Nỗ lực cứu vãn thời kỳ vàng son của nghề thủ công truyền thống nước Ý

Ngày đăng: 08/01/23

Thương hiệu thuộc tập đoàn LVMH đang tìm mọi cách khuyến khích thế hệ trẻ tham gia vào quá trình sản xuất thời trang xa xỉ. Theo Stefania Lazzaroni, tổng Giám đốc thương mại Altagamma, các thương hiệu thời trang xa xỉ chỉ có thể đáp ứng phân nửa so với những gì họ đã đăng tải. 

Khi Serge Brunschwig đến Rome gần 5 năm trước để trở thành giám đốc điều hành của Fendi, ông đã phải đối mặt với một thách thức khiến cựu sinh viên 62 tuổi của McKinsey sửng sốt: Công ty đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những người thợ lành nghề. Xét cho cùng, Ý nổi tiếng với những nghệ nhân thượng hạng, từ những người làm vĩ cầm, nhà thiết kế dệt may và họa sĩ thời Phục hưng cho đến những huyền thoại của thời trang hiện đại, nghề thủ công luôn có khởi nguồn từ Ý. “Chúng ta có những con người phi thường, vô cùng tận tụy, sẵn sàng nỗ lực hết mình. Thế nhưng thế hệ tiếp theo đâu rồi?” Brunschwig phát biểu từ văn phòng của Fendi khi biết rằng thời kỳ các nghệ nhân vàng son đang có nguy cơ mai một.

Serge Brunschwig, CEO Fendi

Thách thức của Brunschwig là thách thức mà các giám đốc điều hành trên khắp thế giới sẽ sớm nhận ra. Bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng từ cuối năm 2022, các công ty đang phải vật lộn để tìm kiếm nhân viên tài năng do hậu quả của đại dịch kết hợp với xu hướng lựa chọn nhân khẩu học dài hạn đã thu hẹp lực lượng lao động trên khắp thế giới.

Ở Ý, khó khăn tuyển dụng những người lao động trẻ tuổi không chỉ là vấn đề của Fendi. Các công ty gia đình nhỏ sản xuất nguồn cưng ứng cũng đang phải đối mặt với vấn đề tương tự và một số sẽ ngừng hoạt động, làm dấy lên viễn cảnh rằng Ý có thể mất đi bí quyết quý giá đã giúp thúc đẩy nền kinh tế của mình trong nhiều thế kỷ. 

Fendi by Kim Jones

Giống như tỷ phú Bernard Arnault – CEO của gia tộc LVMH, Brunschwig tốt nghiệp trường Ecole Polytechnique danh tiếng của Pháp, nổi tiếng về đào tạo quân sự và chương trình giảng dạy nghiêm ngặt về khoa học và kỹ thuật. Ông đã làm việc ở Paris và Hồng Kông trong suốt hơn 20 năm sự nghiệp phát triển các thương hiệu hàng đầu của LVMH – bao gồm Dior và Louis Vuitton – trước khi đến Rome với sứ mệnh lèo lái Fendi cho đến hết triều đại 50 năm có Karl Lagerfeld là giám đốc sáng tạo.

Việc Brunschwig bổ nhiệm nhà thiết kế người Anh Kim Jones đã thúc đẩy doanh số bán hàng với dòng sản phẩm mới, nhưng ông lo lắng về hậu quả khi các kỹ năng truyền thống của Ý bị mai một. Ông cân nhắc liệu điều này có liên quan đến tiền bạc hay không, vì tuy mức lương khởi điểm trong ngành này thấp hơn so với các ngành nghề khác nhưng sau này có thể tăng lên nhiều. Ông cho rằng, nếu một người thợ có thể biến bản phác thảo của một nhà thiết kế thành một chiếc giày đẹp, vừa vặn, có thể sản xuất theo nhiều kích cỡ và được gia công cẩn thận, sản phẩm đó có giá trị to lớn sẽ được mọi người săn đón.

Vì vậy, Brunschwig quyết định rằng Fendi sẽ phải đóng vai trò tích cực hơn trong việc bảo tồn và phát huy những truyền thống vàng son. Ông muốn tạo ra một môi trường có thể quy tụ những thợ thủ công, cả già lẫn trẻ học hỏi kỹ năng lẫn nhau, vì vậy Fendi mới mở một nhà máy ở khu vực trung tâm của Marche, nơi có các xưởng sản xuất giày đã hoạt động hơn 500 năm. Với cơ sở vật chất hiện đại và một căn tin sang trọng, nhà máy mới của Fendi mang đến cảm giác của một công ty khởi nghiệp công nghệ hơn là nhà máy sản xuất giày. Thế nhưng, ngay cả ở một đất nước có 24% thanh niên thất nghiệp như Ý, ông vẫn không nhận được sự quan tâm như mong đợi.

Nhà máy của Fendi ở trung tâm Marche chuyên sản xuất giày ở Ý

Theo ông, những người Ý trẻ tuổi không thực sự hứng thú với ngành công nghiệp xa xỉ đậm dấu ấn truyền thống của nghệ nhân thủ công thời kỳ Phục hưng, họ bận tâm hơn về điều kiện nhà máy khắc nghiệt và mức lương thấp trong những năm gần đây. Beatrice Giommarini, 18 tuổi, thực tập sinh tại nhà máy Fendi, người ban đầu muốn theo nghề làm tóc cho biết: “Mọi người coi việc đóng giày là công việc dành cho những kẻ thất bại.” Cô nói rằng khi còn nhỏ, việc chứng kiến ​​mẹ cô ấy đóng giày từng phần một khiến cô sợ hãi sau này mình sẽ làm nghề tương tự. “Bà ấy từng làm việc ở nhà trong rất nhiều giờ. Thật sự rất, rất căng thẳng.”

Để thay đổi quan điểm đó, Brunschwig đã tìm đến hệ thống trường nghề ở Ý. Tại quê hương Pháp của ông, các trường nghề là cách phổ biến và hiệu quả để trang bị cho người dân những công việc lành nghề, với khoảng 240.000 sinh viên trên cả nước, và ở Ý, con số này là 17.000. Vì nhiều người Ý coi các trường nghề là một lựa chọn dự phòng cho những đứa trẻ gặp khó khăn trong học tập, thay vì là con đường đi vào một ngành nghề được trả lương cao, Fendi hợp tác với tập đoàn thương mại Altagamma và Bộ Giáo dục Ý để xây dựng mối liên kết tốt hơn giữa các trường học và cung cấp cơ hội thực tập cho sinh viên, bên cạnh các công ty khác như Bulgari, Salvatore Ferragamo và Gucci. Annamaria Bernardini, hiệu trưởng của một trường học ở Fermo đang tham gia chương trình cho biết: “Sự hiện diện của một thương hiệu uy tín sẽ giúp ích cho các sinh viên rất nhiều.”

Thực tập sinh ở nhà máy Fendi

Alessia Balla, một thực tập sinh 18 tuổi, không thể tin vào mắt mình khi lần đầu tiên đến thăm nhà máy Fendi. Cô quan sát một nhân viên đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng trên một đôi ủng thanh lịch có phần gót phản trọng lực, phức tạp đến mức các kỹ sư đã nghiên cứu cách phân bổ trọng lượng hiệu quả trước khi bắt đầu sản xuất. Balla chia sẻ: “Mọi thứ bắt đầu từ một ý tưởng trên giấy, nhưng sau đó thật tuyệt vời khi thấy nó phát triển. Tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ được đến đây làm việc.”

Nhà máy của Fendi ở Tuscany, Ý

Nhưng Brunschwig không nghỉ ngơi với thành công bước đầu. Ông đã mở một nhà máy thứ hai sản xuất túi xách ở Tuscany và đang cân nhắc các ý tưởng cho giai đoạn tiếp theo trong công cuộc cách mạng thái độ của người Ý. Tuy có thái độ châm biếm về các chương trình truyền hình về nghề đầu bếp, ông lại xem đó là nguồn cảm hứng khuyến khích thế hệ trẻ. “Trở thành đầu bếp không phải là ước mơ của bất kỳ ai khi tôi còn trẻ,” ông nói. “Tuy nhiên cách truyền tải thông điệp của công việc này khiến người ta quan tâm và hứng thú, và chúng ta cần phải làm điều tương tự.”

Thực hiện: Bảo Long
Theo Bloomberg

Tags: