Những show diễn thời trang hoành tráng nhất trong thế kỷ 21 và tương lai của fashion show sau đại dịch COVID-19

Ngày đăng: 19/05/20

Hẳn với những người yêu thời trang, fashion show là một sự kiện không thể bỏ lỡ vì nó không chỉ là một đường băng với các người mẫu mặc những bộ đồ ấn tượng đi qua đi lại mà nó còn đọng lại trong lòng khán giả như một buổi trình diễn nghệ thuật, là sự giao thoa giữa mỹ thuật, âm nhạc, ánh sáng và bài trí sân khấu. Dĩ nhiên, fashion show được sinh ra không phải chỉ để dành cho thưởng lãm bởi chi phí tổ chức một fashion show là rất lớn. Fashion show có một nhiệm vụ quan trọng trong việc quảng bá sản phẩm của các nhà thiết kế và quan trọng hơn nữa là để khẳng định danh tiếng của hãng. 

Những show diễn thời trang nổi bật của thế kỷ 21

Đại dịch Covid-19 của thế kỷ 21 đã khiến ngành công nghiệp thời trang bị ảnh hưởng trầm trọng. Hàng loạt các show diễn thời trang bị hủy bỏ. Các nhà thiết kế lần lượt rút tên ra khỏi lịch trình của các show diễn thời trang. Nhiều nhà thiết kế đã chuyển sang trình diễn thời trang sử dụng công nghệ. Trong lúc vẫn chưa biết còn bao lâu nữa chúng ta mới được chứng kiến một show diễn thời trang bằng mắt thật, hãy cùng Style Republik quay ngược thời gian để nhìn lại những show diễn thời trang ấn tượng và hoành tráng nhất trong thế kỷ 21. 

Chanel Haute Couture Xuân Hè 2019

Là show diễn thời trang haute couture cuối cùng của Karl Lagerfeld cho nhà mốt Chanel. Lagerfeld đã tái hiện lại khung cảnh biệt thự La Pausa của huyền thoại thời trang Coco Chanel tại Bảo tàng lịch sử Grand Palais ở Paris. Bộ sưu tập gắn liền với những item huyền thoại của Chanel như áo khoác và chân váy vải tweed và được khoác lên mình những người mẫu rảo bước quanh bờ hồ dọc hai bên là những hàng cọ xanh mướt, hòa cùng giai điệu du dương đậm chất jazz của bản nhạc Titoli trong album nhạc phim Dramma Della Gelosia của nhà soạn nhạc nước Ý Armando Trovajoli trong thập niên 70.

Chanel Ready-To-Wear Thu Đông 2014/15

Không ai nghĩ siêu thị cũng có thể trở thành sàn catwalk nhưng với Karl Lagerfeld, không điều gì là không thể. Giám đốc sáng tạo tài hoa của Chanel đã biến Bảo tàng Grand Palais của Pháp trở thành siêu thị mua sắm nơi mà các người mẫu diện đồ đẹp của Chanel đi mua sắm hàng hóa cộp mác Chanel đầy ắp trên kệ.

Chanel Haute Couture Thu Đông 2017/18

 

Paris không hổ danh là kinh đô thời trang và là cảm hứng bất tận cho các nhà mốt. Với Karl Lagerfeld cũng vậy, ông đã đem tòa tháp Eiffel huyền thoại của nước Pháp vào Bảo tàng Grand Palais và tái hiện lại công trình kiến trúc này hệt như thật với những hàng cây khẳng khiu trụi lá hai bên đường và những chiếc ghế dựa ngoài trời đậm chất châu Âu.

Chanel Ready-To-Wear Xuân Hè 2015

Người Pháp thích biểu tình, thích như thích rượu vang và phô mai. Và Karl đã đem văn hóa đó lên sàn diễn thời trang Xuân Hè năm 2015 của mình với bộ sưu tập trừu tượng đầy màu sắc lấy cảm hứng từ những cuộc biểu tình đòi nữ quyền của phụ nữ Pháp. Tái hiện lại không gian đường phố của kiến trúc Haussmann đậm chất Pháp, ở đầu show diễn là những âm thanh sôi động nhộn nhịp của tiếng kèn, tiếng người hò reo từ đoạn nhạc dạo của I’m Not Scared của Pet Shop Boys. Siêu mẫu Cara Delevingne dẫn đầu đoàn người mẫu xuất hiện như một đoàn quân với những bước chân cộng hưởng theo tiếng nhạc  đã để lại những xúc cảm khó quên trong lòng khán giả.

Chanel Cruise 2016/17 ở Cuba

Bộ sưu tập Cruise đúng như tên gọi của nó là bộ sưu tập thời trang dành cho các kỳ du lịch nghỉ dưỡng và đã được Chanel trình diễn trên Đại lộ Paseo del Prado ở thủ đô Havana (hay La Habana trong tiếng Tây Ban Nha), Cuba. Karl Lagerfeld đã chiêu đãi giới mộ điệu một bữa tiệc đầy âm thanh và màu sắc từ bộ sưu tập xe cổ của Cadillacs và Buicks, nhạc jazz sang trọng đến những thiết kế mang hơi hướng những năm 1930-1940.

Alexander McQueen Thu Đông 2014

 

Một chút hoang dã, một chút bí ẩn, một chút đen tối là những gì ta có thể thấy từ bộ sưu tập “Wild Beauty” của Giám đốc sáng tạo Sarah Burton của nhà mốt Alexander McQueen. Dưới ánh trăng ma mị, cánh đồng cỏ hoang vu phủ đầy rêu cùng hiệu ứng âm thanh đặc sắc, khán giả như lạc vào khung cảnh của tiểu thuyết Đồi Gió Hú.

Coach Xuân Hè 2016

 

Phóng khoáng, hoang dã, tràn ngập màu sắc của miền viễn Tây là bộ sưu tập Xuân Hè 2016 của Coach tại New York. Coach đã tái hiện lại không gian của một cánh đồng hoang được bao phủ bởi cỏ dại ngập tràn ánh nắng và các người mẫu của Coach diện những trang phục phong cách bohemian trẻ trung và không kém phần nổi loạn.

Fendi Thu Đông 2016/17

 

Kỷ niệm 90 năm tuổi của nhà mốt Fendi, một tên tuổi thời trang lớn của nước Ý, bộ sưu tập Thu Đông 2016/17 của Fendi được trình diễn tại Đài phun nước Trevi ở thủ đô Roma nước Ý. Đường băng bằng thủy tinh trong suốt sáng bóng và lộng lẫy trong làn nước xanh ngọc lam. Những người mẫu như lướt trên mặt nước trong những thiết kế tinh tế như bước ra từ một câu chuyện cổ tích.

Gucci Resort 2017

 

Tu viện Westminster 700 năm tuổi ở Luân Đôn với kiến trúc Gothic đặc trưng là một nơi gắn liền với những sự kiện lịch sử của Hoàng gia Anh đã trở thành lựa chọn của Gucci cho bộ sưu tập Resort 2017. Bộ sưu tập là sự giao thoa của nhiều phong cách thời trang như Punk, Victorian và Scotland.

Louis Vuitton Xuân Hè 2012

Điểm nhấn của show diễn là vòng xoay ngựa gỗ phủ màu trắng tinh như lạc vào xứ sở thần tiên. Ý tưởng thiết kế đến từ cựu Giám đốc Sáng tạo Marc Jacobs được truyền cảm hứng từ chiếc hộp nhạc, rất thần kỳ, rất Paris. Và bộ sưu tập cũng mang màu sắc trắng, bạc chủ đạo cùng những tông màu nhẹ nhàng, nữ tính khác như xanh búp bê, vàng bơ và hồng kẹo bông.

Louis Vuitton Thu Đông 2012/13 

Đúng 10 giờ 5 phút, chuyến xe lửa Louis Vuitton cập bến. Trở về thế kỷ 19, thời kỳ phát triển của ngành đường sắt, Marc Jacobs đã đem lên sàn diễn một đầu máy xe lửa vận hành như thật với tiếng còi hú đặc trưng. Những hành khách trên chuyến tàu bước xuống trong những thiết kế thịnh hành của thời đó, theo sau là những nhân viên xách những túi hành lý xa xỉ của Louis Vuitton. 

Tương lai của fashion show sau đại dịch COVID-19 

Theo nhà phê bình thời trang của Vogue Anh Quốc, Anders Christian Madsen, một trong những nhãn hàng danh tiếng nhất thế giới là Giorgio Armani đã quyết định trình diễn bộ sưu tập của mình theo một cách khác vào thời điểm mà đại dịch bùng nổ vào cuối Tuần lễ thời trang Milan tháng Hai vừa rồi. Ông đã yêu cầu khán giả của mình không đến dự show diễn mà thay vì vậy hãy xem trực tuyến. Và nếu tương lai của fashion show buộc phải thay đổi, thì phim thời trang chính là một trong những giải pháp mà các nhà mốt có thể nghĩ đến đầu tiên.

Anders đã phỏng vấn Michel Gaubert, một nhà sản xuất âm nhạc hàng đầu của những nhà mốt danh tiếng như Dior, Chanel hay Valentino. Gaubert cho rằng phim thời trang có thể sẽ truyền cảm hứng rất mạnh mẽ nhưng hiệu ứng của nó so với việc nhìn thấy các thiết kế trên sàn runway ở các fashion show dù lớn hay nhỏ là hoàn toàn khác. 

Với ông, quần áo vốn không có sức sống. Chính nhờ những chuyển động và hiệu ứng sân khấu đã thổi hồn vào những thiết kế này. Liệu các kỹ thuật livestream có thể bắt được những khoảnh khắc này? Mặc dù khán giả có thể nhìn thấy người mẫu, phong cách, dàn dựng sân khấu, âm nhạc, ánh sáng, kỹ thuật máy quay… nhưng trông mọi thứ vẫn rất xa xôi. “Có những thứ xem trực tiếp thì hay nhưng xem qua video thì không còn hay nữa”, Gaubert nhấn mạnh.

Nhưng như đã nói ở trên, fashion show không chỉ dành cho khán giả thích thời trang hay fashionista đến xem. Fashion show là một cơ hội để quảng bá sản phẩm và thương hiệu đến các buyer. Và thật khó cho các buyer để cảm nhận được chất vải và ứng dụng của mẫu thiết kế nếu chỉ xem qua màn hình. Hãy tưởng tượng những lần bạn phải hoàn trả quần áo mua online vì không vừa ý và đem điều này áp dụng vào ngành mua bán sỉ thì bạn sẽ hiểu được vấn đề này quan trọng như thế nào.

Fashion show còn là một cơ hội để nhiều ngành nghề khác phát triển. Tiêu biểu như nhiếp ảnh thời trang đường phố đã trở thành một nghề rất thịnh hành. Nhiều influencer cũng phụ thuộc vào nó. Và chưa kể đến vô số những freelancer khác, những người đóng góp một phần không nhỏ trong mỗi show diễn như stylist, nhà sản xuất, biên tập viên… 

Thời trang đang chuyển mình và nó sẽ thay đổi. Thời trang mang tính xã hội. Và việc hạn chế những show diễn thời trang sẽ giết chết chính nó.

“Sẽ có những điều tốt sinh ra sau đại dịch này và nó sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh. Thời kì quá-nhiều-chưa-bao-giờ-là-đủ đã kết thúc nhưng không có nghĩa đó là sự kết thúc của những fashion show. Những buổi biểu diễn sau này sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng hơn và bớt màu mè hơn. Sẽ có nhiều nội dung hơn là những chiêu trò. Và minh chứng là đã có nhiều show diễn tuyệt vời nhưng có chừng mực, chẳng hạn như Valentino Haute Couture tại Khách sạn Salomon de Rothschild, hay Marc Jacobs ở Armory.” Gaubert nói tới những show diễn thời trang biết tận dụng những không gian sẵn có mà không phải dựng lên những bối cảnh quá hoành tráng. Ông nói thêm rằng: “Thời trang đang chuyển mình và nó sẽ thay đổi. Thời trang mang tính xã hội. Và việc hạn chế những show diễn thời trang sẽ giết chết chính nó.”

Thực hiện: Mỹ Đỗ

Theo Vogue