Nhà thiết kế Jil Sander: “Nguồn năng lượng của tôi còn đến từ việc tìm ra các phom dáng mới lạ”

Ngày đăng: 01/09/20

Vừa qua, Uniqlo vừa tuyên bố mang trở lại bộ sưu tập J+, thành quả của việc hợp tác với Nhà thiết kế Jil Sander đã được ra mắt vào những năm 2009-2011 và gây được tiếng vang lớn thời bấy giờ. Bộ sưu tập đánh dấu sự hợp tác giữa nhà thiết kế người Đức và thương hiệu Nhật Bản sẽ được Uniqlo ra mắt trở lại vào mùa Đông năm nay.

Trước khi J+ trở lại, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nhà thiết kế Jil Sander qua một bài phỏng vấn dưới đây để hiểu thêm nhiều điều xoay quanh nhà thiết kế tài năng này. Điều gì đã dẫn Jil Sander đến với con đường trở thành một nhà thiết kế thời trang? Cảm hứng mà cô ấy mang đến cho bộ sưu tập J+ mới nhất là gì? Hai mươi mốt câu hỏi quay quanh triết lý sống và thói quen hằng ngày của Jil Sander sẽ tiết lộ về cách cô luôn giữ lửa với nghề và duy trì cuộc sống của mình.

Chân dung Jil Sander chụp bởi Yoshio Kato
Chân dung Jil Sander chụp bởi Yoshio Kato

Điều đầu tiên chị làm khi thức dậy là gì? Chị có thói quen nào cần tuân thủ hằng ngày hay không?

Các thói quen của tôi rất đơn giản. Mỗi sáng, tôi sẽ mở các cửa sổ để ngồi thiền và yoga. Tôi thích việc pha cho mình một ly cà phê nóng bằng chiếc máy pha kiểu Pháp.

Đâu là món đồ chị không thể thiếu khi đi ra ngoài?

Tôi rất thích những tập thơ Haiku của tác giả Kobayashi Issa được in ở dạng song ngữ bởi nhà in Lewis Mackenzie. Tôi thường mang nó theo khi đi du lịch.

Lớn lên tại miền Bắc nước Đức, cảnh quan thiên nhiên nơi đây đã tác động như thế nào đến bản thân và những thiết kế của chị?

Tôi lớn lên ở Hamburg khi thành phố bị tàn phá vì chiến tranh. Vì vậy, những cảm nhận đầu tiên của tôi không đến từ thiên nhiên. Nhưng Hamburg cũng là một thành phố cảng được kết nối với biển Baltic bằng các tuyến vận tải biển, xung quanh thành phố là nước. Thành phố có nhiều kênh và sông lớn hơn cả Venice.

Ấn tượng của tôi về thiên nhiên chính là sự thay đổi màu sắc của bầu trời và sự phản chiếu của nó trên mặt nước. Sau đó, gia đình tôi chuyển đến một ngôi nhà nhỏ vùng nông thôn, không xa Hamburg lắm. Ở đó, bạn có được một tầm nhìn bao quát trên những đồng ruộng, thảm cỏ và rừng cây. Tôi thật sự yêu thích sự bát ngát của màu xanh độ vào Xuân. Miền Bắc Đức có khá nhiều gió, vì thế mà những đám mây bay với nhịp rất nhanh và liên tục thay đổi rất đột ngột. Ánh sáng nơi đây cũng nổi tiếng với sự tinh khiết của nó. Ánh sáng mạnh như xuyên qua mọi thứ và có tác động đến quyết định chọn vải của tôi, không chỉ về màu sắc mà còn cả chất lượng dệt. Bạn không thể gian lận vì mọi chi tiết đều được ánh sáng này làm làm rõ, chỉ có thử nghiệm mới có thể cho ra sản phẩm tốt nhất.

Hai năm theo học tại UCLA (Đại học California tại Los Angeles) đã ảnh hưởng như thế nào đến tương lai của chị?

Tôi đến Mỹ khi vừa mười tám tuổi. Ra đi từ một đất nước kiệt quệ sau Đệ nhị Thế chiến, California đối với tôi là một nơi đầy tươi mới. Trải nghiệm tại Mỹ vào đầu những năm sáu mươi với sự cuồng nhiệt của làn sóng thanh thiếu niên đã tạo nên sự hưng phấn cho tôi. Cuộc sống thoải mái hơn nhiều và không bị kiểm tra giờ giấc như cách cha tôi đã làm khi ở Hamburg. Tôi thích các khu vực ngoại ô kinh đô điện ảnh và sự sáng tạo của Hollywood. Không gian thoáng đãng và tôi có thể lái xe hàng giờ. Tôi yêu khí hậu và cuộc sống bãi biển, cũng như chủ nghĩa khoái lạc ở Sunset Boulevard.

Thời trang luôn được xem là tấm gương phản chiếu thời đại mà nó tồn tại. Các thiết kế tiêu biểu và mang tính thiết yếu đã thay đổi như thế nào từ năm 1960, khi chị bắt đầu bước vào ngành thiết kế may sẵn của nữ?

Mỗi thời kỳ đều có những thiết kế mang tính đại diện cho nó. Nếu cuối thế kỷ 19 có áo nịt ngực thì làn sóng Hippie của thập niên 60 lại có quần jean xanh. Ngày nay, hầu như không thể nói đâu là thiết kế tiêu biểu và mang tính thiết yếu, vì chúng ta đâu mặc gì khác ngoài những thứ này. Sự an nhiên và thoải mái chính là những gì ta hướng đến. Vì vậy, áo khoác đã trở thành một trong những món đồ thiết yếu của ngày nay. Chúng nhẹ và có thể giữ ấm cho chúng ta khi cần thiết và không cản trở chuyển động của chúng ta.

Chị đã bao giờ được một khách hàng chia sẻ điều gì đó về trang phục của mình hay chưa?

Tôi luôn cảm kích khi khách hàng nói với tôi rằng họ đánh giá cao sự vượt thời gian trong các thiết kế của tôi. Điều tuyệt vời nhất đối với tôi là nghe khách hàng nói rằng họ đã được tiếp thêm sức mạnh như thế nào từ trang phục mà tôi làm ra.

Khi theo học tại Trường Dệt may Krefeld, triết lý của Bauhaus đã thay đổi quan điểm của chị như thế nào?

Rất nhiều giáo viên và sinh viên thuộc trường phái Bauhaus tìm được các vị trí giảng dạy tại trường Krefeld, số khác là kiến trúc sư và là thợ in của ngành dệt vùng Krefeld. Mies van der Rohe đã nhiều năm làm việc cho ngành công nghiệp tơ lụa địa phương, thiết kế một số tòa nhà tuyệt đẹp. Ở trường, triết lý Bauhaus vẫn còn rất mạnh mẽ khi tôi theo học. Như một lẽ tự nhiên, kiến trúc Bauhaus có tác động mạnh đến tôi. Theo bản năng, tôi cảm thấy vô cùng hợp lý nếu có thể bỏ bớt các chi tiết và tập trung vào những gì thuần túy, chỉn chu trong phom dáng.

Điều tuyệt vời nhất đới với tôi là lắng nghe khách hàng nói rằng họ đã được tiếp thêm sức mạnh như thế nào từ trang phục mà tôi làm ra.

Từ khi nào chị quyết định rằng thời trang chính là sự nghiệp của mình?

Tôi bắt đầu sự nghiệp của mình với vị trí biên tập viên thời trang cho một tạp chí của Đức. Trong công việc, tôi phải tổ chức và giám sát các buổi chụp hình. Nhiều lúc, tôi gặp khó khăn về trang phục khi chúng không thể diễn đạt trọn vẹn hình ảnh mà tôi mong đợi. Để giải quyết vấn đề này tôi đã liên hệ với các nhà sản xuất để đề xuất một số thay đổi nhỏ trên thiết kế. Tôi đã liên tục làm như vậy, đến một ngày nhà sản xuất vải công nghệ cao đã liên hệ lại với tôi và đề nghị tôi vào vị trí thiết kế riêng cho họ. Cuối cùng tôi đã thật sự hài lòng với việc tạo nên những bộ quần áo hơn là chụp những bộ hình thời trang (không phải lúc nào cũng đúng với những gì tôi muốn).

Nếu được gọi tên một món đồ mà chị vô cùng yêu thích, đó sẽ là gì?

Chắc chắn đó là một chiếc áo phông trắng vừa vặn. Đó sẽ là một chiếc áo phông trắng vừa vặn. Tôi phố chúng với mọi thứ và có rất nhiều trong tủ quần áo của mình. Nó phải được làm từ sợi bông mảnh của Ai Cập. Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp của mình, tôi đã thiết kế loại áo phông này và không thể sống thiếu nó.

Sắc đen trên trang phục có ý nghĩa như thế nào đối với chị?

Như đã từng đề cập, ánh sáng vùng Bắc Đức rất rực rỡ. Nhiều loại vải đen sẽ không phù hợp với nơi này. Đó là lý do vì sao tôi gọi màu đen trên trang phục của mình là “màu đen kép”. Chúng không bị nhạt dần khi đứng cạnh màu trắng và tạo nên sự tương phản đồ họa mạnh mẽ.

Các thiết kế của chị được đánh giá cao bởi sự thiên biến linh hoạt của kiểu dáng và độ vừa vặn. Chị có quy tắc thiết kế nào không?

Tôi không vẽ, tôi thiết kế trên cơ thể và điều chỉnh rất nhiều lần. Vì thế mà tôi luôn ý thức về mọi góc độ và hình dạng của trang phục trong không gian ba chiều. Quá trình đúng sẽ dẫn đến các hình dáng và tỉ lệ mới. Mắt chính là công cụ mạnh nhất của tôi để nhận ra cái gì chưa đúng. Bên cạnh đó, nguồn năng lượng của tôi còn đến từ việc tìm ra các phom dáng mới lạ. Tôi luôn ghi nhớ các khách hàng và nhu cầu đa dạng của họ. Các số đo, chiều cao và độ phức tạp khác nhau,… Vì thế tôi luôn cố gắng cân bằng các yếu tố đa dạng và sự thay đổi trong suy nghĩ của mình.

Tôi không vẽ, tôi thiết kế trên cơ thể… Tôi luôn ý thức về mọi góc độ và hình dạng của trang phục trong không gian ba chiều.

Đối với bộ sưu tập + J, chị đã kết hợp tầm nhìn sáng tạo của mình với khả năng sản xuất của UNIQLO như thế nào?

UNIQLO có nhiều kinh nghiệm và kiến thức tuyệt vời về sản xuất. Khả năng sản xuất của thương hiệu là vô tận và đầy cảm hứng. Điều này bao gồm dịch vụ hậu cần được đầu tư tốt, sự truyền thụ theo văn hóa Nhật Bản và khả năng làm chủ các chi tiết thực sự.

Nguồn cảm hứng phía sau bộ sưu tập J+ mới là gì?

Tôi không làm việc với một tầm nhìn hay nàng thơ nào đó, cũng chẳng có bản moodboard nào. Sự sáng tạo của tôi phụ thuộc nhiều vào việc thử nghiệm các loại vải. Như tôi đã nói, đôi mắt chính là thước đo để tôi tinh chỉnh những gì mình muốn.

Kể từ bộ sưu tập J+ đầu tiên năm 2009, suy nghĩ của chị đã thay đổi như thế nào?

Mọi thứ dường như đã thay đổi, ngay cả trong thời trang. Chúng ta dần cảm thấy mệt mỏi với với việc hồi sinh những thứ đã thuộc về quá khứ. Vật liệu và kỹ thuật sản xuất cũng đã phát triển và đòi hỏi chúng ta có cách xử lý mới cho các đường cắt và hoa văn khác nhau. Không nhất thiết phải giải thích được câu chuyện, tư tưởng đằng sau thiết kế, tôi có thể cảm nhận được sự cần thiết của nét tinh tế đương đại. Tôi cảm nhận được sức hút, các chiều hướng và sự hài hòa của ngày hôm nay.

Làm vườn dường như là niềm đam mê cả đời của chị. Làm thế nào để thiết kế một không gian, thay vì chỉ là quần áo? Nó thể hiện điều gì về thế giới quan của chị?

Ở một khía cạnh nào đó, không có sự khác biệt giữa việc làm vườn và làm quần áo, tôi luôn cảm thấy có tính kiến trúc trong các việc này. Tôi luôn cố gắng mang sự tươi mới vào các không gian ba chiều. Trong nhiều năm, tôi đã phát triển các khu vườn kiểu Anh ở những vùng nông thôn. Tôi cũng một fan hâm mộ của nhà thiết kế sân vườn vĩ đại Gertrude Jekyll, một người đại diện của Arts & Crafts Movement (Phong trào Thủ công & Nghệ thuật), người có những thiết kế gần gũi với Vườn Anh cổ điển. Khu vườn của tôi nằm giữa vùng nông thôn rộng lớn và hẻo lánh, vườn hoa hồng với hàng rào và nhà bếp thích hợp để thiền định. Tôi nhớ Gertrude Jekyll từng viết: “Mỗi khu vườn là một giáo viên tuyệt vời. Nó dạy cho ta sự kiên nhẫn và cẩn thận; nó dạy về công nghiệp và lối sống tiết kiệm; trên tất cả, nó dạy ta sự tin tưởng.”

Chị có ngưỡng mộ ai không?

Tôi vô cùng ngưỡng mộ Lorenzo “Renzo” Mongiardino, kiến ​​trúc sư và nhà thiết kế sân khấu người Ý, người đã qua đời vào năm 1998. Tôi đã giao việc thiết kế nội thất ngôi nhà ở Hamburg cho anh ấy và đã học được rất nhiều điều trong quá trình này. Renzo là một người chống lại làn sóng của phong trào Chủ nghĩa Hiện đại và có sự hiểu biết sâu sắc về các kỹ thuật thủ công mỹ nghệ, ông đã tạo ra một phong cách lịch sử nguyên bản và có một quan điểm độc lập.

Renzo đã thuyết phục tôi từ bỏ những ý nghĩ của riêng mình và đón nhận những thẩm mỹ thời Phục hưng. Là một bậc thầy thực sự, Anh ấy đã có một cách thực sự sáng tạo trong việc phát triển nội thất từng bước và theo cảm hứng. Renzo bắt đầu với những tấm gỗ chạm khắc của một Nhà hát thời Phục hưng thế kỷ XVII ở Venice và kể về câu chuyện cổ tích của nó. Sau đó, ông ấy xây dựng mọi thứ xung quanh nó. Tôi đã học cách tôn trọng và yêu mến sự nồng nhiệt mà Renzo mang đến, kiến ​​thức lịch sử tuyệt vời và sự táo bạo của anh ấy. Anh ấy dạy tôi rằng mỗi giai đoạn lịch sử đều ẩn chứa sự đặc biệt riêng của nó, miễn là bạn nhìn vào những thành tựu mang tính biểu tượng nhất và ý nghĩa thực sự của nó. Và bản chất đó không có còn bị giới hạn bởi thời gian.

Có cuốn sách nào để lại ấn tượng sâu sắc trong chị không?

Tôi cảm thấy rất gần gũi nhất với văn học Nga, với Dostoevsky, Nabokov, Tolstoy, Chekhov, Gogol và Akhmatova.

Chị có đang theo dõi công việc của bất kỳ nhà thiết kế Nhật Bản nào không?

Tất nhiên là có, những nhà thiết kế Nhật Bản nổi lên cùng tôi đã có tác động mạnh mẽ đến bản thân tôi, chẳng hạn như Yohji Yamamoto và Rei Kawakubo từ Comme des Garçons. Các thiết kế của họ mang tính cách mạng lớn vào những năm 80 và mang lại một luồng gió mới và đầy cấp thiết. Tôi cảm thấy gần gũi với những thử nghiệm của họ, cảm xúc trong mọi thứ họ làm.

Thời trang đã thay đổi như thế nào với những tiến bộ trong công nghệ và sự xuất hiện của mạng xã hội? Điểm cộng và điểm hạn chế là gì?

Ngày nay, chúng ta có thương mại điện tử, blogger, Instagram và nhiều hơn nữa. Mạng xã hội là một động cơ tuyệt vời thúc đẩy ngành công nghiệp thời trang. Thời trang cũng vừa trải qua một sự hồi sinh nhờ trực tuyến, mặc dù có các quy tắc khác nhau. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rằng chúng ta cần có nhiều cuộc đối thoại về vấn đề của trực tuyến hơn để phân biệt giữa vẻ ngoài hào nhoáng và những thiết kế thực sự giúp cải thiện ngoại hình của con người thực.

Chị hy vọng loại vật liệu nào sẽ tồn tại trong tương lai?

Vật liệu tự nhiên và vải tổng hợp có lợi cho thiên nhiên và hành tinh quý giá của chúng ta.

Chị nghĩ quần áo đóng vai trò gì trong việc kiến tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn?

Chúng phải được sử dụng lâu dài và được trân trọng. Chúng phải phục vụ người mặc và mang lại cho họ năng lượng tích cực và sự thiết thực trong thời đại này.

Biên dịch: Hiếu Lê
Theo LifeWear Magazine

Tags: