Nhan nhản show diễn thời trang tại Việt Nam: Khán giả mong chờ hay thờ ơ?

Ngày đăng: 04/05/21

Vietnam International Fashion Week, Venus’ Secret… là những sự kiện thời trang lớn sắp diễn ra vào mùa Hè năm nay tại Việt Nam. Trước đó, vô số sự kiện như Vietnam International Fashion Festival, Vietnam Runway Fashion Week,… và rất nhiều tuần lễ/show diễn thời trang lớn nhỏ cũng ra đời. Có chương trình được vài mùa, có chương trình chào sân rồi vụt tắt. Nhan nhản sự kiện thời trang, liệu công chúng có còn mong chờ sự thú vị của show diễn hay đang ngao ngán thờ ơ vì những chiêu trò cũ kỹ?

Không thể phủ nhận rằng trong gần 5 năm trở lại đây, giới thời trang Việt đang có một cơn sốt: sốt sự kiện. Sự kiện diễn ra hàng năm, hàng tháng, hàng tuần thậm chí hàng ngày với con số tham dự lên đến hàng trăm nghìn người. Cũng có rất nhiều nhãn hàng tên tuổi không có trong lĩnh vực thời trang cũng cố gắng “nhét” show diễn thời trang vào những chương trình ra mắt sản phẩm, tiệc chăm sóc khách hàng… như một hình thức “giải trí” để từ đó lấy nội dung làm truyền thông trên báo để PR ngầm.

Thực tế là đã có nhiều chương trình mang lại hiệu quả công tác truyền thông, PR giúp đánh bóng tên tuổi của những người trong nghề lẫn thương hiệu vì chỉ trong một buổi, sự kiện đã được hàng trăm, hàng ngàn người nhắc đến, hashtag, check-in trên mạng xã hội. Thế nhưng cũng có rất nhiều chương trình được làm ra không biết “để làm gì” nhưng chiêu trò câu view lộ liễu đã làm mất chất nghệ thuật và đẳng cấp của thời trang. Vì thế hiệu quả truyền thông thực sự và đặc biệt là doanh số thế nào thì vẫn còn phải xem xét. Style-Republik sẽ phân tích một số điểm tốt và chưa tốt của tình hình tổ chức sự kiện thời trang tại Việt Nam.

Mong chờ: Sức lan tỏa cao

Những sự kiện thời trang luôn quy tụ đông đảo người yêu thích và quan tâm thời trang, những chuyên gia trong ngành, các nhà đầu tư… Có thể nói, thời trang không thể sống thiếu sự kiện bởi sự kiện mở ra những cơ hội hấp dẫn và kết nối cộng đồng thời trang lại với nhau. 

Chính vì sức lan tỏa cao nên việc nhận được đánh giá trái chiều từ dư luận là không thể tránh khỏi. Nếu làm tốt thì danh tiếng sẽ càng được củng cố nhưng nếu làm không tốt, các thương hiệu và những người liên quan sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. 

Sân khấu đẹp mắt của "Elle Fashion Show 2018"

Mong chờ: Thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và truyền thông

Sự kiện và show diễn thời trang được tổ chức với 2 mục đích chính: lan tỏa thông điệp và kinh doanh. 

Theo The Business of Fashion, từ lâu các hoạt động của báo chí đã gắn liền với sự kiện thời trang của các nhãn hàng. Thay vì đặt hàng các bài PR theo kiểu “tiền trao cháo múc” thông thường, việc báo chí tham dự và đưa tin về các sự kiện thời trang trên báo in đến mạng xã hội chính là một cách để lan tỏa thông điệp hiệu quả đồng thời thắt chặt mối quan hệ của các bên. 

Về khía cạnh kinh doanh, sự kiện thời trang sẽ là nơi dành cho các nhà mua hàng (buyers), VIPs,… đến để cảm nhận thời trang và thương hiệu một cách chân thực nhất trước khi đưa ra các quyết định đặt hàng với số lượng lớn. 

Sự phát triển của kỹ thuật số đã khiến thời trang thích ứng theo. Dần dà, nhiều người cho rằng việc tổ chức những sự kiện, show diễn thời trang là không cần thiết nữa. Hàng triệu người có thể dễ dàng truy cập các thông tin, hình ảnh trên mạng và đưa ra đánh giá và nhận định riêng của mình về bộ sưu tập hay thương hiệu. Xu hướng quảng bá sử dụng KOLs và người nổi tiếng trở nên thịnh hành, người dùng có xu hướng tin yêu những người đó hơn báo chí truyền thống. Tuy nhiên, chúng ta quên mất rằng, sự kiện hay show diễn thời trang thực chất không dành cho khách hàng cuối cùng là người mua lẻ và việc sử dụng quá đà KOLs lẫn người nổi tiếng sẽ đem lại những bất cập mà Style-Republik sẽ phân tích sâu hơn ở sau. 

Mong chờ: Là bệ phóng của những tài năng và thương hiệu trẻ

Gần đây có nhiều thông tin về các nhà mốt lớn quyết định rời bỏ lịch trình của các tuần lễ thời trang hoặc thậm chí hoàn toàn không diễn show. Phillip Lim là một trong những nhà thiết kế quyết định hoàn toàn từ bỏ diễn show cho  thương hiệu 3.1 Phillip Lim của mình. Với những thương hiệu theo bước Phillip Lim, họ sẽ tập trung lên các sự kiện nhỏ tại cửa hàng, những bữa tiệc tối, những chiến dịch quảng bá trên mạng xã hội… 

Trái với Phillip Lim, vẫn có một đại đa số tin rằng sàn diễn là nơi duy nhất thời trang được thăng hoa. Một trong những số đó chính là nhà thiết kế Marc Jacobs, người thậm chí đặt tên một thương hiệu của mình là “Runway”. Và không khó để một thương hiệu đã có danh tiếng quyết định rời bỏ sàn diễn bởi sức hút của họ đã quá lớn. Thế nhưng đối với những thương hiệu và tài năng thiết kế trẻ, việc xuất hiện tại một sự kiện, show diễn thời trang giữa trung tâm chú ý của những người có sức ảnh hưởng trong làng thời trang và báo chí, là một cơ hội tuyệt vời. Điều này còn giúp thúc đẩy danh tiếng của thương hiệu trên các nền tảng mạng xã hội nhờ lượt tìm kiếm và truy cập, cộng hưởng với việc báo chí truyền thông đưa tin.

Điển hình là Đẹp Fashion Show, ELLE Fashion Journey, Vietnam International Fashion Week… với quy mô tổ chức chuyên nghiệp, không chỉ quy tụ nhiều nhà thiết kế danh tiếng như Nguyễn Công Trí, Võ Công Khanh, Đỗ Mạnh Cường,… mà còn là bệ phóng cho các thương hiệu và nhà thiết kế trẻ như Lâm Gia Khang, Nguyễn Hoàng Tú, Nguyễn Tiến Truyển,…

Sân khấu ấn tượng của ELLE Fashion Show qua các giai đoạn | ELLE

Bỏ qua: Kinh phí lớn và hiệu quả không cao

Một sự kiện, show diễn thời trang có thể tiêu tốn 200-500 triệu đồng cho chi phí sản xuất, thiết kế, trình diễn, truyền thông… Một thương hiệu chấp nhận bỏ tiền để tổ chức một sự kiện hay tham gia vào tuần lễ thời trang phải tính toán thận trọng để bước đi này đem lại hiệu quả cao không chỉ về truyền thông mà còn về doanh thu để bù lại chi phí tổ chức sự kiện. Việc quy tụ một số lượng lớn khách tham dự tại một địa điểm đòi hỏi cũng đòi hỏi một sự chuẩn bị rất lớn từ phía tổ chức và càng khó khăn hơn khi dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Với chi phí và công sức bỏ ra lớn như vậy, hiển nhiên ai cũng kỳ vọng về chất lượng của các màn trình diễn và khâu tổ chức. 

Không giống mục đích chính thống của sự kiện và show diễn thời trang thế giới, nơi quy tụ các nhân vật có sức ảnh hưởng hàng đầu trong làng thời trang, các buyers, truyền thông báo chí… một số sự kiện, show diễn thời trang tại Việt Nam lại chỉ có một mục đích thuần túy là đánh bóng tên tuổi dựa vào báo chí truyền thông, KOLs và những người nổi tiếng. Việc quá nhiều người nổi tiếng dù họ không liên quan hay hoạt động nhiều trong lĩnh vực thời trang xuất hiện tại các sự kiện thời trang không thực sự đem lại hiệu quả truyền thông tốt cho các thương hiệu và nhà thiết kế. Đa phần họ sẽ thu hút người hâm mộ tò mò về cuộc sống của họ thay vì những khán giả thực sự quan tâm và yêu thích thời trang. Còn mục tiêu thực sự thì không đạt được vì thiếu sự góp mặt của những buyers, nhà chuyên môn, phê bình… vốn luôn đóng một vai trò không thể thiếu trong thời trang.

Vietnam International Fashion Festival - Tái định nghĩa lễ hội thời trang

Bỏ qua: Chiêu trò giải trí làm giảm giá trị của thời trang

Vừa qua, các sự kiện thời trang tại Việt Nam có xu hướng lồng ghép giải trí, biểu diễn thậm chí chiêu trò vào trình diễn thời trang khiến hình ảnh của thời trang có phần xuống cấp, rẻ tiền và đại trà. 

Ví dụ Vietnam Runway Fashion Week 2020 trong show diễn của NTK Lê Long Dũng, không bàn đến chất lượng các thiết kế, dù NTK đã có cố gắng đưa những nhân tố đa dạng như người chuyển giới lên sàn diễn thì “những người mẫu không chuyên” này cùng những pha bò trườn, lê lết trên sàn catwalk thực sự hủy hoại hình ảnh đẹp mà thời trang đã xây dựng bấy lâu nay.

Việc lồng ghép các tiết mục biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật thậm chí công nghệ vào show diễn thời trang không phải là một điều gì quá mới. Trên thế giới, các nhà mốt nổi tiếng vẫn sử dụng hình thức này như Alexander McQueen Xuân 1999 (robot xịt sơn lên trang phục người mẫu), Iris van Herpen Xuân 2013 (nghệ sĩ thực hiện màn biểu diễn với dòng điện 3 triệu vôn đi vào cơ thể), Marc Jacobs Thu 2020 (múa nghệ thuật), Dior Xuân Hè 2021 (ca sĩ hát opera ở phía sau), Dolce & Gabbana Thu Đông 2021 (kỹ xảo và công nghệ robot), Louis Vuitton Men Thu Đông 2021 (trượt băng nghệ thuật)… Tuy nhiên, có thể thấy các màn biểu diễn này hoàn toàn có dụng ý nghệ thuật liên quan chặt chẽ đến nội dung hay cảm hứng của bộ sưu tập, giúp tôn vinh câu chuyện và thông điệp muốn truyền tải thay vì lấn át và làm lu mờ chúng. 

Ngược lại, một số show diễn ở Việt Nam, có thể lấy ví dụ như Vietnam International Fashion Festival, thời trang trở thành nhân vật phụ để làm nền cho những màn biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật, giải trí cùng những chiêu trò thu hút sự chú ý như bế người mẫu té ngã trên vai, dàn trai sáu múi khoe cơ thể… không liên quan gì đến nội dung của bộ sưu tập. 

Trần Thanh Tâm nói về vụ ngã oạch khi catwalk

Mặc dù Victoria’s Secret là một trong những show diễn thiên về giải trí thành công nhất thế giới nhưng vẫn không sử dụng chiêu trò quá lố để gây sự chú ý. Dù không còn giữ được danh tiếng như xưa nhưng Victoria’s Secret vẫn là một ví dụ đáng học hỏi dành cho những sự kiện, show diễn thời trang muốn đi theo hướng mang tính giải trí cao. 

Bỏ qua: Thiếu tính sáng tạo và riêng biệt

Học hỏi và kế thừa từ những người nổi tiếng đi trước là một điều không thể tránh khỏi ở bất cứ lĩnh vực nào, đặc biệt là thời trang. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng chúng ta có thể bê y nguyên concept, văn hóa của người khác áp vào show diễn của mình mà thiếu đi tính sáng tạo. 

Mới đây nhất, Vũ Khắc Tiệp và Ngọc Trinh công bố dự án Venus’ Secret và mạnh dạn so sánh show diễn này sánh ngang Victoria’s Secret. Vẫn còn trong giai đoạn casting người mẫu nhưng nhìn qua có thể thấy Venus’ Secret đã “lộ liễu” mượn toàn bộ concept của Victoria’s Secret để đưa vào show của mình, từ nhận diện chương trình (sọc trắng hồng), phông chứ KV y hệt thậm chí logo cũng chỉ khác mỗi sự sắp đặt. Trước đó, “Đêm Hội Chân Dài” của Vũ Khắc Tiệp cũng được cho là phiên bản Việt Nam của Victoria’s Secret. Liệu Venus’ Secret có khiến khán giả hào hứng nếu từ concept đến nội dung đều y hệt tiền bối Victoria’s Secret mà Victoria’s Secret cũng đã dừng sản xuất từ lâu bởi không cạnh tranh được với các thương hiệu mới có tư duy cấp tiến hơn?

Show tuyển 'thiên thần nội y' bị tố nhái Victoria's Secret, Vũ Khắc Tiệp nói gì?

Cách đây không lâu, một phần trong khuôn khổ Fashion Voyage 3 diễn ra tại Phú Quốc, kết thúc màn trình diễn của 7 nhà thiết kế trẻ, ca sỹ Thảo Trang đã trình diễn loạt ca khúc của ban nhạc ABBA gồm Mamma Mia, Dancing Queen… tại khung cảnh thị trấn Địa Trung Hải. Điều đáng nói, cảnh tượng này dường như vô cùng giống những phân cảnh trong bộ phim “Mamma Mia 2: Here We Go Again” cũng lấy bối cảnh trên một hòn đảo Địa Trung Hải ở Hy Lạp với những ngôi nhà đầy màu sắc trên nền nhạc của ABBA. Khó có thể cho rằng đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên!

Kết luận: 

Sự năng động trong việc tổ chức các sự kiện thời trang tại Việt Nam là một điều đáng khích lệ. Điều đó cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thời trang, mở ra những cơ hội tuyệt vời trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, các nhà tổ chức, các thương hiệu cũng cần phải chú ý hơn về giá trị cốt lõi của sự kiện mình tổ chức thay vì sử dụng nó như một công cụ đánh bóng tên tuổi hay gây sự chú ý. Đồng thời, sự phát triển chóng mặt của thời trang sẽ kéo theo sự đào thải nhanh chóng cho những ai thiếu sự đổi mới và sáng tạo.

Vì thế, khi tạo ra một sự kiện thời trang, hãy để thời trang là công cụ lớn nhất truyền tải thông điệp của thương hiệu. 


Thực hiện: Mỹ Đỗ