Phải chăng những con phố mua sắm lớn trên thế giới đang dần biến mất?

Ngày đăng: 19/09/22

Ngành công nghiệp thời trang toàn cầu đã và đang trải qua những đợt biến đổi lớn, nhằm thích ứng kịp với tốc độ chuyển động nhanh dần của đời sống xã hội. Mọi thứ ngày nay dường như luôn phải nhanh hơn, hiện đại hơn và tiện lợi hơn.

Do đó, không lấy làm lạ khi shopping trực tuyến dần chiếm ưu thế hơn so với việc người tiêu dùng trực tiếp ghé thăm những cửa hàng. Phải chăng các con phố mua sắm lớn trên khắp thế giới đang đứng trước nguy cơ biến mất?

Mua sắm trực tuyến – tương lai của ngành bán lẻ 

Nếu phải kể ra vài cái tên tiêu biểu đã góp phần làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng thời trang, ắt ta sẽ không thể bỏ qua eBay và Amazon. Đều ra mắt vào năm 1995 – thời kỳ hoàng kim của “bong bóng dotcom”, Amazon và eBay nhanh chóng bật lên như hai thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, dù đường hướng phát triển có nhiều điểm khác biệt. 

Trong khi Amazon với tiền thân là một trang mua bán và trao đổi sách online, đã trở thành một “gã khổng lồ” thương mại điện tử đa quốc gia, được xây dựng trên nền tảng từ sự kết hợp giữa thương hiệu, khách hàng, công nghệ cùng khả năng phân phối chuyên nghiệp. Thì eBay ra đời với định hướng là một Website mua hàng, đấu giá trực tuyến lớn nhất thế giới. Tại đây người bán có thể đăng bán bất kỳ sản phẩm nào từ các mặt hàng mới và cũ, từ sách vở, quần áo đến tivi, điện thoại, ô tô,… và đặc biệt là các mặt hàng thời trang cao cấp. Sự bùng nổ của hai cái tên này đã khơi mào cho thói quen Online Shopping, mọi cung – cầu về hàng hóa thời trang giờ đây chỉ tối giản trong một cú click chuột và thời gian hoàn thành thanh toán cũng tốn chưa đến 5 phút (dĩ nhiên là đi kèm với rất nhiều mã giảm giá, ưu đãi theo mùa và dịp lễ). 

Hiện nay, cộng với sự ra đời liên tục và tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt của các sàn thương mại điện tử (E-commerce), người tiêu dùng lại có thêm nhiều lựa chọn mua sắm trực tuyến hơn nữa. Họ dần yêu thích việc ngồi tại nhà ung dung lướt điện thoại, bỏ vào giỏ hàng những items hợp gu, thanh toán và thế là một đến vài ngày sau món đồ đó sẽ được giao đến tận nhà. Một lợi thế nữa đến từ mua sắm trực tuyến, đó là khách hàng có thể tiếp cận trọn vẹn bộ sưu tập của thương hiệu nào đó, nhanh hơn nhiều so với việc đến tận cửa hàng. 

Thông qua website và e-commerce, khách hàng cũng thấy được những phong cách đa dạng, cách kết hợp và gợi ý cho cả một set đồ hoàn chỉnh từ thương hiệu. Ngoài ra, nếu sản phẩm giao đến không đúng kích cỡ, size, màu sắc hay không đảm bảo chất lượng,… họ có thể tiến hành bấm trả hàng và được hoàn tiền (chính sách đổi – trả tùy thuộc vào chính sách của sàn hoặc thương hiệu), dĩ nhiên tất cả quá trình đều thực hiện online và khá thuận tiện.

Khái niệm “High Street” đang dần lụi tàn? 

“High Street” – khái niệm ám chỉ những con phố mua sắm, nơi quy tụ rất nhiều cửa hàng khác nhau. Trong mười năm qua, chúng ta chứng khiến hàng loạt con phố mua sắm nhỏ và những cửa hàng thời trang riêng lẻ trên thế giới đã phải đóng cửa vì lượng người mua giảm sút. Người ta bị thu hút bởi các khu trung tâm sầm uất, khu mua sắm được đầu tư “khủng” và những trang online hơn là các cửa hàng mà điểm cạnh tranh duy nhất chỉ là chương trình giảm giá, khuyến mãi và giá thành hạ thấp hơn một chút khi mua online. 

Có khả năng những con phố mua sắm từng nổi danh trên toàn cầu đang bị ảnh hưởng trầm trọng, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 nổ ra. Các chủ thương hiệu và doanh nghiệp buộc phải đóng cửa cơ sở kinh doanh vì dịch bệnh, nhu cầu sắm sửa quần áo tụt giảm không phanh và nhiều người không gánh nổi chi phí duy trì hoạt động cho cửa hàng. Vốn dĩ, mua sắm là một hoạt động giúp gia tăng tương tác xã hội, cho khách du lịch, dân địa phương và cho gia đình, nhóm bạn bè, và tất nhiên sẽ luôn có những người muốn thử đồ trước khi mua hàng. Tuy nhiên, khi đối diện với nhiều bất cập của bối cảnh hậu đại dịch, không ít chủ thương hiệu đành chọn cách tập trung triệt để vào việc bán hàng trên mạng, hoặc tham gia vào các sàn thương mại điện tử phổ biến. 

Ví dụ điển hình là cửa hàng nổi tiếng “La Maroquinerie Parisienne” chuyên bán đồ da và các phụ kiện thời trang cao cấp tại Paris, sau hơn 70 năm hoạt động, đã tuyên bố đóng cửa luôn vào cuối năm 2020. Hay thương hiệu Burberry lâu đời của Anh cũng thông báo đóng cửa 38 cửa hiệu trong số 300 địa điểm kinh doanh trên thế giới. Những hãng bán lẻ như Debenhams đưa ra kế hoạch dần đóng cửa 10 trên 176 cửa hàng của họ tại Anh cho tới năm 2022, vì sự gia tăng của những đơn hàng thông qua các nền tảng mua sắm online trên điện thoại. Điều này phản ánh rõ rệt sự thay đổi mà nhiều hãng bán lẻ lớn buộc phải triển khai để kịp thích nghi với tình trạng chung của cả ngành công nghiệp thời trang, cũng như “lập trình” lại bảng phân bố cửa hàng của họ. 

Tương lai nào cho các cửa hàng thời trang và những con phố mua sắm?

Một sự thật không thể chối bỏ: việc lượn quanh các dãy phố mua sắm và đến thử trực tiếp đồ tại cửa hàng vốn đã là nét văn hóa trong cộng đồng yêu thời trang, nhất là khi đây được xem là hoạt động giết thời gian, giải trí và mang lại cảm xúc “thỏa mãn” khó thay thế của không ít người. Để cân bằng giữa chiến lược kinh doanh trực tuyến và nuôi dưỡng, cũng như phát triển thêm tập khách hàng mới tại các cơ sở vật lý. 

Ảnh: cửa hàng Louis Vuitton tại Beverly Hills

Nhiều thương hiệu cao cấp đã tiên phong đi đầu trong cách đầu tư, bày trí, quảng bá cho cửa hàng của họ. Đơn cử như Louis Vuitton đã mở hẳn một cửa hàng mới tại Beverly Hills vào ngày 14.07.2022, đánh dấu cột mốc của nhà mốt lớn dành riêng cho tập khách hàng nam giới. Không chỉ vậy, các thương hiệu có tuổi đời trẻ hơn cũng tập trung xây dựng cửa hàng như một địa điểm giao lưu phong cách giữa nhà thiết kế, bản sắc thương hiệu và khách hàng. Giúp mang đến cảm giác mua sắm mới mẻ, độc đáo ngay trong chính Showroom/ cửa hàng, nhất là với những fan trung thành của sản phẩm thời trang xa xỉ – những người luôn ưu tiên giá trị cốt lõi, chất lượng dịch vụ và trải nghiệm riêng biệt mà mỗi thương hiệu đem lại. 

Ảnh: Bên trong cửa hàng Pop-up của thương hiệu Jacquemus

Chính vì thế mà trong nhiều năm tới, có lẽ chúng ta vẫn còn được nhìn thấy các con phố mua sắm trong trạng thái hoạt động sôi nổi và thậm chí  “không ngủ”. Tuy không tránh khỏi việc phải nói lời tạm biệt với nhiều con đường mua sắm quen thuộc, nhưng với ngành công nghiệp biến đổi liên tục như thời trang, sẽ luôn có nhiều thứ cần được đóng lại để mở ra một chương mới. Việc có kịp chuyển mình và thích nghi với thời cuộc hay không, sẽ là bài toán mà nhiều thương hiệu chuỗi bán lẻ phải giải.

Thực hiện: Chi Hảo


Về Chi Hảo: 

Hiện Chi Hảo đang là một Fashion Marketer với hơn 3 năm kinh nghiệm làm việc cùng các Local Brand Việt. Ngoài ra, cô gái sinh năm 1996 đang định hướng phát triển như một Fashion Blogger cùng Social Project cá nhân mang tên WTH – Wear To Heal: gửi thông điệp chữa lành và self-love thông qua thời trang.


*Bài vở cộng tác bạn vui lòng gửi về hộp thư info@style-republik.com. Thông tin cộng tác viết bài vui lòng xem chi tiết tại đây