Làm sao để sử dụng chất liệu cotton một cách bền vững hơn với môi trường?

Ngày đăng: 18/08/20

Cotton là nguyên liệu thô được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành may mặc, chiếm 33% tổng số nguyên liệu, theo Fashion Revolution.

Theo Khảo sát về chi tiêu của người tiêu dùng từ First Insight Inc, cho thấy Gen Z muốn mua hàng từ các thương hiệu bền vững và sẵn sàng trả nhiều hơn cho các sản phẩm bền vững (lần lượt là 62 và 73%). Sử dụng các loại chất liệu bền vững để chinh phục thế hệ tiêu dùng trẻ tuổi, những người ủng hộ sống xanh là điều mà các thương hiệu đang hướng đến.

Một cuộc khảo sát gần đây của US Cotton Trust Protocol and Sourcing Journal cũng chỉ ra 54% các công ty dệt may nhận thấy, nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm và công ty  thực hành bền vững với môi trường tăng lên kể từ khi đại dịch bắt đầu. Trong giai đoạn bình thường mới, tính minh bạch và giá trị cao đức là một trong những tiêu chí hàng đầu mà người tiêu dùng đòi hỏi ở doanh nghiệp. Từ đó mà chất liệu cotton bền vững trở nên liên quan đến các đòi hỏi này.

Mới đây, Farfetch đã hợp tác với Good On You để cùng nhau thực hiện một cam kết mang tên gọi Positively Conscious Edit (Tạm dịch: Điều chỉnh ý thức tích cực) với sự tham gia của Gucci và Stella McCartney từ Tổ chức Better Cotton. Cam kết này cho phép thương hiệu xa xỉ có cotton đạt tiêu chuẩn sẽ hiện diện nhiều hơn trên trang Farfetch.

Một tổ chức của Hoa Kỳ, US Cotton Trust Protocol, đang cung cấp cho các thương hiệu và nhà bán lẻ dữ liệu hàng năm từ các trang trại của họ, có thể được sử dụng để thể hiện tiến độ đo lường đối với các cam kết và cam kết bền vững của doanh nghiệp. Textile Exchange đã thông qua tiêu chuẩn của Cotton Trust Protocol với tư cách là nhà cung cấp bông ưu tiên, có nghĩa là các thương hiệu và công ty như Burberry, M&S, Kering, Levi’s, H&M và Adidas – tất cả đều tham gia Thử thách cotton bền vững năm 2025 – có thể sử dụng tiêu chuẩn để giúp họ đạt được mục tiêu hướng đến sử dụng 100% cotton bền vững.

Hiện tại Levi’s đang hướng tới mục tiêu thương hiệu là sử dụng 100% cotton bền vững trong suốt quá trình hoạt động của mình. Liza Schillo, quản lý cấp cao, tại Levi’s cho biết, Gen Z ngày nay đòi hỏi tính minh bạch nhiều hơn. “Người tiêu dùng thế hệ Z và những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ trẻ hơn, họ đã trưởng thành với nhiều thông tin trong tay hơn”.

Các nhà cung cấp cotton cũng cần được chứng nhận tính bền vững nhờ vào một hệ thống xác minh nguồn nước, carbon, hóa chất và môi trường xã hội từ các trang trại.

Sự hợp tác của Burberry với bộ sưu tập The RealReal và Off the Grid của Gucci sử dụng các chất liệu tái chế, cho thấy thời trang xa xỉ bắt đầu quan tâm đến hệ sinh thái thời trang. Tuy nhiên, cotton vẫn được sử dụng phổ biến trong ngành thời trang, nhất là thời trang đường phố và đồ thể thao, chứ không chỉ ngành xa xỉ.

Material Change Index (MCI) năm 2019 có 170 thương hiệu ký cam kết. Nhóm tham gia sáng kiến ​​MCI đã sử dụng ít hơn 11% (374 tỷ lít) nước so với mức họ sẽ sử dụng khi có nguồn bông thông thường, đủ nước cho 342 triệu người trong một năm. Nike và Adidas là những công ty dẫn đầu trong MC1 2019, được phân loại là các công ty Cấp 4 và “những nhân vật tiên phong chuyển đổi trong ngành”. 

Các công ty xa xỉ như Burberry và Kering cũng đã ghi nhận việc sử dụng cotton bền vững vào chiến lược kinh doanh của công ty. Nhiều thương hiệu thời trang khác cũng đang sử dụng bông bền vững trong chuỗi cung ứng, vì số lượng nhỏ nên chưa truyền thông đến người tiêu dùng. Lý do chưa truyền thông vì một số thương hiệu lo ngại bị chỉ trích là “greenwashing” (ám chỉ dùng thời trang bền vững như một chiêu trò quảng cáo câu khách) như H&M từng vướng phải với bộ sưu tập Conscious. 

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, vấn đề giá cả của các mặt hàng thời trang bền vững cũng cần được lưu tâm. Trong cùng một cuộc khảo sát của US Cotton Trust Protocol, với 138 giám đốc điều hành cấp cao về tác động của Covid-19, khi được yêu cầu xếp hạng cách họ tin rằng khách hàng sẽ ưu tiên mua hàng của họ trong năm tới, hai ưu tiên hàng đầu được chọn là “nhận được mức giá tốt nhất có thể”và “sự phù hợp của thương hiệu/ nhà bán lẻ với giá trị cá nhân”. 

Liza Schillo, quản lý cấp cao, tại Levi’s cho biết, đã đến lúc các thương hiệu giúp người tiêu dùng “chuyển từ mô hình giá sang mô hình giá trị”. “Cũng giống như một chiếc quần jean Levi’s có thể đồng hành cùng bạn suốt đời” Schillo cho biết người tiêu dùng không chỉ muốn một sản phẩm đồng hành mà còn phải là “một sản phẩm được tạo ra để tồn tại lâu dài”.

 

Thực hiện: Koi

Theo Vogue Business