“Metaverse” sẽ khiến thời trang phải chuyển đổi để tồn tại?

Ngày đăng: 01/09/21

Khi mà crypto – tiền kỹ thuật số đang ngày càng được đầu cơ tích trữ chẳng kém gì vàng hay bất động sản thì xã hội loài người trong tương lai cũng đang có những bước tiến chuyển dài và nhanh hơn cả dự đoán. Mô hình xã hội, hình thái internet quen thuộc ở hiện tại sẽ sớm chuyển mình và phát triển lên một tầm mới. Chúng ta vẫn luôn biết rằng, thời trang chính là ngôn ngữ hữu hình cho sự phát triển của nhân loại, mà một khi internet – vốn là xương sống của xã hội loài người được nâng cấp lên một hình thái cao hơn là Metaverse, thì khi đó thời trang cũng sẽ là như vậy.

Và đó là lúc, thời trang và cách thức tiêu dùng cũng sẽ được số hóa. Nhưng chính xác là từ khi nào và bằng cách nào?

Quay trở lại thời điểm tháng Bảy vừa qua, Facebook – vẫn luôn được biết đến là doanh nghiệp mạng xã hội lớn nhất thế giới đã đưa ra một thông báo khiến giới công nghệ phải sôi nổi bàn luận: kế hoạch phát triển của Facebook trong vòng 5 năm tới sẽ chuyển mình thành một công ty Metaverse, trích lời của CEO Mark Zuckerberg.

Metaverse là gì? | So awkward, Rose - Blog cá nhân chuyên nghiệp
Tuyên bố mới nhất từ CEO của Facebook đã khiến cho rất nhiều người đặt ra câu hỏi Metaverse là gì.

Metaverse là gì?

Định nghĩa cụ thể: Metaverse là một không gian kỹ thuật số công cộng và thống nhất, bao gồm tất cả những gì thuộc thế giới ảo và mạng Internet. Metaverse sẽ bao gồm những biến thể hoặc bản sao của những gì thuộc thế giới thực*, nhưng nó khác biệt với khái niệm “Thực tế ảo tăng cường” (công nghệ AR). Từ “metaverse” được tạo thành từ tiền tố “meta” (có nghĩa là vượt ra ngoài) và “verse” (một biến thể từ universe – vũ trụ); thuật ngữ này thường được sử dụng để mô tả khái niệm về sự lặp lại trong tương lai của internet, được tạo thành từ các không gian ảo 3D liên tục, được chia sẻ, liên kết với nhau thành một vũ trụ ảo có thể sống, trải nghiệm và cảm nhận được.

Tóm lược: Metaverse là một môi trường ảo, nơi mỗi người có thể hiện diện với mọi người trong không gian kỹ thuật số. Loài người có thể coi đây là một mạng internet hiện thân mà họ đang ở bên trong thay vì chỉ nhìn vào. Đừng lầm tưởng đây chỉ là một thứ viển vông viễn tưởng đơn thuần của các ông lớn công nghệ lắm tiền nhiều của. Metaverse được kỳ vọng trở thành một hình thái xã hội mới của loài người bởi ngay ở thì hiện tại thì xã hội chúng ta cũng đã phụ thuộc hoàn toàn vào internet.

Nhiều ông lớn công nghệ ở Thung lũng Silicon vẫn xem Metaverse là tương lai của nhân loại. Một vài nỗ lực cụ thể đã và đang được tiến hành, như Google đang đầu tư rất nhiều vào thực tế tăng cường (AR), nơi người dùng sử dụng công nghệ để nhìn thế giới thực với các đối tượng 3D kỹ thuật số được mô tả ở bề mặt trên cùng. Không kém cạnh, râm ran nhiều tin đồn rằng hãng Apple đang chế tạo các sản phẩm như sản phẩm kính để trải nghiệm không gian ảo.

Facebook dường như tỏ rõ mục đích và cam kết nhất với tầm nhìn mới này. Trong nhiệm vụ chuyển mình thành một công ty Metaverse, Mark Zuckerberg đang tìm cách xây dựng một mạng lưới hệ thống – nơi mọi người có thể “di chuyển” giữa các công nghệ thực tế ảo (VR), AR và thậm chí cả thiết bị điện tử, sử dụng hình đại diện thực tế của chính họ (tùy trường hợp). Tại đây, họ sẽ làm việc, giao lưu, chia sẻ mọi thứ và có những trải nghiệm xã hội khác biệt, trong khi vẫn có thể sử dụng Internet cho một số tác vụ như tìm kiếm tương tự như cách chúng ta sử dụng hiện nay.

Metaverse là gì? | So awkward, Rose - Blog cá nhân chuyên nghiệp
Metaverse sẽ thu hẹp về khoảng cách địa lý và chiều không gian giữa con người còn mạnh mẽ hơn cả mạng Internet ngày nay.

Sự phát triển của metaverse, hiển nhiên sẽ khiến cho cách mà chúng ta tiếp cận, cảm thụ và giao thương thời trang trong tương lai cũng sẽ thay đổi. Lúc đó, thời trang kỹ thuật số sẽ thứ hàng hóa được gán giá trị, cảm thụ, mua bán, tiêu dùng và tạo sức ảnh hưởng. Chúng ta – dù là người tiêu dùng thông thường hay tín đồ thời trang, cũng sẽ sẵn sàng cho sự chuyển giao này.

Bởi vì sao?

Thực chất, thời trang vốn dĩ là một ngành công nghiệp đặc thù nhưng phụ thuộc, và nó đã và vẫn đang gắn mình chặt chẽ cùng với sự phát triển, thay đổi nhanh chóng của internet. Mọi xu hướng được chia sẻ, tiếp nhận từ internet theo hai chiều. Sự hiện diện và ủng hộ dành cho thời trang phần lớn phụ thuộc vào mạng xã hội. Ngôn ngữ thời trang được tiếp nhận, chấp thuận và tái định nghĩa chỉ để phù hợp với sự thức thời của các vấn đề vượt ra khỏi biên độ sáng tạo của thời trang.

Chẳng hạn như Alessandro Michele – giám đốc sáng tạo của Gucci vẫn luôn truyền tải những thông điệp chính trị, văn hóa vào trong các sáng tạo của mình. Maria Chiuri của Dior thì ủng hộ mạnh mẽ quyền lợi của phụ nữ trong xã hội hiện đại. Thời trang bền vững trở thành một ngành công nghiệp trên đà tăng trưởng để hạn chế những tác hại tiêu cực của thời trang nhanh tới môi trường… Thời trang được thúc đẩy để trở nên có ý nghĩa hơn cả công năng đơn thuần là kiến tạo nên vẻ ngoài, lớp cải trang, sự khoe mẽ vốn dĩ được cho là có phần sáo rỗng khi triết lý về bản chất của nó.

Thời trang cộng hưởng cùng internet nói chung và cụ thể là metaverse đã sớm có từ cách đây vài năm trước, khi các tựa game mmorpg (viết tắt: massively multiplayer online role-playing game – vốn là nền tảng ban đầu của metaverse) tăng trưởng và có sức ảnh hưởng lớn tới tệp khách hàng trẻ tuổi. Các thương hiệu thời trang xa xỉ đã sớm nhận thấy mảnh đất giàu tiềm năng của yếu tố giải trí đầy sắc màu, đầy tính kích động lẫn tính cộng đồng cao trên internet, và thế là sự cộng tác thử nghiệm đơn thuần ban đầu được thiết lập, rồi trở thành những đối tác với lợi ích bình đẳng song phương thông qua những chiến dịch quảng bá được đầu tư đúng mực như Louis Vuitton x League of Legends, Gucci x Roblox, Animal Crossing x Puma… Việc Gucci bán được mẫu túi Dionysus bag trong tựa game online Roblox với mức giá 4115$ (~94,6 triệu đồng) so với mức giá bán lẻ bên ngoài của nó là 3330$ (~76 triệu đồng) đã trở thành một tin tức đáng chú ý vào tháng Bảy vừa qua.

Metaverse sẽ khiến thời trang kỹ thuật số trở nên thịnh hành
The Fabricant, một hãng thời trang kỹ thuật số, đã bán chiếc váy lung linh ‘Iridescence’ này trên blockchain với giá 9500$ (~216,4 triệu) vào năm 2019.

Nhưng bằng cách nào mà thời trang kỹ thuật số có thể được đón nhận?

Có lẽ khi thời trang hòa nhập cùng xu thế metaverse, đối tượng chủ chốt mà các bên đều nhắm tới chính là khách hàng trẻ thuộc thế hệ Gen-Z và Gen Alpha – vốn là thế hệ lớn lên và hòa nhập với tốc độ phát triển nhanh chóng của internet lẫn mạng xã hội như Snapchat, TikTok, Instagram… Nhóm người trẻ này vốn dĩ đã quá quen thuộc với những trào lưu, ứng dụng điện thoại và công nghệ hiện đại trong đời sống thường nhật, và một khi metaverse thực sự bùng nổ và trở thành một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống thì nhóm đối tượng này sẽ có ưu thế cập nhật trước nhất.

Hãy quên đi chuỗi cung ứng, quên đi chuỗi bán lẻ, quên đi quá trình sale, tư vấn, kiểm kho hay chuyển vận tốn kém. Thời trang kỹ thuật số sẽ chẳng khác gì mấy so với crypto ở hiện tại, khi mọi dữ liệu đều được mã hóa và lưu thông trong metaverse một cách thuận tiện. Yếu tố tiếp tục được kế thừa và thăng hoa từ mô hình kinh doanh thời trang thông thường là chuỗi giá trị của nó, cụ thể hơn là yếu tố sáng tạo.

Metaverse sẽ khiến thời trang phải chuyển đổi để tồn tại
Những trò chơi trực tuyến giống như Drest – tựa game virtual về styling này đang tạo nền móng cho sự phát triển của thời trang kỹ thuật số trong tương lai.

Con người chỉ có thể chạm được tới một biên độ sáng tạo nhất định về cách thức xây dựng và cấu trúc nên trang phục dựa vào vải vóc thông thường. Đó là lý do mà đa phần các xu hướng thời trang là xoay vòng, tái lập và có thể dự báo được. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào nền tảng cốt yếu là sự sáng tạo của các nhà thiết kế luôn có giới hạn nhất định chỉ vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào vải vóc để thiết kế.

Đã bao nhiêu thập kỷ rồi thời trang mới có một nhân tài xuất chúng như Christian Dior, Yves Saint Laurent, Alaia Azzedine hay Alexander McQueen? Họ trở thành tượng đại trong làng thời trang vì những sáng tạo mới mẻ và sức ảnh hưởng lớn tới nền văn hóa, lẫn nghệ thuật đại chúng. Họ biến tấu vải vóc theo cách thức mới mẻ và tạo ra tiền đề để thời trang phát triển được như hiện tại. Giờ đây, các nhà thiết kế chỉ có thể mở rộng sự đón nhận và làm giàu thêm ý niệm về thời trang khi gắn nó cùng với những vấn đề nổi cộm khác trong xã hội hiện đại – giống như một thông điệp có thể mặc được bên ngoài. Còn không, ở thế đối trọng là ngành công nghiệp thời trang nhanh đang gây áp lực và làm xấu đi danh tiếng của toàn ngành thời trang. Không chỉ gây tác hại nguy cấp đến môi trường và bóc lột sức lao động tại các nước nghèo, sự sáng tạo nghèo nàn, cóp nhặt, rập khuôn cũng khiến thời trang mất đi giá trị vốn dĩ của nó.

Metaverse mở ra một cách cửa, một sự hồi sinh, một khởi đầu cho kỷ nguyên mới của thời trang. Sự sáng tạo sẽ được hồi sinh với biên độ dường như là vô hạn.

Vậy nên, metaverse mở ra một cách cửa, một sự hồi sinh, một khởi đầu cho kỷ nguyên mới của thời trang. Sự sáng tạo sẽ được hồi sinh với biên độ dường như là vô hạn. Tất cả mọi ý tưởng, mọi cảm quan, mọi tầm nhìn sẽ được lột tả chân thực và không bị bó buộc bởi bất kỳ một rào cản vật lý nào. Thời trang sẽ trở nên muôn hình vạn trạng, độc đáo hơn, phá cách hơn thông thường. Áo quần kỹ thuật số sẽ vẫn phục vụ cho mục đích mặc đẹp hay thể hiện bản thân của người mặc, và thêm vào đó là khẳng định tính cá thể lẫn tính cộng đồng chặt chẽ hơn nữa.

Vào tháng Ba, Gucci đã thử nghiệm thương mại đôi giày thể thao kỹ thuật số này có giá từ $ 9 đến $ 12 mỗi chiếc

Điểm quan trọng nhất: nó không gây nguy hại môi trường, không gánh nặng về hàng tồn kho, xóa nhòa ranh giới giữa các mô hình kinh doanh thời trang, không hao tổn sức khỏe lẫn tinh thần của các lao động may mặc ở các quốc gia nghèo (mặc dù họ cũng sẽ phải thích ứng và tìm kiếm công việc phù hợp khác vì không còn là lao động may mặc của ngành hàng thời trang). Đương nhiên sẽ có những quan ngại và vấn đề nảy sinh khi thời trang kỹ thuật số trở nên thịnh hành, nhưng đó sẽ là bài toán ở tương lai. Chúng ta có quyền nhìn nhận và trông đợi vào những mặt tích cực của nó ở hiện tại.

 
Số báo mới nhất của Vogue Singapore hoàn toàn dành riêng cho thế giới mới này và đã kêu gọi các nhà thiết kế tạo ra những tác phẩm độc đáo lấy cảm hứng từ thế giới trực tuyến.

Thế còn tính độc quyền và khan hiếm mà các thương hiệu thời trang vẫn luôn khai thác như một đặc tính nhận diện thương hiệu hay chiến lược phát triển thì sao?

Nhiều khả năng, crypto sẽ trở thành đơn vị tiền tệ chính yếu để giao thương cho mọi sản phẩm thời trang kỹ thuật số. Nếu quan ngại về tính sở hữu, độc nhất của một sản phẩm nào đó, thì NFT chính là lời đáp giải cho vấn đề này. NFT – non fungible token như một kiểu mã hóa riêng biệt trên blockchain, khiến cho một món hàng hóa kỹ thuật số được thừa nhận về tính chủ quyền sở hữu của một cá nhân. Sự thừa nhận này là thống nhất với mọi người dùng có mặt trong hệ thống của mạng internet hay vũ trụ metaverse được xây dựng trong tương lai gần.

NFT là một tài sản kỹ thuật số hoặc là một phiên bản của tài sản trong thế giới thực được Token hoá. Vì các NFT là độc nhất và không thể thay thế nên chúng có thể hoạt động như một bằng chứng về tính xác thực và quyền sở hữu trong lĩnh vực kỹ thuật số. Giống như các token trên blockchain trong hệ thống tiền kỹ thuật số khác, NFT cũng sẽ tồn tại trên một địa chỉ duy nhất.

Các đặc tính của NFT cũng rất rõ ràng, gồm tính độc nhất, tính quý hiếm và không thể chia tách. Vậy nên một NFT sẽ không thể copy hoặc transfer (gửi) mà không có sự cho phép của chủ sở hữu, và vì thế mà các thương hiệu thời trang sẽ hoàn toàn dễ dàng triển khai (hoặc duy trì) chiến lược phát triển, nhận diện thương hiệu dựa trên sự khan hiếm của hàng hóa, thậm chí là còn có thể vượt xa hơn ở thực tại.

Metaverse sẽ khiến thời trang kỹ thuật số trở nên thịnh hành
Dress X – một công ty chuyên về thương mại thời trang kỹ thuật số kể từ 2020, giải thích cách thức mà khách hàng của họ có thể sỡ hữu và mặc trang phục non-NFT mua từ Dress X rồi chia sẻ nó trên MXH.

Điều này cũng sẽ khiến thời trang Haute couture cũng có thể đồng tồn tại và phát triển trong xã hội metaverse. Sẽ có hai biến số hợp lý xảy ra, đó là Haute couture sẽ phát triển vững mạnh trong xã hội metaverse với hình thái đa dạng hơn, sáng tạo hơn ở thể kỹ thuật số; hoặc Haute couture tuy không sắng sốt du nhập và vẫn duy trì phát triển ở thế giới thực bên ngoài – nhưng lúc này trở thành một lãnh địa vững chãi, không thể suy chuyển trong ngành thời trang – vốn dĩ đang đau đầu vì sự xâm thực gây sói mòn của thời trang nhanh. Một khách hàng sở hữu một trang phục Haute couture ở ngoài đời thực cũng có quyền kỳ vọng sẽ được sở hữu phiên bản kỹ thuật số của nó trong metaverse và khẳng định bản thân ở cả hai thế giới song song.

Danh hiệu nhà mốt tiên phong ở lĩnh vực này có lẽ đã thuộc về Dolce & Gabbana. Cuối tuần qua, bộ sưu tập thời trang couture cao cấp NFT đầu tiên của nhà mốt Dolce & Gabbana đã được ra mắt. Thương hiệu cho trình diễn các bộ sưu tập trang sức cao cấp và thời trang cao cấp dành cho nam và nữ (lần lượt là Alta Gioielleria, Alto Sartoria và Alto Moda) tại Venice, đồng thời tung ra bộ sưu tập NFT đầu tiên mang tên Collezione Genesi, bao gồm chín mẫu thiết kế, với bốn mẫu hoàn toàn là thời trang kỹ thuật số, trong khi năm thiết kế còn lại – hai chiếc váy, bộ vest nam và hai chiếc vương miện – sẽ có cả cả phiên bản kỹ thuật số lẫn vật lý.

Sẽ còn là một chặng đường phát triển lắm gian nan và nhiều thử nghiệm để xã hội metaverse được khai thông cổng vào kỹ thuật số và rộng mở chào đón các công dân của xã hội tương lai. Nhưng có lẽ diễn tiến của nó sẽ nhanh hơn những gì mà chúng ta có thể dự đoán, nhất là khi nhìn nhận thực tiễn vào sự phát triển và tăng trưởng của crypto hiện nay, cũng như dựa vào lời tuyên bố của Mark Zuckerberg về một metaverse đầy hứa hẹn từ Facebook “Metaverse là sự thể hiện tối thượng nhất của xã hội công nghệ”.

Câu hỏi đặt ra là bạn đã sẵn sàng để đón nhận và tiêu dùng thời trang kỹ thuật số hay chưa?

Tác giả: Fellini Rose

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân và nhận định của người viết