Nhượng quyền kinh doanh thời trang cần lưu ý những gì?

Ngày đăng: 20/10/20

Để xây dựng một thương hiệu thời trang không phải là điều đơn giản. Bên cạnh việc chuyển thể tầm nhìn vào trong những thiết kế, người chủ thương hiệu còn phải biết cách xây dựng và phát triển thương hiệu sao cho nổi bật trên thị trường giữa hàng ngàn đối thủ cạnh tranh. 

Đó là lý do, bên cạnh việc xây dựng một thương hiệu thời trang mới, một bộ phận kinh doanh thời trang xem xét đến việc nhượng quyền thương hiệu. Đâu là những điều lưu ý khi nhượng quyền kinh doanh trong mảng thời trang? Style-Republik mang đến những thông tin cơ bản để những ai đang nuôi ý định startup thời trang có thể tham khảo.

Nhượng quyền kinh doanh thời trang là gì? 

Nhượng quyền kinh doanh (nguyên văn từ tiếng Pháp: franchise) là việc cho phép một cá nhân hay tổ chức (gọi là bên nhận nhượng quyền) được kinh doanh hàng hóa hay dịch vụ theo hình thức và phương pháp kinh doanh đã được thử thách trong thực tế của bên nhượng quyền ở một điểm, tại một khu vực cụ thể nào đó trong một thời hạn nhất định để nhận một khoản phí hay một tỷ lệ phần trăm nào đó từ doanh thu hay lợi nhuận.

Bên nhượng quyền (franchisor) phải đảm bảo cung cấp đúng, đủ và hỗ trợ thành viên gia nhập hệ thống đó; còn bên nhận nhượng quyền (franchise) phải đảm bảo thực hiện theo đúng các khuôn mẫu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt của hệ thống, từ cách trang trí đến nội dung hàng hóa và dịch vụ, giá cả được chuyển giao. Các tài sản hữu hình và vô hình khác, như quảng cáo, tập huấn quốc tế và quốc nội cũng như các dịch vụ hỗ trợ khác nói chung được bên nhượng quyền thực hiện, và trên thực tế có thể được bên nhượng quyền yêu cầu, nói chung là đòi hỏi sổ sách kế toán phải được kiểm toán và buộc bên nhận nhượng quyền và/hoặc các đại lý phải chấp nhận việc kiểm tra định kỳ và đột xuất. Nếu không đạt qua các đợt kiểm tra này thì các quyền trong nhượng quyền kinh doanh có thể không được gia hạn hay bị hủy bỏ.

Trước khi nhượng quyền nên xem xét những gì? 

Trước khi xem xét nhượng quyền, bạn nên sắp xếp các ưu tiên của mình theo một trình tự nhất định, dù bạn đang muốn bắt đầu công việc kinh doanh mới của mình ở lĩnh vực nào.

Đầu tiên, bạn cần xem xét việc nhượng quyền sẽ sinh lợi như thế nào so với dòng tiền mà bạn đầu tư. Vì thế, bạn cần phải có kiến ​​thức kinh doanh để giúp bạn định hướng và đưa ra quyết định.

Ví dụ, bạn muốn trở thành đại lý nhượng quyền của Zara, bạn cần phải nghiên cứu và nắm rõ chi phí cần thiết. Theo what-franchise.com cho biết, chi phí nhượng quyền thương hiệu Zara tại Anh trung bình là khoảng 25.000 bảng Anh* (thông tin chỉ mang tính chất tham khảo). Tuy nhiên, chi phí không dừng lại ở đó, bạn cũng sẽ phải lưu ý các khoản phí sau:

Thiết bị, đồ nội thất và đồ đạc

Phí bản quyền: 5 đến 10%

Phí quảng cáo: 3% tổng doanh thu

Đó là tổng số tiền đầu tư ban đầu ít nhất là 65.000 bảng Anh.

Tuy nhiên, khi bạn đã thanh toán các khoản phí này, bạn sẽ được bên nhượng quyền hỗ trợ: nguồn nhân lực, đào tạo và hậu cần. Tất nhiên, bên cạnh chi phí ban đầu, bạn cũng cần một dòng tiền để hỗ trợ các hoạt động hàng ngày của cửa hàng. 

Thứ hai, bạn nên xem xét kỹ lưỡng về các mô hình kinh doanh thời trang trên thị trường. Xu hướng kinh doanh nào mang lại hiệu quả, xu hướng nào đang thoái trào. Nếu có điều kiện bạn nên gặp gỡ và trao đổi với các chuyên gia trong ngành kinh doanh thời trang để có thêm nhiều lời khuyên thiết thực về lĩnh vực này. 

Đặc biệt, khi nhượng quyền bạn cũng cần tìm hiểu thật kỹ chủ nhượng quyền có đủ pháp lý để nhượng quyền hay không. Bộ máy hoạt động của chủ nhượng quyền có đủ chuyên nghiệp hay không để tránh sau khi nhượng quyền bạn không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ và cần thiết. 

Làm thế nào để đăng ký nhượng quyền thương mại?

Nếu không có nhiều kiến thức chuyên môn về lĩnh vực tài chính và luật, bạn nên có một chuyên gia tài chính và luật sư làm cố vấn, những người này sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc để hiểu về xây dựng một startup, kiến ​​thức về làm việc với tổ chức và cách thức giải quyết những rủi ro. Bạn cũng cần có kế toán để giải quyết các khoản thu chi hợp lý.

Bước tiếp theo, bạn liên hệ với các thương hiệu thời trang có chính sách nhượng quyền. Với các thương hiệu nhỏ sẽ không có yêu cầu quá nhiều bên cạnh vấn đề tài chính, tuy nhiên với những thương hiệu lớn toàn cầu sẽ có những yêu cầu riêng và họ chỉ xét duyệt cho những bên có khả năng đáp ứng được điều kiện của họ. Họ cũng sẽ quan tâm đến kế hoạch kinh doanh của bạn cũng như địa điểm mà bạn sẽ hoạt động trong tương lai. Tùy vào từng thương hiệu mà sẽ có những yêu cầu khác nhau, mức phí cũng khác biệt mà bạn nên cân nhắc rõ ràng. 

Lợi ích và khó khăn khi nhượng quyền kinh doanh thời trang

Đối với việc phải xây dựng một thương hiệu thời trang từ con số không, thì việc nhượng quyền thương hiệu giải được nhiều câu hỏi hóc búa khi mà thương hiệu nhượng quyền thường đã có sẵn vị trí nhất định trên thị trường. Bên nhượng quyền cũng được chuyển giao cách thức hoạt động, cách thức quản lý nhân sự và cửa hàng, hình thức marketing… Vì thế, bên nhận nhượng quyền thì chỉ cần tập trung vào kinh doanh, gia tăng doanh số.

Tuy nhiên, bên nhận nhượng quyền cũng chịu những ràng buộc về khuôn khổ hoạt động và pháp lý. Người quản lý không có toàn quyền sáng tạo trong hoạt động kinh doanh. Song song đó nếu hoạt động kinh doanh không hiệu quả, bên chủ nhượng có thể bị hủy hợp đồng nhượng quyền. Mặt khác, nếu chủ nhượng quyền gặp rắc rối trong kinh doanh hay scandal thì bên nhượng quyền sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng. Đây là những lợi ích và rủi ro mà những ai muốn nhượng quyền kinh doanh thời trang nên cân nhắc.

Thực hiện: Koi