Những kiến thức cơ bản về chuỗi cung ứng trong ngành may mặc

Ngày đăng: 03/04/23

Chuỗi cung ứng trong ngành may mặc tuy không phải luôn được quan tâm, nhưng lại đóng vai trò hết sức quan trọng tới sự tồn vong của một ngành công nghiệp.

Tại sao các công ty may mặc tuân theo chiến lược chuỗi cung ứng truyền thống đang phải đối mặt với thời gian sản xuất dài hơn, kéo theo chu kỳ sản xuất dài? Liệu có cách nào để tăng tốc độ sản xuất không?

Chuỗi cung ứng trong ngành may mặc là gì?

Chuỗi cung ứng trong ngành may mặc sẽ bao gồm những phân ngạch khác nhau như sau:

1. Sản xuất chất liệu thô

Mỗi sản phẩm may mặc đều yêu cầu chất liệu cơ bản. Có vật liệu tự nhiên và tổng hợp (hoặc nhân tạo).

Nguyên liệu thô tự nhiên đến từ thực vật và động vật, ví dụ như bông từ cây bông. Các ví dụ khác về cây trồng là vải lanh và cây gai dầu, và từ động vật; len (từ cừu), lụa (từ tằm) và cashmere (từ dê).

Hiện nay, nhờ vào công nghệ, ngày càng nhiều những chất liệu nhân tạo. Những chất liệu này được sản xuất trong các nhà máy hóa chất. Polyester là loại sợi tổng hợp phổ biến nhất trong quần áo và được làm từ dầu mỏ nhiên liệu hóa thạch. Các ví dụ khác về sợi nhân tạo bao gồm axetat, polyamit, spandex (elastane) và cupro.

2. Bán sỉ nguyên liệu thô

Bán sỉ nguyên liệu thô tuy khá rộng, nhưng có thể hiểu đơn giản là tập hợp các vật liệu cơ bản, tự nhiên và giao thương chúng, phục vụ cho việc sản xuất quần áo. Sự đa dạng trong việc bán sỉ nguyên liệu thô có thể được hiểu thông qua ví dụ như bông được trồng bởi nông dân ở các quốc gia khác nhau, còn vải nhân tạo thường được giao trực tiếp từ nhà máy cho các công ty dệt may.

3. Ngành dệt

Các công ty dệt tạo ra sợi từ nguyên liệu thô. Các sợi sau đó được làm thành các loại vải, trong đó có hai loại: vải dệt và dệt kim. Các loại vải sau đó được nhuộm hoặc in.

4. Bán sỉ vải

Nhà cung ứng vải mua các loại vải từ các công ty dệt lớn (hoặc trực tiếp từ các nhà máy sản xuất của công ty dệt) và bán các loại vải này cho các doanh nghiệp sản xuất ngành may mặc.

5. Nhà sản xuất

Các nhà sản xuất hoặc các ateliers sử dụng các loại vải này để sản xuất thành quần áo – được ủy quyền bởi các thương hiệu thời trang và/hoặc công ty may mặc. Hoạt động sản xuất được diễn ra sau đó.

Trong một nhà máy chuyên về hàng may mặc sẵn, quá trình sản xuất hàng may mặc được chia thành một số lượng lớn các hoạt động riêng biệt, chẳng hạn như cắt và may.

Để cắt, kích thước ít nhiều cố định – nó được thực hiện thông qua các rập mẫu ở các kích thước khác nhau. Bằng cách sử dụng rập mẫu có kích thước tiêu chuẩn, quá trình sản xuất hàng loạt dễ dàng và rẻ hơn. Lắp ráp một quần áo và xử lý hậu kỳ thường vẫn cần đến lao động phổ thông.

chuỗi cung ứng trong ngành may mặc

Thông thường các công nhân hàng may mặc khác nhau, mỗi người trong số họ chỉ chịu trách nhiệm một phân mảnh nhỏ của quần áo. Có những người chỉ chuyên vào dây kéo, trong khi những người khác may ve cổ, hoặc làm túi. Đây được coi là cách làm việc có quy trình hiệu quả, phổ biến nhất.

6. Bán sỉ hàng may mặc

Khi quần áo đã được sản xuất hàng loạt thì sẽ đến giai đoạn phân phối. Sẽ có các đại lý – là các nhà nhập khẩu và các thương hiệu thời trang phân phối hàng may mặc cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ và các kênh bán hàng khác nhau.

Nhiều thương hiệu quần áo may mặc (hay thương hiệu thời trang), làm việc với một hoặc nhiều đại lý để họ không phải tự thành lập và vận hành các chi nhánh ở nước ngoài. Một đại lý có nhiệm vụ thâm nhập và tiếp thị tới thị trường bản địa. Các đại lý thường đã có sẵn nguồn khách hàng là các nhà bán lẻ, thông thạo ngôn ngữ bản địa và am hiểu thị trường.

Đại lý đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của việc phân phối hàng may mặc và thời trang, và đây là cách mà họ vận hành:

Một đại lý hoạt động thay mặt cho thương hiệu may mặc/ thời trang. Đại lý không sở hữu hàng hóa và không trữ hàng, mà chỉ làm trung gian. Đại lý tạo đơn đặt hàng, nhưng thương hiệu vẫn giữ quyền kiểm soát việc nhận đơn đặt hàng. Đại lý tiếp nhận nhu cầu của khách hàng, làm việc với thương hiệu để thương hiệu có thể giao hàng trực tiếp cho khách hàng. Những khách hàng đó trở thành khách hàng của thương hiệu. Đại lý nhận được hoa hồng trên tất cả doanh số bán hàng. Thương hiệu chịu mọi rủi ro trong việc thanh toán, và vốn bỏ ra cho việc sản xuất.

Các thương hiệu may mặc, thời trang cũng có thể lựa chọn để làm việc với các nhà phân phối. Sự khác biệt nằm ở chỗ nhà phân phối chịu rủi ro về thanh toán, và vốn đầu vào để mua lại hàng hóa may mặc. Nhà phân phối, hoặc người bán lại thường là một công ty độc lập. Điều này có nghĩa là nhà phân phối có nhiều quyền tự do hơn. Chẳng hạn họ có thể quyết định mức giá bán quần áo và sẽ thông qua các kênh bán sản phẩm nào. Với hình thức này, thương hiệu phát triển và sản xuất sản phẩm sẽ có ít quyền kiểm soát hơn đối với việc phân phối, nhưng cũng ít rủi ro hơn.

Trong ngành thời trang, các thương hiệu lớn, đặc biệt là ở các phân khúc cao cấp hơn như túi xách hoặc giày dép, muốn kiểm soát giá cả, trải nghiệm thương hiệu, cơ sở khách hàng và kênh bán hàng, do đó thường chọn làm việc với đại lý.

7. Bán lẻ

Các nhà bán lẻ đặt hàng quần áo may mặc từ các đại diện bán hàng thuộc các đại lý. Các nhà bán lẻ bán quần áo cho người tiêu dùng. Đây là giai đoạn tiếp thị trong hành trình tiêu dùng của sản phẩm may mặc.

Nhà bán lẻ là một thuật ngữ chung để chỉ các loại hình kinh doanh hoặc cửa hàng thời trang. Ví dụ, thuật ngữ này có thể được áp dụng cho các nhà bán lẻ hoặc doanh nhân độc lập có một hoặc hai cửa hàng thời trang của riêng họ. Các nhà bán lẻ cũng có thể là các thương hiệu với chuỗi cửa hàng rộng khắp, chẳng hạn như Scotch & Soda, H&M, Zara, cũng như các trung tâm mua sắm như Karstadt, De Bijenkorf và Selfridges. Hiểu đơn giản là họ là đơn vị bán quần áo may mặc cho người tiêu dùng.

Điểm cuối của chuỗi cung ứng chính là người tiêu dùng sản phẩm hàng may mặc.

Nền tảng của chuỗi cung ứng trong ngành may mặc

Chuỗi cung ứng trong ngành may mặc có rất nhiều mắt xích. Nếu so với các chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp khác, ví dụ như ngành thực phẩm, thì ngành may mặc có chuỗi cung ứng dài hơn hẳn, bởi các mắt xích phụ thuộc vào nhau chặt chẽ. Ví dụ thực tế là các nhà máy không thể bắt đầu sản xuất một bộ sưu tập cho đến khi họ nhận được loại vải phù hợp. Các nhà cung cấp vải cần từ bốn đến tám tuần để tạo ra một loại vải mới vì họ phụ thuộc vào các nhà sản xuất sợi, v.v.

Chuỗi cung ứng trong sản xuất không chỉ có nhiều bước, mà đã mang tính toàn cầu hóa cao, chỉ trong vòng 25 năm trở lại đây. Ngày nay, các loại hàng hóa may mặc thường được thiết kế ở một quốc gia, được gia công ở một quốc gia khác và được bán trên toàn thế giới.

chuỗi cung ứng trong ngành may mặc

Hầu hết các công ty trong lĩnh vực thiết kế quần áo và bán quần áo có trụ sở chính ở một nơi, nhưng thuê sản xuất ngoài ở các quốc gia có lao động giá rẻ (rẻ hơn ở Tây Âu và/hoặc các nước Mỹ). Thông thường, việc sản xuất diễn ra các quốc gia có nhân công giá rẻ, như Trung Quốc, Bangladesh, Campuchia và Myanmar, và sản phẩm được bán ở các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ.

Chiến lược cung ứng này đã khởi phát ở châu Âu vào những năm 1960, và đạt đến đỉnh điểm vào những năm 1990. Các công ty thời trang thuê sản xuất ngoài ở quy mô lớn bao gồm các chuỗi bán lẻ như We Fashion và Primark, cũng như các thương hiệu thời trang như G-Star, Nike và Adidas, và thậm chí cả các nhãn hiệu xa xỉ. Vì hầu hết các công ty trong ngành đã áp dụng cách làm việc này, nó được gọi trong ngành là chiến lược chuỗi cung ứng truyền thống (hoặc thông thường).

Bằng cách di chuyển sản xuất (số lượng lớn) sang các nước chi phí nhân công thấp, chi phí sản xuất sản phẩm đã giảm. Điều này cho phép các thương hiệu quần áo sản xuất quần áo với chi phí thấp hơn và do đó làm cho chúng rẻ hơn, phù hợp với sức mua của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nó cũng dẫn đến thời gian vận chuyển dài hơn và ít linh hoạt hơn.

Dự báo trong chuỗi cung ứng

Vì chu kỳ sản xuất quá dài và quần áo may sẵn được sản xuất với số lượng lớn như vậy, các công ty may mặc hay thời trang cần phải dự báo trước về xu thế, thiết kế và ước tính số lượng hàng may mặc cần sản xuất. Do đó, để thích nghi với chiến lược chuỗi cung ứng truyền thống, hầu hết các nhà thiết kế và thương hiệu quần áo bắt đầu phát triển bộ sưu tập của họ trước hơn một năm.

Với tất cả mọi thứ được lên kết hoạch và triển khai từ một khoảng thời gian rất lâu trước đó, ngành công nghiệp thời trang phải đối mặt với rất nhiều sự không chắc chắn và rủi ro. Về bản chất, ngành công nghiệp may mặc rất nhạy cảm với thị trường, có nghĩa là nó phải liên tục đáp ứng nhu cầu bắt kịp xu hướng – nhất là các kiểu xu hướng phân mảnh, tự phát và khó lường được khởi nguồn từ mạng xã hội.

Một trong những thách thức trong ngành thời trang là phải dự đoán những gì người tiêu dùng sẽ muốn mặc trong tương lai. Đến thời điểm hiện tại, nó cũng vẫn tiếp tục là thách thức lớn nhất, bởi không phải xu thế nào được khởi phát từ ngành công nghiệp may mặc, thời trang, cũng đều được đón nhận bởi người tiêu dùng.

Tốc độ và tính linh hoạt: Ngành công nghiệp thời trang khó có thể phản ứng nhanh chóng với xu hướng được khởi nguồn từ mạng xã hội, là bởi vì chuỗi cung ứng không thể phản ứng nhanh chóng để thay đổi theo thị trường. Thực chất, tuy nền tảng của việc bán quần áo thời trang là dựa trên tiền đề của xu hướng hay những thứ mới mẻ, nhưng thực chất, quy cách vận hành của toàn ngành (nhất là chuỗi cung ứng) lại thiếu linh hoạt và chậm chạp – hơn là vẻ bên ngoài của nó.

chuỗi cung ứng trong ngành may mặc

Ngay cả những hãng thời trang nhanh, với tốc độ sản xuất nhanh như vũ bão, ví dụ như Shein hay Zara, thì cũng sẽ phải bất lực trong việc bắt kịp xu hướng nếu như toàn chuỗi cung ứng không có chất liệu vải thay thế hoặc phù hợp để sản xuất.

Chiến lược tăng tốc độ sản xuất (bắt nguồn từ chuỗi cung ứng của thương hiệu thời trang nhanh Zara)

Thương hiệu thời trang nhanh Zara, nổi tiếng là có khả năng ra mắt mẫu thiết kế mới chỉ trong vòng từ 2-3 tuần. Các mẫu thiết kế của Zara luôn được xem là “bản dupe” hay phiên bản “có thể tiếp cận” của các thương hiệu thời trang cao cấp. Để làm được điều này, Zara đã cố gắng tổ chức mọi công đoạn, bao gồm chuỗi cung ứng – thiết kế, (vải) tìm nguồn cung ứng, sản xuất, hậu cần và cả bán hàng, được vận hành nội bộ, càng nhiều càng tốt.

Một cách khác để tăng tốc độ sản xuất là để công đoạn này ở gần nơi tập trung bày bán các sản phẩm của Zara nhất.

Zara tạo nên tiền đề cho việc nơi sản xuất ra sản phẩm thời trang ở gần hơn với nơi mà nó sẽ được bán. Ngày càng có nhiều sự chuyển dịch về xu thế cung ứng trong ngành công nghiệp thời trang – khi nơi sản xuất sẽ gần với thị trường bán hàng hơn hay được nhập về nơi bán sau quá trình sản xuất được hoàn thiện ở các nước có nguồn nhân công rẻ.

Xu thế này được trích từ báo cáo năm 2018 của McKinsey “Speed and flexibility to the fore”. Khảo sát cho thấy 71% các giám đốc sản phẩm (Chief Product Officer) được khảo sát bởi McKinsey cho thấy muốn nơi sản xuất gần nơi bán hơn. Khoảng cách cả hai điểm càng ngắn càng tốt đối với họ.

Sự quan tâm ngày càng tăng đối với hành vi tìm/đặt nơi sản xuất gần thị trường bán hàng cũng được phân tích bởi nhà báo thời trang Dana Thomas, qua cuốn sách Fashionolopis của bà. Cuốn sách có nội dung tập trung về sự trỗi dậy và nhược điểm của thời trang nhanh. Xu hướng sản xuất này bắt đầu lan rộng ở Mỹ và Anh kể từ vài năm trước.

Han Bekke, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Modint*, đưa ra nhận định rằng ông thấy đây đã trở thành một xu hướng rõ ràng. Ngày càng có nhiều đơn đặt hàng sản xuất đến các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha và Ý và các nước ở Đông Âu.

*Modint là hiệp hội thương mại cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp trong ngành thời trang và dệt may, có trụ sở chính đặt tại Hà Lan.

Chiến lược quan trọng, hợp lý nhất và nhanh nhất để tăng tốc chuỗi cung ứng là chiến lược tích hợp dọc. Trong kinh tế vi mô và quản lý, tích hợp theo chiều dọc là một sự sắp xếp, trong đó chuỗi cung ứng của một công ty thuộc sở hữu của công ty đó. Thông thường mỗi thành viên của chuỗi cung ứng sản xuất một sản phẩm khác nhau hoặc dịch vụ và các sản phẩm kết hợp để đáp ứng nhu cầu chung.

Các công ty may mặc hay thời trang có thể tự mở cửa hàng hay chuỗi bán lẻ để giới thiệu các thương hiệu và các bộ sưu tập quần áo của riêng họ, thay vì phụ thuộc vào các đại lý hay nhà phân phối bán sỉ. Các thương hiệu quần áo và nhà bán lẻ sẽ chỉ cần từ 3 đến 4 tháng là thời gian để sản xuất, thay vì 9 đến 12 tháng theo chiến lược cung ứng truyền thống. Chiến lược này rõ ràng sẽ có lợi hơn, vì chu kỳ sản xuất ngắn sẽ linh hoạt được hơn với nhu cầu nhanh chóng của khách hàng.

Sự khác nhau giữa retail và wholesale

Retail (Bán lẻ), là khi nhà sản xuất hoặc nhà sản xuất bán sản phẩm của mình trực tiếp cho người tiêu dùng.

Wholesale (Bán sỉ) là khi nhà sản xuất (hoặc thương hiệu) bán sản phẩm với số lượng lớn cho một “trung gian” sau đó bán nó cho người tiêu dùng.

Nhiều tên tuổi lớn trong ngành thời trang và may mặc có tổ chức hoạt động cả bán buôn và bán lẻ. Điều này có nghĩa là thương hiệu của họ được bán thông qua các nhà bán lẻ khác nhau (cửa hàng độc lập) cũng như thông qua các cửa hàng chính thức hoặc flagship store của họ. Đối với ngành công nghiệp thời trang, các flagship store là hình thức bán lẻ được phát triển kể từ cuối những năm 1990.

Thực hiện: Fellini Rose

Bài viết được tham khảo từ Fashion United