Kinh doanh thời trang: Covid năm thứ hai, nhiều thương hiệu không còn trụ nổi

Ngày đăng: 15/08/21

Covid bùng phát trở lại tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 5 năm nay, cùng với lệnh giãn cách sau đó đã khiến cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh thời trang tại Việt Nam không thể trụ nổi. 

Dịch Covid đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình kinh doanh cả nước ta, tuy nhiên lệnh giãn cách kéo dài trong năm nay khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh thời trang gặp nhiều khó khăn, nhiều thương hiệu hay cửa hàng kinh doanh nhỏ đã đóng cửa do không còn kham nổi chi phí. Nhân sự trong ngành thời trang cũng rơi vào tình trạng thất nghiệp, nhiều lao động chọn về quê trong thời gian lệnh giãn cách được áp dụng do mất thu nhập. 

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh thời trang gặp khó do covid

Ngành thời trang “ngấm đòn” Covid 

Theo báo Tiền Phong đưa tin vào ngày 13/08 vừa qua, tại các tuyến phố kinh doanh được cho là sầm uất, nhộn nhịp nhất của Hà Nội như: Kim Mã, Cầu Giấy, Hàng Bông, Bà Triệu, Mã Mây, Triệu Việt Vương… nay đã trở nên vắng vẻ, đìu hiu. Nhiều chủ cửa hàng không duy trì nổi đã phải treo biển thanh lý sản phẩm, trả mặt bằng kinh doanh và đóng cửa hàng.

Cảnh một khu trung tâm thương mại đìu hiu vắng khách tại Hà Nội. Nguồn ảnh: vnexpress

Tại TP Hồ Chí Minh, trước khi chỉ thị 16 được áp dụng, có thể thấy lĩnh vực kinh doanh thời trang cũng đã “ngấm đòn” Covid trong suốt năm 2020. Các cửa hàng thời trang lớn trên các con phố trung tâm Quận 1, Quận 3… cũng đã đóng cửa, treo bảng cho thuê mặt bằng. Tuy nhiên, do diện tích lớn, chi phí thuê cao, các mặt bằng hầu như khó tìm được khách thuê mới và vẫn còn bỏ trống. 

Nhiều thương hiệu thời trang đã áp dụng nhiều chiến lược để tồn tại trong năm vừa qua như cắt giảm chi phí, cắt giảm nhân sự, tăng cường phát triển mảng online, giảm thiểu khâu sản xuất, chuyển sang trang phục dễ mua dễ mặc, giảm giá sản phẩm liên tục… Tuy nhiên, khó khăn vẫn tồn tại. Nhất là trong thời điểm hiện nay, các sản phẩm thời trang không được tính là hàng thiết yếu. 

Theo số liệu đến từ tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, dịch bệnh đã khiến lượng tiêu thụ toàn cầu cho sản phẩm quần áo và phụ kiện giảm 17%, trong khi vào năm 2018, con số này được dự đoán là 2%.

Tại TP Hồ Chí Minh, trước khi chỉ thị 16 được áp dụng, có thể thấy lĩnh vực kinh doanh thời trang cũng đã “ngấm đòn” Covid trong suốt năm 2020.

Một số thương hiệu có chi nhánh ở các tỉnh cố gắng đẩy mạnh bán hàng ở các tỉnh thành nơi mà shipper (người giao hàng) vẫn còn có thể giao được. Một số khác nhận đặt hàng cho các khách quen, hẹn sẽ giao khi nào hết chỉ thị 16. Nhưng có thể thấy, nhu cầu mua sắm quần áo giảm mạnh trong thời điểm vừa qua. 

Theo thông lệ, vào thời điểm tháng Tư, tháng Năm, là lúc các thương hiệu bắt đầu tung ra các dạng áo váy cho mùa Hè, mùa du lịch. Thời điểm covid bùng phát tại TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng Năm, khiến cho các thương hiệu gặp khó với quần áo đã sản xuất nhưng không còn bán được. Khác với các loại hàng hoá khác, các sản phẩm thời trang thường được bán theo mùa. Khi trái mùa các thương hiệu chỉ còn có nước sale-off. Nhưng tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhiều người đã cắt giảm khoản chi tiêu vào mua sắm quần áo, phần vì không còn nhu cầu ăn diện khi làm việc ở nhà hoặc đại dịch đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập. 

Một con phố thời trang đóng cửa im lìm tại Hà Nội trong mùa giãn cách. Nguồn ảnh: vnexpress

Nhân sự trong ngành thời trang cũng gặp khó

Nhân sự trong ngành thời trang cũng gặp khó. Từ một nguồn tin cho biết, một công ty chuyên phân phối và bán lẻ các sản phẩm thời trang cao cấp của nhiều thương hiệu danh tiếng với nhiều cửa hàng tại các trung tâm thương mại đã cắt giảm hơn phân nửa nhân sự vào thời điểm vừa qua, đồng thời giảm mạnh lương nhân viên. 

Nhiều cửa hàng thời trang đóng cửa, đồng nghĩa với một số lượng lớn nhân sự mất việc. N. một nhân viên bán hàng thời trang tại một cửa hàng ở Q.1 nhận bán hàng tính lương theo giờ đã mất việc từ cuối tháng Năm. Cô cũng không rõ mình còn có thể trở lại làm việc hay không. Rất nhiều người làm trong ngành sáng tạo thời trang như người mẫu, nhiếp ảnh, thợ may… chỉ đang mong sớm hết dịch để có thể làm việc trở lại.

Nhiều cửa hàng thời trang đóng cửa, đồng nghĩa với một số lượng lớn nhân sự mất việc.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), khoảng 30 đến 35% nhà máy dệt may ở Việt Nam hiện đã ngừng hoạt động do dịch. Trong đó có nhiều công ty xuất khẩu lớn như Công ty Pou Chen của Đài Loan, sản xuất giày cho Adidas và Nike; Changshin của Hàn Quốc, cũng là nhà cung cấp cho Nike. 

Thời điểm hiện nay, khi mất việc nhiều người lao động trong ngành thời trang từ làm việc ở các công ty cho đến các xưởng gia công đã rời TP Hồ Chí Minh để tránh dịch. Điều này có thể khiến dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trong thời gian tới.  

Thực hiện: Koi