Nhà thiết kế Vũ Thảo – Kilomet 109: “Mọi thay đổi dù nhỏ đều có những giá trị nhất định”

Ngày đăng: 19/01/21

Chị Vũ Thảo, một người con đất Thái Bình, giám đốc sáng tạo đồng thời là người sáng lập và chủ sở hữu của thương hiệu thời trang bền vững Kilomet 109. Con số 109 nghĩa là khoảng cách giữa Hà Nội – Thái Bình, và kilomet – không chỉ là đơn vị đo lường mà còn hàm nghĩa về “sự chuyển động, hành trình”.

Thương hiệu Kilomet 109 được sáng lập bởi nhà thiết kế Vũ Thảo từ năm 2012, được định hướng là dòng thời trang cao cấp dành cho cả nam và nữ, với chất liệu sinh thái thân thiện với môi trường từ khâu nuôi trồng, xử lý sợi cho đến dệt nhuộm và thiết kế, sản xuất. Các thiết kế của Kilomet 109 dựa trên nguồn nguyên liệu địa phương và kỹ thuật truyền thống Việt Nam, lấy cảm hứng từ kỹ thuật dệt sợi tơ, bông, gai hay kỹ thuật nhuộm chàm, vẽ sáp ong truyền thống của phụ nữ Nùng, Dao, Thái, Tày, Mường, H’Mong,…ở Mai Châu, Hòa Bình, Cao Bằng. Hành trình phát triển của một thương hiệu thời trang theo hướng bền vững chưa bao giờ là dễ dàng dù ở bất kỳ đâu trên thế giới. Tuy nhiên, câu chuyện của chị Vũ Thảo cùng cách mà chị hỗ trợ duy trì các nghề truyền thống của Việt Nam truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ trên con đường khởi nghiệp kinh doanh thời trang. 

Chân dung NTK Vũ Thảo. Photo: Benjamin Reich

Nhân dịp đầu năm, Style-Republik đã có dịp trao đổi cùng chị Vũ Thảo về những biến động của ngành thời trang trong năm vừa qua. Đồng thời nghe chị chia sẻ về cách xây dựng một thương hiệu thời trang bền vững tại Việt Nam, để chúng ta hiểu rằng “Mọi thay đổi dù nhỏ đều có những giá trị nhất định…”.

Chào chị, năm 2020 được cho một năm đầy khó khăn với tất cả chúng ta do ảnh hưởng của Covid-19. Ngành công nghiệp thời trang cũng không ngoại lệ. Chị có thể chia sẻ năm vừa qua có ảnh hưởng thế nào với Kilomet 109?

Chúng tôi cũng chịu một sức ép chung của khủng hoảng kinh tế xã hội toàn cầu khi đại dịch càng ngày càng có dấu hiệu tràn lan và các quy định về cách ly xã hội càng ngày càng buộc phải thắt chặt. Không có khách du lịch vào Việt Nam là một vấn đề, cộng đồng người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam cũng tìm cách về nước và khách hàng nội địa của chúng tôi thì thận trọng hơn trong việc chi tiêu cho các nhu cầu về ăn mặc. 

Cửa hàng bán lẻ duy nhất của KILOMET109 buộc phải đóng cửa mất hai tháng theo quy định. Doanh thu của chúng tôi đột ngột giảm mạnh hai tháng đó. Tuy nhiên đại dịch đã củng cố vị trí trọng tâm của tính bền vững trong chuỗi sản xuất thiết kế của chúng tôi và càng làm lộ hơn những vấn đề bất cập của hệ thống cung ứng thời trang thông thường. Chúng tôi mặc dù vẫn bị ảnh hưởng về mặt doanh thu nhưng cùng lúc lại nhận được sự ủng hộ lớn hơn từ các cộng đồng, cá nhân khác nhau trên thế giới như là: các giảng viên của trường Đại Học Columbia và trường Fashion Institute of Technology của Mỹ, trường đại học University of Leicester, Anh Quốc, Hội Đồng Anh, Đại Sứ Quán Anh tại Việt Nam và một lượng người tiêu dùng nội địa nữa cũng như một số đầu báo uy tín quốc tế và trong nước như là ELLE Vietnam, Đẹp và Style Republik của các bạn!

Chị Phúng – nghệ nhân Nùng An (KILOMET109) gặt Chàm. Photo: Benjamin Reich

Được biết, BST Miên của chị phải nhiều lần bị trì hoãn ra mắt? Chị có thể chia sẻ về vấn đề này? 

Miên là BST được hoàn thiện lâu nhất từ trước đến nay của KM109 – hai năm rưỡi. Lý do chính là do mạng lưới các cộng đồng nghệ nhân chất liệu mà tôi hợp tác tăng lên nhiều nhất từ trước đến nay, tới 5 cộng đồng. Trong khi BST Phiêu trước đó chỉ dừng ở 3 cộng đồng thiểu số miền núi phía bắc. 5 cộng đồng này lại nằm rải rác từ Đông Bắc, Tây Bắc đến Nam Tây Nguyên và đồng bằng Sông Cửu Long. Việc phối hợp chất liệu, kỹ thuật của các nền văn hoá khác nhau lại ở cách xa nhau tốn nhiều thời gian cũng như công sức và tiền bạc nữa. Mặc dù tôi đã làm 2 sự kiện cho BST Miên ở thành phố New York và Los Angeles, Mỹ và 1 sự kiện ở Indonesia vào 2019 lúc Miên vẫn còn trong quá trình sản xuất. Nhưng đến khi gần hoàn thiện thì đại dịch lại xảy ra. Và chúng tôi buộc phải hoãn phần chụp lookbook cũng như ra mắt bộ sưu tập chính thức ở Việt Nam. Vì tôi lo sợ nếu tình hình càng xấu đi thì ít nhất tôi vẫn có khả năng tài chính để duy trì công ăn, việc làm cho đội ngũ nghệ nhân một thời gian nữa. Họ là ưu tiên hàng đầu của tôi lúc đó. Nhưng may quá tôi đã nhận được gói cứu trợ từ Viện Goethe Hà Nội nằm trong chương trình Culture Lab. Và buổi trình diễn thời trang Miên đã được thực hiện đúng lúc Hà Nội vừa gỡ bỏ quy định cách ly xã hội.  

Nhuộm nhựa cánh kiến. Photo Benjamin Reich

Theo chị, do ảnh hưởng của đại dịch, phải chăng cũng là dịp để người tiêu dùng xét lại hành vi mua sắm của mình? Và phải chăng đây là cơ hội cho các sản phẩm sáng tạo, nguyên bản và có ý bền vững? 

Đúng vậy! Hành vi mua sắm của người tiêu dùng càng ngày càng có trách nhiệm hơn và vì thế nó càng có sức mạnh hơn. Trải nghiệm không mong muốn như bệnh dịch đã gián tiếp đẩy mạnh phong trào sáng tạo bền vững và tiêu dùng bền vững. Những thiệt hại, những mất mát thường mang lại những bài học thấm thía hơn chăng? Quan điểm của mọi người về bền vững, về sáng tạo, về nguồn gốc của thiết kế càng ngày càng được củng cố và bồi đắp. Chúng ta đang ở trong một giai đoạn quan trọng. Sự bày tỏ thái độ muốn thay đổi đang đồng loạt diễn ra ở mọi lĩnh vực chứ không chỉ thời trang, và nó diễn ra khắp nơi trên thế giới.

Nhuộm nhựa cánh kiến. Photo Benjamin Reich

Kilomet 109 mang trong mình sự kết hợp giữa cái các kỹ thuật thủ công truyền thống và một phương thức kinh doanh hiện đại, để làm được điều này phải chăng chị đã trăn trở rất nhiều? Làm sao để dung hòa được điều này khi mà thực hiện một vế thôi đã khó, như gìn giữ cái thủ công truyền thống hay khuyến khích các chị em người dân tộc làm theo cái mới. 

Tôi không nghĩ nhiều lắm khi mới bắt đầu. Có chăng chỉ là những trăn trở về sự tuyệt chủng của một số kỹ nghệ chế tác chất liệu truyền thống của một số địa phương ở Việt Nam lúc đó. Tuy nhiên đi được một quãng đường rồi tôi mới nhận ra chân trời là vô tận và một con đường có biết bao nhiêu ngả. Phải đối mặt với những chướng ngại vật, những vấn đề tiềm ẩn nằm ngoài sức tưởng tượng trên đường đi và đồng thời cũng nhận ra sức vóc của mình là giới hạn. Tuy nhiên mô hình tôi đang theo đuổi là một vòng tuần hoàn, các “vế” như bạn gọi thực ra rất móc nối với nhau. Hay nói một cách khác rất thuận tự nhiên. Nghĩa là bạn khó có thể làm khác được. 

Tôi lấy ví dụ: khi tôi làm việc với cộng đồng nghệ nhân để tạo ra chất liệu tôi được tiếp xúc với quy trình. Và khi bạn đã thuộc nằm lòng các bước trong quy trình chế tác bạn sẽ có đánh giá đúng đắn hơn giá trị của sản phẩm cũng như trân trọng hơn công sức của người chế tác. Những trải nghiệm thực tế sẽ không để bạn thiết kế một cách dễ dãi được. Đồng thời bạn sẽ quyết liệt hơn trong việc lưu giữ những bản thể văn hoá độc đáo đã làm nên những sản phẩm đó. Việc cảm thụ thấu đáo quy trình chế tác cũng giúp tôi tìm ra được những vấn đề, những hạn chế của chúng để thuyết phục được đội ngũ nghệ nhân tìm tòi thử nghiệm cái mới. Hay đơn giản là liều hơn với nghề, với những gì chúng tôi có!

Khi tôi làm việc với cộng đồng nghệ nhân để tạo ra chất liệu tôi được tiếp xúc với quy trình. Và khi bạn đã thuộc nằm lòng các bước trong quy trình chế tác bạn sẽ có đánh giá đúng đắn hơn giá trị của sản phẩm cũng như trân trọng hơn công sức của người chế tác. Những trải nghiệm thực tế sẽ không để bạn thiết kế một cách dễ dãi được. Đồng thời bạn sẽ quyết liệt hơn trong việc lưu giữ những bản thể văn hoá độc đáo đã làm nên những sản phẩm đó.

Trong quá trình xây dựng và phát triển Kilomet 109, bài học kinh doanh nào mà chị tâm đắc nhất? 

Tôi có nhiều bài học lớn, nhỏ về mảng kinh doanh lắm! Nhưng có lẽ bài học xương máu lớn nhất đối với tôi chính là lòng tin. Lòng tin vào mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa tôi với mạng lưới nghệ nhân và ngược lại. Lòng tin vào tầm nhìn thiết kế, vào khả năng sáng tạo và kỹ năng chế tác của đội ngũ chúng tôi. Lòng tin có thể xây dựng một thương hiệu thời trang đương đại bền vững uy tín của Việt Nam.

Mẫu váy lụa nhuộm nhựa cánh kiến. Bộ sưu tập Miên. Photo Lê Nguyên Nhật

Bên cạnh nhận được sự ủng hộ trong việc xây dựng một thương hiệu theo tiêu chí bền vững – đạo đức – có trách nhiệm với xã hội, một định hướng khá khó khăn, nhất là ở Việt Nam, trong khi đa số những ai khởi nghiệp kinh doanh thời trang đều hướng đến lợi nhuận hay thương hiệu trước tiên. Những người xung quanh chị, như người thân và bạn bè, có chia sẻ cùng chị lý tưởng này vào thời điểm ban đầu? 

Tôi được sự cổ vũ cũng như hỗ trợ về tinh thần rất lớn từ gia đình, bạn bè và cộng đồng sáng tạo. Tôi không dám chắc tất cả họ làm thế vì hiểu được những trọng trách trong công việc của tôi. Nhưng tôi có thể khẳng định bởi vì họ là những người có tư tưởng cởi mở, tiến bộ, có hiểu biết và tình yêu văn hoá nguồn cội. Một số họ chính là nguồn cảm hứng và sức mạnh cho tôi đi tiếp. 

Mẫu váy lụa nhuộm nhựa cánh kiến. Bộ sưu tập Miên. Photo Lê Nguyên Nhật

Chị có lời khuyên nào dành cho những ai muốn khởi nghiệp kinh doanh thời trang bền vững? Theo chị những viên gạch đầu tiên cần phải đặt nền móng cho thương hiệu là gì? 

Hãy cố gắng lần tìm một khâu trong chuỗi thiết kế hay sản xuất để cải thiện và làm tốt hơn thay vì cố gắng làm tốt tất cả ngay từ đầu. Vì bền vững là một khái niệm thiết kế có tần sóng lớn. Và nó rất linh động! 

Tôi lấy ví dụ nếu bạn chưa thể tự sản xuất chất liệu bền vững được thì hãy tìm những nhà cung cấp có thể làm được điều đó. Bạn cũng có thể tận dụng chất liệu tồn kho, vải vụn như rất nhiều nhà thiết kế hiện nay. Hay tìm một cộng đồng thủ công nào đó để cùng hợp tác chế tạo tại địa phương, tạo nguồn thu nhập cho cộng đồng và giúp đỡ công tác bảo tồn của cộng đồng. Hoặc nếu bạn thấy ngợp với sức ép của bền vững quá thì có thể bắt đầu với những thay đổi nho nhỏ như là sử dụng đóng gói, phụ kiện may mặc tái chế, thân thiện với môi sinh. Dùng năng lượng tái tạo để vận hành máy móc. Thiết kế và gia công sản phẩm có tính ứng dụng hơn, có tuổi thọ lâu dài hơn… 

Mọi thay đổi dù nhỏ đều có những giá trị nhất định. Bạn nghĩ mà xem nếu tất cả mỗi chúng ta đều thay đổi một chút thôi là đã có hàng triệu thay đổi khác nhau!

Mọi thay đổi dù nhỏ đều có những giá trị nhất định. Bạn nghĩ mà xem nếu tất cả mỗi chúng ta đều thay đổi một chút thôi là đã có hàng triệu thay đổi khác nhau!
Những thiết kế nhuộm chàm. Bộ sưu tập Miên. Photo Lê Nguyên Nhật

Chị đánh giá thế nào về sự phát triển của ngành thời trang Việt trong năm vừa qua? Theo chị ngành thời trang sắp tới sẽ như thế nào, phải chăng thương hiệu Việt phải chịu sự cạnh tranh nhiều hơn nữa với các thương hiệu ngoại? 

Thật hoang mang khi thời gian này chúng ta thấy nhan nhản các bài báo, tin tức với những tiêu đề như là “Sự diệt vong của thời trang” hay “Thời trang trên đà suy thoái” “Sự sụp đổ của nền công nghiệp thời trang”…vv và vv. 

Ngành thời trang hay bản thân thời trang sẽ luôn tồn tại song song với sự tồn tại của con người. Nó không thể biến mất, nó chỉ đang biến đổi sang một hình dạng khác lành mạnh hơn, trách nhiệm hơn và phù hợp với nhân sinh quan, thế giới quan của chúng ta thời ở thời điểm này hơn. Thời trang Việt Nam sau một năm đầy thách thức vừa qua, trong con mắt lạc quan của tôi nó có vẻ “khỏe” hơn. Nó giống như bạn vừa thực hiện một liệu trình detox. Có thể sau liệu trình đầy khắc nghiệt trông bạn tiều tuỵ hơn nhưng bên trong bạn thấy dễ chịu hơn và sau một thời gian nhất định bạn sẽ dần hồi phục với một dáng vẻ khỏe mạnh hơn. 

Những thiết kế nhuộm chàm. Bộ sưu tập Miên. Photo Lê Nguyên Nhật

Chị có thể chia sẻ về kế hoạch phát triển của Kilomet 109 trong năm 2021? 

Ra Tết tôi sẽ thực hiện chụp hình cho một bộ sưu tập nhỏ đại diện cho dòng thời trang cơ bản mà chúng tôi vừa mới hoàn thành. Song song với công việc thiết kế cho BST mới ra mắt vào năm sau tôi cũng đang phải cố gắng làm hồ sơ để xin quỹ cho một vài dự án sáng tạo cá nhân. Có một dự án tôi đã nộp cho hai tổ chức toàn cầu vào năm ngoái. Cả hai lần đều lọt vào vòng cuối. Nhưng rất tiếc may mắn chưa mỉm cười với chúng tôi. Tôi lại phải bổ sung thông tin và thử sức lần nữa thôi! Không bỏ cuộc được! Đồng thời tôi sẽ thực hiện hoá một phần của dự án đó. Đây là một dự án sáng tạo đòi hỏi một sự cộng tác lớn giữa tôi với các cộng đồng thủ công và các mạng lưới nghệ sĩ từ các lĩnh vực khác như nhiếp ảnh, làm phim, nghiên cứu và cả giới khoa học nữa. Tôi rất tin tưởng và kỳ vọng vào dự án có khả năng thay đổi nhận thức xã hội cũng như tăng cường tính hiệu quả trong công tác bảo tồn văn hoá bản địa này!

Cám ơn chị đã chia sẻ cùng Style-Republik! 

Thực hiện: Hoàng Khôi