Khi nhà mốt tôn vinh cộng đồng LGBTQ+ trên sàn diễn 

Ngày đăng: 15/06/22

Thời trang vốn luôn gắn liền với văn hóa và lịch sử của cộng đồng LGBTQ+. Và sàn diễn là nơi lộng lẫy nhất và là nguồn cảm hứng bất tận để các nhà thiết kế tôn vinh cộng đồng thế giới thứ 3.

Từ xa xưa, ngành công nghiệp xa xỉ này đã được định hình bởi nhiều thế hệ nhà thiết kế thuộc cộng đồng giới tính thứ 3 – từ thời hậu chiến đã có nhiều nhà thiết kế đồng tính nổi tiếng như Christian Dior và Yves Saint Laurent đến những cái tên gạo cội đi trước Rudi Gernreich, Willi Smith, Roy Halston và Stephen Burrows. Như những gì Elspeth H Brown đã viết trong quyển “Work! A Queer History of Modeling”, những điệu nhảy của nàng mẫu gốc Phi nổi tiếng Pat Cleveland trong buổi diễn của Stephen Burrows tại sàn diễn đọ sức huyền thoại “Battle of Versailles” (1973) giữa 5 nhà thiết kế Mỹ và Pháp đã gián tiếp giới thiệu cho khán giả người da trắng và cả thế giới về những chuyển động tràn đầy năng lượng – những điệu khiêu vũ tươi tắn, văn hóa Vamp và cả điệu nhảy Vogue thịnh hành vốn được sinh ra và phổ biến trong văn hóa người da màu, đặc biệt gắn liền với cộng đồng LGBTQ+ người da màu. 

Tuy nhiên, phải đến tận những thập kỷ gần đây thì văn hóa cộng đồng LGBTQ+ mới thật sự tự do và công khai “trình diễn” trên các sàn diễn thời trang đình đám. Nhân tháng Tự Hào LGBTQ+ (Pride Month) cùng Style-Republik điểm lại những sàn runway tôn vinh cộng đồng giới tính thứ 3 từ các nhà mốt trên thế giới nhé!

Thierry Mugler spring/summer 1992  

Thẩm mỹ thô kệch, thế giới Camp màu sắc của Mugler vốn là dấu ấn đặc biệt đầy ấn tượng của nhà mốt. Tình yêu của Mugler dành cho những người phụ nữ, vóc dáng, những đường cong vô thực và sự nữ tính phóng đại pha chút khiêu khích của họ, luôn mang âm hưởng và có mối liên kết sâu sắc với cộng đồng LGBTQ+. Tại show diễn Thierry Mugler Spring/Summer năm 1992 tại khách sạn Century Plaza ở Los Angeles, Mugler đã mời lên sàn diễn: Lypsinka – một drag queen nổi tiếng với phong cách trình diễn đậm tinh thần Old Hollywood (cụ thể là nữ diễn viên Joan Crawford) và cả thái độ của high fashion (như người mẫu Dovima của những năm 50). Lypsinka trình diễn một màn hát nhép liên tục trong bốn bộ trang phục riêng biệt. Bắt đầu bằng vẻ đẹp cổ điển thập niên 50, tiếp tục với bộ suit quyền lực của thập niên 80 và kết thúc bằng một chiếc váy ngủ màu đen – một sự gợi nhắc đáng nhớ về sự biến đổi giữa thời trang và nghệ thuật, văn hóa drag. 

Walter Van Beirendonck menswear spring/summer 1996

Cuộc khủng hoảng AIDS đã ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới và kể cả ngành công nghiệp thời trang. Đã có vô số nhà thiết kế, stylist, nhiếp ảnh gia, makeup artist, người mẫu,… ra đi đầy bi kịch nhưng sự mất mát đau thương này lại nhận lại sự im lặng đến đáng sợ và nỗi xấu hổ xung quanh. Nhà thiết kế người Bỉ Walter Van Beirendonck, người luôn chấp nhận sự khiêu khích và từ chối sự im lặng. Trong suốt sự nghiệp lâu dài của mình, nhà thiết kế này đã đề cập đến HIV và AIDS, BDSM và “fetish”. Một trong những bộ sưu tập huyền thoại nhất và đáng để nhắc đến đó chính là bộ sưu tập Killer/ Astral Travel/ 4D-Hi-D năm 1996 – phản ứng trước cuộc khủng hoảng HIV và AIDS. Tuy nhiên, nó không hề thê lương hay một bức tranh về mất mát và đau khổ mà đó là sự tôn vinh tình dục, văn hóa trong các câu lạc bộ, cuộc sống về đêm phức tạp với thuốc lắc và khiêu vũ. Show diễn tràn ngập màu sắc, nhiều chất liệu bằng nhựa, latex (gợi nhắc đến sự gợi cảm của fetish và cả thông điệp về quan hệ tình dục an toàn). Những chiếc cúc áo cũng được biến thành đồ trang sức. Những người mẫu xuất hiện ấn tượng với chiếc mũ maché bằng giấy phallic rất lớn, mang những chiếc mặt nạ phồng to lồng ghép những thông điệp ý nghĩa “Get Off My Dick”, “Blow Job”, “Terror Time” và “Synthetic Hell”.

Jean Paul Gaultier haute couture spring/summer 1998

Jean Paul Gaultier – một trong những nhà thiết kế đình đám cũng đã tôn vinh queer aesthetic trên những thiết kế của mình từ việc cho những người mẫu nam mặc váy catwalk trên sàn diễn vào năm 1985 đến sự xuất hiện dày đặc của họa tiết sọc ngang thủy thủ đầy quyến rũ trứ danh của nhà mốt. Nhắc đến những sàn diễn ấn tượng của Gaultier thì không thể nhắc đến những bước đi tự tin của “nàng thơ” Tanel Bedrossiantz. Trong show diễn Jean Paul Gaultier haute couture spring/summer 1998, Bedrossiantz xuất hiện trong một chiếc corset ôm sát vòng eo, bên ngoài áo sơ mi trắng cùng chiếc cà vạt bên dưới là tùng váy to rộng – một khoảnh khắc đặc biệt đánh dấu cột mốc trong thời trang. 

Alexander McQueen fall/winter 1998

Bộ sưu tập fall/winter 1998 của Alexander McQueen – một khung cảnh đen tối, rực lửa tràn ngập những tấm lưới kim loại cùng tông màu đất và cầu vai góc cạnh – được lấy cảm hứng từ Joan of Arc – một nữ anh hùng người Pháp. Joan of Arc thời đấy đã phải luôn mặc những bộ giáp sắt đánh trận vốn dành cho nam giới, từ đây cũng đã có nhiều giả thuyết suy đoán đây về chủ nghĩa đồng tính luyến ái. Mặc dù McQueen không đề cập ở đây, nhưng sau show diễn, ông chia sẻ: “Bất cứ ai cũng có thể là một người tử vì đạo vì chính nghĩa của họ. Có lẽ tôi đã là một người tử vì đạo vì đồng tính luyến ái khi mới sáu tuổi.”

Chanel haute couture spring/summer 2013

Có một sự thật là đồng tính nữ thường là chủ đề ít phổ biến trên các sàn diễn. Rất ít các sàn diễn thời trang tôn vinh tình yêu giữa đồng tính nữ ngoài việc chỉ đơn giản là mời họ làm người mẫu. Một trong số ít đó sàn diễn gây ấn tượng của Chanel tại show haute couture spring/summer 2013 – khi Karl Lagerfeldphá bỏ quy tắc truyền thống, ông không xuất hiện một mình hay được tháp tùng bởi một chú rể bảnh bao mà cả hai cô dâu nắm tay nhau cùng bước lên lễ đường. Tay trong tay với những chiếc váy trắng đồng điệu, hai nàng mẫu Ashleigh Good và Kati Nescher đã khép lại buổi trình diễn trong tiếng vỗ tay của người xem.  Nhà thiết kế cho biết đấy chính là biểu tượng ủng hộ phong trào hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính ở Pháp và điều đó đã trở thành hợp pháp vài tháng sau chương trình.

Raf Simons spring/summer 2017

Trong khoảng thập kỷ qua, những người nghệ sĩ đồng tính đã trở thành một nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ nhà thiết kế trẻ. Chẳng hạn như đạo diễn phim Derek Jarman nổi tiếng với những tác phẩm nghệ thuật tôn vinh cộng đồng LGBTQ+ đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho Matty Bovan spring/summer 2019, Art School spring/summer 2020 và Erdem menswear spring/summer 2022. Nhiếp ảnh gia Robert Mapplethorpe đình đám với những chuyện tình đồng tính “buồn bã” cùng gam màu ảnh trắng đen cũng đã đem lại nhiều nguồn cảm hứng tuyệt vời cho nhiều nhà mốt.Tại show diễn menswear spring/summer 2017, Raf Simons đã đem những tác phẩm đơn sắc ấn tượng của Mapplethorpe in trên các thiết kế của mình.

Ashish fall/winter 2017

Nói không ngoa, ngoài màu sắc sặc sỡ từ chiếc cầu vồng thì chất sequins lấp lánh chính là một loại “đồng phục” không chính thức của cộng đồng LGBTQ+ và đó cũng là điều mà Ashish hiểu rõ. Mọi thứ trong kho lưu trữ của anh ấy đều lấp lánh, màu sắc tươi vui và đầy thăng hoa – ngay cả trong những bộ sưu tập hơi hướng đến chính trị. Ở BST AW16, những gì làng mốt ấn tượng chắc chắn là những bộ trang phục rực rỡ từ color-blocking và cuối show diễn là sự tôn vinh vĩ đại cho cộng đồng giới tính thứ ba khi tất cả các màu sắc trên cầu vồng được xuất hiện trên thiết kế. Bộ sưu tập thu đông 2017 của anh cũng không ngoại lệ, với họa tiết cầu vồng đính kết lấp lánh, đôi găng tay da cùng các chiếc áo phông in dòng chữ “Why be blue when you can be gay!”.

Burberry spring/summer 2018

Chiếc cầu vồng đủ sắc – biểu tượng cho cộng đồng giới tính thứ 3 vốn không còn xa lạ với nhiều nhà thiết kế khi xuất hiện trên các đường băng đình đám. Ở Burberry spring/summer 2018, chiếc áo choàng cầu vồng được người mẫu Cara Delevingne khoác cuối show diễn cùng chiếc đèn led đủ màu trên đường băng chính là sự tôn vinh của Christopher Bailey dành cho cộng đồng LGBTQ+ và cũng là lời chia tay cuối cùng của anh dành cho Burberry. Bên cạnh đó, thương hiệu còn quyên góp cho ba tổ chức từ thiện LGBTQIA+: AKT, The Trevor Project và ILGA.    

Thom Browne Menswear spring/summer 2018

Ở show diễn spring/summer 2018 của mình, Thom Browne thể hiện một góc nhìn mới đầy ngây ngô và khờ dại của trẻ thơ về giới tính. Bằng cách đưa đôi giày tây cao gót trở thành trung tâm của sàn diễn, Browne mong muốn rằng có thể phá vỡ những định kiến lỗi thời và cứng nhắc về hình ảnh giày cao gót đối với những cậu bé khi lớn lên. Với nhạc nền từ bộ phim Orlando năm 1992 của Sally Potter và một loạt các thiết kế bao gồm váy sọc ghim và váy cài cúc sang trọng kết hợp với áo blazer được cắt xén chuẩn chỉnh, chương trình được đẩy lên cao trào ở phút cuối khi một chàng chú rể xuất hiện trong một bộ suit đen cùng tùng váy trắng ngần của cô dâu. Ở show diễn fall/winter 2019 những thiết kế của Browne đều mang tạo hình của Una Troubridge – người tình của tác giả Radclyffe Hall, đôi tình nhân đồng tính nữ nổi tiếng lúc bấy giờ.

Givenchy fall/winter 2019

Đã có không ít tác phẩm văn học trở thành nguồn cảm hứng sâu sắc cho các bộ BST hay sàn diễn của các nhà mốt. Điển hình là cuốn tiểu thuyết Orlando nổi tiếng – tiếng nói cho cộng đồng chuyển giới của Virginia Woolf đã trở thành một văn bản thời trang được ưa chuộng của nhiều nhà thiết kế và ảnh hưởng sấu sắc đến các nhà mốt như Burberry và Fendi. Annemarie Schwarzenbach – một nhà văn và nhiếp ảnh gia người Thụy Sĩ, theo tiểu thuyết gia người Mỹ Carson McCullers, “một khuôn mặt… sẽ ám ảnh tôi suốt đời” – là nguồn cảm hứng đằng sau show diễn Givenchy thu đông 2019 của Clare Waight Keller. Bộ sưu tập sắc nét của Keller bắt nguồn từ vẻ đẹp phi giới tính đầy mê hoặc, những bộ suit cắt may chỉn chu và cả xúc cảm ái nam ái nữ. 

VTMTS fall/winter 2022

Trong vài năm qua, ngành công nghiệp thời trang đã chứng kiến ​​sự gia tăng về cách tiếp cận mới mẻ về tình dục và giới tính của các nhà thiết kế như No Sesso, Telfar, Christopher John Rogers, Art School, Gogo Graham, Patrick Church, Ella Boucht, Nicolas Lecourt Mansion, SS Daley, Saul Nash, Hana Holquist, Daniel Fletcher, Per Gotesson, và Harris Reed. Đồng thời, thế giới thời trang cũng tiếp cận rộng rãi hơn với những người mẫu, đặc biệt là người mẫu thuộc cộng đồng LGBTQ+ . Chẳng hạn như sàn diễn fall winter 2022 của VTMNTS đã có nhiều sự xuất hiện của nhiều người mẫu chuyển giới hay thuộc giới tính thứ ba. 

Thực hiện: Huỳnh Trân