Những điều cần biết khi gửi thư và phỏng vấn xin việc

Ngày đăng: 07/10/20

Xã hội ngày một phát triển đòi hỏi mọi người không ngừng nỗ lực để có được một công việc tốt. Được nhận và một công ty và ở lại với nó là một quá trình, mà mọi thứ bắt đầu với việc ứng tuyển và phỏng vấn.

Bằng cấp, kinh nghiệm và tài năng là những điều giúp bạn có được cái gật đầu từ nhà tuyển dụng, nhưng nếu không có một thái độ tốt, bạn sẽ rất dễ dàng đánh công việc mà bản thân mong muốn. Dưới đây là mười bốn điều bạn cần biết để có một buổi phỏng vấn thuận lợi là tạo nên ấn tượng tốt trong mắt công ty mà bạn ứng tuyển:

1. Cách xưng hô

Không chỉ những bạn lần đầu viết thư xin việc, nhiều bạn thường có thói quen sử dụng các danh từ xưng hô như “mình”, “tớ” hay tên riêng khi trao đổi hoặc giới thiệu với nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó là việc thiếu các kính ngữ, điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bạn thiếu lịch sự và không tôn trọng họ.

2. Hãy đọc kỹ nội dung tuyển dụng

Trong nhiều trường hợp, khi một công ty ghi rõ ở phần liên hệ “Nếu bạn muốn ứng tuyển, hãy gửi CV vào email abc@”, nhưng nhiều bạn vẫn nhắn vào hộp tin nhắn trên Facebook. Không nhà tuyển dụng nào thích tuyển nhân viên “không thích đọc hướng dẫn trước khi làm cả”. Hãy đọc kỹ và làm đúng như những yêu cầu mà nhà tuyển dụng đã ghi.

3. Hãy tìm hiểu kỹ công việc và công ty mà bạn muốn ứng tuyển

Công ty đó có thật sự là nơi bạn muốn gắn bó hay không? Hãy dành chút thời gian tìm hiểu về công ty, về hoạt động của họ, về những giá trị công ty đang đại diện… và trả lời câu hỏi đó. Đừng đến phỏng vấn trong khi bạn không biết mình sẽ làm gì, cho ai, công ty này có gì tốt, hay thậm chí đọc/viết sai tên công ty là điều không thể chấp nhận.

4. Ứng tuyển vào đúng vị trí

Có nhiều bạn đang làm vị trí khá cao trong công ty khác lại xin vào vị trí Intern/Executive và muốn lương như một quản lý vì cho rằng bạn xứng đáng hoặc kinh nghiệm chưa cao nhưng lại xin vị trí quá tầm với. Hãy đọc kỹ, tìm hiểu kỹ, phải biết mình muốn gì, đừng làm mất thời gian của chính bạn và người khác.

Nếu bạn đang làm ở cấp bậc nào thì hãy tìm công việc tương tự, đừng ứng tuyển vào những vị trí thấp hơn và yêu cầu lương cao vì nghĩ rằng bạn “dư sức” làm được. Khi nhà tuyển dụng đăng tuyển vị trí nào, họ đã có kế hoạch kỹ lưỡng về vị trí ấy. Có thể quỹ lương chỉ vừa đủ cho vị trí đó, có thể công ty đã có sẵn vị trí cao nên không cần thêm… Việc đang ở vị trí cao mà vẫn “nhắm mắt” xin vào vị trí thấp và bị từ chối sẽ làm cho bạn hụt hẫng, thất vọng, mất niềm tin và nghĩ rằng bạn không đủ giỏi hay công ty này không “hiểu” tài năng của bạn. Tất cả đều sai, khi bạn không phù hợp là không phù hợp dù bạn có giỏi cỡ nào và đó không phải lỗi của bạn nếu bạn quá giỏi mà lỗi là bạn đang “apply” sai vị trí.

5. Hãy gửi một lá thư xin việc chỉn chu

Trước khi gửi email đến nhà tuyển dụng, bạn cần phải đọc kỹ nội dung lá thư trước khi gửi. Có rất nhiều lần các nhà tuyển dụng nhận được những lá thư xin làm công việc này nhưng lại ứng tuyển vào vị trí khác, hay gửi công ty A lại ghi “Dear công ty B”…

Hãy dành một chút thời gian sửa lại nội dung email phù hợp với công việc bạn đang xin để không xảy ra những sai sót. Nếu không, khả năng bạn được gọi phỏng vấn hoặc nhận vào làm sẽ gần như bằng không.

6. Hãy điều chỉnh kích thước tệp “profile” khi gửi kèm trong thư xin việc

Profile, hay với các bạn làm về nghệ thuật là portfolio, là lời giới thiệu ngắn gọn, hiệu quả nhất về cá nhân ứng viên. Tùy vào kinh nghiệm và quá trình làm việc mà kích thước profile của mỗi người sẽ khác nhau. Hãy nén tệp đủ nhỏ để có thể đính kèm vào thư xin việc. Bạn cũng có thể tải profile lên “google drive” hoặc “Behance.net” để thuận lợi cho nhà tuyển dụng khi muốn mở xem.

7. Đến sớm hơn giờ hẹn, ăn mặc lịch sự và mang theo CV

Tưởng chừng đây là những điều (vô cùng) cơ bản bắt buộc phải biết, nhưng nhiều bạn vẫn mắc phải lỗi này khi đi phỏng vấn. Hãy đến sớm ít nhất 10 phút và ăn mặc thật lịch sự. Hãy nhớ mang theo CV, các giấy tờ, bằng cấp cần thiết để tạo ấn tượng rằng bạn có sự chuẩn bị chu đáo. Rất nhiều lần các nhà tuyển dụng hỏi xem CV, nhưng nhiều bạn vẫn “em gửi qua email rồi mà”. Đúng, bạn đã gửi qua email, nhà tuyển dụng đã đọc mới gọi bạn nhưng họ không chỉ gọi mình bạn, họ gọi những ai họ muốn gặp. Vậy làm sao họ có thể nhớ hết về bạn nếu bạn không “giúp” cho họ có ấn tượng hơn bằng việc in tấm CV ra? Dù họ có in sẵn thì việc in thêm chỉ giúp cho bạn thêm điểm cộng chứ không mất gì cả.

8. Hãy cất điện thoại vào túi xách hoặc chuyển sang chế độ im lặng

Khi đang phỏng vấn, điện thoại run bần bật, nhiều bạn không dám nghe nhưng rồi lại bị phân tâm và không thể hiện bản thân tốt. Đôi lúc sẽ làm nhà tuyển dụng cảm thấy khó chịu vì bị ngắt khoảng.

9. Tác phong nhã nhặn, lời nói tự tin và cười tươi

Khi ngồi nói chuyện, bạn nên ngồi thẳng lưng, hai tay để trên bàn thay vì khoanh tay ngồi nghe. Hạn chế ngó nghiêng, bẻ ngón tay, hãy nhìn thẳng, ngồi thẳng. Khi nói chuyện nên tự tin, nói dễ nghe, cười thân thiện. Nhiều bạn có thói quen thêm những từ đệm vô nghĩa như là “kiểu” hay “kiểu”. Ví dụ “Em kiểu Dạ đang làm… kiểu…ở công ty này, công việc của em kiểu… làm… kiểu… các loại… kiểu các loại”. Bạn càng thêm nhiều từ đệm càng chứng tỏ bạn không biết bạn đang nói gì. Ngay cả việc thể hiện bản thân mà phải dùng quá nhiều từ đệm vô nghĩa như vậy thì rõ ràng ấn tượng của bạn với nhà tuyển dụng sẽ rất thấp.

10. Hãy trả lời thẳng vấn đề

Những gì bạn không biết thì hãy trình bày thẳng là chưa có kinh nghiệm về việc này nhưng hãy thể hiện bạn là người nhanh trí, sẽ học hỏi rất nhanh và đảm bảo tốt công việc được giao. Nếu được hỏi có thể làm việc cuối tuần, ngoài giờ hay không thì bạn thể hiện sự nhiệt tình với công việc, tuyệt nhiên không đắn đo hay chần chừ quá lâu. Điều này thể hiện sự nhiệt tâm của bạn đối với công việc và bạn sẵn sàng để làm tốt công việc mà mình được giao.

Có rất nhiều bạn sẽ thắc mắc hoặc đòi hỏi không làm việc cuối tuần. Nhưng ở hầu hết các công ty, việc đi làm vào cuối tuần lúc cần thiết để kịp tiến độ dự án. Điều này thể hiện trách nhiệm công việc của bạn và tinh thần làm việc tập thể. Sẽ rất bất thường nếu mọi người trong công ty đều hi sinh ngày nghỉ về tiến độ chung mà bạn lại nhàn nhã, thảnh thơ phải không? Tùy chính sách công ty, một số công ty sẽ có phần thưởng cho sự chăm chỉ của nhân viên, hoặc là nghỉ bù, hoặc là khen thưởng cuối năm vì sự đóng góp của bạn.

11. Vấn đề lương bổng

Khi bạn được hỏi về vấn đề lương bổng, hãy nói rõ con số bạn muốn. Không nên thì thầm “dạ nhiêu cũng được, em không đặt nặng anh/chị ơi” (để rồi sau đó lại bực bội vì sao người ta không trả lương đúng ý). Lương là thù lao chính đáng, bạn cảm thấy bạn cần được trả như thế nào thì hãy đưa ra. Có công ty sẽ đủ khả năng trả với mức lương như thế, có công ty thì không. Tuy nhiên, bạn phải xem xét thật kỹ công việc và bản thân và đưa ra mức lương phù hợp với khả năng của mình.

12. Hãy đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Nên đặt câu hỏi ngược lại cho nhà tuyển dụng. Bạn hãy thẳng thắn hỏi về tính chất công việc, về trách nhiệm, cũng như quyền lợi. Đây là cách để chứng tỏ rằng bạn thật sự quan tâm đến công việc này và sẽ làm cho nhà tuyển dụng có ấn tượng với bạn hơn.

13. Lời chào tạm biệt

Sau khi tìm hiểu công việc, quyền lợi, nghĩa vụ, bạn tin rằng đây là công việc bạn mơ ước thì hãy kết thúc cuộc phỏng vấn đó bằng câu “If you hire me, I will prove to you that today you made a good decision”. Nếu bạn đã tạo ấn tượng tốt trong buổi phỏng vấn thì câu này sẽ là nút thắt quan trọng để mang bạn đến với công việc yêu thích.

14. Cảm ơn nhà tuyển dụng sau buổi phỏng vấn

Sau buổi phỏng vấn, trễ nhất là sau 12 tiếng, bạn nên gửi một email cảm ơn nhà tuyển dụng đã dành thời gian gặp bạn và sau khi tìm hiểu về công việc, bạn khẳng định đây chính là công việc mình yêu thích và tin rằng bạn sẽ là trở thành một sự đóng góp lớn cho thành công của công ty trong tương lai.

Nếu bạn có bị từ chối, hãy email cảm ơn một lần nữa vì nhà tuyển dụng đã dành thời gian cho bạn và hi vọng rằng trong tương lai sẽ có dịp làm chung với nhau.

Xin việc làm cũng giống như bán hàng. Trong đó, sản phẩm chính là bản thân bạn. Hãy xem mỗi cái email, mỗi cuộc phỏng vấn là một thương vụ giao dịch không thể thua, phải nắm bắt dù là cơ hội nhỏ vì cái nhỏ có thể sẽ thành cái to và bạn sẽ đánh mất cơ hội của chính mình.

Thực hiện: Hiếu Lê