NTK trẻ Tom Trandt: “Nếu bạn cảm thấy quá khó khăn, có thể bạn đang đi sai đường”
Ngày đăng: 29/08/18
Tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế thời trang từ trường Parsons School of Design – New York, NTK trẻ Tom Trandt chọn lựa về nước và khởi nghiệp với thương hiệu thời trang riêng. Cùng đồng đội của mình, anh đã phát triển thương hiệu Môi-Điên đang được rất nhiều tín đồ thời trang yêu thích với cá tính riêng biệt. Song song đó, Tom Trandt còn đang phát triển dòng sản phẩm mới mang tên IMM được đầu tư nhiều về mặt thiết kế cho các khách hàng phổ thông trong thời gian này.
Là một gương mặt trẻ và ấn tượng trong làng thời trang Việt, Tom Trandt đã chia sẻ cùng Style-Republik những bí quyết để xây dựng một portfolio thời trang hiệu quả, cùng với cách anh vận dụng những gì được học để xây dựng và phát triển thương hiệu thời trang của riêng mình đến các sinh viên thời trang trong bài phỏng vấn kỳ này.
Là một trong những sinh viên Việt từng học ở Parsons The New School for Design ở New York, vào thời điểm đó anh đã làm như thế nào để xây dựng một portfolio ghi điểm trong mắt nhà trường?
Portfolio là công cụ để hiểu về một nhà thiết kế khi nhà thiết kế vắng mặt. Theo tôi một portfolio tốt phải truyền tải được cá tính và các thế mạnh của nhà thiết kế thông qua việc lựa chọn đề tài, sự nghiêm túc trong các bước phát triển ý tưởng và sự kỹ tính trong khâu trình bày. Trong khoảng thời gian cho phép, một NTK nên phân bổ thời gian để đầu tư cho cả 3 yếu tố kể trên.
Từng thực tập tại Zac Posen, một trong những thương hiệu thời trang danh tiếng trong quá trình du học, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm anh nhận được trong quá trình thực tập của mình đến với các sinh viên thời trang hiện tại? Quá trình thực tập đó có giúp gì được cho anh trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân sau khi về nước?
Quá trình thực tập là cơ hội tuyệt vời để tôi xây dựng các mối quan hệ quý giá sau này và rèn luyện tác phong công sở. Mỗi năm học mình có ít nhất 2 kỳ tình nguyện/ thực tập và sự kỷ luật tới từ các chương trình đó góp phần rất nhiều vào văn hoá công ty của mình sau này.
Môi-Điên ra đời vào cuối năm 2016, sau một năm rưỡi vận hành một thương hiệu thời trang của riêng mình, chắc hẳn có rất nhiều vấn đề phát sinh, những điều mà anh không thể học được ở trường. Anh có thể chia sẻ về những khó khăn đó cũng như cách anh giải quyết nó như thế nào?
Khi bạn bắt đầu một tổ chức mới bạn sẽ phải tự điều chỉnh những gì bạn học được trước đó để phù hợp với các thử thách hiện tại. Các thử thách cũng thay đổi liên tục nên cần một sự linh động trong cách quản lý và có một tư duy mở để đón nhận các phản hồi.
Một ví dụ là ở Việt Nam không có nhiều các cửa hàng trung gian, nên với số vốn hạn chế, tụi mình phải vừa xây studio để phát triển sản phẩm đồng thời đầu tư nhân lực để xây dựng không gian ảo cho việc bán hàng. Điều này đi ngược với môi trường chuyên nghiệp ở New York nhưng lại phù hợp với thị trường đang phát triển của Việt Nam.
Anh có cảm thấy quá khó khăn hay không, trong việc đi tìm sự cân bằng giữa chất thời trang và tính thương mại, trong việc vận hành một thương hiệu?
Nếu bạn thấy quá khó khăn có thể bạn đang đi sai đường. Trong rất nhiều trường hợp, bạn nên cảm thấy những gì mình làm trôi chảy, hợp lý. Khách hàng của bạn nên nhìn sản phẩm và hiểu tư duy của bạn mà không cần quá nhiều giải thích.
Có bao giờ anh nghĩ đến chuyện bỏ cuộc? Và điều gì đã thúc giục anh tiếp tục cho đến bây giờ?
Tôi không bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ cuộc, tôi sẽ vẫn tiếp tục theo cách này hay cách khác, đó là cá tính của tôi.
Hiện đại, Môi-Điên là một trong những thương hiệu trẻ gây được ấn tượng với các tín đồ thời trang Việt với cá tính riêng của mình. Kế hoạch kinh doanh của Môi-Điên trong thời gian tới, phát huy “chất” của mình hay tiến đến giải quyết “thương mại”?
Môi Điên đã tách ra 2 dòng riêng biệt là Môi Điên và IMM để có thể vừa nâng cao chất lượng các sản phẩm vừa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng phổ thông. Các bạn có thể mong đợi các bộ sưu tập được đầu tư hơn về mặt thiết kế.
Lan Man là một dự án rất thú vị của Môi-Điên, trong việc phát hiện cũng như giới thiệu các nhân vật cá tính của giới thời trang, nghệ thuật hay cộng đồng mạng. Vì đâu anh có ý tưởng phát triển dự án này?
Ở Việt Nam chưa có một công ty PR hiểu sâu và tập trung vào thời trang. Một tổ chức như vậy có thể thuyết phục các nhà thiết kế cùng hệ thống quá công việc để giảm chi phí trong rất nhiều khâu và đồng thời chuyên nghiệp hoá các quá trình này. Hiện tại chạy quảng cáo Facebook vẫn được hiểu nhầm là marketing, nhưng thực ra marketing còn có thể giúp định hình thương hiệu khi tham gia cả vào công đoạn phát triển sản phẩm.
Trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam trong số 16 NTK trên toàn thế giới, được chọn tham gia International Fashion Showcase (Triển lãm thời trang quốc tế – IFS) 2019 tại London. Điều này có khiến anh cảm thấy áp lực? Anh đã học hay đúc kết ra được điều gì qua cuộc thi?
Đây là một cơ hội cực kỳ lớn để học thêm về bộ máy thời trang ở châu Âu và những điểm khác biệt trong cách vận hành so với ngành công nghiệp thời trang Mỹ và Việt Nam. Chương trình vẫn còn kéo dài thêm 1 năm nên còn rất nhiều điều mình đang tiếp tục học. Bài học lớn nhất ở hiện tại là việc lên kế hoạch xa và những việc một nhà thiết kế phải tự làm để có thể xây dựng thương hiệu với một kinh phí thấp.
Cám ơn NTK Tom Trandt!
Thực hiện: Hoàng Khôi
Ảnh: NVCC