Ngành làm đẹp đang liên minh để trở nên thân thiện hơn với môi trường

Ngày đăng: 15/11/21

Một liên đoàn mới do tập đoàn L’Oréal dẫn đầu và các công ty lớn khác trong ngành làm đẹp đã được thiết lập nhằm mục đích khởi tạo các tiêu chuẩn bền vững trong toàn ngành. Ở một khía cạnh khác, các thương hiệu độc lập cũng đang hợp tác với nhau theo tinh thần tập thể với cùng mục đích tương tự.

Hơn một nửa số người tiêu dùng của ngành làm đẹp đều đồng thuận rằng họ coi tính bền vững là yếu tố then chốt khi mua sắm các sản phẩm làm đẹp, nhưng các giải pháp trong ngành cho đến nay vẫn còn nhiều thiếu sót. Một nỗ lực tập thể gần đây nhất do một số tập đoàn lớn nhất của ngành làm đẹp có thể tạo nên một sự thúc đẩy lớn mạnh, khiến cho những thương hiệu khác trong ngành cùng tham gia.

Bao bì tái chế của Ren.

Vào tháng Chín, các công ty lớn như L’Oréal, Henkel, LVMH, Unilever và Natura & Co đã công bố hợp tác để cùng phát triển một hệ thống đánh giá và chấm điểm tác động môi trường cho các sản phẩm mỹ phẩm. Liên đoàn cho biết hệ thống tính điểm sẽ không xác định thương hiệu là của ai, và sẽ cho phép người tiêu dùng dễ dàng so sánh lẫn đối chiếu những tác động môi trường của các sản phẩm mỹ phẩm, bao gồm cả sự cân nhắc về toàn bộ vòng đời của sản phẩm.

Sunny Jain, chủ tịch bộ phận sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân của Unilever cho biết: “Để nỗ lực của từng cá nhân có tác động trong toàn ngành, chúng ta cần cùng nhau hướng tới một phương pháp tiếp cận nhất quán và mạnh mẽ về mặt khoa học để đo lường và truyền đạt tác động môi trường của các sản phẩm mỹ phẩm.” Mọi công ty mỹ phẩm đều được khuyến khích tham gia vào nỗ lực này.

Động thái này là bước đầu tiên cho ngành công nghiệp làm đẹp với mục đích giống như các ngành hàng thời trang cao cấp và trang sức để hình thành nên các hiệp định bền vững tương tự, với sự tham gia của tập đoàn Kering, và các thương hiệu như Chanel hay Cartier. Mục tiêu chính yếu vẫn là thúc đẩy các công ty hàng đầu hợp tác với nhau để giảm các tác động đến môi trường, từ đó làm tiền đề để toàn bộ ngành tiếp bước theo sau.

Theo dữ liệu của Zero Waste Europe, ngành công nghiệp làm đẹp được ước tính sản xuất khoảng 120 tỷ đơn vị bao bì mỗi năm. Theo Liên Hợp Quốc, lượng nhựa được tái chế của ngành làm đẹp là ít nhất trong các ngành công nghiệp sản xuất, với chỉ 9% chất thải nhựa từng sản xuất đã được tái chế.

Các sản phẩm cũng thường xuyên có “hóa chất vĩnh viễn” trong danh sách thành phần của chúng, một điều mà các thương hiệu làm đẹp riêng lẻ sẽ gặp nhiều khó khăn để giải quyết. Chất thải sản phẩm là một vấn đề khác. Jen Novakovich – nhà hóa mỹ phẩm và là người sáng lập nền tảng khoa học The Eco Well cho biết: “Ngành công nghiệp muốn có những giải pháp đơn giản và có thể bán được trên thị trường. “Nhưng thường thì các giải pháp không như vậy. Chúng phức tạp và rất khó để đả thông tới người tiêu dùng ”. Katie Borghese – chủ tịch và đồng sáng lập dòng chăm sóc da U Beauty cũng đồng thuận với quan điểm này và nói thêm rằng sự khác biệt, đa dạng của các góc độ tiếp thị khác nhau mà các thương hiệu làm đẹp đang triển khai “chỉ làm gia tăng thêm sự nhầm lẫn.”

Ngành làm đẹp đang liên minh để trở nên thân thiện hơn với môi trường
Thương hiệu U-Beauty

Đo lường và tính minh bạch

Hệ thống tính điểm của liên đoàn có thể sẽ được người tiêu dùng hoan nghênh. Theo ước tính của Oliver Wright – người đứng đầu bộ phận hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng toàn cầu tại Accenture, thì gần 7/10 người mua sắm tin rằng các thương hiệu nên làm “nhiều hơn” để tác động đến hành vi mua sắm có ý thức hơn. Lượng người tiêu dùng ủng hộ việc ghi nhãn sản phẩm cho biết mức độ bền vững của một sản phẩm là nên bắt buộc.

Đối với những thương hiệu coi chứng chỉ bền vững của họ là một lợi thế cạnh tranh, thì ý tưởng về hành động theo phạm vi tập thể có thể là không dễ dàng. Tuy nhiên, như Wright lập luận, những thông tin xác thực như vậy sẽ sớm mang tính thiết yếu. “Rõ ràng là ngành công nghiệp làm đẹp sẽ phải xem xét toàn diện mọi công đoạn trong chuỗi cung ứng của mình. Tôi kỳ vọng sẽ chứng kiến ​​sự bùng nổ về tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển mà các thương hiệu sẽ phải cam kết,”  Wright nói, đồng thời cho biết thêm rằng ảnh hưởng tiêu cực đối với những thương hiệu không minh bạch về tác động môi trường từ sản phẩm của họ sẽ rất rõ rệt.

Các thương hiệu mỹ phẩm nhỏ và độc lập đã là những đơn vị tiên phong trong việc cung cấp thông tin minh bạch cho người tiêu dùng. Vào tháng Năm, Ren Clean Skincare đã xuất bản một quảng cáo dài một trang trên tờ New York Times thông báo chiến dịch mang tên “We Are Allies” nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sản phẩm từ một số đối thủ cạnh tranh trực tiếp của họ, bao gồm Herbivore, Caudalie, Youth To The People và Biossance . Arnaud Meysselle – Giám đốc điều hành của Ren cho biết: “Chúng tôi đã chọn để tôn vinh những thương hiệu đã cam kết trong việc tạo ra bao bì thân thiện với hành tinh theo lộ trình đến 2025 và đang thực hiện các bước tiến cụ thể để đạt được những mục tiêu này”. Ông nói rằng công ty đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu không có bao bì rác thải vào cuối năm 2021. Sáng kiến “We Are Allies” mới chỉ là bước khởi đầu và chiến dịch sẽ trở lại vào năm sau với nhiều thương hiệu hơn.

Ngành làm đẹp đang liên minh để trở nên thân thiện hơn với môi trường
Chiến dịch We Are Allies.

Trong khi đó, hãng chăm sóc da Emma Lewisham có trụ sở tại New Zealand đã công bố mô hình kinh doanh của mình với hy vọng rằng nhiều thương hiệu sẽ có thể áp dụng cách thức tương tự cho các hoạt động của họ. Thương hiệu cho biết các sản phẩm của họ được chứng nhận độc lập về không có CO2, với 100% bao bì có thể tái chế và tái chế.

Người sáng lập của thương hiệu Emma Lewisham nói rằng: “Những thách thức lớn nhất vẫn là quy trình vận chuyển, đóng gói và thành phần tạo ra sản phẩm. Nhưng để nền kinh tế xoay vòng hoạt động, tất cả chúng ta cần phải có những hành vi giống nhau và lý tưởng nhất là khi khách hàng cũng là một phần trong một mô hình tái sử dụng chứ không chỉ là một mô hình tái chế.”

Thương hiệu Emma Lewisham chú trọng về việc tạo ra sản phẩm có bao bì sẽ được tái sử dụng hợp lý.

Những nỗ lực cộng hưởng của toàn ngành làm đẹp

Khi liên đoàn mới được thiết lập bởi các ông lớn trong ngành làm đẹp, các thương hiệu làm đẹp đã được hưởng lợi từ đó. Gillian Gorman Round – Giám đốc điều hành của thương hiệu mỹ phẩm hữu cơ Kjaer Weis (đã được chứng nhận), chia sẻ rằng một trong những đối tác bán lẻ của thương hiệu là Credo Beauty, đã góp công giúp hãng đạt được các mục tiêu bền vững gần đây nhất. “Chúng tôi không nghĩ rằng bao bì son bóng và kem che khuyết điểm của chúng tôi có thể được làm là vật liệu tái chế (PCR) 100%. Tuy nhiên, Credo Beauty đã chia sẻ danh sách nhà sản xuất vật liệu tái chế của họ với chúng tôi và có thể giúp chúng tôi tìm kiếm nhà cung cấp. Tôi chắc chắn rằng họ cũng đang khuyến khích điều tương tự với các thương hiệu mà chúng tôi cũng sẽ coi là đối thủ cạnh tranh, nhưng điều đó là tốt, bởi vì tất cả chúng ta nên sử dụng 100% PCR.”

Ngành làm đẹp đang liên minh để trở nên thân thiện hơn với môi trường
Thương hiệu mỹ phẩm hữu cơ Kjaer Weis.

Tương tự như vậy, Borghese nói rằng sau khi thương hiệu U Beauty đạt được con dấu của Positive Luxury – một dấu kiểm đảm bảo cam kết của các thương hiệu đối với các thực hành về môi trường và đạo đức, chính sự xác nhận này đã giúp họ liên kết được với một đối tác bán lẻ trong Net-a-Porter có cùng tiêu chuẩn trong việc đóng gói vận chuyển .

Diana Verde Nieto, đồng sáng lập và CEO của công ty Positive Luxury, cho biết: “Hầu hết tất cả các hạt cà phê ngày nay đều là cà phê được thương mại công bằng. Đó chỉ là bởi vì tất cả mọi người đã làm việc cùng nhau để làm cho các khu vực, các trang trại và thương mại nói chung hợp tác. Ngành công nghiệp làm đẹp cũng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên [cho nguồn nhiên liệu sản xuất], nhưng nếu các thương hiệu hợp tác với nhau để yêu cầu sự đa dạng sinh học và hỗ trợ điều đó bằng cách chia nhỏ hóa đơn giữa các công ty khác nhau thì điều đó hoàn toàn có thể xảy ra.”

Đối với tập đoàn đồng thương hiệu, mục tiêu cuối cùng là phát triển một phương pháp luận chung để đánh giá tác động môi trường của từng giai đoạn trong vòng đời của sản phẩm, dựa trên cơ sở dữ liệu được chia sẻ chi tiết các nguyên liệu thô và thành phần phổ biến, đồng thời cung cấp điểm số từ A đến E, cho phép người tiêu dùng so sánh các sản phẩm một cách dễ dàng. Tập đoàn cho biết các chuyên gia bên ngoài bao gồm các tổ chức phi chính phủ và các học giả sẽ được tham vấn về chuyên môn, đồng thời khuyến khích các thương hiệu khác đặt câu hỏi và tham gia qua email. Để giải quyết vấn đề về đa dạng sinh học, lao động có đạo đức, bao bì có thể tái chế và giảm thiểu lượng khí thải carbon, các thương hiệu cần xác định đây là một hành trình đầu tư lớn, phức tạp và mất thời gian. Nhưng như Diana Verde Nieto lạc quan chia sẻ rằng “Có một sự thật trong câu ngạn ngữ cổ: nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình, nhưng nếu bạn muốn đi xa hơn, hãy đi cùng nhau.”

Chuyển ngữ: Fellini Rose

Nguồn: Vogue Business