Khi tinh hoa phẩm phục nơi vương triều xưa cũ chuyển mình với thời đại

Ngày đăng: 11/03/20

Chúng ta thường hay nghe “Việt Nam rừng vàng biển bạc”, câu nói ấy không những ám chỉ sản vật núi sông phong phú mà còn cả kho tàng văn hóa của bao triều đại đi qua. Là dòng tộc phong kiến cuối cùng cai trị đất An Nam, nhà Nguyễn nổi tiếng với vô vàn cung quy phép tắc.

Bất kỳ chất liệu vải, màu sắc, cách may, họa tiết trang trí, thậm chí cả số lượng phẩm phục dành cho từng hạng người cũng có những quy định rất chặt chẽ thể hiện thứ bậc và sức ảnh hưởng chốn cung nghiêm của mỗi cá nhân. Đó chẳng phải một nguồn “tài nguyên” vô cùng quý giá cần được khai thác hay sao?

Bởi là triều đại cuối cùng, phẩm phục nhà Nguyễn có sự pha trộn từ nhiều quan điểm trang phục của những triều đại trước, và đặc biệt là triều Mãn Thanh. Thông qua hoa văn, đồ án trang trí và màu sắc, nhà Thanh ảnh hưởng rõ nét trên phẩm phục cung đình. Nhưng nhà Nguyễn đã có sự chọn lọc, cải biến khi thay các tấm áo dày, ấm thành trang phục mỏng nhẹ, sử dụng hoa văn An Nam, gam màu nóng vào thường phục,…

Phẩm phục nhà Nguyễn có sự pha trộn từ nhiều quan điểm trang phục của những triều đại trước, và đặc biệt là thiên triều Mãn Thanh
Phẩm phục nhà Nguyễn có sự pha trộn từ nhiều quan điểm trang phục của những triều đại trước, và đặc biệt là thiên triều Mãn Thanh. Ảnh: Hoàng Vĩ
Các chữ Phúc, Lộc, Thọ đại tự được thêu nổi trên áo vua theo lối chữ triện, như lời chúc phúc dành cho người quyền lực nhất vương triều
Các chữ Phúc, Lộc, Thọ đại tự được thêu nổi trên áo vua theo lối chữ triện, như lời chúc phúc dành cho người quyền lực nhất vương triều
Mây vân sóng nước là chi tiết trang trí phổ biến trên long bào của vua chúa nhà Nguyễn
Mây vân sóng nước là chi tiết trang trí phổ biến trên long bào của vua chúa nhà Nguyễn

Xét về mặt lịch sử và xã hội, nhà Nguyễn học tập nhiều từ nhà Mãn Thanh và vải vóc cũng được cung đốn, mang về từ Trung Hoa. Thời kỳ đầu việc mua bán là riêng tư, không có sự can thiệp của triều đình Mãn Thanh. Nhưng sau những tranh cãi giá cả với thương nhân, chức trách Mãn Thanh can thiệp và yêu cầu sứ thần An Nam gửi danh sách nguyên liệu cần mua và có nhiệm vụ mua giúp.

Tuy nhiên, nhà Thanh lại không muốn bán gấm lụa màu vàng cho An Nam vì cho rằng chỉ có bậc thiên đế Trung Hoa mới có đặc quyền ấy. Bởi thế mà từ đời Thiệu Trị (1807-1847) triều đình nhà Nguyễn truyền lệnh đặt các hộ dệt tại Hà Đông chuyên dệt lụa, gấm vàng để cung tiến, các địa phương dệt khác cũng được yêu cầu cống nạp các sản phẩm may mặc cao cấp thay cho xu thuế.

Từ người đỗ khoa thi, quan quân đều có màu sắc cụ thể trên trang phục phân rõ thứ bậc
Từ người đỗ khoa thi, quan quân đều có màu sắc cụ thể trên trang phục phân rõ thứ bậc

Áo mão vua hậu, cung phi đều đính vàng bạc, kim cương, trân châu,… dẫu ít dẫu nhiều nhưng món nào cũng có. Đề tài trang trí, sự phân chia thứ bậc theo chủ đề được tuân thủ nghiêm ngặt. Áo vua thêu rồng, áo hoàng tử trang trí lân, áo hoàng hậu công chúa thêu hoa và chim phượng (có 3 dải đuôi), áo công chúa thêu chim loan (giống như chim phượng nhưng chỉ có 1 dải đuôi). Mũ đại triều của vua có 9 hình rồng hướng thiên bằng vàng. Mũ của hoàng thái hậu chỉ thêu 9 con phượng; mũ của cung giai thì tùy theo thứ bậc mà có từ 1 chim phượng đến 7 chim phượng,…

Vua Khải Định trong trang phục Tổng tư lệnh quân đội
Vua Khải Định trong trang phục Tổng tư lệnh quân đội

Quy định nghiêm ngặt và bài bản nhưng đôi lúc cũng có những phá lệ rất thú vị. Chiếc áo Thường triều của vua Khải Ðịnh tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, ngoài hoa văn rồng mây, thủy ba như thông lệ còn điểm xuyết 18 đóa hồng nhung thêu kim tuyến và chỉ bóng, cùng hai bông cúc đại đóa ở trước ngực và sau lưng. Trên một áo khác của vua còn có hình chim phượng đối mặt với rồng trong vầng mây hình cầu.

Vua Khải Ðịnh là người thích cách tân, chuộng sự mới lạ, kỳ dị nên không chỉ trong trang phục mà cả trong cung điện, lăng tẩm của vua, cá tính độc đáo đó của ông cũng xuất hiện ở nhiều nơi mà Thiên Ðịnh Cung là một ví dụ cụ thể. Kể từ đó, phẩm phục cung đình thay đổi và du nhập nhiều đặc điểm của cả Mãn Thanh lẫn phương Tây.

Khi tinh hoa nơi vương triều xưa cũ chuyển mình với thời đại

Bà Chúa Nhất, phong hiệu Mỹ Lương công chúa, tên thật là Nguyễn Phúc Tốn Tùy, sinh năm 1872 trong tấm áo Nhật Bình
Bà Chúa Nhất, phong hiệu Mỹ Lương công chúa, tên thật là Nguyễn Phúc Tốn Tùy, sinh năm 1872 trong tấm áo Nhật Bình

Được thấm đẫm tinh thần tự hào dân tộc từ gia đình ngay khi còn thơ bé, La Quốc Bảo sớm nuôi dưỡng tình yêu của mình với di sản đất Huế và đưa những đồ án hoa văn, phối màu trên hoàng phục vào các mẫu giày thể thao Converse.

Chân dung chàng trai trẻ La Quốc Bảo
Chân dung chàng trai trẻ La Quốc Bảo

Anh thành lập BARO như một thương hiệu custom sneakers để thực hiện những dự án ấy. Mỗi sản phẩm là thành quả của một quá trình nghiên cứu, chọn lọc và thực hiện thủ công bằng tay. Để khi mang lên chân, cầm nắm trên tay, chúng ta có thể cảm nhận được mối dây liên kết hiện tại với quá khứ.

Converse “Nhật Bình”: Chánh Hoàng (2nd edition)
Converse “Nhật Bình”: Chánh Hoàng (2nd edition)

Bộ sưu tập “Annam Heritage: Nhật Bình” được Quốc Bảo thai nghén khi nhìn thấy tấm hình Bà Chúa Nhất, phong hiệu Mỹ Lương công chúa 《 美良长公主阮福選隨 》, tên thật là Nguyễn Phúc Tốn Tùy, sinh năm 1872. Chánh hoàng sắc Nhật Bình là lễ phục dành riêng cho bậc Hậu vào thời Nguyễn. Chiếc áo này được xếp vào “Thường phục” – chỉ một bậc dưới Đại lễ phục cao quý nhất – Phụng bào.

Từng đường thêu nét vẽ trên tấm lễ phục này là minh chứng cho thời kỳ vàng son của nghệ thuật cung đình. Các hiện vật được sử dụng làm chất liệu trong BST là cổ áo thêu Cửu phụng của đức bà Đoan Huy hoàng thái hậu. Nền được phối màu điện lam (靛藍), tức màu chàm indigo, sậm hơn 2 bậc so với màu bửu lam (寶藍)truyền thống tạo cảm giác nhìn quyền lực và trầm lắng được bảo quản tại Điện Long An – Bảo Tàng Mỹ Thuật Cung Đình Huế. Và cổ áo thêu Ngũ phụng của một vị phi / công chúa cuối triều Nguyễn. Được cho là áo Đại lễ Tang phục (áo mặc vào dịp trọng đại khi triều đình còn để Quốc tang). Cổ áo này đặc biệt không dùng bất cứ chất liệu nào có màu vàng óng ánh (golden yellow) như kim tuyến, kim sa, mà thay toàn bộ thành ngân tuyến, ngân sa (silver).

Hình ảnh cổ áo thêu Ngũ phụng của một vị phi / công chúa cuối triều Nguyễn. Được cho là áo Đại lễ Tang phục (áo mặc vào dịp trọng đại khi triều đình còn để Quốc tang)
Hình ảnh cổ áo thêu Ngũ phụng của một vị phi / công chúa cuối triều Nguyễn. Được cho là áo Đại lễ Tang phục (áo mặc vào dịp trọng đại khi triều đình còn để Quốc tang)
Họa tiết trên Converse “Nhật Bình”: Chánh Hoàng được tô vẽ tỉ mỉ trong nhiều giờ
Họa tiết trên Converse “Nhật Bình”: Chánh Hoàng được tô vẽ tỉ mỉ trong nhiều giờ
Đồ án trang trí trên thiết kế được tinh giản nhưng vẫn giữ được các đặc điểm nổi bật của phẩm phục
Đồ án trang trí trên thiết kế được tinh giản nhưng vẫn giữ được các đặc điểm nổi bật của phẩm phục

Còn với bộ sưu tập “Annam Heritage: Bình Lĩnh”, là phẩm phục cho các phu nhân của các quan từ Nhất phẩm đến Tam phẩm (ban võ) và Tứ phẩm (ban văn), “Bình lĩnh 平領” khác với Nhật bình là lễ phục của các bậc Hậu cung. Thuở đầu, quy định chưa cụ thể: các sắc tía 紫 đều được dùng nên không phân định được cấp bậc rõ ràng. Cũng vì được cất giữ tại tư gia, nên sau nhiều biến động, hiện vật ở Việt Nam đã biến mất gần như toàn bộ, ta chỉ còn thấy được hình dáng áo Bình lĩnh qua ảnh chân dung của các bà.

Bốn phối màu trong BST “Annam Heritage: Bình Lĩnh”
Bốn phối màu trong BST “Annam Heritage: Bình Lĩnh”

Thương hiệu BARO dựa theo quy chế được sửa đổi cụ thể, nghị chuẩn năm 1860 (Tự Đức) để tạo nên BST Converse “Bình Lĩnh” này, liệt kê như sau:

1. Mệnh phụ quan Chánh – Tòng nhất phẩm: áo màu bảo lam 寶藍 (lam biếc), hài màu hoa xích 花赤 (đỏ tươi)

2. Mệnh phụ quan Chánh – Tòng nhị phẩm: áo màu thanh thiên 青天 (lam tím), hài màu hoa xích 花赤 (đỏ tươi)

3. Mệnh phụ quan Chánh – Tòng tam phẩm: áo màu ngọc lam 玉藍 (xanh ngọc), hài màu hoả xích 火赤 (đỏ cam)

4. Mệnh phụ ban Văn ấn quan Tứ phẩm: áo màu quan lục 官綠 (xanh lá mạ), hài màu hoả xích 火赤 (đỏ cam).

Các thiết kế vẫn giữ các nét đặc trưng nhất của Bình lãnh qua: viền cổ màu lam biếc (寶藍), bên ngoài là đồ án phụng và mây ngũ sắc trên nền màu tuyết bạch 雪白 (trắng tinh) viền trong giày được phỏng đoán tô màu cánh kiến (tử nghĩ 紫蟻). Motif tứ phụng tham khảo áo mệnh phụ của bà Thái Thị Ngọc Lan, được ban thưởng vào triều Thành Thái năm 1905 và một số áo khác của tiến sĩ Thái Kim Lan. Toàn bộ được vẽ thủ công bằng sơn chuyên dụng cao cấp, chống nước và nứt gãy. Thời gian hoàn thiện 20 tiếng.

Thiết kế bắt mắt và hợp thời là những tính từ dành cho các mẫu giày costume made của BARO
Thiết kế bắt mắt và hợp thời là những tính từ dành cho các mẫu giày costume made của BARO

Đầy khôn khéo và tinh tế để đưa các họa tiết của phẩm phục triều đình vào những mẫu giày Converse mà không gây cảm giác sến sẫm và khô cứng, Quốc Bảo đã truyền tải thành công tình yêu đối với các giá trị văn hóa dân tộc.

Đặc biệt hơn, anh đã chứng minh rằng, người trẻ đầy nhạy cảm của thời đại mới vẫn có thể tìm ra mảnh đất sống dành cho những di sản của một vương triều đã qua.

Thực hiện: Hiếu Lê

Tham khảo “Văn hóa cung đình triều Nguyễn – TS Trần Đức Anh Sơn”

Ảnh: BARO (Facebook), Internet