Kinh doanh thời trang: Khách hàng “một đi không trở lại”, phải làm sao?

Ngày đăng: 14/02/20

Một ngày đẹp trời, nhân lúc rảnh rỗi, bạn quyết định dành thời gian để thư giãn bằng hình thức shopping. Nhưng ngay lúc bạn đặt chân vào cửa hàng, chưa kịp định thần vì bầu không khí lạnh ngắt của cửa tiệm, còn chưa kịp quan sát hết đồ trong shop, bạn nhân viên ngay tức khắc đưa ra câu hỏi: “Chị muốn mua gì ạ?”. 

Bạn sững lại một lúc, vì bạn đang muốn tìm món đồ gì khiến bạn ưng-ngay-từ-cái-nhìn-đầu-tiên. Thế nhưng, bạn nhân viên tỏ vẻ hơi khó chịu và quyết bám theo sát từng bước đi của bạn trong tiệm. Khi bạn cầm đồ lên xem và đưa xuống, bạn nhân viên ngay lập tức chỉnh chỉnh sửa sửa lại giá treo đồ. Và trong lúc bạn xem, bạn nhân viên không ngừng gợi ý “món này hợp với chị lắm ạ”, “món này là mẫu mới nhất”… Quá sợ hãi vì trải nghiệm mua sắm này, bạn quyết định rời đi. Khi bạn vừa ra cửa, còn cảm nhận được cái liếc mắt sắc lẻm của nhân viên. Thật may vì ít ra họ còn chưa đòi “đốt phong lông” đấy! 

Thế là đi tong một ngày đẹp trời!

Đây là một trải nghiệm mà các tín đồ shopping có thể ai cũng từng mắc phải một hoặc vài lần. Điều khiến họ quyết tâm không bao giờ trở lại cửa hàng đó. 

Trong thời buổi thị trường thời trang cạnh tranh khốc liệt thì nhiều sai lầm trong cách thức vận hành kinh doanh khiến cho các cửa hàng thời trang trở nên vắng vẻ. Nếu bạn đang là chủ một cửa hàng thời trang, hãy kiểm tra xem bạn có đang mắc phải những sai lầm sau: 

1. Nhân viên quá “vồ vập”

Bạn có đang đặt ra con số cụ thể cho nhân viên của mình? Điều này khiến họ trở nên vô cùng “vồ vập” và cố gắng gợi ý liên tục món đồ mà không quan tâm đến cảm giác của khách hàng.

Một số khách hàng xác định được món họ cần mua và đến cửa hàng để chọn lựa và thử đồ. Nhưng một nhóm đối tượng khác họ xem shopping là hình thức thư giãn và mua những gì họ thích vào thời điểm họ nhìn thấy. Điều này hết sức bình thường và nhân viên không nên cau có, khó chịu khi khách hàng nói “chỉ xem”. 

Đừng nghĩ rằng khách bước chân vào cửa hàng là phải mua ngay. Nếu bầu không khí dễ chịu, họ có thể trở lại vào lần sau cùng với bạn bè hoặc người thân nữa. Vì thế, một câu “xin chào” và “tạm biệt” đến khách hàng là điều mà cửa hàng bạn nên có. 

2. Không khí cửa hàng không tốt

Khách hàng thích nhân viên để cho họ tự do chọn đồ, nhưng không có nghĩa họ thích nhân viên xem họ là “không khí” – đùa giỡn, ăn uống vô tư trong lúc họ chọn đồ. Họ chỉ thích tự do chọn lựa và khi họ cần hỏi size, cần thử đồ, cần tư vấn… nhân viên vẫn có mặt kịp thời. 

Nhiều nhân viên ở các cửa hàng vô tư trò chuyện cá nhân, đùa giỡn, thậm chí ăn uống tạo mùi khó chịu trong lúc khách hàng đang mua sắm. Điều này khiến cho khách cảm thấy cửa hàng không tôn trọng họ! Hãy luôn quản lý nhân viên của mình thật tốt nếu bạn không muốn mất khách. 

3. Cách thức trưng bày lộn xộn, kém hấp dẫn

Có khá nhiều local brand tại Việt Nam hiện nay thiếu kiến thức về bán hàng trực quan. Nhiều chủ cửa hàng nghĩ rằng việc trưng bày càng nhiều quần áo, phụ kiện càng tốt, vì nếu khách không chọn được món này thì cũng có thể lấy món kia. Đây là một trong những sai lầm phổ biến nhất mà chị Trần Hà Mi – Fashion Marketing Strategist cùng các chuyên gia trong lĩnh vực Visual Merchandising: chị Hiền Trần, anh Tống Đức Dũng, anh Duy Anh chia sẻ tại chương trình SR Talk Ep5: Visual Merchandising Strategy to boost Retail Sales.

Việc quần áo trưng bày thiếu hợp lý, thứ nhất khiến cho món đồ trở nên xấu đi, thứ hai khiến khách hàng trở nên rối trí trong việc chọn lựa. Việc mua sắm của nhiều khách hàng phần lớn phụ thuộc vào cảm xúc, tức họ phải có cảm xúc yêu thích, muốn thử. Nên thay vì trưng bày tất cả những gì có trong kho hàng, hãy bày trí sao cho thật đẹp mắt. 

Nhiều cửa hàng được ưa thích và có doanh số cao, đôi khi họ chỉ trưng thật ít mẫu, tuy nhiên cách thức họ trình bày sản phẩm và kết hợp những phụ kiện xung quanh hợp lý khiến cho món đồ toát lên vẻ sang trọng và đẳng cấp khiến khách muốn sở hữu ngay. 

4. Nhân viên luôn theo sát khách

Khách hàng có thể cảm kích nếu nhân viên xuất hiện lúc họ cần nhưng họ không phải trẻ con cần có người theo sát bên cạnh khi chọn đồ. Hãy để nhân viên giữ khoảng cách với khách để họ thoải mái chọn lựa và chỉ nên có mặt lúc họ cần. 

Việc giữ cho cửa hàng ngăn nắp là cần thiết, nhưng hãy để nhân viên làm việc đó khi khách đã rời đi. Vào dịp cao điểm mua sắm hay mùa sale, hãy chấp nhận cửa hàng lộn xộn một chút. Việc xếp lại đồ ngay trước mặt khách khi khách vừa bỏ xuống dễ khiến họ cảm thấy bản thân không được chào đón tại cửa hàng. 

5. Chỉ chăm chăm bán hàng thay vì trao cho khách hàng trải nghiệm mua sắm tốt đẹp 

Trong thời buổi thương mại điện tử lên ngôi, nhiều khách hàng chọn hình thức mua hàng online thay vì đến trực tiếp cửa hàng. Điều này khiến cho ngành bán lẻ điêu đứng trong vài năm trở lại đây. Các cửa hàng bán lẻ quyết tâm cải tiến để mang khách trở lại và chọn lựa của họ là nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách. 

Một góc trải nghiệm tại cửa hàng Haberman

Haberman – một thương hiệu thời trang dành cho nam tại TP. Hồ Chí Minh tạo nên một góc riêng để khách hàng có thể chụp ảnh “check-in”. Đây là hình thức đôi bên vừa có lợi, khách hàng có góc chụp ảnh cực chất để khoe trên mạng xã hội, còn thương hiệu có nhiều khách yêu thích ghé thăm và mua sắm. Thương hiệu mắt kính SEESON cũng chính thức khai trương cửa hàng SEESON IRL FLAGSHIP tại Hà Nội vào cuối năm 2019. SEESON IRL Flagship mang tới sự đa dạng trải nghiệm dịch vụ với sự kết hợp của SEESON Coffee Lounge và SEESON Clinic – hiện thân của sự kết hợp thú vị giữa dịch vụ thư giãn và dịch vụ y tế khám khúc xạ.

SEESON IRL FLAGSHIP với sự kết hợp của SEESON Coffee Lounge và SEESON Clinic

Một hình thức nâng cao trải nghiệm mới cho khách hàng được nhiều thương hiệu chọn lựa là kết hợp với các thương hiệu khác, như cửa hàng quần áo kết hợp với thương hiệu phụ kiện, tạo sự kiện Pop-up day, để khách hàng có chọn lựa mua sắm đa dạng hơn. 

Thực hiện: Hoàng Khôi

Mùa sau Tết và ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp do virus corona, cũng là lúc để các cửa hàng thời trang có dịp nhìn lại, thay một diện mạo mới của cho cửa hàng của mình, xây dựng cách thức vận hành phù hợp, đào tạo và quản lý nhân viên trở nên chuyên nghiệp hơn. 

SR Fashion Business School – Không gian giảng dạy & chia sẻ kiến thức kinh doanh thời trang chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam với các khóa học Fashion Retail Operation – Quản lý kinh doanh thời trang; Fashion Visual Merchandising – Chiến thuật bán hàng trực quan trong ngành thời trang; Fashion Business – Khóa học ngắn hạn lập kế hoạch kinh doanh thời trang; Digital Marketing – Chiến thuật bán hàng trực tuyến. Những kiến thức được chia sẻ từ những chuyên gia trong lĩnh vực thời trang sẽ giúp chủ các doanh nghiệp thời trang nhỏ vận hành được chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.