Những “ngôi sao” sáng chói từ “cái nôi” của nghệ thuật và thời trang Anh Quốc – Central Saint Martins
Ngày đăng: 31/05/23
Thời đại mới, thế hệ “thống lĩnh” mới, thời trang cũng chẳng còn vận hành theo lối cũ, và BA Show của “cái nôi” của nghệ thuật và thời trang Anh Quốc – Central Saint Martins đã cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn về những tài năng sắp đến thay đổi làng thời trang.
Là một tín đồ yêu thích thời trang có lẽ bạn đã từng nghe qua danh tiếng lừng lẫy của Central Saint Martins – ngôi trường được xem là “cái nôi” đã đào tạo ra biết bao nhà thiết kế đầu ngành và tạo nên những cột mốc quan trọng trong lịch sử thời trang. Nơi đây chính là “ngôi nhà” đã nuôi dưỡng tài năng và hình thành nên một Alexander Mcqueen độc nhất vô nhị, một John Galliano không ai thay thế, một Phoebe Philo làm nên đế chế của chủ nghĩa tối giản hay những cái tên đã tạo nên những bứt phá cho thế giới thời trang từ Riccardo Tisci, Grace Wales Bonner, Christopher Kane đến Matty Bovan. Vì thế, chẳng có gì khó hiểu khi Central Saint Martins chính là “bến đỗ” mà ai ai làm sáng tạo hay đang theo đuổi giấc mơ thời trang đều mong muốn được đặt chân đến.
Tuy nhiên, giấc mơ này cũng chẳng dễ để thực hiện hóa, “vùng đất hứa” đó cũng chẳng dễ dàng gì đến được. Để bước chân vào “cái nôi” thời trang danh giá này, các ứng cử viên phải có được con điểm thật tốt cùng với đó là các loại chứng nhận, chứng chỉ cần thiết, cũng như phải vượt qua được vòng tuyển chọn, xét duyệt portfolio khó nhằn,.. Central Saint Martins còn nổi tiếng với những cách đào tạo nghiêm ngặt, thậm chí còn được các sinh viên theo học cho là có phần hơi “đáng sợ” – đây cũng là chủ đề được không ít các thế hệ sinh viên tại đây đem lên “mổ xẻ” và thể hiện trong các bộ sưu tập tốt nghiệp, các tác phẩm thời trang của mình. Đầu vào đã khó, đầu ra của Central Saint Martins cũng chẳng hề “dễ nuốt”. Không chỉ là nơi đề cao, tôn trọng mọi tư duy sáng tạo của người trẻ, Central Saint Martins còn cân bằng được kỹ thuật may đo đúng chuẩn. Đã vào được mái trường đào tạo đắt giá này, các nhà thiết kế trẻ phải thật sự cẩn trọng vào từng đường may, mũi đi của chỉ, hay sự đầu tư vào các loại chất liệu – không chỉ phục vụ cho thẩm mỹ thời trang mà còn hướng đến môi trường. Đây cũng là một trong những lý do vì sao mỗi mùa tốt nghiệp, mỗi lần BA Show của Central Saint Martins diễn ra đều trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý đến từ cả làng mốt trên khắp thế giới.
Đương nhiên, đường băng quy tụ từng lăng kính thời trang của từng sinh viên thiết kế – Central Saint Martins BA Show 2023 vẫn giữ được sức nóng như mọi khi. “Từ khắp nơi trên thế giới, 135 sinh viên tốt nghiệp năm nay – những nhà tư tưởng sáng tạo, những người buộc tất cả chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận của mình với thời trang trong tương lai, họ đã trải qua những khoảng thời gian khó khăn để hoàn thiện những dấu ấn sáng tạo của mình.” Sarah Gresty, giám đốc khóa thời trang BA của CSM, chia sẻ. “Về cơ bản, họ là những người kể chuyện xuất sắc và tất cả các bộ sưu tập đang truyền đạt những thông điệp quan trọng như đề cao sự đa dạng, tính cộng đồng, bất bình đẳng và khủng hoảng khí hậu.”
Không phải sàn diễn xa hoa của các nhà mốt đình đám trên thế giới, hàng ghế đầu cũng chẳng quá nhiều có sự góp mặt của những ngôi sao nổi tiếng, tuy nhiên Central Saint Martins BA Show đã mang đến những khoảnh khắc thời trang rực rỡ và thăng hoa nhất cùng những sáng tạo khiến người xem “đứng ngồi không yên”. Chẳng hạn, ảo giác quang học bắt mắt đến từ Faye Simister, nói đúng hơn là cuộc khám phá sâu sắc hơn về các thiết dệt kim hiện đại hơn và thách thức hơn, bằng cách kết hợp công nghệ cũ với mới. “Bằng cách sử dụng một chiếc máy dệt kim từ những năm 80, tôi muốn tạo ra những tác phẩm sống động thể hiện tình yêu của tôi đối với các bản đồ họa táo bạo, ảo ảnh, chủ nghĩa siêu thực, phim khoa học viễn tưởng cổ điển và kỳ lạ,… Sử dụng máy móc cũ theo một phương pháp độc đáo để tạo ra thứ gì đó hiện đại là đều đáng ngạc nhiên, vì vậy tôi thấy thật tuyệt khi có thể tạo ra những kiểu dáng này trên chiếc máy đã cũ của mình,” Faye Simister chia sẻ.
Trong bộ sưu tập tốt nghiệp lần này, Ivan Delogu thể hiện nữ quyền, văn hóa đại chúng, thơ ca và cả hình ảnh đa dạng, phức tạp của người phụ nữ Sardinia vào những thiết kế đặc sắc được làm từ nhiều loại vật liệu tái chế như chống muỗi của thập niên 70, bát ngũ cốc, gần hai mét lưới hàng rào vườn, rong biển, khoảng 10 km sợi vải áo sơ mi thừa, và thậm chí cả móng ngựa; hay sự phân tích trực quan về định nghĩa màu đen ở phương Tây của Catherine Meyong qua những thiết kế độc đáo được làm từ đồ da tái chế còn sót lại từ vải bọc, áo khoác lông và lông thú từ động vật đã chết, sừng và cánh từ các nhà sưu tầm đồ khảo cổ. Thông qua các bộ phận động vật được sử dụng trong bộ sưu tập, Catherine Meyong nhằm đặt ra thắc mắc “Tại sao việc cúng tế động vật theo tôn giáo lại bị lên án trong khi việc chăn nuôi trong những điều kiện cực kỳ tàn ác lại được chấp nhận rộng rãi ở phương Tây?”. Clover Nash cũng đem lại những thiết kế ấn tượng không kém bằng thể hiện khái niệm “gia đình” bằng những bức họa trong sách, ánh nắng mặt trời, mùi sương sớm ở miền quê nước Anh…; TJ Finley làm người xem nhớ đến chiếc lồng kính kỳ quái của Alexander Mcqueen vào mùa xuân năm 2001 hay khu rừng đặc biệt vào mùa thu đông năm 2006 cùng BST mang tên “FAGS FORKING THE RICH” – cùng vẻ đẹp thô tục và cực kỳ thú tính.
“FAGS FORKING THE RICH” được lấy cảm hứng từ nền tảng tầng lớp lao động và sự kỳ lạ của chính TJ Finley. “Tôi muốn phân tích những cảm xúc từ bên trong mình và tạo ra những bộ quần áo được làm từ các chất liệu chơi chữ trong tiêu đề. Ví dụ, vải fag butts và nĩa nghiền nát và chế tác được điêu khắc thành áo nịt ngực. Đối với tôi, có lẽ sự lịch sự sẽ không còn quan trọng nữa, thay vào đó là cách thể hiện trung thực và thô lỗ,” nhà thiết kế chia sẻ. Tuy nhiên, những thiết kế của Finley được chế tác một cách chuyên nghiệp và vô cùng thanh tao bằng tàn thuốc lá được dệt vào nền vải – một lời khẳng định nữa cho định hướng mới của thời trang đối với môi trường. Cảm hứng trong thời trang và sáng tạo có thể nói là vô tận và có thể được bắt nguồn từ bất cứ điều gì, và đối với Mathew Zabala và BST tốt nghiệp “The Break” của cô nguồn cảm hứng đấy chính là từ một vụ tai nạn xe máy mà chính NTK gặp phải trước đây. “Trong quá trình phục hồi của mình, tôi bị thu hút và bị ấn tượng bởi chức năng của những bộ đồ bảo hộ và tính thẩm mỹ của xe máy. Tôi đã tham khảo các phôi in 3D và thiết bị mô tô nói chung, từ đó tạo nên những thiết kế mới mẻ, hiện đại và thời trang nhất – màn kết hợp tuyệt hảo giữa trang phục thể thao và thời trang cao cấp,” nhà thiết kế chia sẻ. Carson Lovett mang đến bộ sưu tập tìm kiếm tinh thần phóng túng hiện đại, thứ mà nhà thiết kế trẻ tin rằng sẽ gắn liền với tinh thần vintage và trào lưu mua đồ cũ của giới trẻ hiện nay. “Nó miễn phí, gợi cảm, sống động.” Carson Lovett chia sẻ về bộ sưu tập của mình. Yeut Ting Ng cũng gây ấn tượng không kém khi diễn giải hộp sô cô la thành một bộ sưu tập thời trang hoàn chỉnh.
Và chắc chắn giới mộ điệu sẽ không quên được khoảnh khắc đặc sắc nhất của Eden Brader-Tan, người giành được Loreal Paris Award năm nay cùng bộ sưu tập nâng cao tính ứng dụng và khả năng tái chế vật liệu trong thời trang. Với mong muốn có thể tạo ra những bộ trang phục có thể tái chế thành những bộ quần áo mới hơn như thể những thước vải đó chưa từng qua tay cắt may nhà thiết kế. Không một đường may, đường cắt nào, Eden Tan đã mang đến một bộ sưu tập mãn nhãn cùng hiệu ứng thị giác đặc biệt nhất biến những cuộn vải nguyên vẹn thành những bộ quần áo vô cùng thời trang – vừa sáng tạo vừa giải trí.
Bền vững, tái sử dụng, dễ dàng tái chế, sáng tạo, cắt may chuẩn chỉnh, tất cả tạo nên một Central Saint Martins BA Show thật hoàn chỉnh và vẫn “nhiệt” như mọi khi, hứa hẹn mang đến những tài năng mới phá tan ranh giới của thế giới thời trang trong tương lai. Cùng Style-Republik ngắm nhìn lại những BST ấn tượng trong show diễn tốt nghiệp vừa qua của Central Saint Martins!
Thực hiện Huỳnh Trân
Theo Vogue và id Vice