Ngược thời gian về quá khứ: Lịch sử phát triển của Fashion show

Ngày đăng: 11/10/22

Ngày xửa ngày xưa, trong một thế giới không có iphone hay gia đình Kardashians, fashion show chỉ gói gọn trong quy mô vừa đủ để thu hút giới giàu có đến mua những thiết kế mới nhất của nhà mốt. 

Thế nhưng ngày nay, mục đích của việc tổ chức một fashion show với quy mô cực đại trở nên khá mờ nhạt: Có phải vì lợi nhuận không? Hay vì nghệ thuật? Phải chăng là vì mạng xã hội? Trang phục có nên được bán ngay khi vừa xuất hiện trên sàn runway hay phải đợi 6 tháng tiếp theo? Dù là mục đích nào đi chăng nữa, có một điều chắc chắn: các nhà thiết kế vẫn luôn muốn che giấu mục đích thương mại của fashion show bằng việc tạo nên sân khấu rực rỡ và bối cảnh xa hoa hơn (đặc biệt rất phù hợp để hiện diện trên các kênh mạng xã hội như Instagram) vào mỗi mùa.

Để thực sự hiểu “mối lương duyên” giữa thời trang và fashion show, chúng ta sẽ trở ngược dòng thời gian, nhìn lại cách sàn runway đã biến hoá như thế nào qua từng thời đại cho đến hiện tại.

Cuối những năm 1800 đến đầu những năm 1900

Vào thời gian này, những nhà thiết thời trang với tư duy của người làm kinh doanh đã thuê những phụ nữ mặc thiết kế của họ ra mắt trước một nhóm khách hàng quan trọng và báo chí. Giới truyền thông được mời đến để chụp ảnh và đưa tin.  

Người đầu tiên có ý tưởng thực hiện “live model” như chúng ta biết đến thời nay, không ai khác chính là cha đẻ của haute couture – Charles Frederick Worth. Buổi biểu diễn collection mới nhất của ông được diễn ra tại trường đua ngựa Longchamp Grand Prix bên dòng sông Seine của Paris. Thời bấy giờ, nơi đây là tụ điểm của giới thượng lưu với những quý bà và quý ông diện những trang phục lộng lẫy theo mốt mới nhất của thời đại. Mặc dù đây vẫn chưa thật sự là một fashion show nhưng là một tiền đề cho sự phát triển sau này của một fashion show.

Chân dung Charles Frederick Worth

Vốn dĩ theo truyền thống, nhà thiết kế haute couture sẽ đến tận tư gia của khách hàng để trực tiếp thử đồ cho khách, tuy nhiên Charles Frederick Worth đã làm điều hoàn toàn khác. Ông mời các khách hàng thân thiết của mình tham dự các buổi gặp mặt xã giao tại salons – nơi sẽ diễn ra các buổi trình diễn thời trang. Nhờ làm thế, danh tiếng của thương hiệu ngày càng lan toả, góp phần tạo nên thành công cho ông. Đồng thời Charles Frederick Worth cũng là nhà thiết kế đầu tiên loại bỏ thử đồ trên ma-nơ-canh, trực tiếp để người mẫu thật diện trang phục của mình. Vợ của ông – bà Marie Augustine cũng từng xuất hiện trong các buổi biểu diễn thời trang của chồng mình với tư cách là người mẫu.

Một cặp đôi đang tham dự sự kiện tại trường đua Longchamp Grand Prix trong khoảng năm 1910

Trong thời gian từ 1908 – 1910, các fashion show hay còn được gọi là “fashion parades” – “buổi diễu hành thời trang” được tổ chức đều đặn hơn và trở thành sự kiện lớn trong xã hội. Những buổi trình diễn riêng tư này thường được tổ chức tại salons và kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ, lặp lại mỗi tuần. Người mẫu sẽ “catwalk” vòng quanh căn phòng dưới sự chiêm ngưỡng của các khách mời trong khi họ nhâm nhi tách trà và nhấm nháp món canapés.

Mặc dù không rõ nhà thiết kế nào đã khởi xướng các buổi trình diễn và giới thiệu bộ sưu tập thời trang theo mùa và kêu gọi truyền thông dẫn đến những gì chúng ta biết như ngày hôm nay, các nhà thiết kế Paul Poiret và Lucile (Lady Duff-Gordon) đều được biết đến với việc nghĩ ra các chiến thuật thu hút tài tình khiến giới thượng lưu và truyền thông thường xuyên tham dự các buổi fashion show của mình. Bằng cách gửi lời mời đến nhóm khách hàng thân thiết của mình, quý bà Lady Duff-Gordon đã biến việc mua sắm quần áo đơn thuần trở thành hoạt động thú vị hơn rất nhiều.

Chẳng những thế, bà sẽ chăm sóc tận tình các buyers và khách hàng giới quý tộc bằng cách mời trà và canapés trong khi họ đang ngắm nhìn những người mẫu trong trang phục lỗng lẫy giữa khung cảnh sân khấu đầy cảm hứng. Như một fashion show ở thời hiện đại, sự kiện sẽ bao gồm nhạc sống động, ánh sáng được bày trí phù hợp với không khí sự kiện và túi quà dành cho khách mời.

Khung cảnh fashion show của quý bà Lady Duff-Gordon

Chưa dừng lại ở đó, người mẫu sẽ được đánh số trùng với các trang phục trong show để khách hàng nắm được số thứ tự trang phục mà họ muốn mua. Lucile Lady Duff-Gordon miêu tả những thiết kế của mình là “những chiếc váy của xúc cảm”, đặt những cái tên như “Love in a mist” – “Tình yêu đắm chìm trong làn sương mơ màng” nhằm khiến những thiết kế này không chỉ là quần áo mà là câu chuyện cổ tích. 

Nhà thiết kế Paul Poiret cũng được biết đến với những sự kiện quy mô khi ra mắt bộ sưu tập mới nhất. Ông tổ chức bữa tiệc hoá trang, trong đó nổi tiếng nhất là buổi tiệc “Thousand and second night” – “Một ngàn lẻ hai đêm” với âm hưởng từ văn hoá Ba Tư.

New York – kinh đô thời trang trong lòng nước Mỹ

Năm 1918, do sự tăng nhanh của những buyer người nước ngoài từ châu Âu, các nhà mốt tổ chức fashion show vào các ngày cố định, hai lần mỗi năm, hình thành “fashion week” mà chúng ta biết như hiện nay.

Trong suốt những năm 1910, ở bên kia Đại Tây Dương, các cửa hàng bách hoá tại Mỹ tổ chức những buổi diễu hành thời trang tương tự như ở châu Âu. Những sự kiện như thế này ngày càng phổ biến tại Mỹ do châu Âu buộc phải đóng cửa vì Chiến tranh thế giới thứ 2. Tại New York, cửa hàng bách hoá the Ehrich Brothers thường xuyên tổ chức sự kiện trong chính cửa hàng của họ, cửa hàng Wanamaker ở Philadelphia cũng làm điều tương tự từ năm 1910 – 1920.

Những năm 1920 chứng kiến thời kỳ hoàng kim, một bình minh của thời trang cao cấp ở kinh đô Paris, đặc biệt là với sự thống trị của những người phụ nữ quyền lực như Gabrielle Coco Chanel, Madeleine Vionnet và Elsa Schiaparelli.

Trong thời kỳ Đại suy thoái, Haute couture vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Năm 1931, Elsa Schiaparelli trình diễn bộ sưu tập mới nhất tại Saks ở New York. Để ngăn việc sao chép các thiết kế, các nhiếp ảnh gia không được phép tham dự vì vậy bộ sưu tập đã được các nghệ sĩ mỹ thuật phác thảo.

Bộ sưu tập của Elsa Schiaparelli được minh hoạ trên tờ báo địa phương

Trước năm 1943, thị trường thời trang Mỹ bị thống trị bởi các nhà thiết kế châu Âu. Tuy nhiên, chiến tranh thế giới thứ 2 khiến giới thượng lưu của Mỹ không để ngao du tại châu Âu để mua sắm thời trang. Vì thế, nhà báo thời trang lừng danh Eleanor Lambert đã phát động Press week – Tuần lễ báo chí (hay còn được biết đến là tiền thân của Tuần lễ thời trang New York ngày nay) nhằm thúc đẩy tài năng của các nhà thiết kế nội địa. Các show diễn này được tổ chức tại Pierre Hotel hoặc the Plaza.

Khởi đầu mới – diện mạo mới

Những năm tháng chiến tranh đã qua đi, giờ là lúc kinh đô thời trang Pháp cần được tái sinh hơn bao giờ hết. Trước chiến tranh, các buổi biểu diễn thời trang couture thường chỉ diễn ra trong khuôn viên nhỏ như salons hay văn phòng của nhà thiết kế đó. Mục đích chính vẫn là bán sản phẩm trực tiếp đến khách hàng. Trước khi khái niệm “catwalk” xuất hiện, những sự kiện như thế này vẫn nhằm để phục vụ nhóm khách hàng riêng biệt hơn là giới thiệu đến công chúng. Tuyệt nhiên, nhiếp ảnh gia không được chào đón trong những sự kiện này. Nhưng có một nhà thiết kế đã làm khác đi.

Có lẽ ở thời đại này, nhiều người sẽ xem Christian Dior như tài năng nở muộn khi ở tuổi 42, ông mới thật sự ra mắt thương hiệu cùng tên của mình – DIOR vào năm 1947. Vào thời điểm này, bộ sưu tập “New Look” – “Diện mạo mới” đặc trưng của DIOR khiến giới mộ điệu phải trầm trồ, đánh dấu sự kết thúc của tủ quần áo thời chiến ảm đạm. “New look” được thiết kế với eo thắt, silhouettes có cấu trúc chặt chẽ và phồng nhẹ ở phần hông. Quần áo của thương hiệu phản chiếu sự sang trọng và được xem như một cuộc cách mạng của thời trang tại thời điểm đó. Điều đặc biệt chính là trong show diễn mang tên Carmel show của mình, ông là nhà thiết kế thời trang đầu tiên cho phép các nhiếp ảnh gia chụp ảnh và truyền thông về bộ sưu tập The New Look.

Buổi trình diễn BST The New Look

Buổi biểu diễn thường được kéo dài một tiếng, không khí im lặng, âm thanh duy nhất có thể nghe thấy chính là tiếng vải sột soạt khi di chuyển hoặc số thứ tự của trang phục và người mẫu được đọc lớn. Hãy cùng ngược thời gian để tham dự một trình diễn thời trang tại khách sạn sang trọng Savoy Hotel London vào năm 1951 qua video sau.

Grace Kelly catwalk trong một buổi biểu diễn vào năm 1950

Sự trỗi dậy của nước Ý

Không nằm ngoài thời cuộc, các fashion show của Ý bắt đầu ở Florence vào đầu những năm 1950, với các nhà mốt từ Rome, Turin, Milan và Capri – bao gồm Simonetta Visconti, Schuberth và Emilio Pucci – biểu diễn các bộ sưu tập mới nhất tại hội trường xa hoa Sala Bianca. (Sala Bianca được biết đến là hội trường đón tiếp khách của gia đình quý tộc Medici – nơi diễn ra những buổi trình diễn haute couture từ các nhà mốt cao cấp Ý)

Được thành lập bởi Giovanni Battista Giorgini vào tháng 7 năm 1952, Sala Bianca show là một nỗ lực với mục đích cạnh tranh với đối thủ Paris và tái định vị ngành may mặc, thời trang và may đo thủ công tại Ý sau chiến tranh. Để tham dự các buổi fashion show tại Paris, các biên tập viên và buyers người Mỹ phải công du từ New York đến Pháp trên tàu viễn dương. Vì thế, ông đã tận dụng điều này khiến Sala Bianca trở thành điểm dừng chân hấp dẫn đối với họ trên đường trở về. Các vị khách bao gồm các buyers và giới thượng lưu sẽ được đài thọ từ Rome đến Florence, thưởng thức bữa tối sang trọng trong khi họ đắm mình trong sự xa hoa của thời trang Ý.

Fashion show kỉ niệm 45 năm thành lập thương hiệu thời trang nam Stefano Ricci diễn ra tại Sala Bianca vào năm 2017

Sự ra đời của Ready-to-wear và cú chuyển mình của fashion show

Những năm 1960 fashion show truyền thống trải qua một cuộc cách mạng thay đổi hoàn toàn hình thức trình diễn vì bị tác động bởi sự ra đời của Ready-to-wear (hay còn gọi là Pret-a-porter) và sự giảm sút của khách hàng Haute couture.

Các nhà thiết kế couture gồm cả Carven và Nina Ricci đều đồng loạt ra mắt fashion show cho bộ sưu tập Ready – to – wear của họ hai tuần trước bộ sưu tập Haute couture. Nếu trong những thập kỷ trước, các buổi fashion show cao cấp kín đáo và khá trang trọng thì ở thập niên 60 đã được thay thế bằng các buổi sự kiện tràn đầy năng lượng ở những địa điểm khác thường. Các nhà thiết kế như Mary Quant và André Courrèges khuyến khích người mẫu của họ từ bỏ hình thức catwalk truyền thống để cởi mở hơn với những chuyển động tự do.

Một buổi biểu diễn của Mary Quant tại Hamburg (Đức) năm 1967

Trong suốt những năm 1960, cuộc cách mạng giới tính cũng là tác nhân ảnh hưởng đến ngành công nghiệp thời trang, với việc André Courreges cắt giảm độ dài váy vào năm 1965, và làn sóng các nhà thiết kế mới bao gồm Pierre Cardin và Paco Rabanne thiết kế cho khách hàng trẻ trung hơn.

Một cảnh trong bộ phim tài liệu House of Cardin

Thay vì chỉ phục vụ báo chí và buyers với vẻ sang trọng và độc quyền, các nhà thiết kế giờ đây đã sử dụng các buổi fashion show của họ như một cách để tiếp cận văn hóa giới trẻ và chủ nghĩa tiêu dùng đại chúng (mass consumerism). Tất nhiên, việc các người mẫu cười và nhảy có vẻ khá khác thường so với cách các nhà thiết kế ngày nay thể hiện trên sàn runway, nhưng những năm 1960 và 1970 đã giúp tạo tiền đề cho những buổi biểu diễn như thế trong tương lai. 

Vào những năm 1970, Ready – to – wear đã thay thế cho Haute Couture và sàn catwalk trở thành phương tiện mới giúp truyền tải bộ sưu tập của các nhà thiết kế. Ở Paris, có rất nhiều nhà thiết kế đã trình diễn bộ sưu tập của họ hai lần một năm, vì thế vào năm 1973, Chambre Syndicale du Prêt-à-Porter des Couturiers et des Créateurs de Mode, được thành lập để điều phối các buổi fashion show. Đây là sự ra đời của Paris Fashion Week – Tuần lễ thời trang Paris.

Trong những năm 1980, fashion show ngày càng trở nên quan trọng hơn vì thế các nhà mốt không ngần ngại đầu tư vào fashion show. Thierry Mugler đã có một fashion show đầy ngoạn mục vào năm 1984 tại sân vận động Zénith ở Paris. Nửa số vé được bán cho công chúng với sự hiện diện của 6.000 khán giả.

Người mẫu Pat Cleveland và khoảnh khắc huyền thoại của fashion show Thierry Mugler FW 1984

Đó không phải fashion show duy nhất với quy mô cực đại như thế trong những năm này. Các nhà thiết kế khác đã đưa fashion show đến những thái cực tương tự, bao gồm cả Yves Saint Laurent. Năm 1998, nhà thiết kế người Pháp đã trình làng bộ sưu tập couture tại trận Chung kết World Cup ở Paris trước một sân vận động chật cứng khán giả và ước tính hơn 1 tỷ khán giả truyền hình đang theo dõi. Buổi trình diễn chỉ kéo dài 15 phút nhưng đã đạt được những con số ấn tượng: 300 looks từ các bộ sưu tập của Yves Saint Laurent, 300 người mẫu tham gia (gồm cả danh ca Carla Bruni), 900 người góp mặt trong khâu chuẩn bị.

Kỷ nguyên của siêu mẫu

Những năm 90, sự chú ý của công chúng dịch chuyển từ nhà thiết kế sang người mẫu với khái niệm “siêu mẫu” ra đời. Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ đó chính là fashion show FW Versace 1991 với sự xuất hiện của các siêu mẫu Naomi Campbell, Christy Turlington, Linda Evangelista and Cindy Crawford cùng nhép theo bài hát Freedom của George Michael. Khoảnh khắc này đã được tái hiện trong show diễn của Donatella Versace SS 2018 nhằm tưởng nhớ anh trai quá cố của cô.

Gucci dưới thời của Tom Ford đã khiến giới mộ điệu phải thảng thốt khi xuyên suốt show diễn FW 1995 là sự nóng bỏng, gợi cảm và táo bạo. Điều đặc biệt là show diễn sử dụng ánh sáng không giống nơi nào khác, một điểm sáng duy nhất theo chân người mẫu dọc theo sàn catwalk, tập trung sự chú ý vào những chiếc túi nhung lấp lánh của Amber Valletta, vẻ gợi cảm trong chiếc áo lụa của Kate Moss, quan trọng nhất những chiếc “IT bags” đã trở thành những ngôi sao của cả show.

Tại Mỹ, Victoria’s Secret Fashion Show ra mắt vào năm 1995 với quy mô khá khiêm tốn. Những năm sau đó, yếu tố giải trí được thêm thắt và những “thiên thần Victoria’s Secret” được ra đời.

Naomi Campbell xuất hiện tại show diễn Victoria’s Secret lần thứ 3 năm 1998

Khi sàn runway ở khắp mọi nơi

Năm 1989, nhà thiết kế người Bỉ Martin Margiela trở thành một trong những người đầu tiên hoàn toàn phớt lờ các quy tắc của fashion show.  Chẳng những thế, ông đã làm điều mà tất cả những fashion show trên thế giới chưa từng chứng kiến. Ông không thích những thiệp mời được viết tay thư pháp đẹp đẽ như chúng ta vốn biết, thay vào đó, ông quyết định tổ chức fashion show tại khu vui chơi ở vùng ngoại ô Paris. Martin Margiela và đội ngũ cắt những tấm bìa cứng và gửi vào một trường tiểu học gần đó để những đứa trẻ được tư do sáng tạo thiệp mời mà chúng muốn. Không có kế hoạch chỗ ngồi, người dân địa phương và con cái của họ đều  được mời đến xem. Hàng “Front row” danh giá dành trọn cho những đứa trẻ ấy và tất nhiên báo chí lẫn những khách mời khác phải ngồi ở những hàng sau. 

Một nhà thiết kế khác đã thành công khi biến sàn catwalk thành buổi biểu diễn mang tính sân khấu và đó là Alexander McQueen. Trong fashion show mùa thu năm 1998, Alexander McQueen đã có màn kết đầy ấn tượng khi một người mẫu đeo mặt nạ trong chiếc váy màu đỏ tươi, xung quanh là một vòng lửa – biểu tượng cho hình tượng nữ anh hùng Joan of Arc. Show diễn của Alexander McQueen đã tạo ra ranh giới giữa fashion show và trình diễn nghệ thuật, làm dấy lên cuộc tranh luận không hồi kết về việc liệu các buổi fashion show như thế nên được xem là nghệ thuật hay thương mại.

Mặc dù nhiều nhà thiết kế đã đặt runway ở những địa điểm kỳ lạ nhưng có lẽ Karl Lagerfeld là nhà thiết kế đã tiếp tục đưa fashion show của mình lên cấp độ mới (có lẽ sẽ khiến Mademoiselle Chanel phải thảng thốt). Có thể kể đến như fashion show tại siêu thị, sân bay và tại xứ sở băng tuyết. 

Tuy nhiên, giới mộ điệu sẽ không bao giờ có thể quên được lần đầu tiên một thương hiệu thời trang quốc tế có thể tổ chức một fashion show tại Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc. Đó chính là show diễn của FENDI vào năm 2007 với 500 khách VIP để chứng kiến sự kiện hoành tráng này. 

Từ Internet đến Instagram Fashion show

Song song với sự phát triển kỹ thuật, tác động của công nghệ cũng ảnh hưởng đến ngành thời trang nói chung và fashion show nói riêng. Năm 1998, nhà thiết kế người Áo Helmut Lang là một trong những người đầu tiên đón nhận Internet và công bố fashion show thu đông của mình trên mạng.

“Vào thời điểm đó, tôi cảm thấy rằng Internet sẽ phát triển thành một thứ gì đó lớn hơn nhiều so với sức tưởng tượng, vì vậy tôi nghĩ rằng đây là thời điểm thích hợp để thách thức các tiêu chuẩn vốn có,” Helmut Lang chia sẻ.

Năm 2010, Alexander McQueen trở thành nhà thiết kế đầu tiên phát trực tiếp buổi trình diễn của mình – Plato’s Atlantis. Vào năm sau, các nhà thiết kế tại Tuần lễ thời trang New York đã phát trực tiếp các buổi diễn của họ. Giờ đây, tất cả mọi người đều có thể xem hầu hết các fashion show trực tiếp, nếu không phải qua livestream, thì sẽ thông qua Instagram.

Một số nhà thiết kế cũng tìm cách thu hút công chúng dành sự chú ý đến show diễn. Năm 2015, Riccardo Tisci đã sử dụng hình thức xổ số để mời một số khách mời công chúng đến với buổi diễn Givenchy của mình. Năm kế tiếp 2016, Tommy Hilfiger tổ chức hẳn một hội chợ Tommy Pier, miễn phí vé cho khoảng 1.000 khách. Họ cũng có thể mua một số thiết kế ngay tại show như một phần của xu hướng “see now, buy now” nhằm tăng doanh số bán hàng. 

Sự biến hoá của fashion show ngày nay không thể không nhắc đến sự phát triển của mạng xã hội, đặc biệt là Instagram. Instagram đã trở thành phương tiện mà ngành công nghiệp thời trang hiện nay dựa vào nhiều nhất.

Các nhà mốt cao cấp cũng tận dụng điều này để tạo những xu hướng “viral” khi họ ra mắt bộ sưu tập resort/cruise của mình. Trong cùng một tuần lễ, khán giả được chu du đến những nơi nghỉ dưỡng xa hoa nhất. Dior đã khởi hành đến khu nghỉ mát ở núi xa xôi của California ở Calabasas cho buổi trình diễn vào năm 2018 của mình. Mặt khác, Chanel đã đưa khán giả quốc tế đến Havana, Salzburg, Edinburgh và Los Angeles. Louis Vuitton đã đến Tokyo cho bộ sưu tập Cruise 2018 và đến Rio vào năm trước. Những chuyến đi này được thiết kế để trở thành những chủ đề “hot” trên Instagram. Quần áo gần như không liên quan.

Thế giới thời trang có thể đã trở thành một không gian thương mại khô khan hơn, nhưng nó không kém phần xa hoa. Với tính năng phát trực tiếp và nhiều cơ hội khác trên mạng xã hội, giờ đây, bất kỳ ai cũng có thể xem các buổi biểu diễn khi chúng diễn ra. Nhưng bất chấp tất cả những điều này, không có gì thay thế cho việc thực sự ở đó. Một buổi trình diễn thời trang là một trải nghiệm đa giác quan.

Donatella Versace cùng các siêu mẫu Carla Bruni, Claudia Schiffer, Naomi Campbell, Cindy Crawford và Helena Christensen xuất hiện tại show diễn của Versace tại Milan

Thời trang chào đón Metaverse và sự ra đời của Tuần lễ thời trang Metaverse

Có lẽ trong lịch sử thời trang sẽ luôn gợi nhắc mãi về giai đoạn khủng hoảng do đại dịch COVID19 từ năm 2018. Mọi thứ tạm ngừng, nhiều thương hiệu phải cân nhắc đến việc tổ chức fashion show online. Năm 2022, “Metaverse” và “NFT” liên tục được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông. Thời trang không nằm ngoài cuộc. Các nhà mốt cao cấp từ Gucci đến Balenciaga đã và đang bắt tay vào các bộ sưu tập kỹ thuật số cũng như thiết lập mối quan hệ đối tác với các công ty trò chơi điện tử như Roblox, Fortnite, avatar và bán NFT.

Tommy Hilfiger tại tuần lễ thời trang Metaverse

Đồng thời cùng thời điểm đó, Tuần lễ thời trang Metaverse diễn ra từ ngày 23 đến ngày 27/03, với các buổi trình diễn catwalk và cửa hàng ảo từ một loạt các tên tuổi lớn trong làng thời trang thế giới như Dolce & Gabbana, Etro, Selfridges và Tommy Hilfiger, cũng như các dịch vụ trải nghiệm từ những tên tuổi tiên phong trong lĩnh vực thời trang kỹ thuật số Auroboros và DressX. Tất cả khép lại với việc Grimes làm DJ trực tiếp trong không gian ảo của Auroboros. Để tham dự, khách mời cần một ví Ethereum (tiền điện tử) để mua quần áo phiên bản NFT và nhận vé mời VIP từ các thương hiệu tham gia để phân biệt khách mời. Mặc dù Tuần lễ thời trang Metaverse chưa được gọi là hoàn hảo nhất nhưng giúp các thương hiệu tham gia tìm thấy cơ hội trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Thực hiện: Như Quỳnh

Bài viết được tổng hợp từ Fashionista, The Guardian.