Paul Poiret – Ông vua bị lãng quên của nền thời trang hiện đại

Ngày đăng: 28/02/21

Phần lớn nền thời trang hiện đại ra đời cùng Paul Poiret. Từ hình thức trình diễn trên sàn runway đến vị thế như một loại hình nghệ thuật của thời trang cao cấp. Ông được tưởng nhớ đến như một nhà cách tân, người đã loại bỏ áo nịt ngực ra khỏi trang phục hằng ngày.

Đồng thời, ông cũng là người giới thiệu những kiểu dáng mới như váy hobble, quần harem và áo chụp đèn. Poiret không chỉ biết cách thiết kế những bộ quần áo thành công về mặt thương mại, mà còn biết cách tiếp thị chúng, biến mô hình kinh doanh của mình trở thành hình mẫu cho ngành công nghiệp thời trang đương đại.

Chân dung Paul Poiret
Chân dung Paul Poiret

Nhà thiết kế Pháp Quốc này đã bắt đầu sự nghiệp của mình khi còn là một cậu thiếu niên vào những năm đầu thế kỷ 20. Ông đã bán các bản vẽ của mình cho nhiều nhà thời trang cao cấp. Sau đó, ông bị cuốn hút bởi Jacques Doucet, thương hiệu danh tiếng bậc nhất Paris thời bấy giờ, và làm việc ở đó trong bốn năm. Tại đây, Poiret bắt đầu thiết kế trang phục cho các nữ diễn viên sân khấu nổi tiếng như Réjane và Sarah Bernhardt.

Váy hình chụp đèn (1913) bởi Paul Poiret
Váy hình chụp đèn (1913) bởi Paul Poiret
Đầm suông (thập niên 20) bởi Paul Poiret
Đầm suông (thập niên 20) bởi Paul Poiret
Đầm rũ (1914) bởi Paul Poiret
Đầm rũ (1914) bởi Paul Poiret

Năm 1901, sau năm năm phục vụ trong quân sự, Paul Poiret được chào đón đến với thương hiệu của Charles Frederick Worth. Đây là người được ngưỡng vọng nhất trong ngành và được xem là cha đẻ của thuật ngữ haute couture. Poiret làm việc cho Worth với tư cách trợ lý thiết kế. Không như nhiều người nghĩ, Poiret không tạo nên bất kỳ bộ đầm lộng lẫy nào trong suốt những năm tại xưởng của Worth. Thay vào đó, ông chịu trách nhiệm thiết kế những bộ quần áo mang tính ứng dụng cao hơn cho những khách hàng thân thiết của hãng. Sự thuần thục và kinh nghiệm tại nhà may này giúp Poiret hiểu những gì mà phụ nữ muốn mặc trong cuộc sống hằng ngày của họ.

Paul Poiret trong một buổi fitting
Paul Poiret trong một buổi fitting
Những phụ nữ thương lưu trong trang phục của Paul Poiret
Những phụ nữ thương lưu trong trang phục của Paul Poiret

Năm 1903, khi 23 tuổi, Poiret mở cửa hàng thời trang cao cấp của riêng mình tại số 5 trên con phố Auber ngay cạnh Nhà hát Opéra de Paris. Những ngôi sao như Réjane quay trở lại với ông và mang cái tên Paul Poiret bay xa. Ông kết hôn cùng Denise Boulet vào năm 1905, người từng là nàng thơ của ông với dáng người thanh mảnh và khác lạ. Đó là khoảng thời gian mà ông lăng xê mẫu đầm không đính lông vũ. Ông ưu ái những đường cắt, cấu trúc mang hơi hướng ngoại lai. Từ chiếc kimono của Nhật Bản đến Caftan của Trung Đông. Mặc dù một số người cùng thời với ông cũng đã bắt đầu từ bỏ áo nịt ngực, nhưng Poiret vẫn được xem là người tạo nên khởi đầu của thời trang hiện đại nhờ sự công nhận của ngành dành cho ông.

Trang phục của Paul Poiret

Trang phục của Paul Poiret

Vào thời điểm đó, các buổi giới thiệu thường là những buổi gặp gỡ riêng tư. Các người mẫu sẽ đi quanh khách hàng trong atelier (xưởng may). Trước đây, các người mẫu làm việc độc quyền cho một nhà tạo mẫu duy nhất trong một thời điểm. Đến năm 1910, các buổi trình diễn đã trở thành những sự kiện kéo dài hàng giờ đồng hồ. Để thay thế hình thức ngột ngạt và có phần nhàm chán này, Poiret đã tạo nên sự phấn khích xung quanh các bộ sưu tập của mình bằng cách thu hút cánh báo chí. Ông nổi tiếng là người “chịu chơi” với những bữa tiệc xa hoa, hoành tráng, chẳng hạn như đêm tiệc “Ngàn lẻ hai đêm”. Những người mẫu xuất hiện trên đường băng, thu hút mọi ánh nhìn của quan khách tham dự. Đến sáng hôm sau, không ai có thể ngừng bàn tán về những bữa tiệc hay thời trang của ông.

Phác thảo của Paul Poiret

Phác thảo của Paul Poiret

Phác thảo của Paul Poiret

Bên cạnh việc tổ chức sàn diễn, ông còn thay đổi cách trình bày trên các tạp chí in. Trước khi ấn phẩm Les Robes de Paul Poiret của ông được phát hành, các tạp chí thường giới thiệu trang phục trong các bản phác thảo trắng đen hoặc các bản in nhạt màu. Các hình ảnh thường tập trung vào bối cảnh mơ hồ nào đó, trong nhà hoặc ngoài trời. Khi ấn phẩm Les Robes de Paul Poiret xuất hiện, nó đã thay đổi điều đó. Poiret kết hợp cùng họa sĩ minh họa Paul Iribe đã tưởng tượng nên những khung cảnh được sắp xếp đầy thời trang với nội thất sang trọng. Các thiết kế của ông là những mảng màu rực rỡ và tách biệt khỏi lớp nền màu trắng đen. Phong cách minh họa mới mẻ này tạo ảnh hưởng lớn đến truyền thông và nhiếp ảnh, thúc đẩy mối quan hệ giữa thời trang và nghệ thuật.

Một trang trong ấn phẩm Les Robes de Paul Poiret

Những chiếc nón của Paul Poiret

Những chiếc nón của Paul Poiret

Năm 1911, Poiret cũng trở thành nhà thiết kế đầu tiên giới thiệu dòng nước hoa của riêng mình (trước cả Chanel No.5 khoảng mười năm), đẩy mạnh quảng cáo cho thương hiệu thông qua không gian làm đẹp. Ông đã sử dụng kỹ năng trang trí và con mắt thẩm mỹ của mình vào việc thiết kế bao bì và chai nước hoa. Khi hương thơm vẫn là một mặt hàng quan trọng của nhiều hãng thời trang ngày nay, Poiret đã là một ví dụ tiêu biểu đầu tiên về cách mà ảnh hưởng của một nhà thiết kế có thể vượt ra ngoài quần áo.

Hình ảnh bao bì dòng nước hoa Rosine (1912)
Hình ảnh bao bì dòng nước hoa Rosine (1912)

Mặc dù những đổi mới của Poiret đã giúp ông trở thành người sáng tạo nên phong cách thời trang đầu thế kỷ 20. Nhưng đáng buồn thay khi sự cống hiến của ông để biến thời trang thành một lĩnh vực nghệ thuật lại dần bị lãng quên. Sau Thế chiến thứ nhất, chủ nghĩa hiện đại được ưa chuộng hơn phong cách trang trí và sang trọng của Poiret. Tài năng của ông đã bị thay thế bởi cái tên Coco Chanel. Poiret đóng cửa xưởng may vào năm 1929, nhưng những đóng góp của ông vẫn tiếp tục chảy trong huyết mạch thời trang ngày nay.

Một thiết kế mùa Thu-Đông của Paul Poiret lấy cảm hứng từ di sản của thương hiệu
Một thiết kế mùa Thu-Đông của Paul Poiret lấy cảm hứng từ di sản của thương hiệu

Sau 90 năm ngủ yên trong lịch sử, thương hiệu mang tên Paul Poiret đã được lèo lái bởi Ann Chapelle (điều hành) và Yiqing Yin (sáng tạo). Một người đang đồng hành cùng hai nhà mốt nổi tiếng Ann Demeulemeester và Haider Ackermann. Người còn lại, từng đồng hành cùng Hermes, Cartier, Swarovski, Louboutin,…. Bộ sưu tập Thu-Đông 2018 là sự gợi nhắc về những kiểu dáng và họa tiết đặc trưng của Poiret.

Thực hiện: Hiếu Lê
Tham khảo: CR Fashion Book