Ngành thời trang đối diện với loạt “chất vấn” môi trường tại COP29

Ngày đăng: 21/12/24

Đến hẹn lại lên, COP29 diễn ra vào tháng 11 năm nay “chỉ điểm” ngành thời trang và bản thân COP với loạt chất vấn, đi kèm với không khí và thực trạng ảm đạm.

COP hàng năm như “tòa án” nơi ngành thời trang bị gọi tên, đối mặt với hàng loạt câu hỏi xoay quanh cam kết và hành động cụ thể trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. COP29 năm nay chìm trong không khí ảm đạm khi nhiều thương hiệu lớn vắng mặt, thiếu đi các cam kết mạnh mẽ và hành động thực tế. Không chỉ ngành thời trang, bản thân hội nghị COP nói chung và COP29 nói riêng cũng không thoát khỏi sự chỉ trích, khi tính hiệu quả và chất lượng của sự kiện bị đặt lên bàn cân.

COP29 bàn luận về tác động của thời trang lên môi trường

COP, viết tắt của Conference of the Parties, là Hội nghị Các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC). Hiểu đơn giản, đây là sự kiện thường niên nơi các quốc gia, doanh nghiệp, học giả và các bên liên quan cùng hội tụ để đánh giá tiến trình thực hiện các cam kết khí hậu từ năm trước và đưa ra những thỏa thuận mới nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Gần một thập kỷ trước, các nhà lãnh đạo thế giới đã thống nhất cam kết giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu không vượt quá 1,5℃ so với thời kỳ tiền công nghiệp – ngưỡng được các nhà khoa học coi là ranh giới sống còn để tránh những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu. Thế nhưng, mục tiêu này ngày càng trở nên xa vời. Theo Cơ quan Ứng phó Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU, năm nay không chỉ được dự báo là năm nóng nhất lịch sử mà còn là năm đầu tiên mức nhiệt toàn cầu vượt qua ngưỡng mục tiêu 1,5℃.

Báo cáo Tổng hợp về Đóng góp Quốc gia Xác định (NDC) năm 2024 của UN Climate Change đưa ra viễn cảnh u ám, dự đoán mức tăng nhiệt toàn cầu sẽ dao động từ 2,1℃ đến 2,8℃ và có khả năng đạt đỉnh trong thế kỷ này. Trong một tuyên bố mạnh mẽ, UN Climate nhấn mạnh: “Hiện trạng cho thấy các kế hoạch khí hậu quốc gia vẫn thiếu những hành động cụ thể và đủ mạnh để ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu, một thảm họa có thể làm tê liệt các nền kinh tế và hủy hoại cuộc sống của hàng tỷ người trên khắp thế giới.”

“Ô nhiễm khí nhà kính ở mức này sẽ đảm bảo một thảm họa về con người và kinh tế cho mọi quốc gia, không có ngoại lệ” Simon Stiell, Tổng thư ký của UN Climate Change phát biểu vào tháng 10. 

COP29

Hội nghị thượng đỉnh thường niên của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) năm nay diễn ra tại một địa điểm gây tranh cãi: Azerbaijan. Được mệnh danh là “nhà nước dầu mỏ” với hồ sơ nhân quyền tệ hại, Azerbaijan là một trong những nơi khai sinh ra ngành công nghiệp dầu mỏ, đã sản xuất khoảng 33 triệu tấn dầu và 35 tỷ mét khối khí đốt vào năm 2022 – một con số khổng lồ.

Theo nhiều báo cáo, nước chủ nhà đã tận dụng sự kiện này để thúc đẩy thêm các “cơ hội đầu tư” cho công ty dầu khí quốc doanh của mình. Trước thềm hội nghị vào tháng 8, Papua New Guinea bất ngờ tuyên bố rút lui, Thủ tướng nước này tuyên bố việc tham gia COP29 là “sự lãng phí thời gian”. Greta Thunberg cũng không tham dự, trong khi các quốc gia giàu có tiếp tục né tránh cam kết một thỏa thuận tài chính khí hậu đầy tham vọng.

Đồng thời, nỗ lực định hướng lại các mục tiêu tại COP29 vấp phải vô số thách thức, nhất là khi bối cảnh chính trị Mỹ trở nên căng thẳng với việc Donald Trump tái đắc cử. Vị tổng thống này từng gây tranh cãi khi gọi biến đổi khí hậu là “nhảm nhí”, đồng thời tuyên bố rút nền kinh tế lớn nhất thế giới khỏi Thỏa thuận Paris 2015. 

Các thương hiệu xa xỉ vắng mặt

“Là một người am hiểu sâu về khoa học, tôi vẫn không khỏi bất ngờ trước tốc độ gia tăng chóng mặt của các đợt sóng nhiệt khủng khiếp. Năm 2023 và 2024 thật sự khiến tôi choáng váng” Vidhura Ralapanawe, nhà khoa học khí hậu kiêm Giám đốc Phát triển Bền vững và Đổi mới tại Epic Group – một công ty quản lý chuỗi cung ứng và mua sắm thời trang có trụ sở tại Hồng Kông đã chia sẻ.

Ngành công nghiệp thời trang hầu như vắng bóng tại COP29, dù những năm gần đây ngành này mới bắt đầu góp mặt trong các cuộc thảo luận khí hậu mang tầm vóc toàn cầu. Đáng chú ý, nhiều tên tuổi lớn của ngành đã từ chối tham dự COP29. Việc hội nghị được tổ chức tại Azerbaijan – một quốc gia được mệnh danh là “nhà nước dầu mỏ” – trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến sự kiện chịu nhiều chỉ trích.

Các tập đoàn lớn như Kering và LVMH đều không tham gia, cũng như Stella McCartney – người từng gây tiếng vang tại COP ở Dubai năm ngoái với cam kết sử dụng vật liệu thay thế cho da và lông. Thậm chí, Global Fashion Agenda, tổ chức hàng đầu về bền vững có trụ sở tại Copenhagen, nổi tiếng với vai trò dẫn dắt đối thoại chính sách và cải tiến chuỗi cung ứng, cũng chọn cách đứng ngoài sự kiện lần này.

Sự thiếu vắng này càng làm dấy lên lo ngại từ xa của các nhà hoạt động và lãnh đạo, những người không trực tiếp hiện diện tại hội nghị. Khi các hội nghị khí hậu toàn cầu ngày càng gia tăng về số lượng, một câu hỏi lớn đang được đặt ra: Liệu chất lượng và hiệu quả thực sự của chúng có đủ để đáp ứng kỳ vọng?

COP29 và thời trang bền vững

Khi cam kết về khí hậu “mỏng tang” như sương

Lewis Perkins, chủ tịch và CEO của Apparel Impact Institute chia sẻ: “Ngành thời trang hiện đang đứng ngoài cuộc, nhưng không nên như vậy. Vì ngành thời trang gắn bó chặt chẽ với nông nghiệp, hệ thống nước, năng lượng tái tạo – những thách thức toàn cầu mà tất cả đang cố gắng giải quyết”.

Phần lớn các trung tâm sản xuất của ngành thời trang nằm ở những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, như Bangladesh và Việt Nam. Năm 2022, những trận lũ lụt chết người tại Pakistan – một trong những nước sản xuất bông lớn nhất thế giới, đã xóa sổ khoảng 40% sản lượng bông của năm đó. Một đợt nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều tháng qua Nam Á vào mùa xuân năm nay đã khiến nhiệt độ tăng cao đến mức máy móc tại một số nhà máy ngừng hoạt động, các thiết bị điều hòa quá tải và các hệ thống làm mát không còn nước.

Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các cam kết khí hậu hào nhoáng nhưng không có kế hoạch thực hiện rõ ràng và hiện đã bắt đầu rút lui. Điển hình như công ty như Asos và Crocs đã từ bỏ hoặc trì hoãn các mục tiêu về biến đổi khí hậu. 

Loạt thách thức chính trị và kinh tế trong năm nay đã tác động mạnh mẽ đến tiến trình thực hiện các cam kết bền vững của nhiều thương hiệu. Sự suy thoái kinh tế đã tạo áp lực lên các bộ phận chuyên trách về phát triển bền vững, điển hình là việc Nike và Canada Goose phải tái cơ cấu đội ngũ của mình. Một khảo sát CEO do công ty tư vấn Bain & Co công bố vào tháng 9 chỉ ra rằng tính bền vững đang dần tụt hạng trong danh sách ưu tiên của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

Đặc biệt, sự tái đắc cử của Donald Trump đã làm gia tăng thêm sự phức tạp cho các nỗ lực toàn cầu nhằm chống biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh này, các sáng kiến bền vững đang đối mặt với nguy cơ bị gạt sang một bên, khi các doanh nghiệp và chính phủ phải cân nhắc giữa các ưu tiên ngắn hạn và trách nhiệm dài hạn đối với môi trường.

lũ lụt do biến đổi khí hậu

Mặt khác

Mặt khác, số lượng các công ty thời trang đưa ra cam kết khí hậu đã tăng đáng kể kể từ khi Thỏa thuận Paris 2016 một hiệp ước toàn cầu nhằm đối phó với biến đổi khí hậu được ký kết vào năm 2016. Dẫu vậy, khoảng cách để chuyển hóa cam kết thành hành động cụ thể vẫn còn xa vời.

Theo phân tích của tổ chức vận động Stand.earth được công bố trong năm nay, chỉ một số ít thương hiệu như Levi’s, Puma, và H&M Group đang đạt tiến triển đáng kể trong việc giảm lượng khí thải từ sản xuất – lĩnh vực đóng góp phần lớn vào tác động môi trường của ngành. Những thương hiệu này được ghi nhận đang đi đúng hướng, phù hợp với các mục tiêu khí hậu toàn cầu, trong khi phần lớn ngành vẫn còn loay hoay với các thách thức thực thi.

Tín hiệu tích cực đến từ loạt quy định mới trải dài từ châu Âu đến Mỹ, nhằm triệt tiêu vấn nạn “greenwashing” – hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa bền vững để tiếp thị nhưng không thực hiện các cam kết nghiêm túc. Những chính sách này sẽ đặt ra yêu cầu khắt khe hơn đối với các thương hiệu, buộc họ phải chịu trách nhiệm toàn diện về chuỗi cung ứng.

Các quy định mới không chỉ áp đặt mức thuế cao hơn đối với sản phẩm gây ô nhiễm mà còn yêu cầu trang phục phải tích hợp tỷ lệ cao hơn các vật liệu thân thiện với môi trường. Đây được xem là bước tiến quan trọng, tạo áp lực để ngành công nghiệp thời trang không chỉ nói về bền vững, mà còn hành động thực sự vì mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực lên hành tinh.

Các tập đoàn lớn trong ngành vẫn đang thúc đẩy thay đổi. CEO của H&M Group và Inditex (công ty mẹ của Zara) nằm trong số những người ký vào bức thư ngỏ được gửi trước thềm COP29, kêu gọi các chính phủ đặt ra các mục tiêu và chính sách rõ ràng để hỗ trợ cho việc đầu tư xanh.

Thực hiện: Lenna

Tham khảo: Vogue Business, Business Of Fashion