Những gì đã giúp H&M trở thành thương hiệu thời trang thành công trên toàn cầu?

Ngày đăng: 15/02/22

Nhờ chiến lược mở rộng toàn cầu, thương hiệu thời trang nhanh Thụy Điển đã phát triển và trở thành một trong những nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới. 

Thành công của H&M được định hình bởi phương pháp marketing linh hoạt và hiệu quả. Từ các mô hình marketing thông minh đến những mối quan hệ đối tác có chủ đích, H&M thể hiện được sự cân bằng giữa tính thời trang, chất lượng và giá cả. Nếu bạn quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh thời trang, thì một vài điều đặc biệt đi ngược lại đám đông của thương hiệu đình đám này sẽ khiến bạn ngẫm nghĩ. 

H&M khiến khách hàng của họ mua… ít hơn?

Nghe có vẻ thật vô lý trong khi những nhà bán lẻ bao đời nay luôn cố gắng đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá của mình qua nhiều cách thức. Thương hiệu Tây Ban Nha, Zara – đối thủ cạnh tranh chính của H&M và cả hai thường xuyên tranh giành vị trí bán hàng hàng đầu của nhau. Tại Ấn Độ, H&M đã giành được chiến thắng khi đánh bại Zara trong trò chơi định giá. Không thể phù hợp với giá của H&M, Zara chỉ có thể nhìn H&M tăng gấp đôi doanh số bán hàng của mình trong khoảng thời gian chín tháng.

Tuy nhiên, H&M nhanh chóng nhận ra không phải cứ bán rẻ để bán nhiều là cách làm tốt nhất. Họ bắt đầu chuyển hướng từ thời trang nhanh giá rẻ để đi một con đường khó khăn hơn, thương hiệu dẫn đầu về tính bền vững. Phương pháp tiếp cận “vòng tròn” mới của công ty hướng khách hàng đến thói quen mua sắm thân thiện với môi trường, tập trung vào quần áo đẹp bền lâu hơn và có thể tái chế được. 

H&M không ngại tính phí nhiều hơn cho mỗi mặt hàng, đồng thời khuyến khích người khách hàng mua ít mặt hàng hơn. Điều này giúp H&M “ghi điểm” nhiều hơn khi xu hướng tiêu dùng chung dần dịch chuyển từ thời trang nhanh sang sản phẩm thời trang bền vững và có đạo đức. Và cũng nhờ điều này, H&M không rơi vào danh sách thương hiệu bị đào thải khỏi thời cuộc hiện nay. 

Tạo ra chuỗi cung ứng kịp thời

Khi nhắc đến H&M, định vị của họ xoay quanh châm ngôn: quần áo hợp xu hướng với giá cả phải chăng. H&M cung cấp đầy đủ mặc hàng cần thiết: từ quần áo thời trang, đến đồ bơi, giày dép, đồ lót và phụ kiện. Để làm được điều này, H&M buộc phải tạo ra một chuỗi cung ứng cho phép họ phản ứng kịp thời với những xu hướng đang thay đổi đồng thời đảm bảo chất lượng để duy trì niềm tin với khách hàng, và nhất thiết phải kiểm soát được mức giá

Họ tìm thấy giải pháp thích hợp: hợp tác với các nhà sản xuất có kinh nghiệm ở các nền kinh tế đang phát triển cho các mặt hàng cơ bản, H&M đã giảm thiểu chi phí đầu vào trong khi vẫn có chất lượng ở mức chấp nhận được. Các sản phẩm cao cấp hơn, cũng như những sản phẩm đòi hỏi thời gian sản xuất nhanh hơn chỉ trong 20 ngày, được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ và khắp châu Âu.

Trong cả hai trường hợp, các văn phòng sản xuất có vị trí chiến lược cho phép H&M giữ mối liên hệ chặt chẽ với các đối tác sản xuất của mình. Với việc bổ sung hàng tồn tại cửa hàng hàng ngày, H&M có thể điều chỉnh các dịch vụ tại cửa hàng trên cơ sở từng địa điểm từ dữ liệu bán hàng thông qua các phần mềm quản lý của họ. 

Hợp tác cùng các nhà thiết kế danh tiếng lẫy lừng như Alexander Wang, Karl Lagerfeld và Jeremy Scott

H&M không nghĩ rằng họ và những nhà thiết kế trứ danh của dòng thời trang cao cấp là không phù hợp. Một trong những sáng kiến ​​được yêu thích nhất của H&M là chuỗi hợp tác liên tục không chỉ với những người có ảnh hưởng nổi tiếng mà còn với các nhà thiết kế thời trang cao cấp. 

Năm 2004, H&M hợp tác với nhà thiết kế huyền thoại Karl Lagerfeld để tạo ra một bộ sưu tập đặc biệt, và họ bán hết veo chúng trong vòng vài phút. Những mối quan hệ đối tác này mang đến lợi ích cho cả đôi bên. H&M mang đến cho khách hàng các sản phẩm mang âm hưởng và hơi thở của thời trang cao cấp, và mặt khác những nhà thiết kế danh tiếng có một con đường để phổ biến với đại chúng. 

Beckham, Madonna, The Weeknd và nhiều người nổi tiếng khác đều đã từng hợp tác với H&M. Các thương hiệu khác đã nhanh chóng chú ý đến những thành công vượt bậc này, Uniqlo và Topshop đều noi gương H&M tạo nên những cuộc hợp tác sau này. 

Ngừng tìm kiếm một con đường tắt để dẫn đến thành công

Nếu có một điều cần học được từ ví dụ của H&M, thì đó là: việc vận hành thành công một thương hiệu quốc tế đòi hỏi phải liên tục hiệu chỉnh và các bộ phận hoạt động nhịp nhàng và ăn khớp với nhau. Điều này tương đối phức tạp. H&M không phải chưa từng mắc sai lầm trong các chiến lược tiếp thị. Tuy nhiên, thương hiệu có thể đưa ra hành động điều chỉnh nhanh chóng và kịp thời. 

Đồng thời bạn cũng nên lưu ý, các chiến lược tiếp thị sẽ không mang đến hiệu quả nếu bộ máy hoạt động của công ty không đồng bộ. Điều gì sẽ xảy ra khi các chiến dịch quảng cáo được tung ra rầm rộ nhưng hàng hoá lại chưa về kịp các cửa hàng hay sự khác biệt về văn hóa từng vùng tạo nên nhiều tranh cãi trong cộng đồng. 

Nhưng nhìn chung, từ những điều ở trên H&M đã mang đến cho những người quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh thời trang các bài học thú vị. 

Thực hiện: Hoàng Khôi