Người Trung Quốc xuống đường biểu tình, Dior tiếp tục im lặng

Ngày đăng: 27/07/22

“Đây là một chiếc váy truyền thống của Trung Quốc”, “Dior đã đạo nhái thiết kế “, “Ngừng chiếm đoạt văn hóa”, những tấm bảng biểu tình của đám đông sinh viên Trung Quốc với cáo buộc Dior chiếm đoạt văn hóa khi đạo nhái  thiết kế váy Mã Diện thời nhà Minh.

Cuối tuần trước, nhà mốt Pháp đình đám đã bị các hãng truyền thông và cư dân mạng Trung Quốc buộc tội chiếm đoạt văn hoá. Câu chuyện bắt nguồn từ chiếc váy đen dài xếp ly trong BST Thu 2022 trông giống chiếc váy truyền thống của Trung Quốc.⁠ Tiếp tục với diễn biến của câu chuyện, đoàn người nước này đã biểu tình trước nhiều cửa hàng của Dior. Đặc biệt tại Paris, các khách hàng của hãng, bị đoàn biểu tình ngăn chặn gay gắt, khi cố gắng vào cửa hàng lớn nhất của Dior tại đại lộ Champs-Élysées. 

Đám đông biểu tình đấy đa số là những người trẻ, đặc biệt là các sinh viên Trung Quốc. Họ cho rằng nhà mốt Christian Dior đã sao chép “trắng trợn” váy Mã Diện – một thiết kế váy cổ điển truyền thống của Trung Quốc có từ thời nhà Minh. Theo nhiều nguồn tin, ngày càng có nhiều người Trung Quốc đứng lên chống lại sự tình này và chính sự im lặng của nhà mốt. 

Quay lại vấn đề khởi nguồn, chiếc váy xếp ly màu đen của Dior trị giá 3.800 USD nằm trong bộ sưu tập mùa thu của Dior. Theo nhà mốt, thiết kế này được lấy cảm hứng trực tiếp từ đồng phục học sinh. Tuy nhiên, người Trung Quốc cho rằng thương hiệu đã sao chép chiếc váy Mã Diện truyền thống, được mặc rộng rãi trong triều đại nhà Minh, từ năm 1368 đến năm 1644, và thậm chí là chiếm đoạt văn hóa của đất nước họ. Váy Mã Diện đặc trưng với tùng váy quấn quanh có phần vải xếp nếp ở hai bên và bốn đường xẻ dọc ở hai bên, để phục vụ cho việc cưỡi ngựa từ nhiều thế kỷ trước.

Một điểm khác biệt duy nhất giữa váy Dior và váy Mã Diện nằm ở chiều dài của váy, so với váy Mã Diện của Trung Quốc thì váy xếp ly của Dior ngắn hơn rất nhiều. Những người biểu tình yêu cầu Dior xin lỗi và ngừng bán váy tại cửa hàng Paris của mình, đồng thời với những tấm biển có nội dung “Dior, hãy ngừng chiếm đoạt văn hóa” và “Đây là trang phục truyền thống của Trung Quốc”.

Theo trang web Christian Dior Hong Kong mô tả, “váy xòe” với “kiểu xếp ly” là “phom dáng signature đặc trưng của Dior,… được cập nhật với một biến thể thanh lịch và hiện đại mới.” Đây cũng là điều châm ngòi bùng nổ cho sự việc. 

“Tôi rất tức giận khi Dior tuyên bố đây là thiết kế đặc trưng của họ, trong khi nó giống váy Mã Diện của Trung Quốc. Bất cứ ai biết và yêu thích Hán phục có thể lập tức nhận ra đây là một bản sao”, Baliwuhao – một sinh viên yêu thích diện đồ Hán phục dạo phố phường. 

Baliwuhao cho biết cô rất xúc động khi có gần 100 người tham gia biểu tình chống lại sự “chiếm đoạt văn hóa” của Dior. Một số người tham gia đến từ các thành phố khác ở Pháp và thậm chí từ Tây Ban Nha và Ý.

“Hai phụ nữ trung niên đến từ Mexico cũng ủng hộ cuộc biểu tình bảo vệ nền văn hóa của chúng tôi. Một người đàn ông đến từ Algeria nói Dior từng làm ra thứ gì đó rất giống văn hóa Algeria nhưng lúc đấy anh ấy không thể làm gì nhiều để ngăn chặn điều này”, sinh viên tên Lanruoruo chia sẻ.

Daren, một sinh viên khác chia sẻ: “Dù có một số người Trung Quốc ngăn chặn cuộc biểu tình này, chúng tôi vẫn cố gắng hết sức để thực hiện thành công. Các cuộc biểu tình tương tự sẽ diễn ra ở New York và London.”

Dù ngày càng có nhiều sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài tham gia các cuộc biểu tình phản đối hành vi chiếm đoạt văn hóa của Dior, nhà mốt vẫn chưa đưa ra bình luận về cuộc tranh cãi này. Chiếc váy cũng đã được đưa ra khỏi kệ hàng tại các cửa hàng trực tuyến của Dior ở Trung Quốc đại lục, nhưng sản phẩm này vẫn có mặt tại các cửa hàng trực tuyến khác. 

Đây không phải là lần đầu tiên Dior nổi đình nổi đám ở Trung Quốc. Vào tháng 11 năm 2021, thương hiệu đã trưng bày một bức ảnh gây tranh cãi tại triển lãm thời trang Thượng Hải. Công ty bị cáo buộc miêu tả phụ nữ châu Á xấu xí và sai sự thật với tác phẩm của nhiếp ảnh gia Chen Mai – bức ảnh chân dung một phụ nữ châu Á có vẻ ngoài đáng sợ với “mái tóc bết dầu và mí mắt đáng sợ” mặc một chiếc váy truyền thống của Trung Quốc và cầm một chiếc túi Dior.

Thực hiện: Huỳnh Trân

Theo Global Times

Đọc thêm: 

Cư dân mạng Ấn Độ cáo buộc Rihanna chiếm đoạt văn hóa và không tôn trọng tôn giáo

Từ scandal quảng cáo nước hoa Sauvage của Dior: Sự nhạy cảm của “chiếm đoạt văn hóa” trong ngành thời trang