Lo ngại COVID-19, nhiều thương hiệu thời trang nhỏ ra mắt trong năm 2020 chọn hình thức mở cửa hàng online

Ngày đăng: 01/12/20

Năm 2020 là năm khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu nói chung, nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản do ảnh hưởng của COVID-19. Vì thế ngành thời trang cũng thiệt hại không nhỏ. Để giảm thiểu tối đa chi phí đầu tư, nhiều chủ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh thời trang đã quyết định chọn hình thức mở cửa hàng trực tuyến để thăm dò thị trường, trước khi mở cửa hàng chính thức.

Đầu tháng Mười vừa qua, thương hiệu thời trang SAND đã ra mắt trên thị trường. Chia sẻ cùng phóng viên của Style-Republik, chị Hà Anh, nhà đồng sáng lập của thương hiệu cho biết quyết định ra mắt ở các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook và Instagram, cũng như phát triển website trong thời gian đầu trước khi mở cửa hàng chính thức. Cùng suy nghĩ, nhà thiết kế Lan Hương của thương hiệu  Graphé cũng chọn ra mắt thương hiệu trên mạng xã hội trước khi chính thức mở cửa hàng.  

Nhiều cửa hàng thời trang trả mặt bằng do không trụ được 

Đại dịch cũng khiến nhiều thương hiệu thời trang âm thầm đóng cửa các cửa hàng kinh doanh không hiệu quả. Chi phí để vận hành cho một cửa hàng khiến nhiều người khởi nghiệp kinh doanh thời trang băn khoăn, nhất là trong giai đoạn hiện nay kinh tế đang đi xuống vì COVID-19, các thương hiệu thời trang nội địa lại phải cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu Quốc tế cùng nguồn hàng Trung Quốc, Thái Lan giá rẻ. 

Đại diện của thương hiệu Blue Exchange xác nhận với báo Tuổi Trẻ đã đóng cửa năm điểm bán trên địa bàn TP.HCM từ đầu năm đến nay. Thương hiệu Việt Thy của Công ty TNHH thời trang Việt Thy hiện cũng chỉ còn 10 shop. Nhiều chủ kinh doanh thời trang ở các con đường thời trang sầm uất trước đây tại TP.HCM như Nguyễn Trãi, Lê Văn Sỹ, Huỳnh Văn Bánh… thừa nhận tình trạng thưa thớt khách mua, khiến cho chi phí thuê mặt bằng và nhân viên trở thành gánh nặng mỗi tháng. 

Nhiều chủ kinh doanh thời trang ở các con đường thời trang sầm uất trước đây tại TP.HCM như Nguyễn Trãi, Lê Văn Sỹ, Huỳnh Văn Bánh… thừa nhận tình trạng thưa thớt khách mua, khiến cho chi phí thuê mặt bằng và nhân viên trở thành gánh nặng mỗi tháng. 

Theo một chuyên gia trong giới kinh doanh thời trang, chi phí để mở một cửa hàng thời trang tối thiểu cũng 100 triệu, còn tùy vào quy mô và nguồn hàng mà con số có thể nhân lên gấp nhiều lần. Bên cạnh tiền thuê nhà, chủ cửa hàng còn phải chịu tiền cọc và tiền sửa chữa để mặt bằng trông thu hút hơn. Do đầu tư sửa chữa mặt tiền kinh doanh, nên nhiều chủ cửa hàng phải ký hợp đồng dài hạn, tối thiểu cũng 1-2 năm. Vì thế, khi kinh doanh không hiệu quả, chủ cửa hàng rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Tiếp tục thuê thì phải bù lỗ mỗi tháng, còn phá hợp đồng thì mắt trắng tiền cọc và tiền trang trí cửa hàng. 

Nghĩ đến điều này, nhiều chủ thương hiệu quyết định chọn hình thức bán trực tuyến vào giai đoạn thành lập ban đầu để thăm dò thị trường và giảm bớt gánh nặng chi phí. Chủ một thương hiệu cho biết, với chi phí đầu tư cao cho mặt bằng khiến cho giá thành sản phẩm tăng lên, việc chỉ bán online cũng giúp giá thành sản phẩm trở nên dễ chịu hơn với người dùng trong thời điểm hiện nay. 

Mở cửa hàng online có dễ hay không? 

Hình thức mua sắm trực tuyến lên ngôi trong mùa dịch vừa qua. Theo số liệu từ báo cáo của Salesforce, doanh thu của hoạt động bán hàng trực tuyến trên toàn cầu trong quý 2/2020 đã tăng vọt 71% so với cùng kỳ năm trước. Nghiên cứu của Criteo, cho thấy xu hướng mua hàng online tại Việt Nam tăng mạnh 5 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ. 

Tại Việt Nam, 76% số người được hỏi cho biết họ mua hàng trực tuyến nhiều hơn so với thông thường, trong khi chỉ có 15% số người được hỏi cho biết họ sẽ mua sắm với tần suất tương đương.

Tại Việt Nam, 76% số người được hỏi cho biết họ mua hàng trực tuyến nhiều hơn so với thông thường, trong khi chỉ có 15% số người được hỏi cho biết họ sẽ mua sắm với tần suất tương đương. Với quy mô hơn 10 tỉ USD, giá trị mua sắm online 225 USD/người và tốc độ tăng trưởng ổn định 30%/năm giai đoạn 2016 – 2020, thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt doanh số 35 tỉ USD và giá trị mua sắm online đạt 600 USD/người vào năm 2025.

Tuy việc mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến hơn là một tín hiệu khả quan, nhưng việc kinh doanh thời trang online cũng không hề đơn giản. Tại Việt Nam, nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất với kinh doanh thời trang là Facebook và Instagram. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, việc người người nhà nhà bán hàng thời trang online cũng khiến thị trường trở nên bão hòa, khách hàng cũng rối trí trước hàng loạt sản phẩm na ná nhau từ shop online này đến shop online khác. Thêm vào đó, vừa qua, Facebook chặn hàng loạt tài khoản quảng cáo khiến cho việc tìm kiếm khách hàng càng trở nên khó khăn hơn. 

Với những thương hiệu thời trang mới, nếu sản phẩm không có tính sáng tạo và không có một chiến lược cạnh tranh bài bản thì thương hiệu rất dễ chìm nghỉm trước rừng thương hiệu thời trang hiện nay. Bên cạnh đó, thời trang cũng là một mặt hàng đặc thù, khách hàng vẫn có sự e ngại nhất định khi mua hàng trực tuyến do lo sợ mặc không hợp, phí giao hàng, chính sách đổi trả… nhất là sản phẩm không đúng với hình đã đăng. Điều này cũng là trở ngại cho việc khách hàng chọn lựa sản phẩm của các thương hiệu mới thay vì thương hiệu đã có tên tuổi lâu năm trên thị trường. 

Vừa qua, SAND đã mở một cửa hàng ở một chung cư tại trung tâm Quận 1 ở TP.HCM. Chia sẻ không gian cùng một thương hiệu khác là một giải pháp để khách hàng có thể đến tận nơi trải nghiệm sản phẩm, vừa giảm thiểu chi phí mặt bằng. Chủ thương hiệu thiết kế như Graphé hay thương hiệu thủ công SAN của nhà thiết kế Lư Bích Sơn cũng đang cân nhắc việc thuê mặt bằng. Bởi suy cho cùng, đặc tính thu hút của thời trang vẫn là cảm giác ướm thử lên người và cảm nhận cái đẹp của đường may, vải vóc. 

Thực hiện: Hoàng Khôi