Những lời “có cánh” về thời trang bền vững liệu có thực sự ý nghĩa?

Ngày đăng: 17/12/22

Thời trang bền vững là mỹ từ… nói cho hay thôi chứ chúng không hề tồn tại? Không hẳn vậy! Đây có thể đang là xu hướng mới và liệu bạn đã biết nhiều về nó chưa?

Tính bền vững, về mặt môi trường, là trạng thái cân bằng, trong đó tài nguyên được sử dụng rất ít và với số lượng thấp đến mức chúng không bao giờ cạn kiệt và việc tạo ra thứ gì đó mới không được thực hiện nếu gây hại trong tương lai. Tính bền vững thực sự đòi hỏi sự chú ý có chủ ý và liên tục đến toàn bộ vòng đời của sản phẩm, kể cả trong lĩnh vực thời trang.

Động lực của ngành công nghiệp thời trang – phần lớn là: Tạo ra những thứ mới và thu hút mọi người mua nó để đạt lợi nhuận nhiều nhất, thường xuyên nhất có thể. Động lực này có vẻ ngầm mâu thuẫn với ý tưởng về tính bền vững có lợi cho môi trường. Nhưng điều đó không ngăn cản các thương hiệu thời trang cố gắng thu hút mọi người quan tâm đến các sản phẩm của mình hơn, bằng cách quảng bá là việc làm ra các sản phẩm ít tác động đến môi trường (nhưng nếu thực tế không như thế, thì đây có thể là “greenwashing”).

Điều này có thể xảy ra một phần là do ngày nay ít người hiểu quần áo được sản xuất như thế nào, đặc biệt đối với những thương hiệu nổi tiếng và có lợi nhuận cao nhất vì chuỗi cung ứng toàn cầu của họ khá phức tạp. Chuỗi sản xuất và cung ứng của họ có thể theo kiểu dây chuyền liên quốc gia, ví dụ bông vải được trồng ở một quốc gia; sau đó được kéo thành sợi ở quốc gia thứ hai; dệt ở quốc gia thứ ba; cắt, khâu ở quốc gia thứ tư; và cuối cùng bán ở quốc gia thứ năm. Hoặc tại một trong những thời điểm đó, công ty đã ký hợp đồng thực hiện một chức năng có thể thuê một số công ty nhỏ hơn để giúp họ hoàn thành đơn đặt hàng, thường là do khối lượng công việc lớn với thời hạn ngắn bất khả thi. Toàn bộ quy trình phức tạp giúp bảo vệ các thương hiệu khỏi trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ điều gì xảy ra trong chuỗi cung ứng và khiến việc tạo nên các tuyên bố mơ hồ về “thân thiện với môi trường”. 

Nếu bạn bắt gặp một thương hiệu tuyên bố rằng các sản phẩm thời trang của họ “đảm bảo tính bền vững”, “chống lại biến đổi khí hậu”, hãy nghiên cứu kỹ chúng có thực sự như vậy hay không. Và nếu bạn bắt gặp bất kỳ mỹ từ nào sau đây khi đang lướt internet tìm hiểu về một bộ trang phục mới được giới thiệu là thời trang bền vững, thì dưới đây là ý nghĩa thực sự của chúng mà bạn có thể tham khảo.

Tính minh bạch (Transparency)

Các thương hiệu hướng tới sự minh bạch sẽ mạnh dạn chia sẻ các thông tin quan trọng như nhà máy, tên công nhân, nguyên vật liệu được sử dụng… ở tất cả các giai đoạn của quy trình sản xuất. Đó là một tiêu chuẩn quan trọng có thể giúp người tiêu dùng đánh giá, xác định liệu có bất kỳ yếu tố nào của sản phẩm có tác động môi trường hay không. Thậm chí, bạn cũng có thể cảm nhận được thương hiệu đó đánh lừa người tiêu dùng rằng họ thân thiện với môi trường hay không.

Bền vững, thân thiện với môi trường (Sustainable, Eco-conscious, Eco-friendly, Environmentally friendly, Green)

Những từ này nhằm truyền đạt về ưu tiên môi trường của một thương hiệu và những người điều hành thương hiệu đó, nhưng chúng không có nhiều ý nghĩa theo bất kỳ cách nào có thể kiểm chứng được. Họ gợi ý rằng họ có sự quan tâm về tác động bất lợi của thời trang đối với biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu, nhưng họ không nhất thiết phải giải thích bất cứ điều gì cụ thể.

Đạo đức (Ethical)

Điều này cho thấy rằng các nguyên tắc đạo đức và mối quan tâm về quyền con người đã được các thương hiệu thời trang “xanh” xem xét trong suốt quá trình tạo ra quần áo của họ. Tuy nhiên, cũng rất khó để xác minh. Vì vậy, điều quan trọng là phải hiểu mức độ minh bạch của thương hiệu với khách hàng và kiểm toán viên.

Có ý thức, trách nhiệm (Conscious, Responsible)

Những từ này nhằm mô tả một thương hiệu cam kết giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và đạo đức (luật lao động của doanh nghiệp, mức lương, điều kiện của người lao động, mức lương…). Tuy nhiên, thật khó để chứng minh nếu không có nhiều sự minh bạch từ thương hiệu.

Vòng tuần hoàn (Circular)

Điều này có nghĩa là toàn bộ vòng đời của một sản phẩm thời trang nào đó đã được xem xét và thiết kế mang tính bền vững, từ quá trình phát triển nguyên liệu thô đến quá trình tái chế hoặc thải bỏ sản phẩm cuối cùng. Thương hiệu thời trang đó đã đề cao tính bền vững, đạo đức, quyền con người và minh bạch về các quy trình của mình trong tất cả các giai đoạn tạo ra sản phẩm.

Thương mại công bằng (Fair Trade)

Sản phẩm đáp ứng danh sách các tiêu chuẩn xã hội, môi trường và kinh tế bền vững đã được quốc tế thống nhất, đặc biệt nếu mô tả sản phẩm có Nhãn hiệu Fairtrade.

Thời trang “chậm” (Slow fashion)

Đây được xem là đối thủ của thời trang nhanh. Những thương hiệu thời trang theo xu hướng này tập trung vào tính bền vững, đối xử công bằng với con người, động vật, hành tinh. Đồng nghĩa với việc khách hàng được mua quần áo chất lượng tốt hơn, sử dụng trong thời gian lâu hơn.

Khí thải nhà kính (Greenhouse gas emissions)

Khí nhà kính bao gồm carbon dioxide, metan và nitơ oxit và khí clo (xét về mặt kỹ thuật). Khi được thải ra (bởi các hoạt động của con người như đốt nhiên liệu hóa thạch để lấy nhiệt, điện hoặc vận chuyển), và được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời, các khí này sẽ hấp thụ và phân tán nhiệt lại trên bề mặt trái đất, dẫn đến hiệu ứng nhà kính.

Dấu chân carbon (Carbon footprint)

Tổng lượng khí nhà kính do hành động của một người hoặc tổ chức tạo ra.

Bù đắp carbon (Carbon offset)

Đây là một hành động được thực hiện để cân bằng các tác động tiêu cực của khí thải nhà kính, ví dụ như các chương trình tái trồng rừng và đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Trung hòa carbon (Carbon neutral)

Thuật ngữ này dùng để chỉ lượng khí thải nhà kính mà cá nhân hoặc tổ chức thời trang nào đó thường tạo ra đã được loại bỏ hoặc cân bằng do họ có hoạt động bù đắp carbon. Tuy nhiên, rất khó để có một công ty thời trang nào đó có thể trung hòa hoàn toàn carbon, ngay cả khi họ loại bỏ khí thải trong quá trình sản xuất, vẫn không chắc là không có bất kỳ khí thải nào liên quan đến việc phân phối và vận chuyển sản phẩm của họ. Nhiều công ty thay việc bù đắp carbon bằng các hoạt động khác như trồng cây và sử dụng thuật ngữ này để làm cho có vẻ như họ đang thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường. Trong khi, có thể họ không thay đổi gì nhiều về các quy trình hàng ngày của họ.

Hữu cơ (Organic)

Các nguyên liệu được sử dụng cho sản phẩm được trồng theo tiêu chuẩn canh tác hữu cơ, có nghĩa là chúng không được trồng bằng thuốc trừ sâu, sinh vật biến đổi gen (GMO) hoặc các hóa chất tổng hợp có hại khác.

Có thể phân hủy sinh học (Biodegradable)

Vật liệu làm ra sản phẩm (rất có thể là bông hữu cơ, tơ tằm hoặc sợi gai dầu chưa qua xử lý), nên sản phẩm có thể phân hủy tự nhiên mà không tạo ra bất kỳ sản phẩm phụ có hại nào.

Tự nhiên (Natural)

Đây là một thuật ngữ thường bị các thương hiệu thời trang sử dụng sai, “tự nhiên” thường mô tả một thứ gì đó, thường là các chất liệu có trong tự nhiên như bông, tre, sợi gai dầu và len.

Tổng hợp (Synthetic)

Ngược lại với “tự nhiên”, từ này được sử dụng để mô tả một cái gì đó được tạo ra bởi con người. Trong thời trang, điều này thường có thể báo hiệu sự tham gia của các vật liệu làm từ dầu mỏ (nhựa), nhưng sợi tổng hợp có thể được làm từ cả polyme tự nhiên hoặc tổng hợp. Một số sợi tổng hợp làm từ polyme tự nhiên có thể phân hủy sinh học (Tencel, lyocell), nhưng các loại vải dệt khác như vải lanh hữu cơ hoặc bông tái chế vẫn tốt hơn cho môi trường. Các sản phẩm làm từ sợi tổng hợp tự nhiên nghe có vẻ tốt đẹp, nhưng chúng lại là loại tồi tệ nhất: Chúng thường không thể phân hủy sinh học và cũng cực kỳ khó tái chế. Thông thường, hàng may mặc và vật liệu sử dụng càng tổng hợp thì càng có nhiều khả năng gây ra hậu quả tiêu cực đối với môi trường vào cuối vòng đời của sản phẩm.

Thuần chay (Vegan)

Một thương hiệu thuần chay khi trong quá trình sản xuất không có bất kỳ sản phẩm nào có nguồn gốc từ động vật hoặc không liên quan đến thử nghiệm trên động vật. Đây là thông tin quan trọng cho người tiêu dùng, đặc biệt nếu bạn lo lắng về việc đối xử không có đạo đức với động vật. Tuy vậy, thuần chay cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ sử dụng chất tổng hợp, vì vậy hãy chú ý kỹ.

Không thử nghiệm trên động vật (Cruelty-free)

Cruelty-free mô tả một sản phẩm được tạo ra mà không gây hại, gây nguy hiểm hoặc thương tích cho bất kỳ động vật nào.

Vi nhựa (Microplastics)

Những mảnh vụn nhựa cực nhỏ có thể vỡ ra khỏi bất kỳ sản phẩm nhựa nào. Trong trường hợp nhựa cứng như chai và hộp đựng, chúng thường có dạng vi hạt, nhưng trong trường hợp quần áo làm từ vải dệt tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ, chúng có thể trông giống như vi sợi.

Đồ cũ (Secondhand)

Đồ cũ là quần áo đã được qua sử dụng và bán lại tại các cửa hàng ký gửi, cửa hàng tiết kiệm hoặc nền tảng bán lại trực tuyến. Tuy nhiên, không phải bất cứ mặt hàng nào mà bạn tìm thấy được tại những nơi bán lẻ như vậy đều có nghĩa là nó đã qua sử dụng.

Cổ điển (Vintage)

Về mặt kỹ thuật, một bộ quần áo được coi là “cổ điển” nếu nó được sản xuất từ ​​20 đến 100 năm trước, nhưng gần đây, “cổ điển” thường được sử dụng như một từ đồng nghĩa với “đồ cũ”.

Deadstock

Thuật ngữ đề cập đến các mặt hàng hoặc vật liệu đã được sản xuất trước đó (như trong một thập kỷ khác) nhưng không bao giờ được bán. Có thể một công ty vải đã sản xuất một loại vải nằm trong nhà kho trong nhiều năm hoặc một công ty quần áo đã sản xuất quá nhiều và một loạt hàng không bao giờ được bán. Những sản phẩm này không phải là đồ cũ, nhưng chúng cũng không phải là hàng mới.

Tái chế (Recycled)

Nếu quần áo được làm bằng nhựa tái chế, điều này có nghĩa là nhựa có sẵn đã được phân hủy thành các thành phần cơ bản nhất cho việc sản xuất quần áo (thường thông qua quy trình công nghiệp phải sử dụng nhiều năng lượng) và sau đó được biến thành vật liệu mới để tạo thành quần áo hoàn toàn mới. Một mặt, đây là một cách hữu ích để tái chế nhựa (tại các bãi chôn lấp hoặc trong các bãi rác khổng lồ trên đại dương), nhưng việc sản xuất các sản phẩm may mặc này vẫn có thể tạo ra khí thải và các sản phẩm phụ hóa học, và các sản phẩm cuối cùng thường không phân hủy được (vì chúng là nhựa!).

Nâng cấp, Tái sử dụng, Tái tạo (Upcycled, Repurposed, Reconstituted)

Tái chế và nâng cấp đôi khi được sử dụng nhầm lẫn với nhau. Nâng cấp là sự biến đổi sáng tạo của quần áo cũ và các vật liệu đã sử dụng trước đây mà không phá vỡ chúng hoàn toàn như khi tái chế. Bất cứ thứ gì, không chỉ quần áo, đều có thể được tái sử dụng. Nếu chức năng của một món đồ được chuyển đổi, nó sẽ trở thành nâng cấp. Điều này có khả năng dẫn đến lãng phí từ các mảnh vải thừa, nhưng việc sản xuất quần áo mới từ các cuộn vải mới hoặc vải cũ cũng có thể xảy ra. Nói chung, đó là một quá trình thân thiện với môi trường miễn là nó được thực hiện ở mức độ vừa phải.

Không rác thải (Zero waste)

Khái niệm zero waste có nghĩa là bất kỳ chất thải nào được tạo ra từ quy trình sản xuất hàng may mặc đều được chuyển sang mục đích mới thay vì bị vứt bỏ. Tuy nhiên, đây là một việc làm cực kỳ khó thực hiện ở tất cả các cấp của chuỗi cung ứng. Vì vậy, hãy đảm bảo tìm kiếm sự minh bạch và xác minh.

Sản xuất theo đơn đặt hàng (Made-to-Order)

Thay vì sản xuất một loạt hàng tồn kho và hy vọng rằng tất cả hàng sẽ bán được, các thương hiệu có chương trình sản xuất theo đơn đặt hàng chỉ sản xuất một sản phẩm sau khi khách hàng đã đặt hàng. Điều này giúp các doanh nghiệp không bao giờ có bất kỳ hàng tồn kho hoặc hàng tồn kho lãng phí nào nằm trong nhà kho hoặc (tệ nhất là) bãi rác.

Thực hiện: Bảo Lam

Theo Byrdie