Lorenzo Bertelli bàn về những động thái mới của Prada trong thời kỳ đại dịch
Ngày đăng: 18/03/21
Con trai (người kế nhiệm tương lai) của đồng CEO Patrizio Bertelli và Miuccia Prada tiết lộ kế hoạch chuẩn bị cho thị trường resale (bán lại) và giải thích về những bước đổi mới đầu tiên trong kế hoạch theo đuổi tính bền vững và khả năng đảm bảo lợi nhuận của tập đoàn.
Mang một trọng trách nặng nề, con trai của Miuccia Prada và Patrizio Bertelli, Lorenzo Bertelli đang chứng minh năng lực nhanh nhạy của một cựu tay đua 32 tuổi trong vai trò điều hành mảng Marketing và Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tại Prada Group.
Anh bắt đầu cùng tiếp quản doanh nghiệp của gia đình mình từ 2017 và xây dựng những kế hoạch lớn cho thương hiệu. Trong đó bao gồm việc bước vào thị trường resale đồng thời đảm bảo tính lợi nhuận và tính bền vững luôn đi đôi với nhau. Bên cạnh đó còn là kế hoạch lấy “đối thoại cởi mở” làm trọng tâm để mở rộng và phát triển đối tượng tiêu dùng, dưới sự dẫn dắt bởi nhóm đồng sáng tạo mới của Prada gồm Miuccia Prada và Raf Simons.
“Chiến lược ở đây chính là đảm bảo cho công việc kinh doanh tương lai bắt kịp với nhịp sống khi mọi thứ trở lại bình thường, mọi người sẽ chi tiêu trở lại”, Bertelli chia sẻ qua Zoom từ nhà của mình tại Milan.
Bertelli đã hơn ba năm trong nhiệm kỳ giám sát hoạt động tiếp thị/marketing, với sự bổ sung gần đây của mảng “bền vững”. Những nhiệm vụ chính của anh ấy bao gồm phụ trách các thương hiệu như Miu Miu, Church’s và Car Shoe.
Yếu tố “bền vững” là cốt lõi trong kế hoạch và mục tiêu của Bertelli với quan điểm tính bền vững không nhất thiết phải hy sinh lợi nhuận. Bertelli là người chịu trách nhiệm trong kế hoạch loại bỏ nilon và chuyển qua nilon tái chế: “Tôi tin rằng chiến dịch Re-Nylon là bằng chứng cho việc chúng ta vẫn có thể tạo sự bền vững cho hành tinh mà vẫn đảm bảo được doanh thu. Thông điệp mấu chốt hôm nay chính là sự cân bằng giữa lợi nhuận và sự bền vững.”
Tiếp nối kế hoạch bền vững tương lai là Bộ Sưu Tập đầm vintage được Miu Miu nâng cấp bằng những biến tấu mới. Song song với đó là những chương trình resale sẽ do nhãn hiệu Prada trực tiếp quản lý. “Mọi người sẽ thấy đây là những nỗ lực chúng tôi bỏ ra để biến những mục tiêu bền vững thành những điều có tính thực tiễn và hiệu quả, chứ không chỉ là thủ thuật marketing đơn thuần.”
Nói về viễn cảnh tương lai, Bertelli cho biết “thách thức bền vững lớn nhất” là giảm lượng khí thải carbon, đặc biệt là thông qua chuỗi cung ứng. Việc khuyến khích các nhà cung cấp đổi sang các nguồn nguyên liệu và năng lượng bền vững là nhiệm vụ khó khăn nhất.
Prada hiện đang trên đà phát triển. Vào tháng 12, doanh số bán hàng đã trở lại mức trước đại dịch so với mặt bằng chung toàn thị trường. Theo ước tính của các nhà phân tích, mặc dù các cửa hàng bị buộc phải đóng cửa, kết quả báo cáo tài chính của Prada sẽ có lợi nhuận đạt được 10 triệu euro trên 2,4 tỷ euro doanh thu khi kết quả hàng năm của doanh nghiệp được công bố trong tuần này.
Kết quả khả quan này là nhờ một loạt các sáng kiến chiến lược, bao gồm việc giảm việc dựa vào phương thức bán buôn và cắt giảm chiết khấu, cùng với việc tăng cường tiếp cận khách hàng địa phương với sự kết hợp của các sản phẩm bền vững mới hơn như túi Re-Edition. Ngoài ra, một định hướng sáng tạo độc đáo và quy mô sẽ được dẫn dắt bởi Lorenzo với một lối tiếp thị nhạy bén.
Đứng đầu trong danh sách các ưu tiên trong định hướng mới của người thừa kế trẻ tuổi là việc ứng phó với tác động của đại dịch bằng một hình thức trình diễn thời trang kỹ thuật số mới. Các hoạt động bao gồm các bữa tiệc có sự tham gia của những “người tạo ảnh hưởng” (influencers) và các cuộc đàm thoại thẳng thắn sau chương trình giữa bà Prada và Simons với các sinh viên và các nhân vật trong ngành sáng tạo như Marc Jacobs, nhà làm phim Lee Daniels và DJ Richie Hawtin hay còn gọi là Plastikman.
Và kết quả đã đem lại tín hiệu khả quan cho kế hoạch của Lorenzo, anh cho hay: “Điểm mấu chốt là làm cho mọi người trở thành một phần của cuộc trò chuyện nhưng vẫn giữ cho nó phù hợp và thú vị đối với những người không liên quan nhiều đến thời trang”. Bertelli cho biết, việc lấy việc đối thoại cởi mở làm trọng tâm đã tạo nên tiếng vang trong thời đại ngày càng quan trọng “tính minh bạch”, các chỉ số truyền thông xã hội của Prada vượt xa các đối thủ trong tháng thời trang. Chiến lược sẽ xoay quanh hơn nữa đến những người tiêu dùng rộng hơn có mối quan tâm cho âm nhạc, phim ảnh, văn hóa và thể thao.
Các chuyên gia về thương hiệu cũng đồng tình với những sự ứng phó nhạy bén này của Prada trong việc thể hiện sự đồng cảm với không khí tâm trạng chung trên thế giới. Rebecca Robins, giám đốc văn hóa và học tập tại Interbrand cho biết: “Prada đang tạo ra một loạt các động thái phù hợp sâu sắc với bối cảnh mà chúng ta đang sống thông qua sức mạnh thương hiệu và củng cố chỗ đứng vững chắc cho mình.”
Các nhà phân tích cũng rất ấn tượng bởi Prada tập trung vào khách hàng địa phương ở Tây Âu và Trung Quốc vào năm 2020. Bertelli cho biết tuy giá marketing ở Trung Quốc có phần cao nhưng bù lại là thái độ “cởi mở” của người tiêu dùng nơi đây đối với thương hiệu như Prada. Còn ở Tây Âu, người tiêu dùng có những kiên định riêng trong các lựa chọn mua sắm của họ. Góp phần trong số những thành công ở châu Âu có các cửa hàng pop-up và các sản phẩm mới như túi Re-Edition. Ngoài ra, Bertelli đang kỳ vọng có thể tạo sức hút cho mặt hàng thời trang phi giới tính, đó là sản phẩm “vòng đeo tay không chạm” đến từ sự kết hợp của American Express Centurion nằm trong kế hoạch năm nay.
Một mặt khác trong chiến lược mới của mình, Bertelli có những động thái sẵn sàng trong việc thử nghiệm với nền tảng số. Cụ thể, đó là sự ra mắt của thương hiệu Car Shoe trên danh mục Luxury Stores của Amazon. Đây là bước tiến đáng chú ý bởi các đơn vị ngành hàng xa xỉ vốn có những định kiến và cảnh giác với nền tảng thương mại điện tử như Amazon bởi sự thiếu kinh nghiệm về loại sản phẩm đặc thù này của họ và nguy cơ hàng giả cũng như việc lạm dụng quyền truy cập và sử dụng dữ liệu của các thương hiệu để thao túng giá cả với những mặt hàng tương tự. Bertelli giải thích rằng Car Shoes (mặt hàng là “giày lái xe”, giá khoảng 360 euro) hiện đang chưa có cửa hàng ở Mỹ. Việc Prada Group cho thử nghiệm một thương hiệu trên Amazon cũng có thể là một cơ hội tốt. Nhưng tiếp thị kỹ thuật số là trọng tâm, Bertelli cho hay: “Chúng tôi đang cố gắng bắt kịp hơn với nhiều nội dung kỹ thuật số trong nửa cuối năm khi thị trường có dấu hiệu ổn định hơn”.
Tổng kết lại về kế hoạch tương lai, Lorenzo chia sẻ: “Hiện tại đây mới chỉ là bước khởi đầu của một kế hoạch mang ý nghĩa văn hóa và thông điệp thời đại chúng tôi gửi tới khách hàng của mình. Đồng thời, chúng tôi vẫn hướng tới mục tiêu hiệu quả trong doanh số.”
Thừa nhận sự thách thức và cạnh tranh khắc nghiệt trong ngành công nghiệp xa xỉ, Bertelli vẫn tỏ ra kiên định trước bất kỳ thử thách nào phía trước: “Tôi là một người rất thích cạnh tranh, và đó là điều khiến mọi thứ trở nên thú vị“.
Thực hiện: Khánh Linh
Theo Vogue Business, Sarah Shannon