[Brand To Know] MONIQ và nhà sáng lập Doãn Anh Thư: “Tích lũy kinh nghiệm cũng như nguồn lực trước khi xây dựng thương hiệu thời trang của riêng mình”

Ngày đăng: 07/01/22

Chuyên mục Brand to know của Style-Republik đưa đến cho độc giả những chia sẻ thú vị và hữu ích về những bài học kinh doanh, thiết kế… từ những người đứng sau các thương hiệu thời trang và làm đẹp tại Việt Nam. Tuần này, hãy cùng nghe những chia sẻ đến từ Doãn Anh Thư, nhà sáng lập thương hiệu thời trang nữ mang phong cách độc đáo, pha trộn thú vị các chất liệu phương Đông và phương Tây.

Nhìn vào MONIQ, ta sẽ luôn thấy phảng phất một màu sắc đặc trưng đậm chất Á Đông, có thể thấp thoáng hình dáng của tà áo dài Việt Nam, hay là chiếc áo khoác haori của Nhật Bản nhưng trên hết, vẫn toát lên một vẻ phá cách đương đại. Style-Republik đã có cơ hội được trò chuyện cùng chị Doãn Anh Thư, nhà sáng lập thương hiệu MONIQ, và lắng nghe những chia sẻ của cô về quá trình xây dựng thương hiệu độc đáo này. 

[Brand To Know] MONIQ và nhà sáng lập Doãn Anh Thư: " Tích lũy kinh nghiệm cũng như nguồn lực trước khi xây dựng thương hiệu thời trang của riêng mình"
Doãn Anh Thư – Nhà sáng lập MONIQ
Xin chào chị Thư, chị có thể chia sẻ câu chuyện hình thành nên thương hiệu MONIQ? Tại sao lại có cái tên này?

MONIQ được bắt đầu từ năm 2009, khởi đầu từ việc kinh doanh trên mạng giữa Thư và những người bạn cùng học về nghệ thuật và thời trang khi đang trong trường thiết kế thời trang tại Hà Nội (Nghệ Thuật Hà Nội, London College for Fashion Studies and Design). Tên gọi MONIQ là viết tắt của tên những thành viên liên quan sáng lập thương hiệu, tên thương hiệu cũng được lấy cảm hứng của từ “mannequin” và được đọc theo âm tiếng Pháp là /Monik:/

Thư thuộc thế hệ cuối 9x, bắt đầu tự thiết kế và kinh doanh trong 10 năm từ khi đang học thiết kế và kinh doanh thời trang tại Học viện thời trang và thiết kế London (Hà Nội). Thư đã từng tham gia nhiều công việc freelance khác nhau liên quan đến thời trang như stylist của các buổi chụp hình cho tạp chí và quảng cáo, viết bài cho tạp chí, cộng tác với nhiều người mẫu, stylist và đạo diễn, chỉ đạo các buổi chụp hình và quay cho nhãn hiệu cá nhân MONIQ. Đam mê của Thư là tìm tòi các chất liệu vải mới và màu sắc từ các vùng đất khác nhau, Thư mong muốn có nhiều cơ hội làm việc để góp phần phát triển chất liệu vải truyền thống cũng như sáng tạo những chất liệu mới.

Khách hàng của MONIQ là những người yêu màu sắc, sự độc đáo và cá tính riêng. Họ có một tinh thần lạc quan, vui vẻ nên là những người luôn tươi trẻ trong cách ăn mặc. Họ mặc những gì họ muốn và thường xuyên đến những bữa tiệc sôi động hay đi du lịch. Họ có thể phần lớn là những người độc thân hoặc có một cuộc sống tự do, thích các hoạt động ngoài trời và nghỉ dưỡng. Trong cuộc sống thường ngày, khách hàng của MONIQ cũng là những người làm việc chăm chỉ và cống hiến.

Cảm hứng thiết kế của MONIQ đến từ đâu?

Các thiết kế của MONIQ đến từ sự giao thoa giữa các nền văn hoá, màu sắc và chất liệu. Phong cách đặc trưng của MONIQ có thể dễ dàng nhận thấy là sự pha trộn giữa nhiều xu hướng khác nhau, kết hợp các màu sắc tươi sáng và một số tông màu trầm (chủ yếu là đen, xanh cổ vịt…) cùng nhiều loại chất liệu truyền thống và hiện đại của các đất nước khác nhau trong khu vực châu Á (như Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…)

Tại sao chị quyết định kết hợp các chất liệu phương Đông vào trong các thiết kế với tinh thần hiện đại của mình?

Quyết định này có 2 lý do: Lý do thứ nhất, tôi quyết định sử dụng chất liệu phương Đông trong các thiết kế của mình vì tôi thấy các chất liệu Châu Á rất đẹp và muốn tôn vinh nét đẹp của chúng trong các thiết kế với tinh thần hiện đại. Lý do thứ 2, quan trọng hơn nữa, MONIQ Studio hướng tới là thay đổi cách thức làm việc thời trang truyền thống và phát triển bền vững trong ngành công nghiệp thời trang. Việc sử dụng các chất liệu có tính bản địa là lựa chọn dễ dàng và bền vững hơn tìm những chất liệu ở khoảng cách địa lý xa hơn và vận chuyển về Việt Nam (khâu vận chuyển là một phần lớn thải ra khí carbon trong chuỗi cung ứng thời trang). Khi có cơ hội tự mình đi các nước khác ở phương Tây, có thể tôi sẽ mang chất liệu phương Tây vào các thiết kế của mình thì sao?

Chị hãy chia sẻ thêm về quá trình sáng tạo nên các thiết kế của mình?

Việc đầu tiên trong quá trình sáng tạo của tôi là lựa chọn chất liệu và màu sắc cho các sản phẩm mà tôi muốn thiết kế. Sau đó mới đến việc phác thảo ý tưởng theo danh sách gạch đầu dòng tên các sản phẩm mà tôi và team muốn thực hiện cho mùa thời trang đó. Đối với các bộ sưu tập lớn hơn, tôi cũng thực hiện theo quy trình phát triển bộ sưu tập thiết kế mà các nhà mốt thời trang vẫn làm như: lập concept board, mood board và luôn có sketchbook để phát triển một dãy các thiết kế theo một concept thống nhất.

Để bắt kịp dòng chảy của thời trang, tôi vẫn thường xuyên cập nhật xu hướng của thế giới và trong giới trẻ, cũng như các sự kiện quan trọng tác động đến xã hội, điều này tác động rất lớn tới các dòng chảy xu hướng trong ngành thiết kế thời trang.

Có điều gì thú vị ở quá trình xây dựng thương hiệu mà chị có thể chia sẻ cho bạn đọc?

Điều thú vị nhất trong quá trình xây dựng thương hiệu là khi mới bắt đầu, bạn có thể sẽ nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ bạn bè và những người xung quanh – hãy biết cách nắm bắt điều đó và làm việc nhiều hơn để phát triển. MONIQ khi mới bắt đầu cũng nhận được rất nhiều những sự ủng hộ của mọi người, ví dụ như show thời trang đầu tiên diễn ra tại Hà Nội của MONIQ vào năm 2013 được thực hiện nhờ một nguồn đầu tư nhỏ cùng với rất nhiều sự giúp đỡ của bạn bè và người quen cùng ngành trong quá trình tổ chức: từ địa điểm, visual art cho sân khấu, cho tới âm nhạc (một người bạn từ New York tới biểu diễn), chỉ đạo catwalk cho người mẫu v.v

Hành trình trở thành nhà thiết kế và sở hữu thương hiệu riêng của chị có những dấu mốc đáng nhớ nào?

Trong quá trình 10 năm làm việc như một nhà thiết kế và sở hữu thương hiệu riêng MONIQ, tôi có nhiều dấu mốc, trong số đó có các dấu mốc lớn đáng nhớ như: mở boutique đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2013 và tổ chức show diễn thời trang đầu tiên vào cuối năm đó. Sau đó, tôi cũng được mời tham gia một buổi trình diễn thời trang tại thành phố Hồ Chí Minh do một kênh truyền hình tổ chức cùng với một số nhà thiết kế khác. Dấu mốc đáng nhớ khác là lần đầu tiên tôi mang sản phẩm của MONIQ tới bán tại một trade-show ở Singapore và khi sản phẩm của MONIQ có mặt tại một concept store ở Tokyo.

Theo chị, có những thuận lợi và khó khăn gì khi kinh doanh thời trang tại Việt Nam?

Việc kinh doanh thời trang tại Việt Nam có các thuận lợi như: thị trường Việt Nam vẫn còn trẻ và dễ tính trong việc lựa chọn sản phẩm thời trang, một số thị trường ngách vẫn còn khoảng trống để phát triển, nguồn nhân công và nguyên vật liệu có giá cạnh tranh so với khu vực và thế giới. 

Khó khăn trong việc kinh doanh thời trang cũng có rất nhiều như phải cạnh tranh về giá với các sản phẩm nhập khẩu cũng như các thương hiệu local khác, tâm lý của khách hàng khi lựa chọn sản phẩm thiết kế của nhà thiết kế Việt Nam, khó khăn trong việc tìm chuỗi cung ứng và nhà sản xuất chất lượng tại Việt Nam đối với các thương hiệu nhỏ và vừa…

Chị có bài học sâu sắc nào về kinh doanh thời trang trong suốt quá trình xây dựng và duy trì thương hiệu? 

Bài học sâu sắc nhất tôi từng nhận được trong suốt quá trình xây dựng và duy trì MONIQ đó là việc lựa chọn đối tác đúng và có cùng giá trị.

Khi làm việc chung trong rất nhiều dự án lớn nhỏ từ trước tới nay, những mâu thuẫn xảy ra thường là giữa thương hiệu và những đối tác không có cùng giá trị. Việc lựa chọn đối tác có cùng hệ giá trị và mục tiêu để làm việc vô cùng quan trọng, trong trường hợp xảy ra bất kỳ sự hiểu lầm và mâu thuẫn về lợi ích (việc thường xuyên xảy ra trong quá trình làm việc trong ngành thời trang), một đối tác có cùng giá trị với thương hiệu và có thể tin tưởng được để làm việc lâu dài. Họ sẽ cố tìm hiểu để cùng tìm cách giải quyết các bất đồng và có trách nhiệm với công việc mà cả hai đang thực hiện.

Đã bao giờ chị thất vọng, chán nản, bỏ cuộc với thời trang? Chị đã làm gì để quay trở lại?

Chưa bao giờ tôi bỏ cuộc với thời trang. Chỉ có những khoảng lặng mà một nhà thiết kế cần có trong quá trình tìm kiếm cảm hứng để làm việc. Cũng có một khoảng thời gian bận bịu với cuộc sống riêng như việc sinh con, tôi đành tạm gác công việc thiết kế thời trang sang một bên để tập trung hơn vào việc kinh doanh. Dù chưa bao giờ bỏ cuộc nhưng sự thất vọng và chán nản thì đã từng xảy ra, để quay trở lại sau mỗi lần đó, tôi phải tự suy nghĩ đó là một quá trình làm việc và nghỉ ngơi cần thiết và không cảm thấy sợ hãi khi thấy thất vọng hay chán nản. Đối với một ngành nhiều cạnh tranh và áp lực như ngành thời trang, hãy coi việc cảm thấy mất thăng bằng là dấu hiệu cho thấy bạn cần một kỳ nghỉ để sau đó có thời gian nhìn nhận lại thông suốt mọi việc.

Chị có đánh giá gì về tình hình và xu hướng phát triển của thời trang tại Việt Nam trong những năm gần đây?

Ngành thời trang (cả kinh doanh và thiết kế) đang phát triển rất mạnh mẽ tại Việt Nam trong 5 năm trở lại đây. Các nhãn hiệu đều đang đầu tư nhiều chất xám cũng như tiền bạc vào việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu. Các cuộc cạnh tranh trong ngành bắt đầu diễn ra khốc liệt hơn chứ không còn dễ dàng như 10 năm trước đây.

Xu hướng phát triển của ngành thời trang Việt Nam có nhiều lối rẽ nhưng xu hướng chủ đạo là tập trung vào đẩy mạnh sản xuất và sáng tạo. Việt Nam đang muốn quảng bá thương hiệu “Made in Vietnam”, các nhà thiết kế thì không chỉ muốn chỉ phát triển nền tảng sản xuất mà còn phải phát triển cả thị trường sáng tạo nữa.

Dịch COVID-19 năm 2020 và 2021 đã ảnh hưởng đến thương hiệu như thế nào? Thương hiệu đã làm gì để duy trì việc kinh doanh và phát triển sản phẩm?

Dịch COVID có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của MONIQ, cả tích cực lẫn tiêu cực.

Trong hai năm 2020 và 2021, MONIQ đã có hợp đồng đặt hàng số lượng khá nhiều sản phẩm tại Thái Lan và Nhật Bản, do dịch COVID nên nhà sáng lập bị mắc kẹt ở Bangkok trong 6 tháng, nhờ đó có cơ hội phát triển việc kinh doanh tại Thái Lan trong năm đầu tiên của dịch COVID.

Cuối năm 2020, MONIQ trùng tu lại mặt bằng và đầu tư vào phát triển sản xuất hình ảnh để bán hàng online, sản phẩm được giới hạn số lượng sản xuất và làm theo các đơn đặt hàng trước.

Để duy trì, team hoạt động theo hình thức tiết giảm nhân sự một cách tối đa và tăng năng suất làm việc của mỗi nhân sự trong nhiều vị trí. MONIQ team cũng chuyển công việc văn phòng sang các nền tảng online để có thể giữ tiến độ trong mùa dịch.

Thương hiệu học và đúc kết được gì từ những khó khăn đã trải qua trong thời kỳ dịch bệnh?

Bài học lớn mà MONIQ cũng như các nhãn hiệu khác học được qua những khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh có lẽ đó là biết cách chuyển sang chế độ tạm dừng và hoạt động chậm lại.

Trong thời gian đó, thay vì cố gắng đấu tranh với các khó khăn mà hầu hết ta không đủ sức để quyết định thì thật ra nên tập trung vào nghiên cứu và xây dựng chiến lược, theo học một vài khoá học để phát triển kỹ năng của nhân sự và xây dựng các mối quan hệ trong team.

Điều gì quyết định sự thành bại của một thương hiệu thời trang, đặc biệt là ở Việt Nam?

Điều quyết định đầu tiên đó là nguồn vốn và dòng tiền, một thương hiệu thời trang cần có một nền tài chính vững vàng và khỏe mạnh để có thể phát triển trong một thị trường nhỏ, cạnh tranh khốc liệt và có phần bão hoà như hiện nay tại Việt Nam. Sau đó mới kể đến những thứ khác như năng lực và quyết tâm của team trong việc xây dựng thương hiệu.

Lời khuyên của thương hiệu cho những bạn ấp ủ một thương hiệu thời trang ở Việt Nam?

Thư có một lời khuyên duy nhất dành cho các bạn là nên học và tích lũy càng nhiều kinh nghiệm cũng như nguồn lực càng tốt ở những thương hiệu khác trước khi tự bắt tay vào xây dựng thương hiệu thời trang của riêng mình.

Thư có một kỳ vọng lớn vào cộng đồng kinh doanh và thiết kế thời trang tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong năm 2022 sau khi vượt qua được một năm 2021 đầy khó khăn và biến động. Thư mong muốn MONIQ sẽ tìm được những cộng sự trong cộng đồng kinh doanh thời trang để hợp tác và cùng nhau phát triển bền vững.

Thực hiện: Mỹ Đỗ