Lời xin lỗi của kẻ đạo nhái liệu có giá trị?

Ngày đăng: 17/06/22

Như chuyện thường nhật của làng thời trang, lại xuất hiện một vụ tố cáo đạo nhái ý tưởng giữa các thương hiệu.

Gần đây, “tòa án” mạng xã hội lại thông qua một vụ kiện đạo nhái ý tưởng của hai thương hiệu thời trang trẻ Việt. Vào ngày 14/06/2022, thương hiệu thời trang trẻ Chợ Trời Band đã chính thức lên tiếng tố cáo local brand The Freckles Studios đạo nhái một thiết kế, cụ thể là chiếc áo cut-out được tạo bằng những mảnh vải màu sắc hình lục giác được nối với nhau bằng chi tiết thắt nơ. Theo Chợ Trời Band cho biết, thiết kế này nằm trong BST của NTK trẻ Nguyễn Thanh Hưng và được thương hiệu lần đầu tiên ra mắt tại trong buổi lễ bảo vệ tốt nghiệp tại Trường Đại học Văn Lang ngày 22/12/2021. Sau đó vào ngày 12/06/2022, The Freckles Studios đã cho ra mắt bộ sưu tập mùa hè với tên gọi “Sun-dazed” trong đó có mẫu thiết kế Fire Cracker Top bị tố cáo đạo nhái  thiết kế của Chợ Trời Band. 

Là một thương hiệu trẻ mới ra mắt công chúng vào đầu năm nay, Chợ Trời Band là “đứa con tinh thần” của chàng sinh viên chuyên ngành thiết kế thời trang của Trường Đại học Văn Lang – Nguyễn Thanh Hưng. Những thiết kế của Chợ Trời Band luôn gây ấn tượng với tín đồ thời trang bởi những mảng màu tươi tắn, họa tiết bắt mắt, phom dáng táo bạo, thông điệp vui nhộn cùng nguồn cảm hứng bất tận từ màu sắc thiên nhiên và sự nhộn nhịp của con người. Nếu xét về kinh nghiệm trên thị trường và sự ảnh hưởng trong cộng đồng thời trang Việt thì Chợ Trời Band (hơn 3k người theo dõi trên Instagram) là một local brand còn khá trẻ so với The Freckles Studios (50k người theo dõi trên Instagram). 

Trong ngành công nghiệp thời trang xa xỉ, việc lấy cảm hứng từ một nhân vật hay thiết kế huyền thoại chẳng còn quá xa lạ. Tuy nhiên lấy cảm hứng và đạo nhái hay ăn cắp lý tưởng lại là hai chuyện khác nhau và đường ranh giới mong manh này cũng gây không ít tranh cãi. Đã có rất nhiều tên tuổi thời trang đình đám vướng vào những vụ lùm xùm sao chép thiết kế từ các thương hiệu nhỏ hơn hay từ những nhà thiết kế thấp cổ bé họng. Trong vấn nạn “cá lớn nuốt cá bé” như thế này, suy ra những nhà thiết kế, thương hiệu nhỏ bé lại là người chịu nhiều thiệt thòi nhất khi các “ông lớn” biết cách tránh được luật bản quyền và không khiến danh tiếng bị ảnh hưởng bằng những chiêu trò khác biệt. Một số sẽ chọn cách giữ im lặng hoặc chấp nhận lỗi sai bằng lời xin lỗi nhưng liệu chúng có đủ giá trị để bù đắp, lấy lại sự công bằng cho những nhà thiết kế, sinh viên thời trang, thương hiệu “thấp cổ bé họng” cũng như đẩy lùi sự đạo nhái độc hại ra khỏi ngành công nghiệp sáng tạo hay không?

Sau khi bị tố cáo, The Freckles Studios đã đăng bài đính chính và công khai xin lỗi trên tài khoản Instagram chính thức của thương hiệu:  

“LỜI XIN LỖI & ĐÍNH CHÍNH TRỰC TIẾP từ The Freckles Studios trong sự việc trùng lặp mẫu thiết kế với @chotroi_band

Ngày 12/06/2022, The Freckles Studios đã cho ra mắt bộ sưu tập mùa hè với tên gọi “Sun-dazed”. Tuy nhiên, sau gần 1 ngày thì mẫu thiết kế Fire Cracker Top được phát hiện có sự tương đồng với mẫu áo từ @chotroi_band (ra mắt tháng 3/2022) với sự tương đồng lên đến hơn 50%

Ngay khi được thông tin về vấn đề này, The Freckles Studios đã ngay lập tức cho ngưng bán sản phẩm, không trưng bày cũng như chạy quảng cáo thương mại để làm rõ sự việc.

Qua đó, tụi mình xin chính thức có phản hồi như sau: Team xác nhận và chân thành nhận lỗi rằng đã có sự sơ suất trong khâu quản lý, chưa sát sao kiểm tra những mẫu tương đồng trên thị trường để dẫn đến sự trùng lặp này.

Về quá trình lên mẫu thiết kế team mình đã có ghi lại toàn bộ các giai đoạn chỉnh sửa và hoàn thiện, The Freckles Studios khẳng định thương hiệu không hề sao chép hay đạo nhái sản phẩm có sẵn từ Chợ Trời, tuy nhiên tụi mình thừa nhận trách nhiệm vì đã chưa thấu đáo,…”

Tuy nhiên, Chợ Trời Band đã chưa thể chấp nhận lời xin lỗi đấy vì những thông tin đính chính mà The Freckles Studios khẳng định là chưa chính xác. Dưới đây là những lý do tại sao Chợ Trời Band không chấp nhận lời xin lỗi: 

Sau khi cả hai cùng ngồi lại để bàn luận thì đã đưa ra hướng giải quyết thỏa mãn: “Đáp lại tất cả những câu hỏi xoay quanh sự việc ngày hôm qua: The Freckles Studios nhận sai và xác nhận sự thật Thiết kế ban đầu cho Fire Cracker có bị ảnh hưởng bởi thiết kế của Hưng ở chi tiết signature Thắt nơ & Cut-out, shape rã rập hình lục giác đã được ra mắt ở BST tốt nghiệp của Hưng vào tháng 12/2021.” Chợ Trời Band cũng đã chấp nhận lời xin lỗi và nhận sai lần thứ hai của The Freckles Studios: “Chợ Trời Band xác nhận đã tìm được tiếng nói chung với @thefrecklestudios , đồng thời cũng đã nhận được những lời xin lỗi chân thành đến từ bạn thiết kế của The Freckles Studios. Sau những ngày làm việc vừa qua cả 2 bên đã đi đến kết luận cuối cùng và tìm được tiếng nói chung trong chuyện này. Chợ Trời Band cũng đã nhận được thái độ hợp tác tích cực và hành động sửa sai đến từ The Freckles Studios.” 

Bên cạnh đó, The Freckles Studios cũng đưa ra hướng giải quyết như sau: “Không quảng cáo thương mại, không thu bất kì lợi nhuận nào trên dòng sản phẩm này. Xoá mọi hình ảnh & huỷ toàn bộ đơn hàng đã đặt. Hướng xử lý nội bộ, The Freckles Studios nhìn nhận đây là trách nhiệm của tập thể, và mong muốn được giải quyết cá nhân bằng tình, tụi mình xin phép không áp dụng hình thức cực đoan dành cho cá nhân người sáng tạo của sản phẩm này, tuy nhiên, Hưng & Chợ Trời Band team sẽ nhận được lời xin lỗi trực tiếp của bạn, ở phương diện nội bộ, bạn cũng sẽ phải chịu xử lý xác đáng.”

“Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho cả Chợ Trời Band và The Freckles Studios để những local brand như chúng mình có thể nghiêm túc hơn trong việc sáng tạo. Bản thân mình không đồng ý với việc sao chép, nhưng sau tất cả mọi người hãy mở lòng hơn và tha thứ cho The Freckles Studios để chúng mình có thể tiếp tục sáng tạo, thiết kế và tạo ra những sản phẩm mang đậm tính cá nhân gửi đến mọi người.” – Chợ Trời Band chia sẻ.

Trong suốt dòng chảy thời trang, đã có vô số vụ tố cáo đạo nhái ý tưởng giữa các thương hiệu thời trang cao cấp. Vào năm 2015, nhà mốt Chanel cũng dính vào một bê bối đạo nhái khi đem nguyên bản chiếc áo len đan dựa theo kỹ thuật dệt len Fair Isle của nghệ nhân Scotland Mati Ventrillon sống ở một hòn đảo nhỏ lên sàn diễn Métiers d’Art. Trong khi, Mati lấy cảm hứng từ nghề thủ công gia truyền hàng trăm năm để sáng tạo ra những thiết kế mới của chính cô còn Chanel đã bê nguyên thiết kế của cô lên sàn diễn. Vụ việc khép lại bằng lời xin lỗi từ Chanel và quyết định “ghi nguồn” là đã lấy cảm hứng từ Mati cho bộ sưu tập của mình. 

Vào năm 2018, nhà mốt Gucci cũng từng gây tranh cãi khi giới thiệu làng mốt một thiết kế áo tay phồng quá khổ trong BST Resort 2018. Sau đó, thiết kế này được cho rằng đã sao chép gần 90% một thiết kế của Dapper Dan mà ông đã thiết kế cho vận động viên Diane Dixon vào năm 1989. Hai mẫu áo có sự tương đồng lớn về kiểu dáng chất liệu, và màu sắc, chỉ có phần họa tiết ở tay khác nhau. Trong khi, áo của Gucci mang logo hai chữ G, còn áo của Dapper Dan là họa tiết monogram của Louis Vuitton. Ngay sau đó, nhà mốt Ý cũng đã nhanh chóng lên tiếng trên tờ The New York Times rằng việc làm của họ là muôn tôn vinh văn hóa thời trang hip hop của Dapper Dan vào thập niên 80. Tuy nhiên, Gucci đã không xin phép chủ nhân của mẫu áo được vì không thể liên lạc được với Dapper Dan. 

Mặc dù, lời xin lỗi hay những lời hứa hẹn giải quyết có thể làm vụ việc im ắng xuống nhưng đến tận ngày nay vẫn chưa có một tòa án nào chính thức, nghiêm túc và xác đáng để giải quyết những vụ ăn cắp chất xám này. Thời trang vốn là một ngành công nghiệp thiết yếu, nhưng khác với các ngành nghệ thuật khác như âm nhạc hay kiến trúc, thế giới xa xỉ này khó có thể bảo vệ bản quyền. Ngoài ra, đa phần các thiết kế thời trang được xuất phát từ một phom dáng cơ bản và được biến tấu trở thành những biến thể độc đáo, thú vị khác nhau nên khi đem việc “tư tưởng lớn gặp nhau” lên bàn cân công lý thì cũng không dễ dàng được thông qua. Đồng thời, để không bị lỗi thời giữa dòng chảy xu hướng thì bắt buộc cái thương hiệu phải liên tục ra mắt những sản phẩm mới đáp ứng được thẩm mỹ của người tiêu dùng vì vậy việc xuất hiện hàng loạt các thiết kế copycat “na ná” nhau trên thị trường cũng một phần làm giảm sự nghiêm trọng của các vụ kiện tụng đạo nhái. Bên cạnh đó, để đem những tranh chấp này ra tòa án thì các nhà thiết kế, thương hiệu đã vấp phải hàng loạt khó khăn khi thuyết phục, đưa ra chứng cứ cũng như luận điểm. Để có thể lấy lại được công bằng cho sự sáng tạo của mình trên tòa án ắt hẳn còn là chuyện không thể với các thương hiệu, cá nhân độc lập vì không đủ giấy tờ hợp lý, danh tiếng và cả tiền bạc đầu tư cho vụ kiện. 

Bẽ bàng thay lại có không ít “bị đơn” phủ nhận và phản bác những lời tố cáo trong những vụ đạo nhái thiết kế. Ví dụ, khi Balenciaga phản bác khi vướng vào nghi án ăn cắp ý tưởng thiết kế của du học sinh thời trang người Việt hay vụ “yêu nữ dùng hàng hiệu” Ngọc Trinh mặc thiết kế “đạo nhái” không chịu xin lỗi và thậm chí còn đổ lỗi cho cách hành xử của Haxi Ren – chủ nhân của chiếc váy tím khuấy động cộng đồng mạng được lăng xê bởi chị em nhà Jenner. 

Tương tự trong các ngành công nghiệp khác, đạo nhái ý tưởng đáng bị lên án, bài trừ và có những biện pháp xử lý thích đáng. Thời trang vốn là nơi để các nhà thiết kế những ngôi sao tài năng đóng góp những sáng tạo vô giá của mình và sự đầu tư chất xám đấy phải được bảo vệ một cách đúng mực. Một lần nữa, câu hỏi cũ lại được đặt ra: Liệu một lời xin lỗi, những lời hứa hay sự im lặng là câu trả lời mà các nhà thiết kế trẻ đứng lên bảo vệ quyền lợi mong muốn? Liệu chúng có thật sự giúp ngăn chặn được dòng chảy của ngành công nghiệp thời trang nhanh (fast fashion) độc hại?

Thực hiện: Dory