Những chuyện chưa kể về Yohji Yamamoto

Ngày đăng: 07/05/20

Hầu hết các thiết kế luôn cần đến sự chú ý và ánh đèn sân khấu như cần hít thở và oxy, thì Yohji Yamamoto luôn thấp thoáng nét lập dị. Sau 30 năm làm nghề ông nổi danh với bản ngã khổng lồ, là một trong những nhân vật khó nắm bắt nhất của làng thời trang. Như những bộ trang phục mà ông thiết kế, ông luôn có khoảng cách nhất định với dòng chính, điều này khiến cho ông trở nên bí ẩn đối với công chúng.

Sinh năm 1943 tại Yokohama, Nhật Bản, Yohji Yamamoto mồ côi khi mới lên hai, khi cha bị giết trong chiến tranh. Thuở nhỏ, giấc mơ đầu đời của Yohji  là trở thành họa sĩ. Song, ông lại theo học chuyên ngành Luật ở đại học Keio, Tokyo. Đến năm 1966, ở tuổi đôi mươi, Yohji đổi ý và quyết định học thời trang tại trường Bunka Fashion College.

“Yohji, tại sao ông làm nên thứ trang phục ghê tởm thế này”

Sau học bổng hai năm tại Paris, Yohji trở lại Tokyo. Vào năm 1972, ông ra mắt thương hiệu Y’s với thiết kế lấy cảm hứng từ công nhân áo xanh (blue-collar workers) thời hậu chiến Nhật Bản. Năm 1977, Yohji ra mắt công chúng show diễn đầu tiên. Song 4 năm sau, một lần nữa ông chuyến đến sinh sống tại Paris. Cùng với người đồng hương Rei Kawakubo – nhà sáng lập Comme des Garcons và NTK Issey Miyake, Yamamoto phát triển sự nghiệp trên đất Pháp.

“Khi tôi đến Paris và làm một show nhỏ, nó giống như trò đùa. Có rất nhiều người đến xem tại văn phòng của tôi, đến nỗi thang máy của tòa nhà phải ngừng chạy bởi vì có quá nhiều người”! – Yohji Yamamoto cười lớn khi nhớ lại. “Thật tình mà nói, tôi đã muốn đến Paris mở một cửa hàng nhỏ, không hề nghĩ rằng mình phải thay đổi thói quen ăn mặc hay làm nên tượng đài nghệ thuật. Nhưng  vào thời điểm đó, phóng viên và khách hàng muốn thứ gì đó mới, và điều đó diễn ra”.

Kỹ thuật tạo nên nếp gấp – frills và ‘frou-frou’ của ông, mang đến sự kinh ngạc cho cộng đồng thời trang thời bấy giờ, khi họ thấy những bộ trang phục mang hình dáng bất đối xứng (asymmetrical) oversized cùng với những đôi giày đế bằng (flat shoes)… – những thứ chưa từng xuất hiện trên sàn catwalk trước đây. Không mấy người hiểu ý tưởng đằng sau các “look” đồ, nhưng họ biết khái niệm “truyền thống” về thời trang nữ đang bị thách thức theo cách mới vẻ và thú vị.

Như những bộ trang phục mà Yohji Yamamo thiết kế luôn có khoảng cách nhất định với dòng chính, ông cũng luôn bí ẩn với công chúng.

“Tôi muốn làm nên thứ gì đó hoàn toàn mới mẻ, thế nên tôi không học hỏi như một sinh viên. Ví dụ, một sinh viên nghệ thuật học hỏi nghệ thuật bằng cách sao chép. Sao chép thứ gì đó rất quan trọng. Nếu bạn luôn sao chép thứ gì đó, bạn sẽ cảm nhận được cảm giác của chính mình. Nhưng trường hợp của tôi, thì tôi loại bỏ tất cả các thông tin khuôn mẫu. Tôi nhắm mắt lại. Bởi vì công việc của tôi không phải là chính thống, nó nằm ở ngoài lề”. – Yohji nói.

“Sau show diễn tôi bị chỉ trích bởi những phóng viên Nhật Bản – họ hỏi tôi: “Yohji, tại sao ông làm nên thứ trang phục ghê tởm thế này”? Sau đó châu Âu cho rằng trang phục của tôi đậm chất Nhật Bản, điều này khiến tôi bị sốc. Vâng, tôi sinh ra tại Nhật Bản, nhưng họ không biết rằng tôi sinh ra giữa những tàn tích tạo nên bởi bom đạn của Mỹ. Tôi lớn lên mà không hề có truyền thống Nhật Bản xung quanh, vì thế sao tôi lại đậm chất Nhật Bản được! Ngày hôm đó, sau show diễn, khi báo chí viết về tôi, họ dùng từ “Người Nhật” hay “Nhà thiết kế Nhật Bản” để miêu tả tôi. Tôi thắc mắc, ví dụ như miêu tả một nhà thiết đến từ Bỉ, họ đâu có viết “người Bỉ” kèm theo!

“Yohji, tôi lớn lên dưới sự ảnh hưởng của ông”!

Kể từ năm 1981 ra mắt thương hiệu cho đến năm 2015, tác phẩm của ông đã được trưng bày ở hơn 40 bảo tàng, mặc dù ông từng nói về các bảo tàng thời trang là nơi… thời trang chết đi! Ít ai ngờ rằng, Yohji Yamamoto hoàn toàn không nhận thức được rằng công việc và gu thẩm mỹ của mình đã thay đổi thời trang toàn cầu.

“Lần đầu tiên là cách đây khoảng 15, 16 năm, tôi bước đi trên phố thì gặp một phóng viên trẻ người Pháp. Cậu ấy nói: “Yohji, tôi lớn lên dưới sự ảnh hưởng của ông”! Tôi rất bất ngờ! Vào thời điểm đó, tôi không hề cảm thấy như thế”! Khi nghe cái tên Yohji Yamamoto, người ta hay nghĩ đến những bộ áo trùm quá khổ, những chiếc áo choàng “unstructured” và những chiếc jacket bất đối xứng (asymmetric). 

Yohji Yamamoto quan niệm: “Bất đối xứng – đó là biểu tượng của sự hoàn hảo, không phải của con người”!

Bộ đôi M/M – Mathias Augustyniak và Michael Amzalag từng làm việc với Yohji trong dự án ra mắt catalogues hình ảnh AW95, Augustyniak từng nhận định đây là tác phẩm “hậu hiện đại – nhìn thẳng vào lịch sử thời trang và kết hợp nhiều loại ảnh hưởng”.

Dự án còn có nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Craig McDean, David Sims, Inez và Vinoodh và Paolo Roversi. Về Yamamoto, ông không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của các cộng sự, ông mời họ đến, để họ mặc sức làm theo ý mình và sau đó chờ họ gửi lại proposal cho mình tại Tokyo.

Giám đốc sáng tạo Marc Ascoli nhận xét: “Mặt khéo của Yohji nằm ở chỗ, thay vì giống như một nhà thiết kế thời trang ngày nay, ông ấy lại một giống một giám đốc nghệ thuật nhiều hơn. Khi ấy, sau khi đã quyết định công việc với chúng tôi, ông ấy thật lòng tin tưởng. Đó là lí do tại sao những tài năng lớn có thể bùng nổ sáng tạo – không còn phương tiện nào tốt hơn chuyển tải những gì chúng ta thấy trên sàn catwalk thành một ấn phẩm. Không có gì trong cuốn catalogue dùng để bán: túi xách, một món đồ đặc biệt… Nó giống như cách chủ nhân của bộ sưu tập tạo bản lưu trữ về công việc của mình.

Thế nào là thành công, tiền bạc hay danh tiếng?

Yohji được biết đến với tinh thần “avant-garde” trong trang phục của mình: thường xuyên tạo ra các thiết kế khác biệt với xu hướng hiện tại. Trong các bộ sưu tập của ông, màu đen chiếm đa số. Phải thừa nhận rằng, tác phẩm của Yohji không dễ giải mã dưới góc nhìn đại chúng. Đây có lẽ là lý do người mặc thiết kế của ông đến từ các không gian sáng tạo bao gồm các nghệ sĩ, kiến trúc sư và nhà thiết kế.

Từng có một nữ phóng viên Mỹ hỏi Yohji nghĩ gì về bản thân cũng như thành công của một nhà thiết kế. Ông đã hỏi lại cô: “Với cô, thế nào là thành công? Tiền bạc? Hay danh tiếng? Tôi cảm thấy mình có đủ thành công nhưng người Mỹ không xem tôi như người thành công bởi vì sáng tạo của tôi không xuất hiện ở tầng lầu quan trọng nhất trong department stores tại Mỹ”.

Ở tuổi 73, ông có đôi bàn tay với những móng tay ngả màu vì thuốc lá. “Trong chương trình học tại trường thời trang, họ không dạy về giá trị của chạm và ngửi. Họ chỉ vẽ, và đặt mọi thứ lên mẫu cơ thể. Họ gọi đó là thiết kế! Đó là thứ tôi ghét, rất ghét! Nên tận hưởng mùi của vải, cảm giác khi chạm vào chất liệu. Ngành công nghiệp này là ngành công nghiệp cuối cùng được làm bởi đôi tay con người, như tôi hằng yêu thích. Tôi vẫn chú tâm vào từng đường cắt, chuyển tải được từng bước đi đẹp đến thế nào. Điều này rất quan trọng – tất cả thiết kế về áo quần đều như thế”!

“Có lúc tôi lạc quan, cũng có lúc tôi bi quan về tương lai của mình. Công ty của tôi hoàn toàn cá nhân và độc lập. Đó là một phép màu bởi vì chúng tôi không bán túi xách và phụ kiện, chúng tôi chỉ tập trung vào áo quần mà vẫn còn tồn tại. Đó là điều may mắn. Vì vậy tôi nghĩ đơn giản rằng tôi vẫn tiếp tục thiết kế trang phục khi nào cơ thể còn cho phép”.

“Về cuộc đời riêng, tôi thích đơn giản: một căn hộ nhỏ chỉ với một chiếc giường, một chiếc túi hành lí để dành du lịch và những quyển sách yêu thích – chỉ cần như thế! Tôi không muốn bất kì bức họa hay tranh ảnh nào xung quanh, tôi chỉ cần âm nhạc. Tôi đã từng ở trong ban nhạc rock vào năm 12, 13 tuổi và đến giờ, âm nhạc vẫn còn là niềm đam mê trong tôi. Nó mang lại cảm hứng cho tôi, giúp tôi thư giãn, khiến tôi có nhiều cảm xúc – tôi kết nối với nó. Khi còn nhỏ tôi từng muốn trở thành họa sĩ, nhưng đó là giấc mơ đầu đời. Còn bây giờ, tôi đang sống với giấc mơ thứ hai của mình”!

Thực hiện: Hoàng Khôi (tổng hợp)

Theo the-dvine, dazed, the-talks/ Ảnh: Sưu tầm