Những người mẫu thời trang nổi tiếng đã phá bỏ quy chuẩn xã hội về định nghĩa vẻ đẹp

Ngày đăng: 12/02/21

Vẻ đẹp của một người phụ nữ không nằm ở quần áo cô ấy mặc, vóc dáng cô ấy có hay cách cô ấy chải tóc.

Vẻ đẹp của một người phụ nữ nằm trong đôi mắt của cô ấy, là cánh cửa mở ra trái tim nơi tình yêu tồn tại. 

Vẻ đẹp của một người phụ nữ nằm ở tâm hồn của cô ấy, là tình yêu thương và lòng trắc ẩn.

Và càng qua thời gian, vẻ đẹp ấy càng mặn mà.

– Audrey Hepburn

Từ cổ chí kim, từ Tây sang Đông, vẻ đẹp là một khía cạnh trừu tượng khó lòng định nghĩa được. Ở mỗi nền văn hóa khác nhau, ở những vùng đất khác nhau, quan niệm về vẻ đẹp của người phụ nữ càng trở nên đa dạng. Ở thời kỳ Phục Hưng của châu Âu, phụ nữ đẹp phải là những người phụ nữ đầy đặn mà có lẽ nếu ở thời nay, họ sẽ bị xem là béo phì. Ở thời đó, tiêu chuẩn vẻ đẹp gắn liền với giai cấp xã hội. Chỉ những người phụ nữ giàu có, đủ ăn đủ mặc mới có thể “đẫy đà” được. Vì thế, thời bấy giờ, càng mập mạp, càng giàu có thì càng đẹp. Dần dà, xã hội loài người càng phát triển. Sự tiếp cận với dinh dưỡng trở nên dễ dàng hơn khiến việc “được béo” không còn là một đặc quyền chỉ dành cho giai cấp thượng lưu nữa.

Khi thế giới bắt đầu hiện đại hóa, đô thị hóa, ngành công nghiệp thời trang cũng từ đó mà theo dòng lịch sử phát triển mạnh mẽ theo. Khi thời trang lăng xê những nét đẹp được xem là chuẩn, xã hội bị thời trang và truyền thông ảnh hưởng rất lớn cũng dần hình thành những tiêu chuẩn riêng dành cho cái đẹp.

Chúng ta bắt đầu tin rằng như thế này mới là đẹp và như thế kia thì là xấu. Hậu quả của những tiêu chuẩn rập khuôn này đã khiến thời trang trở nên nhàm chán vì thiếu những nhân tố mới lạ đồng thời dẫn đến những áp lực không đáng có dành cho phái đẹp khi họ không sở hữu vẻ đẹp “theo chuẩn” mà xã hội nói chung và thời trang nói riêng đã đặt ra. Thậm chí có những trường hợp phụ nữ mắc chứng biến ăn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe vì họ phải cố gắng duy trì một hình mẫu “chuẩn” được kỳ vọng.

Chúng ta có thể thấy rõ những tiêu chuẩn khắt khe của ngành thời trang về vẻ đẹp ở mọi góc độ. Bắt đầu từ những bản phác thảo thiết kế là một ví dụ. Đó là sự lý tưởng hóa về cơ thể của người phụ nữ: sự gầy gò đến khó tin, tỉ lệ cơ thể vô lý, đôi chân luôn thon dài miên man bất cân đối và những khuôn mặt lạnh lùng vô cảm. Và rồi trong thực tế, người phụ nữ phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn mới được cho là đẹp: những số đo cố định, màu da và vóc dáng kiểu mẫu.

Campaign “You are not a sketch” bởi Star Models

Tuy tiêu chuẩn khắt khe về vẻ đẹp này vẫn tồn tại vững chãi trong xã hội, đã có không ít lần con người chấp nhận và tôn sùng những vẻ đẹp “không chuẩn”. Sự phát triển của mạng xã hội đã đem các nền văn hóa lại với nhau gần hơn bao giờ hết. Các trào lưu có ảnh hưởng sâu sắc đến con người như #MeToo, #becauseit’sMYbody hay chiến dịch #ChooseBeautiful của Dove đã khuyến khích phụ nữ hướng tới vẻ đẹp tự nhiên của mình. Thời trang cũng theo dòng chảy của xã hội mà đã thay đổi và mở rộng các tiêu chuẩn của nó. Sự lên ngôi của các người mẫu “không theo chuẩn” đã đánh một đòn mạnh mẽ vào xã hội nói chung và thời trang nói riêng.

Style-Republik muốn cùng bạn gặp gỡ những gương mặt người mẫu đã phá bỏ những định kiến của xã hội và thời trang về vẻ đẹp “chuẩn” và hy vọng bài viết này sẽ truyền cảm hứng đến phái đẹp. 

Chantelle Brown-Young (hay Winnie Harlow)

Sự nghiệp của Chantelle thăng hoa kể từ khi cô tham gia cuộc thi người mẫu nổi tiếng America’s Next Top Model. Cô có một quá khứ bị bắt nạt và dè bĩu từ nhỏ vì làn da bị chứng bạch biến của mình (khác bạch tạng). Căn bệnh khiến cô có những mảng da loang lổ không đều màu. Nhưng bí quyết của cô là sự tự tin và yêu thương bản thân mình mặc kệ sự dèm pha của nhiều người xung quanh. Chantelle đã trở thành người mẫu được săn đón và trở thành gương mặt thương hiệu cho nhiều nhãn hàng nổi tiếng, như Diesel và Disegual. Trong một bài phỏng vấn, cô đã nói: “Dù cho bạn có là ai đi nữa, bạn cũng sẽ phải đối mặt với những lời châm chọc. Tôi chỉ nói thay lời của rất nhiều người rằng khác biệt chả phải là vấn đề gì to tát cả.”

Dù cho bạn có là ai đi nữa, bạn cũng sẽ phải đối mặt với những lời châm chọc. Tôi chỉ nói thay lời của rất nhiều người rằng khác biệt chả phải là vấn đề gì to tát cả.

Brunette Moffy

Brunette Moffy là khuôn mặt đại diện của Storm Models, công ty quản lý người mẫu mà Kate Moss được đào tạo. Brunette mắc tật mắt lác. Nhưng không gì có thể cản trở sự thành công của cô cả. Cô trở thành người mẫu nổi tiếng và tự hào tuyên bố: “Tôi yêu đôi mắt của mình.”

Carmen Dell’Orefice

Carmen đã phá bỏ sự ám ảnh của giới thời trang dành cho những cô nàng tươi trẻ. Bắt đầu sự nghiệp làm mẫu của mình ở tuổi 16 nhưng hiện bà vẫn xuất hiện liên tục trên các tạp chí thời trang dù đã 88 tuổi. Bà đã chứng minh tuổi tác chẳng còn là gì mà chính thần thái đã làm nên tất cả.

Ashley Graham

Trong một thế giới thời trang tràn ngập những người mẫu gầy gò khẳng khiu, Ashley Graham không chỉ đơn thuần là một người mẫu quá khổ mà còn là một nhà hoạt động xã hội cho lối sống lành mạnh và lý tưởng về vẻ đẹp. Sau một thời gian làm người mẫu cho những hãng quần áo plus-size, cô nhận ra rằng cô sẽ “không bao giờ đủ hoàn hảo cho nền công nghiệp định nghĩa cái đẹp từ vẻ ngoài.” Vì thế cô bắt đầu trân trọng ngoại hình của mình và xác định mục đích lớn lao hơn của mình chính là định nghĩa lại cái đẹp.

Melanie Gaydos

Sinh ra với hội chứng Loạn sản ngoại bì khiến toàn bộ khuôn mặt bị biến dạng đồng thời suy giảm các chức năng của các bộ phận khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý của người bệnh, nhưng Melanie Gaydos đã khiến giới thời trang sửng sốt trong những shoot hình ấn tượng của mình. Melanie đã trở thành biểu tượng của lý tưởng sống và nghị lực phi thường và truyền cảm hứng đến vô số người thiếu may mắn khác.

Viktoria Modesta

Chắc hẳn với nhiều người, không có chân nghĩa là dấu chấm hết cho giấc mơ người mẫu và sàn catwalk. Nhưng với Viktoria Modesta, cô không cho là vậy. Bằng nghị lực phi thường và sự chăm chỉ, Viktoria đã đạt được những thành công ấn tượng không chỉ trong nghề mẫu mà còn cả trong âm nhạc.

Erika Linder

Erika Linder vừa là mẫu nam và nữ trong chiến dịch quảng cáo của Crockers Jeans

“Trí tưởng tượng quá rộng lớn để gói gọn chỉ trong một giới tính.” Erika Linder đã tuyên bố như vậy khi sở hữu một vẻ đẹp song tính khiến cô có thể đảm nhận vai trò làm mẫu ở cả những shoot hình cho nam và nữ.

Madeline Stuart

Cô được sinh ra là để khác biệt. Cô trở thành người mẫu chuyên nghiệp đầu tiên mắc Hội chứng Down. Cô được chọn để trình diễn trong New York Fashion Week. Không dừng lại ở đó, cô còn sở hữu thương hiệu thời trang mang tên 21 Reasons Why by Madeline Stuart.

Cuối cùng, Style Republik mời bạn đọc cùng xem lại bài diễn thuyết đầy cảm hứng bởi Ashley Graham tại TEDxBerkleeValencia về hành trình tái định nghĩa lại vẻ đẹp trong một xã hội đầy quy chuẩn áp đặt lên người phụ nữ, thông qua đó giúp phụ nữ trên toàn thế giới trân trọng vẻ đẹp vốn có của bản thân.

Thực hiện: Mỹ Đỗ