Louis Vuitton, Gucci và Dolce & Gabbana đã tạo nên những thước phim thời trang hoàn mỹ như thế nào?

Ngày đăng: 03/02/22

Phim thời trang, với những người ngoài ngành, là những phút giây ngắn ngủi nhưng đầy hào nhoáng. Còn với những người trong nghề, phim thời trang không chỉ đại diện cho tinh thần của thương hiệu mỗi mùa mốt, mà còn thể hiện sự duy mỹ qua từng khoảnh khắc của những người làm sáng tạo.

Không phải ngẫu nhiên mà các thương hiệu xa xỉ hàng năm lại chi hàng trăm nghìn USD cho các thể loại phim ngắn nhằm quảng bá cho bộ sưu tập sắp ra mắt của mình. Đã có những thước phim được xếp vào hàng ngũ huyền thoại với tầm ảnh hưởng lớn đến lịch sử ngành truyền thông thời trang. Bên cạnh một cốt truyện sáng tạo nhằm truyền tải năng lượng và giá trị cảm xúc của thương hiệu, những người làm phim thông thường còn chỉnh chu đến từng chi tiết sau, để tránh cho những thước phim của mình trở nên “xôi hỏng bỏng không”.

Âm nhạc

Đằng sau một bộ phim thời trang hoàn hảo, không thể thiếu đi sự góp sức những giai điệu đẹp đẽ. Âm nhạc là một trong những chất xúc tác quan trọng, giúp đẩy cảm xúc của người xem lên đến cao trào, là “đường tắt” dẫn dắt người xem lạc vào thế giới mà thương hiệu đã cố tình tạo ra.

L’Invitation au Voyage của Louis Vuitton đã mang lại một chuyến phiêu lưu đầy ngọt ngào cho những ai yêu thời trang và âm nhạc. Trải qua gần một thập kỷ, làng thời trang vẫn không thể nào quên được khoảnh khắc khi nàng thơ Arizona đáp khí cầu xuống quảng trường St Mark ở Venice, Ý, nơi cô ngay lập tức rơi vào lưới tình với huyền thoại nhạc rock David Bowie trong nền ca khúc I’d rather be high.

Màu sắc

Một bài học vỡ lòng của các nhà làm phim: Ánh sáng và màu sắc luôn là một phần của cảm xúc. Sẽ có những màu mang lại cho chúng ta cảm giác được xoa dịu, chữa lành. Lại có những gam màu đại diện cho những điều bí ẩn và ma mị. Và cũng không thể thiếu những tone màu của sự may mắn, mang ý nghĩa tích cực.

Điều thú vị của màu sắc, là khi đặt trong những bối cảnh khác nhau, chúng sẽ mang lại những hiệu ứng hoàn toàn khác nhau. Cái “tài” của người làm sáng tạo, là phải biết tận dụng tiềm thức về màu sắc để khiến người xem không thể rời mắt, sau đó ghi nhớ mãi về những gì đã diễn ra trên màn hình.

Gucci luôn là một lão làng khi chơi đùa cùng với màu sắc. Nhằm tôn vinh sự nổi loạn trong chất liệu và màu sắc của bộ trang phục, cũng như sức trẻ trong tinh thần của thương hiệu, đạo diễn Glen Luchford đã lựa chọn sử dụng hiệu ứng từ những ánh đèn xa mờ. Một Tokyo thành thị giao thoa giữa hiện đại và cổ kính được tái hiện, đủ nổi bật nhưng không quá lấn át những thiết kế nằm trong BST Thu – Đông 2016.

Thiết bị ghi hình

Sản xuất một bộ phim không đơn thuần là chuyện ghi lại những khoảnh khắc diễn xuất của nhân vật hoặc quay xung quanh sản phẩm chính. Mỗi một chuyển động, đều cần những góc máy khác nhau để mô tả chân thực ý đồ của cảnh quay đó. Và mỗi một góc máy khác nhau, sẽ cần những thiết bị ghi hình có đặc thù và tính chất khác nhau. Giả sử, khi sử dụng kỹ thuật Time Remapping (sự kết hợp giữa chuyển động nhanh và chậm), ekip sản xuất sẽ cần một máy quay với khả năng ghi lại ít nhất 60 khung hình cho 1 giây.  Ống kính cũng là một yếu tố quan trọng cho những cảnh quay với góc máy rộng hoặc góc máy gần.

Trong chiến dịch quảng cáo Made For Walking của Stuart Weitzman FW13, thương hiệu muốn tập trung làm nổi vật sự quyến rũ và thời thượng của những đôi boots cao cổ. Bối cảnh phim là đường phố London đông đúc của những năm 1960, Kate Moss gây “náo loạn” đường phố London cổ kính trong những sải bước đầy kiêu hãnh, được “bao bọc” bởi đôi boots cao cổ từ Stuart Weitzman. Với câu chuyện này, góc máy ngang với độ dài phù hợp để quay cận cảnh đôi boots được sử dụng nhiều nhất. Bên cạnh đó là những cảnh quay cận nhằm đặc tả trạng thái cảm xúc của người đi đường mỗi khi Kate Moss lướt qua, và góc máy lia từ dưới lên trên, nhằm miêu tả hành trình gây sự chú ý từ đôi boots đến người dân thủ đô nước Anh. 

Người mẫu

Những người mẫu được lựa chọn để xuất hiện trong các chiến dịch quảng bá, không những phải biết cách tương tác nhằm làm nổi bật sản phẩm, mà còn cần phải diễn ra được cái “hồn” của thương hiệu. 

Đúng như với tên gọi Street of Dreams, chiến dịch quảng cáo mùi hương này được phác họa bằng một câu chuyện lôi cuốn đầy lãng mạn trên gam màu đen-trắng cổ điển. Scarlett Johansson và Matthew McConaughey bên cạnh thể hiện xuất sắc một câu chuyện tình yêu ngọt ngào, tương tác của cặp đôi như đại diện cho sức mạnh của tình yêu, sức mạnh của những giấc mơ, của những kỷ niệm và niềm đam mê. Từng cử chỉ đều truyền tải trọn vẹn thông điệp của dòng sản phẩm The One mà Dolce & Gabbana muốn gửi gắm.

Thực hiện: Diana Nguyễn