Ngành sáng tạo và nhiếp ảnh thời trang đầy rẫy khó khăn trong dịch bệnh Covid-19

Ngày đăng: 14/04/20

Toàn ngành thời trang lao đao bởi dịch bệnh và kinh tế suy thoái. Các thương hiệu thời trang xem ra vẫn còn khả quan hơn là các nhiếp ảnh gia, stylist và đội ngũ sáng tạo, vốn đang gặp bế tắc bởi tính chất công việc của mình.

Thực trạng hiện tại

Đại dịch hiện tại quật ngã ngành sáng tạo và nhiếp ảnh, vốn liên đới mật thiết với thời trang, theo tốc độ chóng mặt. 11 nhiếp ảnh gia, chuyên gia làm phim, stylist được phỏng vấn bởi phóng viên của Vogue đã đều đồng loạt tiết lộ rằng tất cả họ đều mất 100% thu nhập trong tháng vừa qua và tình hình cho tháng này và sắp tới cũng không mấy khả quan. Nguyên do chủ yếu là bởi tính chất công việc vốn dĩ của họ đều cần đến việc di chuyển linh động, tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, và phụ thuộc rất nhiều vào ngân sách lẫn nhu cầu của khách hàng – là những thương hiệu thời trang.

Ngành sáng tạo liên đới với thời trang, cụ thể là nhiếp ảnh gia, stylist thường hoạt động với tư cách là lao động tự do, khiến họ trở thành đối tượng gặp nhiều khó khăn và chịu thiệt thòi nhất trong cuộc khủng hoảng hiện tại. Tại Anh, theo thống kê có tới 700,000 nhân lực trong ngành sáng tạo là lao động tự do. Tại Mỹ, 75% nguồn nhân lực trong ngành mỹ thuật và thiết kế đều là cộng tác viên tự do. Thống kê ở trên được thực hiện vào năm 2019 bởi Upwork.

Jonathan Daniel Pryce – nhiếp ảnh gia thời trang tại London chia sẻ rằng công việc cuối cùng được trả lương là buổi chụp hình cùng với thương hiệu John Smedley vào ngày 20 tháng 3. Pryce là chuyên gia trong lĩnh vực nhiếp ảnh thương mại lẫn sáng tạo trong truyền thông, thường hợp tác với các khách hàng lớn như Vogue hay các trang bán hàng trực tuyến thương mại như Mr Porter.

NHIẾP ẢNH GIA JONATHAN DANIEL PRYCE (CREDIT: VOGUE BUSINESS)

“Trong buổi chụp hình, mỗi người trong team đứng cách xa nhau. Tôi đã phải sử dụng một ống kính dài cho buổi chụp hình để giữ khoảng cách với người mẫu. Stylist cũng có mặt tại hiện trường, nhưng người mẫu buộc phải tự cân chỉnh trang phục theo sự hướng dẫn và quan sát từ stylist”, Pryce chia sẻ. Chỉ 2 ngày sau đó, vào thứ Hai 23 tháng 3, Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố lệnh phong tỏa trên khắp cả nước. Tất cả những buổi chụp hình tại Anh đều bị hủy bỏ vì lệnh phong tỏa.

Điều tương tự cũng diễn ra tại Mỹ, kể từ ngày 12 tháng 3, tất cả mọi công việc đều bị dừng lại. Shaniqwa Jarvis – một nhiếp ảnh gia kiêm giám đốc sáng tạo tại New York, có khách hàng đa dạng từ The North Face, Supreme, Amazon, Puma… “tất cả mọi công việc quảng cáo lẫn công việc có doanh thu tốt được lên lịch sẵn đều đã bị hủy bỏ”, cô chia sẻ.

Tình hình ảm đạm này đã dần lan rộng tới tất cả mọi người, nhất là sau quãng thời gian các thương hiệu thời trang và nhà xuất bản tạp chí cố gắng để trở nên lạc quan trong việc trì hoãn các dự án sẵn có, nhưng rồi bị buộc phải hủy bỏ hoàn toàn bởi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp.

Monica Lombardi – một nhiếp ảnh gia tại Milan, được đại diện bởi một công ty agency 2DM chia sẻ với phóng viên của Vogue, “tại thời điểm khởi phát, tôi đã quá xem nhẹ tính chất của dịch bệnh. Nhưng kể từ ngày 16 tháng Ba, tất cả mọi công việc tôi được đặt sẵn trước đó đều bị hủy”.

NHIẾP ẢNH GIA VÀ GIÁM ĐỐC SÁNG TẠO SHANIQWA JARVIS (CREDIT: VOGUE BUSINESS)

Giải pháp thay thế tại gia

Nhiều nhiếp ảnh gia lựa chọn chuyển sang chụp sản phẩm trong quá trình phong tỏa theo chỉ thị của chính phủ. Đó là nếu các thương hiệu quyết định chuyển phát sản phẩm đến tận nơi của nhiếp ảnh gia để cho họ chụp. Pryce chia sẻ rằng anh vẫn có thể chụp sản phẩm cho thương hiệu mỹ phẩm Maapilim tại studio ở nhà mình. Tại San Francisco, nhiếp ảnh gia Anna-Alexia Basile lại có kế hoạch để tận dụng không gian sống của mình và biến nó thành một studio chụp ảnh.

Anna-Alexia Basile có nhiều khách hàng là các thương hiệu lớn như Uniqlo, J.Crew, The RealReal. “Tôi luôn là một người có nhiều kỹ năng và phát triển đồng thời tất cả, thay chỉ vì tập trung vào một chuyên môn nhất định. Sự linh hoạt giúp các nhãn hàng gửi tôi sản phẩm thiết kế hay phụ kiện của họ để cho tôi chụp tại nhà”. Tuy rằng một vài khách hàng không có quá nhiều kinh phí để chi trả cho các buổi chụp này, nhất là trong tình hình hiện tại, nhưng có vẻ Basile vẫn cố gắng lạc quan.

Nhiếp ảnh gia Alex Bramall sở hữu một studio nhỏ tại London với chỉ một nhân viên toàn thời gian hỗ trợ anh ta trong các buổi chụp. Alex Bramall tập trung vào các công việc quảng cáo thương mại và tạp chí thời trang. Xuyên suốt quãng thời gian khó khăn này, anh muốn mình chủ động hết mức có thể. Anh cho biết “Tôi vừa thiết lập một chiến dịch tiếp thị nhỏ cho không gian studio của mình, và tôi kiêm luôn công việc phát triển nội dung cho nó. Nếu có khách hàng nào cần chụp các bộ sưu tập hay sản phẩm mới, tôi hy vọng quảng cáo của tôi sẽ tiếp cận và tạo được ấn tượng tốt với họ”.

NHIẾP ẢNH GIA ANNA-ALEXIA BASILE TẠI STUDIO TẠI GIA CỦA MÌNH Ở SAN FRANCISCO (CREDIT: VOGUE BUSINESS)

Tác quyền có thể là một phương án tốt để các nhiếp ảnh gia có thêm thu nhập trong thời điểm các công việc đều đang bị trì hoãn. Bramall đang làm việc với những thành quả công việc trước đây của mình, chọn lựa ra những hình ảnh mà anh có thể cấp quyền thương mại với Kintzing – một agency chuyên cung cấp tác quyền hay bán lại cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng hình ảnh của các nhiếp ảnh gia.

Shaniqwa Jarvis cũng chia sẻ rằng cô cũng làm tương tự. Mặc dù trước đây cô có kế hoạch để thuê người làm việc sàng lọc hình ảnh ra giúp mình bởi đó là một công việc tốn nhiều thời gian, đó là cả một sự tích trữ suốt hơn 20 năm lao động của Jarvis với rất nhiều sản phẩm trong số đó ở hiện trạng là phim chụp. Giờ đây cô tự mình làm điều đó trong thời gian buộc phải cách ly xã hội do dịch bệnh.

Giám đốc điều hành của tập đoàn Condé Nast tại Ý – Fedele Usai chia sẻ với phóng viên của Vogue rằng công ty đã có kế hoạch sử dụng những hình ảnh, là sản phẩm trước đây được lưu trữ tại ngân hàng hình ảnh, cho ấn phẩm trong những tháng tới. Công ty cũng có kế hoạch mua lại bản quyền hình ảnh và nội dung từ các thị trường khác trong mạng lưới liên kết của mình.

Tạp chí Vogue Ý và Vogue L’Uomo sẽ gửi những mẫu thiết kế mới của mùa Xuân-Hè 2020 giám đốc nghệ thuật, stylist, nhiếp ảnh gia, người mẫu, chuyên gia trang điểm mà các đầu báo trên vẫn thường hợp tác cùng để họ tự sản xuất hình ảnh tại nhà. Những mẫu thiết kế được lựa chọn theo tiêu chí để sao cho có khoảng cách gần nhất đối với những người có quyền hạn sản xuất hình ảnh cho các đầu báo.

Francesca Ragazzi – giám đốc tiếp thị thời trang của Vogue Ý và Vogue L’Uomo chia sẻ: “Chúng tôi mong rằng mọi nỗ lực của những người đóng góp, sản xuất lẫn đội ngũ của tạp chí sẽ giúp duy trì sự kết nối giữa độc giả với Vogue ở một mức độ sâu sắc và cá nhân hơn. Một điều chưa từng xảy ra trước đây.”

Nhiếp ảnh gia chân dung Valentin Hennequin tại Milan cũng đang nghiên cứu những lựa chọn khả thi khi làm việc tại nhà và sắp xếp lại những thành quả công việc trước đây của mình. Hennequin, hiện đã quay trở về Pháp để ở bên cạnh gia đình, từng cộng tác với nhiều thương hiệu danh tiếng như Dior, Armani, Alighieri, chia sẻ nỗi đắn đo của mình với phóng viên của Vogue về vấn đề tác quyền theo mức độ dài hạn: “Việc tận dụng các thành quả công việc cũ của các nhiếp ảnh gia cũng sẽ chỉ có một hạn định nhất định. Rồi tất cả mọi người cũng sẽ cần phải chụp và sản xuất các dự án mới mà thôi.”

Hỗ trợ tài chính là cứu cánh cho ngành sáng tạo

Hầu như tất cả đều hy vọng rằng một khi lệnh cách ly toàn xã hội bị dỡ bỏ, toàn ngành thời trang và sáng tạo sẽ lại khởi sinh với một nguồn chảy mới, vừa kịp cho mùa Thu-Đông.

Big Sky Studios tại London đang chuẩn bị mọi nguồn lực để sẵn sàng cho việc vận hành tích cực trở lại. Studio này vẫn duy trì liên lạc với nhân lực và khách hàng của mình để nhanh chóng vào guồng sản xuất ngay khi dịch bệnh suy thoái. “Chúng tôi tin rằng nếu tất cả chúng ta cóp nhặt những ý tưởng và đam mê sáng tạo của mình trong suốt những ngày tháng cách ly, nhất định toàn ngành sẽ như được tiếp thêm sinh lực và khởi sắc nhanh chóng một khi được hoạt động trở lại”, chia sẻ của giám đốc điều hành Roger Cummings của Big Sky Studio.

Tracy Brabin – bộ trưởng Ngoại giao của Anh cho mảng Truyền thông, Thể thao, Văn hóa, Kỹ thuật số chia sẻ: “Ngay cả khi tất cả mọi công việc quay trở lại vào mùa Thu năm nay, tôi không nghĩ rằng những nhân lực tự do sẽ đủ khả năng chi trả các hóa đơn, nợ nần và cả thuế thu nhập cá nhân. Điều đó vô cùng đáng lo.”

Chính phủ Anh vừa mới công bố về việc hỗ trợ cứu trợ khẩn cấp. Theo đó, những nhân lực tự do được phép nhận hỗ trợ từ chính phủ 80% lợi nhuận trung bình mỗi tháng trong vòng ba năm đổ lại, dựa theo thu nhập của từng người. Hạn mức cao nhất sẽ là 2,500 bảng Anh. Điều kiện áp dụng là chỉ cho những nhân có thu nhập ít hơn 50,000 bảng Anh, được tính trong 2 năm 2018-2019. Họ sẽ được nhận số tiền này nếu đạt điều kiện ở trên và sẽ được thanh toán vào tháng Sáu.

Tại Mỹ, những nhân lực tự do trong ngành sáng tạo đang trông đợi vào việc sẽ được nhận một khoản hỗ trợ là 1,200 đô (chỉ một lần hỗ trợ duy nhất). Tất cả những nhân đang theo đuổi ngành này sẽ được nhận trợ cấp trên, cộng với một khoản chi phí 600$ mỗi tuần để trang trải chi phí sinh hoạt. Tại những thành phố đắt đỏ như New York, với mức thuê trung bình cho một căn hộ tại Manhattan vào khoảng 3,595 $ một tháng (theo thống kê vào năm 2019) thì số tiền trợ cấp trên cũng không mấy dư dả.

Đầu tư vào các kỹ năng và ý tưởng mới trong tương lai

Stylist Kristine Kilty thực hiện buổi shooting một bộ hình thời trang cao cấp tại London vào ngày 19 tháng Ba vừa qua, sau khi bị di dời địa điểm chụp từ Paris. Chỉ được thông báo 5 ngày trước lịch hẹn, tất cả mọi mẫu thiết kế đều mắc kẹt ở Paris, Kilty phải chật vật để xin được hỗ trợ bởi các nhà thiết kế haute couture tại khu vực Trung Đông là Zuhair Murad và Rami Al Ali để buổi chụp hình được diễn ra theo hoạch định.

Tất cả những khó khăn buộc bạn phải thích ứng và nảy sinh những phát kiến tức thời. Tìm ra những đường hướng để kiếm thêm thu nhập, nghiên cứu những ý tưởng mới giúp làm giàu thêm hơn sự sáng tạo, thiết lập những bảng mood-board (bảng ý tưởng), nghiên cứu, tiếp cận với các nhà thiết kế. Là một người làm sáng tạo, việc dành quãng thời gian và tận dụng nó để phát triển là một việc cần thiết”, Kilty chia sẻ cùng phóng viên của Vogue.

STYLIST KRISTINE KILTY CÁCH LY TẠI NHÀ MÌNH Ở LONDON. (CREDIT: VOGUE BUSINESS)

Theresa Marx là nhiếp ảnh gia người Đức hoạt động tại Anh, từng có kinh nghiệm làm việc cùng Vogue Anh, tạp chí ES, Jacquemus và L’Oréal cũng có ý nghĩ tương tự. Cô chia sẻ: “Tôi rất hào hứng để trông đợi vào công việc sáng tạo của mình khi tất cả mọi khó khăn hiện tại qua đi. Nhiều người không để sự chán nản ứ đọng trong tâm trí của mình. Họ thiết lập những tài khoản mạng xã hội mới như Instagram, Tiktok, để giúp ích cho việc tìm kiếm và tích trữ nhiều nguyên liệu sáng tạo trong lúc phải chịu cách ly.

Stylist cho người nổi tiếng – Rachel Holland lên kế hoạch để học thêm kỹ năng mới nhằm bổ trợ cho công việc của mình. “Có thể rằng một vài những dự án sáng tạo sẽ không thu được kết quả tức thời, nhưng về lâu dài sẽ tiếp thêm cho tôi kinh nghiệm và kỹ năng”. Rachel là stylist từng cộng tác cùng nữ ca sĩ Janelle Monáe và nhóm nhạc Anh Quốc nổi tiếng – Little Mix. Cô có dự định học tiếng Pháp để hỗ trợ cho công việc, cũng như học may để có thể chỉnh sửa hay may mới các trang phục cho phù hợp với ý tưởng sáng tạo được khai triển.

Đối với nhiều người, sự gián đoạn bắt buộc khỏi nhịp tiến nhanh chóng của ngành công nghiệp thời trang đã tạo ra cơ hội để họ có thể nghĩ về các ý tưởng mới, khác biệt và nguyên bản so với những ý tưởng bị chịu tác động bởi yêu cầu và ngân sách từ khách hàng.

Tôi vẫn luôn có những dự án cá nhân để thử sức với vai trò là đạo diễn, giám đốc hình ảnh cho phim, bộ hình thời trang hoặc dự án phim ngắn”, theo chia sẻ của Rob Jarvis, giám đốc hình ảnh từng có kinh nghiệm làm việc trong vai trò là nhiếp ảnh gia cùng các thương hiệu lớn như Dior, Marc Jacobs và Miu Miu. Trong thời điểm cách ly, anh thu thập được nhiều ý tưởng sáng tạo cho những dự án mới, mặc dù anh nhận ra rằng những ý tưởng này đang bị giới hạn rất nhiều bởi anh không thể ra ngoài tìm được những địa điểm để thực hiện và liên tưởng nó tới dự án của mình.

Còn có những nỗi lo lắng khác thực tế hơn cả. Nhiều nhân lực tự do khác trả lời phỏng vấn với Vogue rằng họ đang mong đợi được chi trả những khoản tiền công ở những công việc đã hoàn thiện trước đó của mình, nhưng e ngại rằng những thương hiệu nhỏ cũng khó lòng chi trả bởi họ cũng đang chật vật vô cùng. Bramall chia sẻ: “Một vài khách hàng có chính sách chi trả sau 90 ngày kể từ khi kết thúc dự án. Có những công việc tôi đã hoàn thiện kể từ tháng Mười một đến tháng Hai nhưng vẫn chưa được thanh toán. Khoản nợ công đó lên tới gần 100,000 bảng Anh.”

ngành sáng tạo
NHIẾP ẢNH GIA ALEX BRAMALL. (CREDIT: VOGUE BUSINESS)

Tracy Brabin – bộ trưởng Ngoại giao của Anh thì tỏ ra cảm thông với những áp lực hiện hữu đối với những nhân lực tự do trong ngành sáng tạo khi đưa ra kết luận: “Chúng ta cần nhiều hơn những cơ hội cho những người lao động tự do, để họ có được sự tự tin trong việc tiến hành những dự án nghệ thuật, sáng tạo của riêng họ. Đó phải là phương án khả thi trong thời gian tới.”

Bài viết này được chuyển ngữ và biên tập lại từ trang Vogue Business
Thực hiện: Fellini Rose