Lại chuyện stylist và nhãn hàng: Độc bản trị giá bao nhiêu?

Ngày đăng: 30/01/22

Cộng đồng thời trang Việt hiện đang dậy sóng về một vụ hợp tác không suôn sẻ giữa một stylist và một thương hiệu thời trang khiến chủ thương hiệu phải bức xúc lên tiếng. 

Lại chuyện stylist làm cùng các nhãn hàng, thương hiệu. Có màn hợp tác suôn sẻ cả nhà cùng vui, cũng có màn hợp tác thảm họa rồi đường ai nấy đi, cạch mặt từ đó. Cách đây tầm 12 tiếng, chủ nhân thương hiệu thời trang Việt mang tên Duc Studio đăng tải story trên trang cá nhân và diễn đàn Stylist Việt Nam về việc hợp tác không thành công của thương hiệu với một stylist dẫn đến hậu quả trang phục của thương hiệu bị hư hại hoàn toàn và không thể sử dụng được nữa, trong khi phía stylist lại không có thái độ thành khẩn, trốn tránh trách nhiệm và hạ thấp giá trị sản phẩm để không phải đền bù đúng giá trị.

Nguyên văn status của Đức, chủ nhân thương hiệu Duc Studio như sau:

“Ngu dốt, nhiệt tình, thì xin đừng mất dạy.

Xin chào mọi người, mình thay mặt Duc Studio thông báo một tin mà trước nay mình chưa từng làm, đó là sản phẩm “Quần 4 Lầu“ (hay năm 2020 có một tên gọi khác là Breaking Heart) đã không còn nữa. Cụ thể: Quần 4 Lầu đã bị hư hại trên 90% và mất hoàn toàn khả năng sử dụng.

Quần 4 Lầu (Breaking Heart) là một sản phẩm nằm trong chuỗi các sản phẩm giúp Đức đứng trước hội đồng Jury trong lần bảo vệ Đồ án tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế thời trang của trường Đại Học Hoa Sen khóa 2020. Nếu tính cả giai đoạn bắt đầu research 2019 cho đến ngày bảo vệ đồ án (14/08/2020) là tròn 1 năm rưỡi để những sản phẩm đó có thể hiện diện và cùng Đức ghi dấu chặng đường thời trang thuở sơ khai của mình. Bộ sưu tập tên Real lấy cảm hứng chính từ thuyết song trùng mà Đức thích. (Toàn bộ hình ảnh liên quan Đức xin phép để ở dưới cùng với hồ sơ kỹ thuật Đức làm năm đó). 

Tóm tắt câu chuyện: Stylist mượn Quần 4 Lầu để thực hiện photoshoot. Khi mượn đồ đã ký giấy mượn đồ của Duc Studio, trong đó ghi rõ điều kiện giặt, trả, bồi thường theo giá trị sản phẩm mượn (ảnh 1). Stylist đồng ý và thể hiện sự đồng ý này bằng chữ ký trong phiếu thông tin mượn đồ. Tụi mình đã dặn sản phẩm cầu kỳ như Quần 4 Lầu cần giặt khô. Nhưng tới khi nhận lại sản phẩm thì hư hại xảy ra. Sau đó, Duc Studio team PR đã gửi email nói rõ với với bên mượn hiện trạng cái quần cùng hướng xử lý theo đúng thỏa thuận lúc mượn đồ đã ký. Bên stylist không đồng ý, tự đưa ra cách thức đền bù, bác bỏ giá trị của sản phẩm Quần 4 Lầu, tự định giá sản phẩm theo số tiền bên đó muốn đền (dù Quần 4 Lầu có giá niêm yết công khai rõ ràng?) và khi Duc Studio team PR đã muốn Chris hiểu rõ giá trị sản phẩm lẫn trách nhiệm đền bù đúng theo pháp luật thì bên stylist lật mặt, tỏ thái độ khiêu khích, coi thường sản phẩm, coi thường tụi mình. 

*Sản phẩm: Quần 4 Lầu – Breaking Heart

Tại sao lại là Breaking Heart? – Song trùng, Black Swan, volume rũ của váy múa ba lê, Gương vỡ, Nửa đen nửa đỏ, Nina (Portman) nửa trắng nửa đen chốt hạ ở cuối show diễn Black Swan đầy cảm xúc, nhất là đoạn Nina chảy máu. 

Và một ngày đẹp trời Quần 4 Lầu cũng “chảy máu” (mọi người có thể nhìn sự “chảy” ấy trên từng tầng xếp ly của sản phẩm như ảnh).

Chất liệu: Đũi Thái 100% thiên nhiên

Màu sắc: Đen, Đỏ

Kỹ thuật: Xếp ly cánh quạt, đúp kín, beading

Lót: Taffeta

Trim: Zipper

Giá niêm yết: 49,800,000

Mình khá buồn vì đây không phải (và không thể) là một sản phẩm bán đại trà. Mình dồn cả những năm tháng tuổi trẻ của mình để làm bộ sưu tập đó bởi mình biết, phải rất lâu nữa những bộ sưu tập với toàn bộ sức lực của mình như “Real” mới có thể quay trở lại. Thú thật, mình dùng cạn tiền những năm tháng vừa học vừa làm, kể cả tiền của gia đình tài trợ dồn vào nó.

Vậy mà mình bị một anh stylist tên Trường (instagram: _chris.vuu) làm hư hỏng hoàn toàn sản phẩm Quần 4 Lầu. 

Chuyện sẽ chẳng có gì nếu anh Trường tôn trọng giá trị của sản phẩm cũng như nhận lỗi thẳng thắn. Tuy nhiên, mọi thứ mình nhận được không gì hơn ngoài sự ngụy biện để bớt tốn tiền đền và một thái độ không hề thoả đáng, coi rẻ sức sáng tạo, coi rẻ thành quả và giá trị của người làm nghề từ anh. 

Toàn bộ hình ảnh phía dưới (bao gồm ảnh chụp tin nhắn và email) là cách mà anh Trường muốn giải quyết về hư hại của Quần 4 Lầu. 9.000.000 là con số mà anh Trường đưa ra cùng câu nói (mình trích dẫn nguyên văn từ email trả lời): “Tính độc bản không thể xác định được giá trị, do đó không là căn cứ đòi bồi thường”. 

Thật sự là một cú tát khá mạnh với mình. Lần đầu mình bị một người, có thể được xem là có hiểu biết về ngành này, coi thường nghề của mình bạc bẽo đến như vậy. 

Mình 24 tuổi năm nay 25, việc lập studio chắc chắn với một thằng nhóc 25 tuổi chưa là gì và cũng không muốn là gì như mình thật sự khá sớm. Mình chuẩn bị mọi thứ cho lần ra mắt này từ rất lâu về trước, hình dung trước phòng PR sẽ vận hành ra sao từ khi studio còn nằm trên giấy và đương nhiên việc dùng bản giấy để ghi nhận mượn đồ là điều mình nghĩ ra đầu tiên từ khi team PR còn chưa chính thức hoạt động (Phòng Quan Hệ Công Chúng) nhằm mục đích mượn trả đồ cho studio có giấy trắng mực đen.

Nhưng mà, mình cẩn thận rõ ràng bao nhiêu, thì gặp kiểu người thế này cũng vô dụng bấy nhiêu. Việc anh Trường mượn đồ và trả đồ lành lặn cho studio là việc hiển nhiên phải làm. Tuy nhiên khi sự việc xảy ra “thì, là, bị, tại” là cách anh Trường dùng để đáp lại thiện chí giải quyết vấn đề từ phía mình và phòng PR.

Tụi mình đã liên hệ cơ quan có thẩm quyền để giải quyết nhưng buồn lắm mọi người. Ai làm ngành này chắc mọi người sẽ hiểu LÀ SẼ CỰC KÌ KHÓ GIẢI QUYẾT triệt để bởi vì đây là vấn đề thỏa thuận đền bù giữa anh Trường và Duc Studio, mọi thứ đều phải thoả thuận mang tính tự giác, tự nguyện thực hiện. Với thái độ đáp trả của bên kia, mình hiểu rõ là lôi ra tòa án không giúp mình triệt để được nên đã tìm đến luật sư, luật sư nói với mình chuyện buồn rằng: “Nếu em muốn đòi lại 1 cái quần này thì ít nhất em phải bỏ ra 2 cái”. Tức là: mình đi kiện, phải thực hiện hết các nghĩa vụ giám định và thủ tục kiện tụng, hồ sơ chuẩn bị, minh chứng để tòa án chấp nhận thì chi phí và thời gian bỏ ra đáng giá ít nhất 2 cái Quần 4 Lầu, chưa kể sản phẩm thời trang ở Việt Nam còn hạn chế rất nhiều về giám định sản phẩm. Lúc nghe xong chưa bao giờ lòng mình thấy chua chát như vậy!

Mình thua ngay cả trước khi kiện, mình thua ngay sân nhà, mình thua bởi vì một lý do là mình không làm gì sai và người làm sai thì cứ ung dung sống và làm việc một cách vô tư lự. Nói đến đây mình nghĩ mọi người đọc mệt rồi và chi tiết dòng sự kiện mình sẽ để ở dưới phần hình ảnh để những ai muốn tìm hiểu chi tiết có thể xem hình và gói gọn được sự việc. Thế hệ tụi mình mong chờ rất nhiều vào nền thời trang nước nhà. Vì mình làm thời trang, mình sinh ra trong giai đoạn này, mình làm ở đây và mình yêu cái nơi mình sinh ra vô cùng. Mình hi vọng sẽ sớm thôi mình sẽ có thể làm được ít nhiều giúp ngành thời trang nước nhà có quy định luật chơi, chí ít là những tổ chức chính chuyên đứng ra bảo vệ tụi mình trong những chuyện như thế này. Lúc mở túi đựng đồ ra nhìn Quần 4 Lầu mình xém khóc thì thử nghĩ còn biết bao nhiêu trường hợp tệ hơn nữa đang xảy ra và có thể sẽ xảy ra mà mình không biết?

Qua câu chuyện này Đức mong những bạn trẻ làm nghề vừa ra trường có thể xem bài học vừa rồi của mình: ngu dốt cộng nhiệt tình không chỉ phá hoại mà còn là một lời phỉ báng vào mặt người làm nghề. Mình chưa từng dám nhận mình là nhà thiết kế gì đó to tát, kể cả trên chương trình, talkshow mời mình. Chỉ dám mong các bạn nhìn mình là một người yêu thời trang (Fashion-holic) để hiểu được mình rất buồn vì ngành này bị xem thường bởi người trong ngành đến như thế nào, mặc dù nhìn vào nó luôn hào hoa và phù phiếm.

Đến hôm nay mình mới được nghỉ tết cho nên mình mới có thời gian dám lôi chuyện này ra nói. Chắc chắn studio sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều sau chuyện này tuy nhiên với cương vị leader mình không thể im lặng. Thôi thì tống cựu nghinh xuân, mình tin mọi người năm mới sẽ khác hơn chứ cái 2021 này ghê quá!

Chúc mọi người một năm mới an khang và nhiều sức khoẻ,

Đức”

Với vị trí trung lập, Style-Republik xin được đưa ra những nhận định như sau:

Trách nhiệm làm nghề và thái độ thiếu chuyên nghiệp của stylist

Luật bất thành văn, mượn đồ là phải trả nguyên hiện trạng. Cũng biết rằng làm nghề stylist cũng lắm khổ cực, khó có thể lúc nào cũng giữ cho món đồ mượn sạch sẽ không tì vết hay lành lặn như chưa từng được sử dụng. Đó là lý do hợp đồng mượn đồ ra đời và quy định rõ ràng phải đền bù bao nhiêu giá trị sản phẩm cho những hư hại gây ra trong quá trình sử dụng. Ở đây, chưa nhắc đến những sơ hở trong hợp đồng khiến stylist vin vào để chối bỏ trách nhiệm, thái độ và chuyên môn của stylist đã bộc lộ nhiều điểm yếu kém. 

Thứ nhất, với những món đồ có giá trị cao, được thiết kế cầu kỳ, dễ hư hỏng, việc giữ gìn món đồ xuyên suốt quá trình sử dụng cho đến việc vệ sinh kỹ càng để món đồ giữ được tình trạng tốt nhất có thể là trách nhiệm hàng đầu của stylist. Một stylist cần có kiến thức về việc bảo quản, chăm sóc các sản phẩm thời trang. Đó gần như phải là những quy tắc nằm lòng khi bước chân vào con đường này nếu như stylist không muốn bán hết tài sản cộng thêm tiền công làm việc vất vả chỉ để đền bù cho tất cả những món đồ mình đã mượn.

Như những hình ảnh được Duc Studio cung cấp, chiếc quần bị hư hỏng nặng, rách nát như thể bị quay giặt với cường độ mạnh trong máy giặt. Với kiến thức thông thường, giặt theo cách nào mới có thể khiến quần áo hư hỏng đến mức độ này, không cần nói chắc ai cũng có thể đoán được. Nếu là một stylist chuyên nghiệp, cứng tay, stylist sẽ không vệ sinh theo ý mình cho đến khi xác nhận và đạt được đồng thuận về giải pháp vệ sinh. 

Không rõ ràng trong lời nói và giấy tờ

Phía Duc Studio ghi rằng: “Tụi mình đã dặn sản phẩm cầu kỳ như Quần 4 Lầu cần giặt khô.” và phía stylist cũng khẳng định trong email phản hồi: “Bên mình đã thông báo sẽ mang quần đi giặt hấp bằng việc nói với nhân viên đó tại cửa hàng tại sau khi nhận quần mẫu.”

Trong “Mẫu thông tin mượn đồ”, Duc Studio nêu ra “Giặt sạch và sấy (hoặc hấp) khô sản phẩm trước khi đem đi trả.” Có nghĩa là Duc Studio không yêu cầu chính xác Quần 4 lầu cần được giặt khô TRÊN GIẤY TỜ mà chỉ dặn qua lời nói. Đây là một sơ hở của bên Duc Studio khiến stylist có thể vin vào.

Stylist sử dụng từ “giặt hấp” mang định nghĩa bao quát, không rõ cụ thể là cách giặt hấp như thế nào mà cũng không làm rõ cùng thương hiệu trước khi thực hiện việc vệ sinh. Stylist có nói về việc Duc Studio không phản hồi gì bằng tin nhắn, văn bản cho việc đồng ý hay không việc “giặt hấp” thế nhưng stylist cũng không sử dụng văn bản để thông báo về việc giặt hấp của mình? Chính vì không có văn bản nêu rõ loại hình giặt hấp nào nên stylist đã lợi dụng sự sơ hở này để có thể giặt bằng bất kỳ hình thức nào và đồ hư hại là do lỗi của thương hiệu không báo trước.

Style-Republik cho rằng việc thông tin giữa hai bên có thể hoàn toàn được giải quyết chỉ bằng một cuộc điện thoại, hoặc nếu cần giấy trắng mực đen thì bằng biên bản rõ ràng chứ không phải là sự chờ đợi phản hồi mà cả hai đều sử dụng “lời nói gió bay, nhớ nhớ quên quên”.

Ai mới là người được định giá cho sản phẩm từ chất xám?

Trên “Mẫu thông tin mượn đồ” (tạm thời được xem là hợp đồng duy nhất giữa hai bên), chiếc Quần 4 lầu của Duc Studio được ghi là quần sample (sản phẩm mẫu để duyệt trước khi sản xuất theo số lượng). Một lần nữa Duc Studio thiếu cẩn trọng khi không thông báo rõ ràng giá trị hàng sample trước khi cho mượn. Thế nhưng, Quần 4 Lầu được Duc Studio khẳng định là chỉ có 1 chiếc, không làm lại chiếc thứ hai và giá trị đưa ra là phù hợp với tính độc bản của nó. Không bàn đến việc giá trị có hợp lý hay không vì đó thuộc quyền của người làm ra nó, việc Duc Studio đặt tên sản phẩm cho mượn là “sample” vô hình chung khiến người khác nghĩ rằng Quần 4 Lầu có thể được sản xuất số lượng nhiều hơn, và hàng sample sẽ không thể có giá trị cao hơn hàng được bày bán. Dựa vào giá niêm yết là 49,800,000 VND, Duc Studio đưa ra mức giá bồi thường 39,840,000 VND và bị phía stylist bác bỏ cho rằng không có cơ sở hợp lý, và tự ý đưa ra mức bồi thường là 9,000,000 VND.

Lỗi của Duc Studio: Không đưa ra giá trị cụ thể cho mặt hàng sample mà dựa vào giá retail để định mức giá bồi thường. 

Lỗi của stylist: Tự ý định giá sản phẩm cho thương hiệu và yêu cầu thương hiệu đưa ra các giấy tờ chứng minh việc sản phẩm có giá trị tương ứng với mức bên thương hiệu yêu cầu bồi thường. 

Email gốc từ stylist

Giá trị của một sản phẩm là do thương hiệu tự quyết định, không ép ai mua cả. Việc stylist hạ thấp giá trị sản phẩm có thể hiểu stylist không hề xem thời trang hay chất xám có giá trị mà chỉ xem chúng như một đạo cụ để làm nghề. Stylist còn đề cập chuyện nếu cần sẽ có thêm bên thứ 3 để định giá sản phẩm – một sản phẩm chất xám. Thời trang, chất xám, tính độc bản là những thứ trừu tượng, khó có thể định giá một cách chính xác. Style-Republik cho rằng, người duy nhất có quyền định đoạt giá trị của sản phẩm không ai khác chính là người tạo ra sản phẩm đó. Việc thấy hợp lý hay không là chuyện của những bên còn lại và thương hiệu cũng không hề bắt ép các bên phải thấy hợp lý hay mua sản phẩm. Nhưng một khi stylist xác định sử dụng sản phẩm này, stylist cũng cần ý thức rõ và tôn trọng giá trị của sản phẩm mà thương hiệu đưa ra chứ không được phép tự ý định giá sản phẩm như vậy.

Sự việc trên là một bài học đắt giá cho tất cả những ai đang và sẽ làm thời trang. Một số làm thời trang có thể chỉ để thỏa mãn cái tôi nghệ thuật nhưng khi đã quyết định đưa nghệ thuật đó vào đời sống, vào kinh doanh, người làm thời trang hay người chủ thương hiệu cần cẩn trọng và bổ sung những kiến thức cần thiết để tránh những rắc rối về sau cũng như bảo vệ tốt nhất thương hiệu của mình. Với những ngành nghề bổ trợ cho thời trang như truyền thông, trong đó có stylist thì việc có nhìn nhận đúng đắn về nghề, trách nhiệm và thái độ làm nghề chính là hành trang để thành công trong lĩnh vực này bởi chỉ cần “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”.


Thực hiện: Mỹ Đỗ