Những bài học kinh doanh thời trang đúc kết từ show truyền hình thực tế Next In Fashion

Ngày đăng: 04/06/21

Next In Fashion là một chương trình truyền hình thực tế xoay quanh các nhà thiết kế thời trang trên Netflix mới ra mắt vào đầu năm 2020. 18 nhà thiết kế thời trang, 18 cá thể hoàn toàn khác biệt được ghép cặp với nhau để cùng làm việc. Mỗi tuần là một chủ đề khác nhau, đặt ra thử thách để các thí sinh thể hiện sự sáng tạo cũng như tinh thần đồng đội của mình, mang lại cho khán giả cái nhìn toàn diện về ngành công nghiệp hào nhoáng này. Khi chỉ còn lại 4 đội, các nhà thiết kế được làm việc độc lập để tìm ra quán quân duy nhất.

Trải qua 10 tập, chương trình đã tìm ra người chiến thắng xứng đáng – Minju Kim với giải thưởng trị giá 250.000 USD tiền mặt và ra mắt Bộ sưu tập cá nhân trên trang web hàng hiệu Net a Porter.

Minju Kim (giữa) – quán quân của Next In Fashion cùng 2 host: Alexa Chung và Tan France

Không giống các chương trình truyền hình thực tế khác, Next In Fashion tập trung vào quá trình làm việc cũng như thành phẩm sáng tạo của thí sinh, hơn là lấy “drama” giữa họ để “câu view”. Tinh thần cạnh trang trong Next In Fashion được khai thác một cách có chừng mực và tích cực, giúp chương trình giữ được yếu tố chuyên môn mà không nhàm chán, tiết tấu nhanh nhưng vẫn đủ để giữ chân khán giả xuyên suốt mùa 1. 

Next In Fashion giới thiệu những điều thú vị về thế giới thời trang, nhưng trên tất cả, Next In Fashion là một chương trình thực tế, với các tình huống sẽ chỉ cho bạn làm sao để đánh bại các đối thủ, điều mà bạn hoàn toàn có thể áp dụng cho bản kế hoạch kinh doanh thời trang của mình.

Dưới đây là 7 bài học cơ bản dành cho những kẻ mộng mơ muốn dấn thân vào ngành công nghiệp thời trang.

1. Kỹ năng thực hành là yếu tố quan trọng 

Nếu ý tưởng, sự sáng tạo là điều kiện cần, thì khả năng xử lý, thực hiện hóa những ý tưởng trên trang giấy mới là điều kiện đủ để các nhà thiết kế trở nên nổi bật và thành công.

Trong chương trình, tất cả các thí sinh đều sáng tạo, có tầm nhìn và những ý tưởng tuyệt vời. Nhưng chỉ những người có khả năng may và cắt mẫu mới là những người sống sót với vòng cuối cùng

Trong những thử thách nhóm, chúng ta được chứng kiến những tác phẩm mãn nhãn nhờ vào sự kết hợp của một nhà tạo mẫu (người không thiên về việc xử lý các kỹ thuật cắt may) và một người có kỹ năng may lành nghề. Tuy nhiên, ác mộng bắt đầu khi họ bị chia rẽ. Các thí sinh với những bản phác thảo tuyệt vời đã không thể thực hiện hóa các ý tưởng của mình, và hẳn nhiên, họ bị loại.

Trên thực tế, kỹ năng xử lý về chất liệu, kết cấu của bộ trang phục là yếu tố tối quan trọng, nhất là ở giai đoạn đầu của một doanh nghiệp thời trang. Thực hiện hóa những ý tưởng trên giấy vẽ, biến chúng thành những bộ trang phục có thể trong cuộc sống hàng ngày trong thời gian ngắn nhất là một thứ vũ khí vô giá. 

Đọc đến đây, hẳn bạn sẽ bĩu môi và nghĩ: mình hoàn toàn có thể thuê những người thợ lành nghề về làm những việc đó mà. Nhưng nghĩ thử xem, chẳng may có chuyện gì xảy ra trong khâu sản xuất, làm sao bạn có thể tìm ra cốt lõi vấn đề và xử lý chúng trong khi bạn không rành và cũng chưa từng tận tay làm những việc đó?

Những nhà thiết kế thời trang lẫy lừng của thế giới,  họ nhất định là người có tay nghề cao. Sở hữu kỹ thuật tốt giúp họ dễ dàng xử lý và biến hóa những ý tưởng của mình. Họ tạo ra xu hướng, nắm quyền chủ động trên thị trường và biết cách khiến thế giới phải chạy theo những thiết kế của mình.

Hãy nghĩ về Alexander McQueen – nhà tạo mẫu bậc thầy, Galliano, Hussein Chalayan, Vivienne Westwood, Simone Rocha và nhiều người khác. Ngoài tài năng nổi bật, điểm chung của họ là đều bắt đầu giấc mơ thời trang của mình ở quy mô nhỏ, và tự tay phụ trách tất cả các khâu từ phác thảo ý tưởng cho đến khi bộ trang phục được may hoàn chỉnh.

Vì vậy, đừng bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của việc thành thạo các kỹ năng xử lý kỹ thuật.

2. Nếu muốn đi xa, phải đi cùng nhau

Câu chuyện “cái tôi” trong thời trang không phải là câu chuyện xa lạ. Nhiều nhà thiết kế là những người hướng nội và họ tận hưởng thế giới công việc đơn độc của riêng mình.

“Cái tôi là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên, nếu muốn vận hành một doanh nghiệp dựa trên những tài nguyên sáng tạo của mình, bạn cần phải học cách làm việc như một tập thể”

Cân bằng giữa yếu tố sáng tạo và thực tế, làm việc cùng các nhà thiết kế khác và những người biết cách vận hành doanh nghiệp là điều bắt buộc để đạt kết quả tốt và mang lại thành công vang dội.

Ngoài hoạt động kinh doanh, việc hợp tác thành công giữa những thương hiệu hoặc cá nhân với nhau mang lại cho bạn cơ hội được tiếp xúc với báo chí và truyền thông, rút ngắn khoảng cách với tệp khách hàng tiềm năng. Điều mà bạn khó có thể đạt được nếu chỉ làm một mình.

Để việc hợp tác diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp, bạn cần phải học cách lắng nghe, cởi mở hơn với những ý tưởng của người khác, xắn tay áo lên và làm những việc mà có thể bạn không thích.

Hơn nữa, đừng chỉ chờ đợi sẽ có người mang lời mời hợp tác đến với bạn. Vạch ra rõ ràng những cơ hội xung quanh mình, những lợi ích mình sẽ nhận được, và chủ động đề nghị hợp tác với họ

3. Không có chỗ dành cho những cái đầu nóng

Nếu bạn để sự thất vọng và tức giận kiểm soát mình, để chúng chen ngang trong quá trình sản xuất, bạn thua rồi. Thời gian quý giá sẽ bị lãng phí cho những cảm xúc tiêu cực và ảnh hưởng đến kế hoạch tiếp theo của bạn.

Quyết định được đưa ra trong lúc thất vọng và tức giận thường dẫn đến những sai lầm. Vì vậy, nếu không muốn tốn thời gian, nhân lực hay thậm chí là tài chính để sửa chữa những sai lầm đó, hãy thả lỏng mỗi khi đối mặt với những chuyện không mong muốn, và chỉ đưa ra quyết định khi tinh thần đã hoàn toàn tỉnh táo – một cái đầu lạnh.

“Chúng ta không thể giải quyết vấn đề với cùng lối tư duy mà chúng ta đã tạo ra chúng” – Einstein

Tán gẫu với đồng nghiệp, làm một việc khác để phân tán sự chú ý và để các suy nghĩ được tự do nảy ra trong đầu. Nhưng trên tất cả, bạn cần học cách giữ bình tĩnh và kiểm soát cảm xúc của mình. Vì chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc của bạn.

4. Deadline, deadline, deadline

Đối với bất kỳ công việc thuộc lĩnh vực nào, làm việc đúng tiến độ (kịp deadline) là điều vô cùng quan trọng, không chỉ với cấp quản lý, nhân viên, mà cả với những người làm việc liên quan đến sáng tạo. Điều đó đồng nghĩa với việc ngoài quản lý khối lượng công việc của mình, bạn còn phải biết phân chia công việc xuống cấp dưới một cách hợp lý .

Quan trọng hơn cả, bạn cần nắm rõ những yêu cầu của công việc, chất lượng cần đạt được và sắp xếp thời gian để hoàn thành chúng trong thời hạn cho phép. Vì nếu kịp tiến độ mà chất lượng công việc không tốt, bạn sẽ mất gấp đôi thời gian để sửa chữa hoặc làm lại hạng mục đó.

Cũng giống như Next In Fashion trên Netflix, những người chiến thắng là những người có thể cung cấp mẫu thành phẩm hoàn hảo đúng thời hạn chương trình đặt ra.

“Mất rất nhiều năm để ổn định công việc kinh doanh và xây dựng danh tiếng. Nhưng chỉ cần một lần trễ hẹn hoặc cung cấp sản phẩm không đạt chất lượng, bạn sẽ mất tất cả”

Trong ngành công nghiệp thời trang, việc ra mắt các bộ sưu tập thường được ấn định theo mùa. Kiểm soát nhiều bộ phận cùng lúc trong một chuỗi hành động là một phần của quản lý dự án. Và như hiệu ứng domino, một bộ phận chậm trễ có thể kéo theo cả bộ máy hoạt động bị đình trệ, dẫn đến việc không kịp giới thiệu bộ sưu tập. 

Thế giới không ngừng lại chỉ để chờ một mình bạn. Deadline là điều không thể tránh khỏi và bạn cần học cách làm việc với dòng thời gian một cách chặt chẽ. Bạn sẽ học được cách đâu là những công việc bạn có thể làm một mình, và đâu là những việc bạn buộc phải có sự trợ giúp từ người khác. 

Việc thực thi một ý tưởng không đòi hỏi nhiều yếu tố sáng tạo. Nó liên quan nhiều hơn đến kinh nghiệm thực tế. Bạn cần luyện tập nhiều cho việc này, để có thể đặt ra các mốc thời gian phù hợp (thậm chí là chuẩn bị dư thời gian cho việc dự phòng), xác định được đâu là những việc có thể làm và không thể làm trong thời hạn được cho phép. 

5. Cẩn thận với vùng an toàn – Cái bẫy của sự thành công

Khi chuyển sang hoạt động kinh doanh, công việc sáng tạo của các nhà thiết kế ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Nhu cầu của doanh nghiệp, khả năng thương mại hóa và doanh số bán hàng dần làm “mờ mắt” họ. Họ rơi vào cái bẫy của sự an toàn (comfort trap). 

Họ nhận ra rằng các thiết kế của mình dần không còn mới mẻ và bản thân không còn được dẫn lỗi bởi sự sáng tạo, nhưng vì mục đích kinh doanh, họ chấp nhận “làm ngơ” tiếng lòng của mình. Tiếng vang và đam mê của những ngày đầu dần chìm vào quên lãng.

“Sự phát triển bền vững không bao giờ đến từ vùng an toàn”

Về lâu dài, dám vượt qua ranh giới mới mang lại cho bạn sự tăng trưởng và thành công. Thử nghiệm với điều gì đó mới lạ hoặc cải tiến một thứ quen thuộc theo cách “wow” hơn. Đừng nghĩ mãi về những rủi ro, bạn cần giải phóng chính mình để đón nhận những kết quả tốt đẹp hơn.

Trong Next In Fashion, các nhà thiết kế đã phải tạo ra những kiểu dáng mà chưa bao giờ họ dự tính sẽ làm trong đời. Có nước mắt, có sợ hãi, nhưng cuối cùng họ đều vượt qua một cách mạnh mẽ và trở nên linh hoạt hơn. Hạnh phúc đã đến khi rào cản bản thân được dỡ bỏ, bạn có thêm những kỹ năng và những cơ hội mới được mở ra.

6. Nuôi dưỡng ngọn lửa sáng tạo của mình

Khi các nhà thiết kế điều hành công việc kinh doanh, (dù quy mô lớn hay nhỏ), đó là thời điểm những nhu cầu về mặt thương mại của doanh nghiệp được chú ý. Ngay cả trước khi bạn ý thức về nó, bạn đã nhận ra có gì đó không đúng nhưng lại không thể chỉ ra chính xác điều đó là gì.

Cảm giác chưa trọn vẹn này thường đến từ chính bạn. Con người thật và sự sáng tạo của bạn rất dễ bị nhấn chìm bởi những yêu cầu “thực dụng” của hoạt động kinh doanh.

Tất cả các nhà thiết kế thời trang trong các cuộc thi thực tế đều thừa nhận rằng việc tham gia chương trình đã gợi nhớ cho họ về những ngày đầu và lý do vì sao họ lựa chọn lĩnh vực này. Họ được trải nghiệm lại sự phấn khích khi được tự do sáng tạo, chấp nhận mạo hiểm và bước khỏi vùng an toàn của mình.

Nguồn năng lượng mới này chắc chắn sẽ mang lại những động thái tích cực mới cho doanh nghiệp và đem lại những lợi ích lâu dài.

Vì vậy, dù là đăng ký tham gia một cuộc thi hay cộng tác với cá nhân nào đó trong một dự án điên rồ – hãy cho phép bản thân một lần quên hết về những con số của doanh nghiệp, chỉ đắm chìm và làm theo những gì trái tim, tâm hồn mình mách bảo. Tìm lại cảm giác đã khiến bạn bắt đầu kinh doanh.

Tương lai của bạn nhất định sẽ cảm ơn bạn.

7. Ý tưởng đầu tiên luôn là ý tưởng tốt nhất

Trong ngành thời trang, thời gian luôn là bản chất của vấn đề. Hãy chớp lấy điều đó và thực hiện hóa nó ngay từ khi những ý tưởng chỉ vừa nhen nhóm trong đầu bạn.

Bạn có thể tạo ra một sản phẩm hoặc một bộ sưu tập trong 3 ngày, 3 tuần, 3 tháng hay thậm chí là 3 năm. Nhưng càng kéo dài thời gian, bạn càng bỏ lỡ thời cơ đỉnh cao của thành công.

Thường thì trong quá trình “hoàn thiện” bạn sẽ đánh mất bản chất của ý tưởng ban đầu. Bạn sẽ đơn giản hóa nó quá mức, hoặc phức tạp hóa khi có quá nhiều chuyện xảy ra.

Nhưng trên thực tế – các quy tắc kinh doanh rất đơn giản.

  • Tốc độ hoàn thành công việc tỷ lệ thuận với sự thành công
  • Không hành động, không có thành công
  • Kết quả sẽ đến nếu bạn hành động ngay lập tức.

Nếu bạn là một người yêu thích thích sáng tạo – thời trang hay bất cứ lĩnh vực nào khác, theo dõi Next In Fashion trên Netflix sẽ mang lại nguồn cảm hứng bất tận và nhiều thông tin thú vị. Bạn hoàn toàn có thể đúc kết được những bài học cho riêng mình và áp dụng chúng vào các tình huống thực tế.

Thực hiện: Diana Nguyễn

Theo Fashion Insider