Khám phá kĩ thuật nhuộm Katazome cổ xưa của đất nước Nhật Bản

Ngày đăng: 27/02/21

Katazome là một phương pháp in chống dính trên vải bắt nguồn từ hàng nghìn năm trước ở Nhật Bản. Trong suốt thế kỷ 17 – thời kỳ hòa bình và phát triển của chế độ Mạc phủ, lụa, gấm dệt hoa văn là chất liệu cao cấp và đắt tiền nhất chỉ dành riêng cho giới quý tộc. 

Tuy nhiên với sự thịnh vượng trong buôn bán nội địa, tầng lớp thương gia giàu có bắt đầu sử dụng loại vải này khiến giới quý tộc Nhật Bản không hài lòng, kiên quyết không cho phép họ được mặc trang phục lụa giống mình và gọi việc này là một sự xa hoa không chính đáng. Để đáp ứng nhu cầu may mặc khi các thương gia chỉ được cho phép dùng cotton và vải gai dầu, những nghệ nhân vùng Suzuka đã phát triển Katazome – một kỹ thuật nhuộm vải đơn giản và ít tốn kém nhằm bắt chước họa tiết của vải dệt đắt tiền.  

Thuật ngữ Katazome được ghép từ hai từ tiếng Nhật: kata (hoa văn) và zome (nhuộm). Quá trình sản xuất vải Katazome đơn giản nhưng tốn nhiều thời gian, đòi hỏi nghệ nhân làm phải tập trung và cẩn thận. Đầu tiên, họ sử dụng các lớp giấy dâu tằm tráng mỏng được ép lại với nhau và ngâm trong nước lên men của quả hồng (kakishibu) giúp nó có khả năng chống thấm nước. 

Sau đó, các nghệ nhân dùng dụng cụ cắt tỉa nhọn khắc các họa tiết phức tạp trên tấm giấy. Khi đã sẵn sàng để in, vải được kéo phẳng và đặt khuôn giấy lên trên bề mặt. Hỗn hợp làm từ bột gạo hấp chín sẽ được phết lên vải để phủ kín các vết khắc, giúp các họa tiết khắc không thấm thuốc nhuộm và tránh cho vải bị nứt. Đợi cho phần bột gạo khô lại, nghệ nhân sẽ dùng bút vẽ thủ công hoặc ngâm vải trong thùng thuốc nhuộm nhiều lần để đạt được màu sắc mong muốn. Khi quá trình nhuộm hoàn thành, chất chống dính bột gạo được giặt sạch và sản phẩm tạo ra là mẫu vải dệt có họa tiết sắc sảo, bắt mắt.

Katazome là kĩ thuật quen thuộc thường được sử dụng để in lên Kimono Nhật Bản với các họa tiết truyền thống lấy cảm hứng từ thiên nhiên như hoa cúc, lá cây trôi trên mặt sông hay những chú chim đang bay lượn. Nó được coi là một phương pháp nhuộm tiện lợi khi sản xuất số lượng lớn bởi một mẫu khắc trên giấy có thể tái sử dụng lại nhiều lần. 

Ngày nay, nghệ thuật khắc giấy Katazome đang dần mai một và chỉ có rất ít bậc thầy của nghề này còn sống. 

Bài viết được thực hiện bởi đội ngũ FACE – The Fashion Design Academy 

Ảnh: Hannahnunn


Thành lập từ tháng 10.2011, FACE – không gian chia sẻ, nghiên cứu và giảng dạy những kiến thức và tư duy mới của thời trang toàn cầu đến Việt Nam thông qua các khóa học dài hạn, ngắn hạn và workshop. Hiện tại, FACE – The Fashion Design Academy đang tuyển sinh các khóa học thiết kế thời trang dài hạn và ngắn hạn. Thông tin chi tiết vui lòng truy cập website www.facefashiondesignacademy.com