Có thể bạn chưa biết: LVMH “bất bại” cũng từng thất bại trong phi vụ thâu tóm Hermès

Ngày đăng: 23/06/21

LVMH, tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới với những thương hiệu thời trang trứ danh như Louis Vuitton, Christian Dior, Bulgari, Givenchy, Kenzo, Fenty… và mới đây nhất là Tiffany & Co. Nhưng trong lịch sử thâu tóm của mình, LVMH từng thất bại trong việc đưa Hermès “về một nhà”. 

Tỷ phú Bernard Arnault là một trong những người giàu nhất thế giới, ông là người đứng đầu Tập đoàn LVMH. Trong đế chế tỷ đô của mình, LVMH có không dưới 70 thương hiệu xa xỉ và vẫn đang không ngừng phát triển tính đến thời điểm hiện nay. 

LVMH có không dưới 70 thương hiệu xa xỉ và vẫn đang không ngừng phát triển tính đến thời điểm hiện nay.

Bernard Arnault, tên đầy đủ là Bernard Jean Étienne Arnault là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của LVMH, tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới. Vào tháng 01 năm 2020, ông trở thành người giàu nhất thế giới trong một thời gian ngắn. Đế chế của ông được xây dựng dựa trên hơn 70 thương hiệu, trong đó có những tên tuổi hàng đầu mà đa số mọi người đều biết như Louis Vuitton, Dior, Moet-Hennessy, Christian Dior, Sephora và Bulgari. Hiện tại, ông đang giữ ngôi vị hàng đầu – người giàu nhất trong làng thời trang.

Bernard Arnault nổi tiếng với một ý tưởng táo bạo vào thời đầu lăn lộn trên thương trường, về một điều mà chưa ai từng nghĩ đến trước đó: đưa nhiều thương hiệu xa xỉ về chung một “mái nhà” – trong đó có nhiều “đối thủ” với nhau. Arnault chia sẻ với CNBC năm 2018: “Vào những năm 90, tôi có ý tưởng thành lập một nhóm xa xỉ và vào thời điểm đó tôi nhận rất nhiều lời chỉ trích vì điều này. Tôi nhớ người ta nói với tôi là không thể nào đặt chúng đứng cùng nhau được. Và giờ nó thành công rồi… Và 10 năm sau, những đối thủ cố gắng bắt chước, đó là điều đáng mừng cho chúng tôi. Tôi nghĩ họ không thành công nhưng họ cũng đã cố”.

Bernard Arnault, tên đầy đủ là Bernard Jean Étienne Arnault là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của LVMH, tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, có một phi vụ thâu tóm bất thành với ông trùm Bernard Arnault, dù suýt nữa là tập đoàn có thể nắm trong tay thương hiệu “yên ngựa” của Pháp có lịch sử hơn trăm năm tuổi này.  

Năm 2001, LVMH mua lại 4,9% cổ phần ban đầu của Hermès thông qua các công ty con và tiếp tục tích lũy cổ phần tại đối thủ có trụ sở tại Paris bằng cách mua các cổ phần thông qua các trung gian tài chính và công ty con, với mỗi công ty con giữ cổ phần dưới 5%. 

Vào tháng 10 năm 2010, LVMH thông báo (gây nhiều ngạc nhiên trên thị trường) rằng họ đã mua được 14,2% cổ phần tích lũy và vào tháng 12 năm 2011, thông báo nâng cổ phần của mình trong Hermès lên 22,6% (sau đó là 23,1% vào năm 2013). 

Theo luật của Pháp, một nhà đầu tư (cá nhân, tổ chức) khi đã sở hữu hơn 1/3 cổ phần của một công ty đại chúng nào đó thì có quyền hợp pháp mua lại toàn bộ số cổ phần còn lại.

Là một công ty có lịch sử gia đình, Hermès dù đã niêm yết vào năm 1993 nhưng họ muốn độc lập hơn là dưới trướng một tập đoàn. Vào tháng 09 năm 2012, Hermès kiện LVMH về thâu tóm thương hiệu. Hermès cáo buộc LVMH tham gia vào các giao dịch nội gián và thao túng giá cổ phiếu, một nguồn tin giấu tên tiết lộ trên Women’s Wear Daily cho biết.

Sau đỉnh điểm là cuộc điều tra của cơ quan giám sát dịch vụ tài chính của Pháp, các nhà tài chính của Autorité des marés, phát hiện ra rằng LVMH đã bí mật mua cổ phần của đối thủ Hermès để xây dựng cổ phần trong ngôi nhà thiết kế mang tính biểu tượng, chứ không chỉ để đầu tư tài chính như LVMH đã tuyên bố. 

Emile Hermès, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hermès lúc bấy giờ đã lên tiếng: “Ngài Bernard Arnault, hãy dừng lại! Ông đã bước chân vào vườn nhà chúng tôi, nhưng chúng tôi sẽ kiên quyết không để ông vào nhà chúng tôi đâu”.

Ông này cũng kêu gọi mọi thành viên trong dòng họ sở hữu cổ phần của Hermès hãy đoàn kết lại, chống lại “âm mưu nham hiểm” của tỷ phú Bernard Arnault, để duy trì văn hoá công ty truyền thống từ nhiều đời nay. Vào thời điểm đó, gia đình Hermès gồm 3 nhánh là Puech, Guerrand, Dumase bấy lâu nay không phải đã hoàn toàn nhất trí với nhau về chiến lược phát triển của hãng. Hơn nữa, ông Jean – Louis Dumas Hermès, một cổ đông lớn và rất có uy tín trong dòng họ Hermès đã mất vào tháng 5 năm 2010. Có tới 60 người trong dòng họ nắm cổ phần của Hermès, nhưng không ai sở hữu quá 5% cổ phần.

Nhờ sự can thiệp của một tòa án Pháp, LVMH do vi phạm trong quá trình thâu tóm cổ phiếu bằng hình thức ngầm nên họ phải phân phối 23% cổ phần của mình tại Hermès cho các cổ đông và nhà đầu tư. Thêm vào đó họ sẽ không mua thêm cổ phần của Hermès trong 5 năm tới. Cổ phiếu của LVMH tại Hermès đã được phân phối để LVMH không còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của Hermès kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2015.

Cuối cùng, những thành viên của gia tộc Hermès muốn tiếp tục giữ thương hiệu này, họ đã tạo ra một cấu trúc tập hơn được hơn 50% cổ phiếu, cam kết nắm giữ số cổ phiếu này cho tới năm 2031 cho dù điều gì xảy ra. Đến năm 2017, Bernard Arnault chấp nhận bỏ cuộc.

Nhờ sự can thiệp của một tòa án Pháp, LVMH do vi phạm trong quá trình thâu tóm cổ phiếu bằng hình thức ngầm nên họ phải phân phối 23% cổ phần của mình tại Hermès cho các cổ đông và nhà đầu tư.

Hiện tại Hermès vẫn đang trong đà phát triển và tăng trưởng. Thậm chí, vào năm 2020, thời điểm khó khăn của ngành xa xỉ do ảnh hưởng của đại dịch bùng phát, nhất là tại thị trường Trung Quốc. Ngôi nhà thời trang xa xỉ của Pháp còn công bố doanh số lợi nhuận tăng 16% vào cuối năm nhờ vào khu vực châu Á, khách hàng trung thành và bán hàng trực tuyến.

Nhà phân tích Thomas Chauvet, Citi cho biết: “Với mức tăng trưởng doanh số bán lẻ hơn 20% trong quý 4, Hermès dường như đang ở một đường đua khác. Trên cơ sở cả năm 2020, cho đến nay đây vẫn là thương hiệu có khả năng phục hồi nhanh nhất trong lĩnh vực xa xỉ. Điều này hình hành trên tính chất mô hình kinh doanh gia đình độc đáo được xây dựng dựa trên phong cách vượt thời gian, sản phẩm có chất lượng và độ bền cũng như mối quan hệ sâu sắc với khách hàng từng khu vực.”

Thực hiện: Hoàng Khôi