Kỷ vàng son của Dior dưới thời John Galliano sẽ không bao giờ trở lại!
Ngày đăng: 15/11/20
Những năm gần đây, chúng ta hiếm khi thấy được sự xa hoa, lộng lẫy trên sàn diễn như năm, mười năm trước. Đó là hệ quả của sự thương mại hóa và việc các nhà đầu tư đặt lợi nhuận lên tất cả, chấp nhận hy sinh nghệ thuật cho mục đích kinh tế. Đường băng các mùa xoay quần áo như một chiếc máy giặt với những món đồ quen thuộc (đến mức nhàm chán).
Bên cạnh những tín đồ chạy theo xu hướng, thay đổi liên tục để bắt kịp dòng chảy thì vẫn có những con chiên hết lòng giữ gìn sự hoài cổ của một giai đoạn nào đó. Chúng ta thường không biết mình đang ở một kỷ nguyên mang đầy sáng tạo và có tính biểu tượng cho đến khi nó qua đi.
Sau đó, ta lại đổ lỗi rằng thời trang hiện tại đã bão hòa và không có gì mới mẻ hay không còn như xưa. Nhưng biết đâu, năm hay mười năm nữa, chúng ta sẽ lại nghĩ về hôm nay và cảm thấy nó đầy thú vị. Chúng ta sẽ mãi tôn kính quý cô Céline thanh lịch và sang trọng của Phoebe Philo hay một Gucci gợi cảm của Tom Ford. Và chắc chắn là hình ảnh của một Dior cuồng quái và phi thường thời John Galliano.
Sự xuất hiện của gã điên Anh Quốc
Là một trong những nhà thiết kế người Anh đầu tiên tiếp quản một nhà mốt lừng danh của đất Paris, Galliano trị vì tại Dior từ năm 1996 đến năm 2011. Ngay từ bộ sưu tập đầu tiên của nhà sáng lập Christian Dior vào năm 1947, thương hiệu này đã được biết đến với hình tượng nữ tính và sang trọng. Điểm chung của bộ sưu tập là phần cầu vai tròn trịa, phần eo thuôn dài và chiếc váy xòe đầy đặn như báo hiệu một sự xa hoa và sống dậy của thời trang. Bởi lẽ, có nhà thiết kế nào thời hậu chiến lại bỏ ra 20 mét vải chỉ để may nên một chiếc váy như cách Christian Dior đã làm với New Look.
Vào thời điểm mà John Galliano dẫn dắt Dior, các nhà mốt có xu hướng sáng tạo dựa trên những di sản và quy tắc của thương hiệu. Tại Dior, Galliano lấy sự nữ tính và tinh thần sang trọng làm kim chỉ nam và đẩy mọi thứ đến đỉnh cao của sáng tạo. Ông đã mở ra thời kỳ vàng son cho thương hiệu với những ý tưởng cấp tiến và mang tính giải phóng nhiều nhất trong lịch sử thời trang.
John Galliano đã dùng Haute Couture để chạm đến sự ngoạn mục của nghệ thuật mà ngành công nghiệp chưa từng thấy trước đó.
Các bộ sưu tập (Haute Couture nói riêng) là sự pha trộn kỳ diệu giữa yếu tố lịch sử và ảnh hưởng của văn hóa nhạc pop đang thịnh hành lúc bấy giờ. Các buổi trình diễn không chỉ để bán quần áo, đó là trải nghiệm sân khấu phức tạp và dẫn dắt khán giả vào một vở kịch hay một bộ phim kỳ thú. Các người mẫu bước đi trên đường băng và được bao quanh bởi một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, cùng với đó những chiếc mũ đội đầu của nghệ nhân người Anh Stephen Jones. John Galliano đã dùng Haute Couture để chạm đến sự ngoạn mục của nghệ thuật chưa từng có trước đó.
John Galliano sử dụng sân khấu haute couture để tạo nên những khoảnh khắc tuyệt đẹp cho khán giả. Buổi diễn Haute Couture Thu-Đông 1999 được lấy cảm hứng từ bộ phim “Ma Trận” với những kiểu váy mà Galliano gọi là “tà ác”. “Đó là những chiếc váy xấu xa. Nhưng nó cũng đầy lãng mạn – đó là thứ người ta thí mạng vì nó, thưa các quý cô.” John Galliano nói.
Bước qua mùa Thu-Đông 2000, ông mang đến một “đám cưới” với đầy đủ nhân vật, theo sau là một Vương hậu Marie Antoinette đẫm máu và một linh mục. Tại sàn diễn Dior Haute Couture Xuân-Hè 2003, ông mang về những báu vật của văn hóa Á Đông sau chuyến du ngoạn ba tuần đến Trung Quốc và Nhật Bản. Những dải lụa rực rỡ, những nàng công chúa xứ phù tang, vương phi Trung Hoa xuất hiện trên sàn diễn cùng một đoàn xiếc Trung Quốc.
Sau đó, ông bị sa thải,…
Sau vụ bê bối năm 2011, thương hiệu đã sa thải ông với lý do “phân biệt chủng tộc”. Nhiều nguồn tin cho rằng lý do thật sự chính là sự bất mãn với phong cách thiết kế và chi phí cho sáng tạo của John Galliano của các nhà đầu tư. Phát ngôn năm 2011 của ông chỉ là giọt nước làm tràn ly.
Tiếp quản nhà mốt, gấp rút chuẩn bị để kịp trình diễn bộ sưu tập Haute Couture Thu-Đông 2012/13, Raf Simons đã tái định nghĩa sự xa hoa và duy trì chuẩn mực cao cấp của thương hiệu; nhưng với một quy mô nhỏ hơn nhiều. Và cuối cùng, Maria Grazia Chiuri đến và trở thành nữ giám đốc sáng tạo đầu tiên của nhà mốt.
Sự chia rẽ của nội giới thời trang
John Galliano rời đi và Dior đã thay đổi hoàn toàn. Phản ứng của công chúng và giới phê bình cũng vậy. Dù Maria Grazia Chiuri đã hồi sinh những biểu tượng của “kỷ John Galliano” như túi yên ngựa (Saddle Bag), hưng sự hào hứng đã giảm đi rất nhiều và các đặc trưng nhận dạng của Dior cũng giảm đi đáng kể. Người phụ nữ Dior hiện tại là một người tập trung vào sự thiết thực và thoải mái.
Mặt khác, tính ứng dụng và thoải mái mang đến cảm giác thực hơn cho người tiêu dùng, đặc biệt là trong giai đoạn hậu dịch như hiện nay. Trong thời kỳ mà người tiêu dùng hiện đang ngần ngại chi tiền cho thời trang xa hoa, một nhà mốt phải kết hợp phong cách cùng tính thiết thực để bán được hàng. Bởi bản thân một nhà mốt cũng là một doanh nghiệp với những hóa đơn phải chi trả. Một thương hiệu thời trang không thể đạt được thành công về tài chính và thương mại nếu không có sự hấp dẫn về phong cách, nhưng sự hấp dẫn về phong cách không thể tồn tại nếu người tiêu dùng không thể hình dung bản thân đang mặc đồ của thương hiệu (do không có khả năng sở hữu).
Trong khi các nhà phê bình ngày càng ngao ngán với áo thun in khẩu hiệu phối với váy tulle từ mùa này qua mùa khác của Maria Grazia Chiuri, thì có vẻ như các vị khách hàng cùng các nhà phân phối ngồi hàng ghế đầu lại tỏ ra thích thú. Vào năm 2019, Business of Fashion báo cáo rằng tổng doanh số bán hàng của Dior dự kiến sẽ tăng 26% so với năm trước, vượt qua doanh số bán hàng tại các cửa hàng nước hoa Christian Dior Parfums được quản lý riêng. Kepler Chevreux báo cáo rằng doanh số bán hàng của thương hiệu Dior ước tính có thể tăng hơn 9 tỷ euro vào năm 2025 và đề nghị rằng thương hiệu nên được đánh giá cao hơn trong Tuyên bố về vị thế của tập đoàn LVMH.
Có lẽ, sẽ không bao giờ có một John Galliano khác tại Dior. Thời trang đã trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ trong chính hệ thống của nó. Đó là khi sự hâm mộ và tôn trọng hầu như chỉ dành cho cái tên của thương hiệu thay vì nhà thiết kế đứng sau nó. Ai đó có thể mua một chiếc thắt lưng với logo GG to tướng của Gucci mà không hề biết rằng nó được thiết kế bởi Alessandro Michele, một gã lập dị người Ý. Hay một cô gái mới nổi trên mạng xã hội, kể về chuyến mua sắm đôi giày Dior tuyệt đẹp mà không hề biết Maria Grazia Chiuri là một trong những hậu duệ sáng tạo của Christian Dior.
Nhưng, một niềm hy vọng cho các tín đồ luôn ngưỡng vọng những sáng tạo đồng bóng và choáng ngợp của John Galliano. Khi mà chúng ta đang thấy chủ nghĩa Chiết Trung quay trở lại, dẫu vẫn còn khá mờ nhạt.
Như cách mà Christian Dior nắm tay và kéo thời trang ra khỏi cái hố đau buồn và cần kiệm của thời hậu chiến với New Look, chúng ta có quyền hy vọng về những tác phẩm của chủ nghĩa Tối Đa (Maximalism) một lần nữa tràn ngập các tuần lễ thời trang. Thời trang như giấc mộng đưa con người thoát khỏi sự khô khan của cuộc sống thực. Dù không thực tế, theo một nghĩa nào đó, nhưng nó là cách con người thể hiện sự mưu cầu về một tương lai và cuộc sống tốt đẹp.
Thực hiện: Hiếu Lê
Tham khảo: CR Fashion Book