Miyake, Kawakubo và Yamamoto: Đặc trưng phong cách Nhật của thế kỷ 20

Ngày đăng: 11/05/21

Nổi lên từ sự bùng nổ kinh tế và công nghiệp ở Nhật Bản vào những năm 1960, các nghệ sĩ, nhà thiết kế và kiến ​​trúc sư Nhật Bản đã tìm thấy nguồn cảm hứng trong sự kết hợp giữa văn hóa đại chúng của Mỹ và các công nghệ tiêu dùng đang trên đà phát triển của Nhật Bản.

Nhấn mạnh vào sự ngưỡng mộ với nghệ thuật truyền thống Nhật Bản; cũng như các hình thái và ý thức hệ của chủ nghĩa hiện đại thông qua công nghệ sợi, hình ảnh trực quan và điêu khắc ba chiều. Issey Miyake, Rei Kawakubo và Yohji Yamamoto có thể được ghi nhận là những người đặt nền móng cho thẩm mỹ Nhật Bản trong bối cảnh thời trang toàn cầu.

Chân dung Nhà thiết kế Issey Miyake
Chân dung Nhà thiết kế Yohji Yamamoto
Chân dung Nhà thiết kế Rei Kawakubo

Tổng hợp trực quan

Mặc dù mỗi nhà thiết kế này có một quan điểm riêng về việc dựng vải, nhưng họ có chung tình yêu với sự hợp tác nghệ thuật trong việc phát triển các bộ sưu tập, quảng bá và phát triển hình ảnh. Một gu thẩm mỹ riêng sẽ được hình thành, thậm chí là phóng đại, trong những thương hiệu thời trang đương đại Nhật Bản. Điều này được thể hiện đặc biệt rõ ràng trong sự nghiệp của Miyake và Kawakubo — những người trước đây đã tuyển dụng nhiều nghệ sĩ dệt và điêu khắc như Yasumasa Morimura, Cai Guo-Qiang, họa sĩ Tadanori Yokoo, và kiến ​​trúc sư Tadao Ando, về sau này họ còn hợp tác với Takao Kawasaki, một kiến ​​trúc sư đã thiết kế phần lớn các cửa hàng đời đầu của Comme des Garçons.

Những mẫu thiết kế của Issey Miyake; Nguồn ảnh: DRY magazine

Đế chế của Kawakubo kết hợp đạo đức lao động xã hội chủ nghĩa với mong muốn gần như cuồng tín là biến quần áo thành một sản phẩm luôn thay đổi trong môi trường văn hóa xã hội của nó, trích dẫn cả *Chủ nghĩa hiện thực*Chủ nghĩa vị lai trong các bộ sưu tập và quảng cáo trên sàn diễn. Miyake tạo ra các sản phẩm may mặc tôn vinh sức sống và chuyển động của cơ thể con người, đặc biệt, ông tham khảo phong cách của Sudan, Nhật Bản,  Mỹ và kết hợp chúng với các quy tắc may đo thời trang cao cấp để truyền đạt một hình thức thẩm mỹ tự do, mang tính ứng dụng toàn cầu. Yamamoto trung thành với truyền thống vải của Nhật Bản, điều làm nên sự nổi tiếng của ông chính là những mẫu áo khoác và áo sơ mi lấy cảm hứng từ kimono những năm 1990. Mặc dù bị ảnh hưởng rõ ràng bởi các dạng hình học của các sản phẩm may mặc bản địa, Yamamoto vẫn tìm ra các phương pháp kết hợp các cấu trúc trang phục thể thao đương đại và các chi tiết hoàn thiện vào thiết kế của mình để gợi lên một phong cách đường phố sang trọng hậu hiện đại, có tính dẻo dai cùng độ bền cao.

Những mẫu thiết kế độc đáo của Rei Kawakubo

Hình thức thiết kế

Mối quan tâm đến sự phát triển của công nghệ sợi và sự tôn sùng chủ nghĩa chiết trung về âm sắc và kết cấu đã thúc đẩy các nhà thiết kế này liên tục nhấn mạnh vào tầm quan trọng của các nguyên liệu thô. Khát vọng chuyển động liên tục trong cả chất liệu và cấu trúc đã chi phối quan niệm về cách sắp đặt nếp gấp mang tính biểu tượng trong những thiết kế *”Pleats Please” của Miyake, cách xoắn, nối và xếp nếp bí ẩn trong các thiết kế của Yamamoto, cũng như kỹ thuật đối với lớp phủ, kết cấu và xếp lớp của Kawakubo. Trong khi Miyake đã liên tục sử dụng các quy trình dệt nổi bằng nhiệt và phủ tổng hợp khác nhau để tạo ra các hình thức điêu khắc hiện đại hơn, Kawakubo lại thiên về sự tinh tế lãng mạn trong những thiết kế mang tính lịch sử, đồng thời cũng tôn lên vẻ đẹp của sợi tổng hợp lạnh trong các tác phẩm của mình. Tiêu biểu nhất cho khuynh hướng sắp xếp lạ lùng này chính là những chiếc áo len “ren” trong bộ sưu tập Comme des Garçons mùa Thu / Đông 1982–83, đặc trưng với những chiếc quần len đen có những lỗ hổng để làm rõ những thành phần của ren. Trong khi Yamamoto thường thử nghiệm để cải tiến ngành dệt kỹ thuật và chất liệu tổng hợp mới, ông cũng thích thiết kế sản phẩm của mình bằng các vật liệu tự nhiên độc đáo. Bộ quần áo vest và váy được làm hoàn toàn từ những thanh gỗ có bản lề từ bộ sưu tập mùa Thu / Đông năm 1991 của ông thể hiện sự cống hiến trong việc truyền đạt sự khác biệt về hình ảnh thô dưới dạng phẳng

Bộ sưu tập Comme des Garçons mùa Thu / Đông 1982–83

 

Bộ quần áo vest và váy được làm hoàn toàn từ những thanh gỗ có bản lề từ bộ sưu tập mùa Thu / Đông năm 1991 của Yohji Yamamoto

Truyền thống mới của thời trang Nhật Bản

Miyake, Kawakubo và Yamamoto đã đặt dấu ấn cho sự trỗi dậy của thời trang Nhật Bản bằng cách truyền đạt thẩm mỹ của mình đến thị trường toàn cầu, qua đó nâng cao nhận thức của mọi người về các thế hệ sáng tạo tiên phong của Nhật Bản như Junya Watanabe, Junko Koshino và Junichi Arai . Từng người trong số họ đều được tôn vinh vì đã kết hợp được những phương pháp làm thời trang cao cấp, lâu đời với các đặc tính thiết kế của Nhật Bản. Mặc dù các bộ sưu tập của những nhà thiết kế này thường có mối liên hệ chặt chẽ với nhau về nguồn gốc,  hoặc sẽ khác biệt ít nhiều so với thời trang phương Tây, nhưng ai trong số họ cũng ứng dụng di sản về mặt hình ảnh của Nhật Bản để làm nền móng cho những khía cạnh thẩm mỹ, xã hội và đôi khi là chính trị của các nền văn hóa trên toàn thế giới. Giống như trang phục của *Noh Nhật Bản, các thiết kế thời trang của Miyake, Kawakubo và Yamamoto hướng tới tính sân khấu, hình ảnh bắt mắt và chuyển động tự nhiên của cơ thể.

Minh hoạ cho hình thái Noh Nhật Bản, các nhân vật khi biểu diễn Noh mặc những bộ đồ như trên ảnh để có thể chuyển động thoải mái; Nguồn: New York Times.

Chuyển ngữ: Nhi Nguyễn

Theo Elyssa Da Cruz/ Met Museum

Chú thích:

  1. Chủ nghĩa hiện thực: Chủ nghĩa hiện thực là trào lưu nghệ thuật lấy hiện thực xã hội và những vấn đề có thực của con người làm đối tượng sáng tác. Chủ nghĩa hiện thực hướng tới cung cấp cho công chúng nghệ thuật những bức tranh chân thực, sống động, quen thuộc về cuộc sống, về môi trường xã hội xung quanh.
  2. Chủ nghĩa vị lai: Chủ nghĩa vị lai là một trào lưu nghệ thuật tiên phong và gây sốc nhất. Nó ca tụng tình yêu chóng vánh, sự mãnh liệt hung bạo, máy móc, sự khinh miệt phụ nữ và coi chiến tranh như một cách vệ sinh thế giới. 
  3. Chủ nghĩa chiết trung: Chủ nghĩa chiết trung là một cách tiếp cận khái niệm mà không bám chặt chẽ vào một mô hình hoặc tập hợp các giả định duy nhất, mà thay vào đó dựa trên nhiều lý thuyết, phong cách hoặc ý tưởng để có được thêm hiểu biết về một chủ đề hoặc áp dụng các lý thuyết khác nhau trong các trường hợp cụ thể.
  4. Pleats Please: Một dòng sản phẩm thời sáng tạo, đột phá được Issey Miyake phát triển từ năm 1993 tập trung vào kỹ thuật xếp nếp (pleat).
  5. Noh Nhật Bản: Noh là một loại hình kịch nghệ nổi tiếng biểu diễn trên sân khấu cổ điển, kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố âm nhạc, vũ đạo và thơ ca, mang đậm tính thẩm mỹ và huyền bí của Nhật Bản.