Khám phá “Signature” của 4 nhà thiết kế Việt trẻ thành công: Tom Trandt, Lam Gia Khang, Nguyễn Hoàng Tú, Vũ Thảo

Ngày đăng: 28/08/21

Phong cách riêng luôn là một khái niệm trừu tượng nhưng vô cùng quan trọng đối với người làm sáng tạo. Phong cách hình thành từ quá trình phát triển và thực hành của người nghệ sĩ. Sẽ có những cá nhân tìm thấy phong cách riêng của mình từ rất sớm, nhưng cũng có những người cần trải qua một khoảng thời gian rất lâu để tìm thấy cái tôi sáng tạo của mình.

Trong lĩnh vực thời trang, các nhà thiết kế không chỉ kế thừa những gì đã có, mà họ còn khám phá ra cách làm mới, tạo nên hình thái, định nghĩa khác của của trang phục. Tại Việt Nam, nhiều nhà thiết kế đã xây dựng được phong cách thiết kế đặc trưng cho bản thân và thương hiệu của mình.

Cùng Style-Republik khám phá “signature” của các nhà thiết kế Việt trẻ ấn tượng hiện nay: Tom Trandt – Môi Điên, Lâm Gia Khang – GIA Studios, Nguyễn Hoàng Tú – NGUYEN HOANG TU và VIVEIRE và Vũ Thảo- Kilomet 109.

Lâm Gia Khang – GIA STUDIOS

Là một trong những nhà thiết kế tiên phong của phong cách Tối Giản (minimalism) tại Việt Nam, Lâm Gia Khang đã xây dựng hình ảnh người phụ nữ thành thị sang trọng, không phô trương và thuần khiết cho thương hiệu của mình. Những năm trở lại đây, khi GIA STUDIOS xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử, sản phẩm của anh ngày càng giản lược các họa tiết, chi tiết trang trí để tập trung vào cấu trúc, phom dáng và công năng của trang phục nhằm tiệm cận với nhu cầu mua sắm của các khách hàng quốc tế.

Từ việc tạo nên những thiết kế cơ bản và mang tính ứng dụng cao, có thể phối hợp với nhiều trang phục khác, anh xây dựng tủ quần áo thiết yếu của những người phụ nữ tìm kiếm những món đồ chất lượng có thể mang đến cảm giác thoải mái và sự tinh tế cho các hoạt động làm việc thường ngày. Tất cả xoay quanh cách chọn lựa chất liệu có chất lượng tốt và ứng dụng chúng trên từng thiết kế phù hợp.

Bên cạnh đó, một trong những phụ kiện thành công nhất của GIA STUDIOS chính là chiếc túi Croissant, giờ đây có thêm các phiên bản khác như Crossbody. Được giới thiệu ở hầu hết hình ảnh quảng bá của các bộ sưu tập kể từ khi ra mắt, xuất hiện cùng các influence quốc tế và Việt Nam, chiếc túi đã trở thành dấu hiệu để người xem nhận ra thương hiệu.

Thảo Vũ – Kilomet 109

Phong trào thời trang bền vững đã diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết trên thế giới. Tại Việt Nam, vấn đề này cũng rất được quan tâm với nhiều thương hiệu lấy vấn đề bền vững làm kim chỉ nam đã ra đời. Kilomet 109 được xây dựng bởi nhà thiết kế Thảo Vũ cách đây gần mười năm là ví dụ tiêu biểu nhất khi nhắc đến thời trang bền vững của người Việt. Đây không chỉ là một thương hiệu sản xuất quần áo, mà nó còn mang ý nghĩa như một dự án khôi phục và giới thiệu những kỹ nghệ tạo ra trang phục và văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam.

Vì thế, tất cả chất liệu được sử dụng đều được làm thủ công bởi các cộng đồng có truyền thống lâu đời trong cách tạo ra chất liệu. Có thể kể đến như kỹ thuật dệt sợi tơ, bông, gai hay kỹ thuật nhuộm chàm, vẽ sáp ong truyền thống của phụ nữ Nùng, Dao, Thái, Tày, Mường, H’Mong,…ở Mai Châu, Hòa Bình, Cao Bằng. Các thiết kế mang phom dáng đơn giản, không gò bó để tối đa hóa công năng sử dụng và tập trung vào sự biến tấu của các chi tiết như nút cài, cổ và tay áo,…

Gọi thời trang của Kilomet 109 là bền vững không chỉ nằm ở chất liệu, mà nó còn nằm ở việc người nghệ nhân được trả công xứng đáng với sức lao động, là đóng góp vào quá trình níu giữ những kỹ nghệ đang dần mai một bởi thói quen mua sắm vì giá cả của đại bộ phận người tiêu dùng, là thời gian xây dựng một bộ sưu tập có thể mất đến hai năm rưỡi để nó thật sự được chăm chút và hoàn thiện khi đến tay khách hàng, là cách bản thân nhà thiết kế cố gắng mang lại cho trang phục một tiếng nói và có giá trị hơn là một món đồ che lấy cơ thể. Những điều ấy đã tạo nên triết lý trong phong cách thiết kế của Thảo Vũ và là điểm chung trong các sản phẩm của Kilomet 109.

Nguyễn Hoàng Tú – NGUYEN HOANG TU và VIVEIRE

Tuy các sáng tạo của Nguyễn Hoàng Tú từ khi ra mắt đến khi anh lèo lái VIVEIRE đã thay đổi phần nhiều khi có sự tiết chế để sản phẩm trở nên cô đọng (NGUYEN HOANG TU) và mang tính ứng dụng cao cho các khách hàng (VIVEIRE), nhưng vẫn có một sợi dây luôn chạy xuyên suốt các bộ sưu tập, đó chính là cảm giác mềm mại, thô mộc và vị trí không thể thay thế của lụa tơ tằm.

Lụa tơ tằm mang đến cảm giác mềm mại cho trang phục, và những trang phục mềm mại giúp cho lụa tơ tằm thể hiện được vẻ đẹp của nó. Đó là vòng lặp trong các thiết kế của Nguyễn Hoàng Tú để ứng dụng nhiều kỹ thuật khác nhau lên chất liệu truyền thống Việt Nam. Lụa có thể trở nên trong suốt, ẩn hiện mờ ảo như trong bộ sưu tập No.09 của NGUYEN HOANG TU hay trở nên rực rỡ, sống động và đầy cảm xúc như trong VIVEIRE Xuân-Hè 2021.

Đối với các thiết kế mang tính công sở và có cảm hứng từ thời trang nam như blazer, suit, quần âu cũng trở nên mềm mại và thoải mái hơn rất nhiều. Nét thô mộc từng được thấy trong các thiết kế mang nặng tính sáng tạo thời kỳ đầu vẫn tiếp tục hiện diện trên các thiết kế đơn giản và mang tính ứng dụng hơn. Điều đó thể hiện những điểm đặc trưng nhất của nhà thiết kế vẫn được giữ lại khi anh chuyển mình giữa những bộ sưu tập đòi hỏi các yếu tố đối lập nhau.

Tom Trandt – Môi Điên

Một trong những thiết kế đầu tiên giúp thương hiệu Môi Điên của nhà thiết kế Tom Trandt được biết đến rộng rãi chính là chiếc áo sơ mi Vô Danh. Cùng với đó, người ta ngày càng bắt gặp các bạn trẻ với cách phối đồ thú vị và cởi mở hơn, khác lạ so với những gì chúng ta vẫn thường thấy khi ấy. Những người mẫu xuất hiện trong các hình ảnh quảng bá cũng mang vẻ bụi bặm, gần gũi hơn với các thanh thiếu niên, nhóm khách hàng chính của thương hiệu, mà chúng ta hay gọi là phong cách Môi Điên.

Điểm đặc trưng nhất của của Môi Điên chính là kỹ thuật xử lý chất liệu như patchwork, đắp vải. Những mảng họa tiết ấn tượng xuất hiện trên chiếc áo khoác được đắp-nối từ những mảnh vải denim với biên độ xanh đa dạng, trên mẫu túi ba gang loạn hay các phụ kiện khác như túi tote, áo thun, mũ,… Cùng với đó là các kỹ thuật may ly, dập ly và may thục chỉ được ứng dụng linh hoạt trên các thiết kế.

Trong các bộ sưu tập được ra mắt gần đây, thương hiệu đã đưa vào sản phẩm những yếu tố gian gian Việt Nam thông qua cách đặt tên bộ sưu tập như Chích Quái (bộ sưu tập thứ 8) và đặt tên sản phẩm như túi Ba Gang, áo Ba Bị, blazer Ô Lôi,… hoặc đưa hình ảnh trò chơi Đông Tây Nam Bắc lên các sản phẩm khác nhau.

Mỗi nhà thiết kế đều có cách thực hành sáng tạo rất riêng trong quá trình tìm kiếm phong cách riêng cho mình. Không những thế, họ còn phải thích nghi với nhu cầu của khách hàng và sự thay đổi của bản thân. Có một điểm chung rằng bằng nhiều cách khác nhau, các nhà thiết kế Việt đã mang yếu tố văn hóa truyền thống vào sáng tạo của mình. Đây là tín hiệu vô cùng đáng trân trọng, vừa là chất liệu xây dựng bộ sưu tập của các nhà thiết kế, vừa là cách giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam đến khách hàng quốc tế.

Thực hiện: Hiếu Lê