniqlo rằng ông là một fan hâm mộ của đồ lót giữ nhiệt từ thương hiệu này và thật ngạc nhiên, vật liệu được sử dụng thực tế là một loại vải mà chính Miyake đã từng giúp đỡ kỹ sư của họ nghiên cứu và phát triển từ 30 năm trước.

Pleats Please

Dẫn đầu trong lĩnh vực hàng dệt may, hành trình của Miyake tạo ra bộ sưu tập được cho là thành công và dễ nhận biết nhất của ông là Pleats Please. Bộ sưu tập Pleats Please là đỉnh cao của nhiều năm thử nghiệm với hàng dệt may, công nghệ, nghệ thuật và phom dáng. Bộ sưu tập được nhận định là một sự củng cố đẹp đẽ về nhận thức: cách vải có thể uyển chuyển đồng điệu với hình dạng của cơ thể. Dòng sản phẩm tập trung vào việc đưa ra một bộ sưu tập gồm các mẫu thiết kế được tạo dựng từ một mảnh vải 100% polyester, có chất lượng cao, được tạo nếp gấp vĩnh viễn bởi một quy trình xử lý cụ thể. Miyake đã làm việc cùng với giám đốc dệt may của mình – Makiko Minagawa, cùng với các nhà máy dệt để trình làng nên Pleats Please – mà cho đến ngày nay vẫn được xem là một trong những dòng quần áo dễ nhận biết nhất của một nhà thiết kế.

Theo truyền thống, các nếp gấp được ép cố định trước khi cắt may, nhưng mặc dù là người yêu thích truyền thống và di sản, Miyake lại thách thức điều này để tạo ra một phương pháp hoàn toàn mới, bằng cách lắp ráp một bộ quần áo gấp hai lần rưỡi đến ba lần kích thước thích hợp của nó, sau đó sẽ gấp, ủi và giám sát chất liệu sao cho các đường thẳng được giữ nguyên. Sau đó, quần áo sẽ được đặt trong một máy ép giữa hai tờ giấy, từ đó nó nổi lên với các nếp gấp cố định. Kết quả là một bộ quần áo có cấu trúc nếp gấp gần giống origami về bản chất, với đặc tính là dễ dàng duy trì hình dạng nếp gấp, bất kể nó tiếp xúc như thế nào với cơ thể.

Nếp gấp mang trong mình tính thời trang, gợi cảm, tinh tế và bắt mắt, cho phép người mặc đến văn phòng hoặc đám cưới vào ban ngày và đến các buổi tiệc hay câu lạc bộ vào ban đêm mà không cần thay đồ. Sự pha trộn giữa phong cách hiện đại và tiên phong này, được tạo ra để trông dễ dàng đến mức bất kỳ ai cũng có thể trở nên sành điệu hơn khi mặc các mẫu thiết kế đó.

Pleat Please khiến Miyake, trong mắt nhiều người, đã chạm tới đỉnh cao của sự sáng tạo và tôn vinh thời trang theo cách thức đốt phá. Ông đã tạo ra một dòng quần áo đầy mê hoặc có thể được mặc bởi tất cả mọi người, mà vẫn đảm bảo được yếu tố thời trang, bất kể hoàn cảnh. Sau nhiều năm thử nghiệm, tinh chỉnh, chế tạo và đổi mới đã đưa ông đến với dòng sản phẩm Pleats Please của mình, và cho đến ngày nay mọi người vẫn cố gắng bắt chước phương pháp này, nhưng chưa ai đạt được mức độ bậc thầy như Issey Miyake.

Thành tựu của cả cuộc đời theo đuổi kỹ nghệ thủ công bậc thầy

Miyake – nay được tưởng thưởng là bậc thầy về nếp gấp, không chỉ tạo nên làn sóng trong ngành thời trang mà còn sở hữu nhiều giải thưởng và danh hiệu suốt đời từ nhiều tổ chức nghệ thuật. Năm 2005, Hiệp hội Nghệ thuật Nhật Bản đã trao tặng Miyake giải thưởng “Praemium Imperiale” cho những cống hiến xuất sắc trong nghệ thuật. Ông được công nhận chủ yếu nhờ tác phẩm ‘A-POC’ và Pleats Please; năm 2006, ông trở thành nhà thiết kế thời trang đầu tiên nhận được Giải thưởng Kyoto về Nghệ thuật và Triết học cho thành tựu trọn đời, do Quỹ Inamori ở Nhật Bản trao tặng.

Issey Miyake – Chân đế của sự tiến hóa vải vóc | So awkward, Rose

Miyake đã có hơn 20 giải thưởng mang tên mình trong suốt cuộc đời của mình, bao gồm cả những giải thưởng lần đầu tiên được trao cho một nhà thiết kế thời trang như Giải thưởng Thiết kế Mainichi, Nhật Bản. Ông đã được trao giải “Bộ sưu tập đẹp nhất từ ​​một Nhà thiết kế nước ngoài ở Paris” [1985], “Giải thưởng Nghệ thuật Hiroshima” lần thứ nhất do thành phố Hiroshima trao tặng [1990], “Người có công với Văn hóa của Nhật Bản” [1998], “Thiết kế của năm Giải thưởng Thời trang 2012” của Bảo tàng Thiết kế, Luân Đôn [2012], và danh sách này vẫn còn được kéo dài.

Issey Miyake – Chân đế của sự tiến hóa vải vóc | So awkward, Rose

Issey Miyake đã giúp kết hợp nghệ thuật và thời trang – điều dường như rất hiển nhiên trong thế giới ngày nay. Ông ấy đã mở ra cánh cửa cho các nhà thiết kế tiên phong khác để làm mờ ranh giới của nghệ thuật sáng tạo quần áo cho loài người và thực sự đã nắm bắt được bản chất của những gì mà nhiều nhà thiết kế phải vật lộn trong thế giới đương đại. Thời trang là thể hiện cảm xúc, thể hiện cá tính và thể hiện tính cách thông qua một phương tiện tuyệt vời hơn là chỉ bằng mỹ từ hay những thứ hào nhoáng bổ trợ khác. Miyake diễn giải điều này một cách hoàn hảo bằng nghệ thuật và sự khéo léo của mình.

Lực tác động vượt thời trang

Người ta vẫn thường nói rằng sự vĩ đại sẽ ảnh hưởng đến nhau, và điều này có thể đúng với Steve Jobs và Issey Miyake. Tất cả những ai quan tâm về Steve Jobs đều biết ý nghĩa đằng sau bộ ‘đồng phục’ mang tín biểu tượng của Jobs gồm một chiếc áo cổ lọ màu đen, quần jean xanh và một đôi giày dành cho các ông bố. Điều đáng quan tâm là những chiếc áo cổ lọ này thực sự được chế tác bởi Issey Miyake.

Vào thời điểm đó, người ta nói rằng Jobs đã học tập Chủ tịch Sony trước đây là Akio Morita – người đã cung cấp cho nhân viên của mình những bộ đồng phục do Miyake may. Những bộ đồng phục đó đã giúp tạo ra sự gắn kết giữa các nhân viên và Jobs muốn điều đó cho Apple. Jobs giao cho Miyake may áo vest cho nhân viên Apple, nhưng kế hoạch này đã không diễn ra như họ mong đợi. Thay vào đó, Jobs đã tạo ra một bộ đồng phục cho chính mình, ông muốn dành ít thời gian hơn để suy nghĩ về những gì ông cần mặc mỗi ngày. Jobs muốn thao tác chuẩn bị nhanh chóng vào buổi sáng để ông ấy có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc nghĩ ra những ý tưởng mới. Khi ấy Jobs đã nhờ Miyake chuẩn bị những chiếc áo cổ lọ màu đen cho tủ quần áo của mình, và Miyake đã cung cấp cho ông ấy 100 chiếc áo cổ lọ màu đen y khuôn. Jobs sau này đã nói rằng nhờ sự chuẩn bị đó của Miyake, ông đã có đủ trang phục để mặc trong suốt cuộc đời mình.

Hành trình sáng tạo mùi hương mang dấu ấn rất Issey Miyake

Sau khi chinh phục ngành thời trang bằng những dấu ấn sáng tạo mang đậm bản sắc cá nhân, Issey Miyake cũng nâng tầm thương hiệu của mình hơn nữa thông qua hành trình sáng tạo mùi. Miyake, một lần nữa, muốn tạo ra một sự pha trộn độc đáo gợi tỏa sự sang trọng nhưng đổi mới mà thay vì nhìn bằng mắt, lại có thể ngửi bằng mũi.

Dòng sản phẩm nước hoa Issey Miyake là một luồng gió mới trong ngành mùi hương. Đó là một mùi hương ngọt ngào, tinh tế, sảng khoái, xộc thẳng vào mũi nhưng không quá quắt áp đảo mọi giác quan của người mang theo nó. Mùi hương mang dấu ấn rất Miyake đã trở thành một cú hít trên thị trường và trở nên phổ biến như một mùi hương được yêu thích bởi những phụ nữ sính chuộng mùi hương kích thích giác quan theo một cách khác biệt và tinh tế hơn.

Miyake nói rằng nước hoa của ông không phải là nước hoa, mà thay vào đó là mùi hương. Tập trung vào ý tưởng về nước, mùi hương của Miyake được tạo ra để trình diễn một điệu vũ khúc quanh phòng một cách thanh lịch chứ không phải lấp đầy và gượng ép người khác phải ngửi thấy nó. Rất giống với ngôn ngữ thời trang của Miyake, đề cao bản chất tinh tế, nhẹ nhàng nhưng vẫn có tính thẩm mỹ cao.

Issey Miyake – Chân đế của sự tiến hóa vải vóc | So awkward, Rose
“Tôi thích ý tưởng về mùi hương nhưng không phải là mùi thơm,” “Tôi không sở hữu nền văn hóa của hương thơm, mà là nền văn hóa của mùi hương.”

Issey Miyake và Irvin Penn

Mặc dù danh sách những người cộng tác với Miyake xuyên suốt sự nghiệp là vô kể, nhưng một trong những cộng sự đáng chú ý trong sự nghiệp của ông là với nhiếp ảnh gia Irvin Penn. Lần đầu hợp tác của cả hai là bộ hình thời trang giới thiệu bộ sưu tập của Miyake trên tờ Vogue vào năm 1983. Sự ăn ý giữa cả hai đã nhanh chóng mở rộng thành mối quan hệ kéo dài hơn 13 năm. Penn đã chụp bộ sưu tập của Miyake theo cách mà người ta cho rằng đã giúp cho Miyake đánh giá bộ sưu tập của mình với một góc nhìn sáng tạo mới mẻ. Miyake sau đó đã ủy quyền cho Penn chụp những bộ sưu tập tiếp theo của mình.

Issey Miyake – Chân đế của sự tiến hóa vải vóc | So awkward, Rose

Những tác phẩm được tạo ra bởi Penn cho Miyake bao gồm hơn 250 bức ảnh trong suốt 13 năm, 7 cuốn sách, và tất cả từng được trưng bày trong một cuộc triển lãm tại bảo tàng 21_21 Design Sight ở Tokyo, mang tên Irving Penn và Issey Miyake: Visual Dialogue. Điều khiến kết nối của cả hai nhà sáng tạo, lạ lùng thay, là sự thiếu tương tác.

Điều này có vẻ kỳ lạ, nhưng chính quan niệm này đã làm cho sự hợp tác giữa Miyake và Penn trở nên hiệu nghiệm hơn bao giờ hết. Penn chưa một lần đến các buổi trình diễn thời trang của Miyakes, và Miyake cũng chưa một lần đến tham quan một buổi chụp ảnh nào của Penn. Chính sự rời rạc và bất ngờ này đã tạo điều kiện cho cả hai nảy sinh sự kết nối về mặt sáng tạo với nhau. Họ có được cảm hứng từ nhau do không biết và thiếu nhu cầu định hướng tầm nhìn của nhau.

Issey Miyake – Chân đế của sự tiến hóa vải vóc | So awkward, Rose

Tiếp tục xây dựng nền móng cho lớp sáng tạo kế cận

Sau khi từ giã sân khấu thời trang Paris vào năm 1999 và giao công việc cho Naoki Takizawa – người đã thiết kế dòng Plantation của Miyake từ năm 1983 và Issey Miyake Men từ năm 1993, năm 2004 Miyake đã thành lập Quỹ Miyake Issey. Đây là một nền tảng giáo dục để hỗ trợ các tài năng sáng tạo và tư duy của thời đại mới của ngành thời trang. Mục tiêu của Quỹ Issey Miyake là hướng tới người trẻ với tư duy tương lai, được truyền cảm hứng từ cách tiếp cận của Miyake đối với thời trang và cuộc sống nói chung.

Issey Miyake – Chân đế của sự tiến hóa vải vóc | So awkward, Rose

Quỹ Issey Miyake mong muốn được truyền thụ tất cả những kiến thức thu thập được trong suốt 45 năm cuộc đời của Miyake, cũng như tạo ra các dự án sáng tạo mới cho công chúng, thể hiện và nuôi dưỡng tài năng. Cùng với buổi giới thiệu này, Issey Miyake cũng tạo ra một Bảo tàng nghệ thuật mang danh 21_21 Design Sight. Một nơi có thể khám phá những ý tưởng thiết kế sáng tạo mới, mà ở Nhật Bản còn rất thiếu địa điểm để cam kết cho việc này.

Issey Miyake và vị thế trong lịch sử thời trang

Issey Miyake là một người đàn ông không thúc đẩy cái tôi của mình thông qua thành công, mà thay vào đó làm những gì ông làm vì thích thay đổi thế giới thành một nơi lý tưởng, thử nghiệm và thú vị hơn. Công việc và thành tựu đạt được của Miyake là sự cất giọng của tư duy về đạo đức, thế giới quan và niềm đam mê của cá nhân mình.

Chúng ta có thể sẽ không bao giờ có được một nhà thiết kế thứ hai có tư duy giống như Issey Miyake. Một người tỉ mẩn khám phá một thứ gì đó sâu đến nỗi nó có thể biến thành một thứ hoàn toàn mới, giống như những nếp gấp trên trang phục mà ông đã từng tạo ra một cách hoàn hảo trong suốt sự nghiệp của mình.

Miyake là một người đã truyền cảm hứng cho các thế hệ có tư tưởng tương lai trở nên khiêm nhường hơn, biết lắng nghe, học hỏi và chế tạo, thay vì tìm tới thành công thông qua việc bóc lột nhân công lao động giá rẻ, hay chiến thuật bán hàng và tiếp thị tinh vi, và nhiều khi là thiếu đi tình yêu với những gì mà chính họ đang làm.

Issey Miyake – Chân đế của sự tiến hóa vải vóc | So awkward, Rose

Và vì điều đó, lịch sử thời trang phải luôn ghi nhận công lao của Miyake vì đã tạo nên dấu ấn của mình trong lĩnh vực thiết kế.

Bài viết được chuyển ngữ từ trang Subukaru

Thực hiện: Fellini Rose