Kenzo Takada và một đời rong ruổi theo những giá trị nghệ thuật

Ngày đăng: 01/12/21

Kenzo Takada – Nhà thiết kế thời trang quá cố ghi dấu ấn từ châu Á đến trời Âu, bậc thầy sáng tạo đã mang lại một thế giới đầy màu sắc cho tủ quần áo hàng ngày của người Nhật, và để lại nguồn cảm hứng nghệ thuật trong thiết kế nội thất, không chỉ cho kinh đô thời trang Paris, mà cho tất cả những ai yêu cái đẹp và muốn tận hưởng trọn vẹn cuộc sống này.

Không nghi ngờ gì nữa, cuộc đời và sự nghiệp của Kenzo Takada hẳn sẽ mãi như “một giấc mơ ngày hôm qua” với những giá trị nghệ thuật vượt thời gian. Ông là nhà thiết kế người Nhật đầu tiên trình diễn tại Paris vào năm 1970 và mang những chất liệu văn hóa dân gian cùng một lối sống đơn giản, nhẹ nhàng và giản dị của người Nhật lần đầu tiên ra ánh sáng.

Nhà thiết kế Kenzo Takada

Những thiết kế được chắt lọc và pha trộn bởi phong cách Nhật Bản truyền thống và Châu Âu thanh lịch kể cho chúng ta những câu chuyện về một thế giới tự nhiên đầy màu sắc, phiêu lưu cùng những vẻ đẹp đa văn hóa, dân tộc, tôn giáo. Takada lấy cảm hứng thời trang từ khắp nơi trên thế giới, từ Nga tới Machu Picchu, Bohemia, rồi lại quay ngược trở về quê nhà Nhật Bản của mình. Trở thành tiếng nói của thiên nhiên, của những cuộc tỏ tình giữa các nền văn hóa, Kenzo đã tồn tại vững vàng suốt 50 năm qua giữa lòng Paris hoa lệ.

Samurai từng cô đơn giữa lòng Paris

Hoạt động như một họa sĩ tự do ở kinh đô ánh sáng Paris, ông ấy đã bán bản vẽ cho các hãng như Louis Féraud và Tạp chí ELLE. Hành trình của ông chỉ thực sự bắt đầu khi ông nhận ra rằng bản thân không thể cạnh tranh với những nhà sản xuất nổi tiếng và có ngân sách lớn thời bấy giờ, ông chỉ đơn giản là dám khác biệt, đổi mới và tạo ra những thứ chưa từng có ai dám làm.

Ở một góc nhỏ chẳng ai để ý trên đường Galerie Vivienne, Jungle Jap ra đời, một không gian thời trang hiện đại, mô hình kết hợp giữa kinh doanh quần áo với các hoạt động nghệ thuật này đã thay đổi mãi mãi tư duy truyền thống về cách một cửa hàng thời trang nên hoạt động. Trong không gian đó, Takada đã tạo ra khái niệm “concept store” trứ danh toàn cầu ngày hôm nay.  

Kenzo Takada tại cửa hàng Jungle Jap trong những năm đầu sự nghiệp

Nội thất cửa hàng thần thoại được lấy cảm hứng từ tác phẩm “Le Rêve” của Henri Rousseau, một ý tưởng từ những khu rừng kỳ ảo (hiện tác phẩm đang được trưng bày tại MoMA). Với sự hứng thú đặc biệt với màu sắc, chi tiết, hoa và họa tiết, Kenzo hiểu được tất cả những mong muốn của người trẻ, để từ đó tạo ra thứ thời trang phù hợp với thời đại và gầy dựng một thương hiệu có tầm ảnh hưởng sâu rộng. 

Những hình ảnh về cửa hàng Jungle Jap đầu tiên của Kenzo

Thành trì Á Đông giữa kinh đô thời trang thế giới

Một trong những đóng góp quan trọng nhất của Kenzo đối với làng thời trang là phương pháp lai tạo văn hóa, tôn vinh di sản Nhật Bản và văn hóa dân gian thế giới của ông, với nguồn cảm hứng kết hợp vui nhộn nhưng đầy màu sắc.

Ông quan niệm hình khối là một dạng tự do cho cơ thể chống lại những vết cắt phẳng. Tầm nhìn và trí tưởng tượng chiết trung (cách tiếp cận khái niệm mà không tuân thủ theo một mẫu hình hoặc các giả định) của ông được thể hiện qua tất cả các tác phẩm của ông. Trong đó phải kể tới tinh thần đậm chất Á Đông được Takada Kenzo thể hiện rõ nét trên nền chất liệu cao cấp, nét thanh lịch của phương Tây. 

Những mẫu thiết kế ban đầu của Kenzo mang nét truyền thống đặc trưng của xứ Phù tang, nhưng lại được thổi vào đó một hơi thở của tinh thần hiện đại. Chúng trở thành thơ Haiku, nghệ thuật gấp giấy Origami, nghệ thuật cắm hoa Ikebana trong thế giới của thời trang, với những sáng tạo đầy ngẫu hứng và chất thơ. Các họa tiết táo bạo, khác thường là yếu tố chính trong thành công ban đầu của Takada. Ông nói: “Họa tiết hoa được sử dụng rộng rãi trong kimono và hàng dệt may luôn có sự hiện diện mạnh mẽ của thiên nhiên trong nghệ thuật Nhật Bản. Những bộ quần áo, áo cánh nhà thơ tay phồng, quần dài xếp nếp và kimono hoa là những bộ quần áo vừa vặn, trẻ trung”.

Dưới một góc nhìn khác, ông đang hướng tới và tôn vinh chủ nghĩa phương Đông do Paul Poiret giới thiệu vào đầu thế kỷ XX. Takada thật sự là một tín đồ của màu sắc, họa tiết, hình in, các loại vải lạ và niềm vui trong cuộc sống.

“Xuyên suốt trong các bộ sưu tập của tôi, luôn có sự hiện diện của mùa xuân quanh năm”

Chuyến dạo chơi cuối cùng với nghệ thuật

Kenzo Takada chia tay sự nghiệp thiết kế thời trang năm 1999, 6 năm sau khi bán thương hiệu Kenzo cho LVMH  với giá 80 triệu USD để theo đuổi con đường sáng tạo nghệ thuật riêng. Tuy nhiên, Takada vẫn duy trì liên kết chặt chẽ với thế giới thời trang bằng nhiều cách khác nhau.

Trong 2 thập niên cuối đời, nhà thiết kế huyền thoại này vẫn không ngừng sáng tạo với việc tham gia nhiều dự án khác nhau. Ông thiết kế trang phục cho các vở opera ở Paris và khắp nơi trên thế giới, làm trang phục Olympic cho đội tuyển Nhật Bản năm 2004. Kenzo Takada tạo ra hai dòng nước hoa với Avon và bắt tay nhà sản xuất mắt kính Nhật Bản Masunaga. Ông cũng là một họa sĩ đã có các cuộc triển lãm ở Paris và Moscow. Tháng 1/2020, ông tung ra thương hiệu về phong cách sống mang tên K3.

K3 là một liên doanh được thành lập ở Paris, một thương hiệu nhà ở và và xây dựng phong cách sống, được điều hành bởi Kenzo Takada cùng các đối tác như Jonathan Bouchet Manheim và Engelbert Honorat, với chuyên môn của nhà thiết kế sáng tạo và nội thất Wanda Jelmini của T&J Vestor và Missoni Home. Cũng như thời trang, các tác phẩm hội tụ những đặc trưng nghệ thuật phương Tây và Nhật Bản.

Lại một lần nữa, cách tiếp cận của Takada đối với thiết kế nội thất là hoàn toàn dựa trên trải nghiệm, qua đó xây dựng một phong cách sống cổ điển và sử dụng các vật liệu cao cấp. K3 là một bộ sưu tập bao gồm ghế, sofa, bàn, thảm, hàng dệt gia dụng và phụ kiện, được ví von như một bài thơ đầy sắc màu cuộc sống. Cái tên K3 được bắt nguồn từ chữ kanji của Nhật Bản. ”三”, có nghĩa là số “ba”, cũng như sự cân bằng và hài hòa trong cuộc sống.

Bản sắc đa văn hóa chảy trong huyết quản Takada, kết hợp với mục tiêu truyền cảm hứng cho sự sảng khoái, vui vẻ và nhã nhặn bằng cách sử dụng màu sắc tươi sáng, hoa văn táo bạo và khát khao sống mãnh liệt.

“Với tôi, sáng tạo là để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác, và tìm thấy bản ngã tự do bên trong chính mình”

Những điều đẹp đẽ còn lại

Ở trung tâm khu phố Saint Germain, trong một căn hộ theo phong cách Haussmann tràn ngập ánh sáng được thiết kế lại bởi người bạn của ông, kiến ​​trúc sư Ed Tuttle đã trưng bày bộ sưu tập tuyệt vời của Takada với hơn 600 món đồ bao gồm đồ nội thất Art Deco, tranh, đồ vật, đèn chùm pha lê và các tác phẩm nghệ thuật (Châu Á, Tiền Columbian và Bộ lạc), với ảnh hưởng của phương Đông và phương Tây, phản ánh cái nhìn tinh tế và cá nhân của Takada trong lĩnh vực thiết kế nội thất.

Artcurial đã tri ân người nghệ sĩ đa tài này bằng một cuộc đấu giá đặc biệt vào tháng 5 năm 2021. “Bộ sưu tập cho thấy con mắt của thiên tài của Takada trong thế giới thời trang và nội thất, ông ấy biết cách kết nối các nền văn hóa với nhau”, bình luận của người bán đấu giá Stéphane Aubert, người sở hữu một con ngựa Hinoki lớn bằng gỗ từ thời Hán, một tượng Phật có niên đại từ thế kỷ thứ 3, một cây dương cầm Pleyel của Ruhlmann và mười ba bức ảnh của William Eggleston, cùng những tác phẩm đáng chú ý khác.

Như Takada thường nói: “Mọi thứ đều bắt đầu với một bức vẽ, Nehru, Botticelli, Rashômon của Kurosawa, Romania, Châu Phi, Trung Quốc, Chuột Mickey. Tất cả đều là nguồn cảm hứng cho sáng tạo”.

Thật may, vì thế giới đương đại được chứng kiến một người đàn ông kiệt xuất như vậy, đã cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật, văn hóa, thời trang và thiết kế nội thất.

Thực hiện: Diana Nguyễn

Theo Elle Education