Nhìn lại 2022, điểm lại những sự kiện nổi bật và 3 bài học dành cho những nhà kinh doanh thời trang

Ngày đăng: 20/01/23

2022 đánh dấu một năm trở lại đầy sôi động của thị trường thời trang nội địa hậu đại dịch, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và khó khăn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang lâm vào đại khủng hoảng.

Cùng Style Republik điểm lại những sự kiện nổi bật của ngành thời trang Việt Nam năm qua, cùng 3 bài học dành cho những nhà kinh doanh thời trang.

1. Thị trường nội địa chưa sẵn sàng cho một thương hiệu thời trang nhanh khổng lồ

Trở thành gã khổng lồ của ngành thời trang nhanh như H&M và Zara luôn là mơ ước của những nhà kinh doanh thời trang, tuy nhiên, hiện thực hoá điều này lại không hề dễ dàng. Năm vừa qua, hai thương hiệu thời trang nhanh của Việt Nam là AVAFashion và AVAJi, vốn được nhận định là “ngậm thìa vàng” vì được chính CTCP Đầu tư Thế giới Di Động rót vốn, thông báo tạm ngừng kinh doanh sau 6 tháng ra mắt. Tại thời điểm thành lập, CEO Đoàn Văn Hiểu Em cho biết “Dự định phát triển AVAFashion theo con đường của Zara và H&M: đẩy mạnh R&D và thiết kế, sau đó thuê gia công”. Đó là mô hình đưa H&M và ZARA trở thành ông lớn hàng đầu trong ngành thời trang nhanh, tuy nhiên, sự thành bại của mô hình này tại thị trường đặc thù như Việt Nam vẫn còn là dấu hỏi ngỏ chưa có lời giải thích, khi mà yếu tố khó khăn và bất ổn nhiều hơn thuận lợi.

AVAFashion – thương hiệu vốn được nhận định là “ngậm thìa vàng” vì được chính CTCP Đầu tư Thế giới Di Động rót vốn, thông báo tạm ngừng kinh doanh sau 6 tháng ra mắt.

Thứ nhất, thời hoàng kim của thời trang nhanh đã qua, hàng loạt các thương hiệu thời trang nhanh từng một thời “tung hoành” khắp nước Mỹ như Forever21, J.Crew, hay nhà bán lẻ hàng đầu nước Anh, chủ thương hiệu Topshop – Arcadia cũng phải nộp hồ sơ xin phá sản vào năm 2019-2020. Sự cạnh tranh dữ dội với “dark horse” Shein của Trung Quốc – với rất nhiều lợi thế đến từ mẫu mã, nguồn cung và đạo luật kinh doanh cũng khiến các ông lớn trong ngành phải lao đao.

Thứ hai, thói quen tiêu dùng thời trang của người Việt Nam cũng rất đặc thù. Người Việt yêu thích mua sắm tại các thương hiệu đến từ nước ngoài như Uniqlo, H&M, Zara. Hơn thế, thói quen thuận tiện mua sắm thời trang khi đi dạo trung tâm thương mại cũng trở thành điểm mạnh của những ông lớn, bởi khả năng cạnh tranh về mặt bằng và đầu tư cửa hàng của các thương hiệu Việt rõ ràng là lép vế hơn.

Thứ ba, đại dịch cũng khiến một bộ phận người dân thay đổi công việc, lối sống và cả chi tiêu dành cho thời trang. Sau đại dịch, tác động đáng chú ý của Covid-19 đến thị trường thời trang nhanh bao gồm: giảm nhu cầu, hướng đến tính bền vững, tiết kiệm và giảm chi tiêu may mặc. Điều đó càng khiến các thương hiệu thời trang nhanh mới ra đời lao đao và gặp phải bế tắc.

Thị trường thời trang nhanh bất ổn, thói quen tiêu dùng thay đổi, khách hàng thắt chặt chi tiêu, đó có lẽ là những lí do khiến việc xây dựng một thương hiệu thời trang nhanh lớn trở thành khó khăn và nỗi trăn trở của nhiều chủ thương hiệu. Và có lẽ, năm 2023 cũng sẽ chưa phải thời điểm thích hợp để các chủ thương hiệu “liều mình”, hãy cẩn thận và để dành nguồn lực cho các phân khúc khác tiềm năng hơn.

2. Hãy tận dụng thế lực TMĐT mới – Tiktok Shop

Nhờ ảnh hưởng của đại dịch, khi người tiêu dùng hạn chế mua sắm trực tiếp và chuyển hướng sang online để đảm bảo an toàn, thị trường TMĐT Việt Nam đánh dấu sự tăng trưởng bùng nổ trong giai đoạn 2020 – 2021, đứng thứ 2 trong khu vực đông Nam Á và được các chuyên gia dự báo sẽ đạt quy mô khoảng 39 tỷ USD vào năm 2025. Trước năm 2022, cuộc tranh giành “miếng bánh” TMĐT tại Việt Nam chủ yếu diễn ra giữa những cái tên quen thuộc là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo.

Thế lực mới TikTok Shop "phả hơi nóng" vào các anh lớn TMĐT: Doanh thu tháng 11 bằng 80% Lazada, gấp 4 lần Tiki - Ảnh 2.

Thế nhưng, trong năm 2022, nền tảng TMĐT Tiktok Shop chính thức ra mắt và nhanh chóng trở thành thế lực đáng gờm, cạnh tranh trực tiếp với các “đàn anh”. Chỉ trong tháng 11, doanh số từ Tiktok shop đã đạt 1686 tỷ đồng, vượt qua Tiki, Sendo, và chỉ xếp sau hai ông lớn là Shopee và Lazada. Sự chuyển dịch và phát triển của thế lực mới Tiktok Shop cũng trở thành nỗi trăn trở của các thương hiệu thời trang khi phải chuyển mình từ marketing tĩnh (hình ảnh) sang động (video), yêu cầu nhiều sự đầu tư hơn, từ kịch bản, nội dung đến khả năng sáng tạo, bởi Tiktok vốn là mạng xã hội đề cao tính sáng tạo trong các video.

TikTok Shop đang đe dọa thị phần Shopee, Tiki, Lazada

Bên cạnh đó, tính năng livestream đang trở thành “con át chủ bài” của Tiktok Shop, khi hầu hết các đơn hàng tại đây đều đến từ tính năng livestream bán hàng.

Rõ ràng, Tiktok Shop là miếng bánh béo bở để các thương hiệu thời trang khai thác trong năm 2023 tới, tuy nhiên, việc khai thác thế nào để vừa đảm bảo tính “branding”, vừa đảm bảo doanh số vẫn sẽ là vấn đề khiến các chủ thương hiệu thời trang nên cân nhắc.

3. Hãy cân nhắc về thị trường Resale

Thị trường Resale (bán lại) đang nóng hơn bao giờ hết trong năm 2022, khi Covid -19 khiến người tiêu dùng hướng đến tính bền vững và tiêu dùng tiết kiệm nhiều hơn. Tại Việt Nam, bên cạnh sự phát triển của các chuỗi cửa hàng thanh lý ký gửi, còn có sự phát triển của các nền tảng như Passii, Piktina, SSSMarket phục vụ nhu cầu mua sắm của các tín đồ secondhand.

Với dân số hơn 97 triệu dân và có tỷ lệ dân số trẻ cao, Việt Nam trở thành một thị trường phù hợp cho hành vi tiêu dùng quần áo secondhand. Khách hàng thuộc thế hệ MIllennial, GEN Z là nhóm khách hàng chủ đạo của thị trường này.

Bên cạnh đó, từ những màn collabs độc đáo từ Dòng Dòng và 4P, Môi Điên và Buzz84, cho thấy tiềm năng phát triển dành cho những thương hiệu thời trang mới, mà các chủ thương hiệu thời trang có thể học tập.

Tuy nhiên, các chủ thương hiệu cũng cần cân nhắc, bởi việc mua bán quần áo secondhand online giờ đây đã vượt xa ranh giới đáp ứng nhu cầu bình thường, nó đã trở thành một hình thức tiêu dùng mới, thậm chí tệ hại hơn, chúng ta đang tiếp tay cho quần áo secondhand trở thành làn sóng fast fashion mới.

Nhìn chung,

2022 là một năm đánh dấu sự trở lại của các thương hiệu nội địa sau đại dịch, cũng là năm chứng kiến nhiều sự chuyển dịch trong hành vi tiêu dùng của khách hàng đối với mặt hàng thời trang, may mặc. 2023, khi suy thoái kinh tế đang ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế giới và Việt Nam, việc nắm bắt xu thế và khả năng nhạy cảm với thời cuộc sẽ là chìa khoá để các thương hiệu nội địa vượt qua sóng gió. Hãy nắm bắt và cân nhắc nguồn lực cho những thách thức và cơ hội lớn hơn!

Thực hiện: Heidi Trương