Những khoảnh khắc thời trang bền vững tỏa sáng trên đường băng vừa qua

Ngày đăng: 16/03/22

Với sự kêu gọi khẩn cấp của môi trường hiện nay, không chỉ có vẻ đẹp hoàn mỹ, hào nhoáng được mang lên sàn diễn mà đằng sau những thiết kế chuẩn chỉnh đó là những thông điệp ủng hộ tính bền vững trong thời trang.

Khi mỗi mùa thời trang hay Tuần lễ thời trang trôi qua, nhu cầu giải quyết tác động của ngành công nghiệp thời trang đến môi trường trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tất nhiên, công cuộc nâng cao ý thức, tầm nhìn này sẽ đòi hỏi một khoảng thời gian dài nhưng không cũng không thiếu những cuộc thay đổi đầy hứa hẹn trên các sàn diễn thời trang Thu Đông 2022.

Gabriela Hearst và Stella McCartney đều là những cái tên quen thuộc, dẫn đầu cuộc trò chuyện về tính bền vững trong thời trang, ngoài ra, còn có các nhà thiết kế trẻ hơn như Bethany Williams, Ahluwalia và Harris Reed – những người mang đến một cái nhìn thoáng qua đầy cởi mở về một tương lai thân thiện hơn với môi trường. Còn với đối với Balenciaga và Diesel, những nhà mốt đình đám này cũng ngày càng đưa ra nhiều cải tiến, đầu tư vào tính bền vững trong toàn ngành thời trang nói chung. Hãy cùng Style-Republik khám phá những khoảnh khắc thời trang bền vững bùng nổ trên đường băng mùa này nhé!

Stella McCartney ra mắt túi làm bằng da từ quả nho

Stella McCartney vốn nổi tiếng với cách tiếp cận đậm chất bền vững khi sản xuất sản phẩm, đặc biệt là dòng túi làm bằng da. Thương hiệu hạn chế dùng chất liệu da thật (từ động vật), thay vào đó sẽ thay thế bằng các loại vật liệu khác, thuần chay, có nguồn gốc từ thiên nhiên như da nấm (một chiếc túi làm từ Mylo đã được trình làng lần đầu tiên vào mùa trước). Trở lại mùa Thu Đông 2022 năm nay, da nho sẽ là chất liệu mới được nhà mốt “lăng xê”. Trên đường băng, nhà thiết kế đã trình làng chiếc túi được nhấn nhá bởi logo của thương hiệu, được làm bằng chất thải của nho từ các nhà máy rượu vang Ý. Ngoài ra, da nho cũng được sử dụng trên những thiết kế giày.

Chloé hợp tác với những nghệ nhân làm chăn bông

Kể từ khi nắm quyền lãnh đạo Chloé, giám đốc sáng tạo Gabriela Hearst đã chú trọng hơn vào tay nghề thủ công cũng nhằm đối phó với tình trạng “công nghiệp hóa quá mức” của ngành công nghiệp thời trang hiện nay. Lần này, nhà mốt Pháp đã hợp tác với Gee’s Bend Quilters – một cộng đồng nhỏ của những người phụ nữ da đen ở Alabama, chuyên sản xuất, may đo chăn bông, từ những mảnh vải thừa không còn sử dụng. Những mảnh ghép màu sắc này đã thắp sáng đường băng của nhà mốt vừa qua.

Diesel và vải denim tái chế

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp thời trang dường như nhận được nhiều tin vui, đặc biệt là những cải tiến lớn trong sản xuất chất liệu denim bền vững. Diesel được xem là một trong những nhà mốt “tiên phong” cho cuộc cách mạng này. Với bộ sưu tập mùa này, nhà mốt đã  giới thiệu làng mốt những sản phẩm đầu tiên được làm từ denim, bông và elastane được tái chế hoàn toàn cũng như không dùng nước trong quá trình nhuộm. Đây cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng của thương hiệu.

Balenciaga trình làng thiết kế áo khoác da nấm đầu tiên

Khung cảnh bão tuyết ấn tượng mà Demna Gvasalia thể hiện ở show trình diễn Balenciaga Thu Đông 2022 được ví như một lời nhắc nhở, cảnh tính về cuộc khủng hoảng khí hậu – một vấn đề mà giám đốc sáng tạo cũng đã thể hiện trong các mùa trước. Nhà mốt cũng trình làng giới mộ điệu một bước tiến mới ủng hộ tính bền vững trong thời trang bằng chiếc áo khoác da làm từ sợi nấm (được sản xuất từ rễ nấm). 

Vivienne Westwood ra mắt chủ đề Reimagining Waste

Vivienne Westwood từ lâu vốn đã là nhà mốt gióng lên những hồi chuông cảnh báo đầu tiên về cuộc khủng hoảng khí hậu, và những thiết kế mang tinh thần bền vững của nhà mốt đã phản ánh điều đó. Vào mùa Thu Đông năm 2022, Westwood đã giới thiệu khái niệm, chủ đề mới – Reimagining Waste, bằng cách sử dụng lại các vật liệu đã “chết” từ các show diễn trước, trong BST mới đã có 71% thiết kế được làm từ các vật liệu ít độc hại và vô cùng thân thiện với môi trường.

Coach và chiếc trench coat được làm từ da tái chế

Với việc sử dụng các mảnh thiết kế trong kho lưu trữ vào những thiết kế gần đây, giám đốc sáng tạo của Coach, Stuart Vevers, đã tạo ra loại vật liệu “tái chế” trong bộ sưu tập Thu Đông 2022 của mình, bằng cách “tách rời” những vật liệu cần thiết từ những món đồ cổ điển.

Show diễn debut của Ahluwalia

Với dòng sản phẩm Womenswear gồm các thiết kế “Upcycled” tiêu biểu của cô, đường băng debut lần này chắc chắn là khoảnh khắc quan trọng đối với NTK. Bên cạnh đó, thời trang bền vững cũng có thể là một công việc kinh doanh tốt. 

Harris Reed sử dụng vải thừa từ vật liệu trang trí nội thất

BST Found của nhà mốt – được sản xuất lại từ những chiếc váy cưới “đã qua sử dụng” từ Oxfam, vẫn mãi là tác phẩm tuyệt vời mà ít người có thể làm theo. Với lần trở lại trong mùa này, kho lưu trữ vải trang trí nội thất Bussandri đã một lần nữa “hiện thực hóa” khát vọng tái mục đích sử dụng của các vật liệu bị “ngó lơ”.

Marine Serre giới thiệu tinh thần bền vững của thương hiệu 

Với sự nỗ lực khiến thời trang bền vững ngày càng dễ tiếp cận hơn với nhiều đối tượng, Marine Serre đã quyết định tổ chức một cuộc triển lãm kéo dài hai ngày, mang tên Hard Drive, trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang Paris. Tại đây, nhà mốt đã giới thiệu làng mốt cách sử dụng lại các vật liệu vốn đã có từ trước, từ thảm cổ điển đến khăn quàng cổ bằng lụa. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm thiết kế của cô đã cho người xem quy trình để tạo ra các thiết kế upcycled của mình.

Atlein và cách tiếp cận “kỳ lạ” với các viên nén cà phê Nespresso đã sử dụng

Thời trang bền vững thú vị hay nhàm chán? Đây có lẽ là một câu hỏi mang tính cá nhân như đối với người sáng lập của Atlein, Antonin Tron, thì chắc chắn thời trang bền vững sẽ trở nên vô cùng thú vị. Với BST Thu Đông 2022 lần này anh đã quyết định tận dụng các chất liệu có sẵn trong studio của mình. Và nó cũng được đánh giá là một BST nổi bật, ấn tượng nhất là chiếc áo và chiếc váy được sản xuất từ những viên cà phê nén Nespresso đã qua sử dụng, được ghép lại với nhau vô cùng phức tạp.

Thực hiện: Huỳnh Trân