Saitex – nhà máy sản xuất jeans nỗ lực chuyển đổi tác động môi trường ở Việt Nam

Ngày đăng: 02/05/20

Ngày nay, jeans có lẽ là một chủ đề mà khi nói đến, ta nên bắt đầu bằng những cảnh báo tác động môi trường. 

Suốt mỗi công đoạn, bắt đầu từ hạt giống cotton trên cánh đồng cho đến từng chiếc quần jeans thành phẩm, đều trực tiếp và gián tiếp tạo ra vô số tác động tiêu cực cho môi trường. Quần jeans đã bị lên án suốt nhiều năm qua vì mức độ ô nhiễm mạch nước, gây hại nguồn đất, biến đổi khí hậu và lãng phí năng lượng không tái tạo. Nếu như cây cotton trải qua quá trình chăm bón phủ đầy thuốc trừ sâu hoá học cực kỳ có hại cho môi trường lẫn con người; thì mỗi chiếc quần jeans được sản xuất với quy trình xử lý nước và chất thải một cách lỏng lẻo có thể gọi là một thảm họa sinh thái.

Nhìn vào chuỗi cung ứng ở các quốc gia thuộc thế giới thứ ba, nơi mà chất lượng cuộc sống, ý thức môi trường, chính sách lao động và nhân quyền rất hiếm khi được coi trọng. Các nhà máy dệt, nhà máy giặt tẩy denim và nhà máy sản xuất jeans là ngành kinh doanh sinh lãi ròng cho hàng ngàn “nhà khai thác” trên toàn thế giới, đặc biệt là các “thế giới thượng tầng”. Nhiều trong số các nhà kinh doanh đó không có sự quan tâm xã hội và trách nhiệm đạo đức trong thương hiệu, cũng không có khả năng quản lý, kiểm soát, xử lý chặt chẽ để tránh tổn hại cho hành tinh này. 

Không ai biết chính xác mức độ ô nhiễm có thể quy ra cho ngành dệt nhuộm-may mặc toàn cầu là bao nhiêu, nhưng có những minh chứng rất rõ ràng, chính là những quả núi rác thải-dệt may ở Ấn Độ, các con kênh sùi bọt-độc tố ở Trung Quốc, #RanaPlaza2013 và hàng ngàn người lao động biểu tình-mỗi năm ở Bangladesh. Thật là một nền công nghiệp khét tiếng với việc lợi dụng chi phí lao động rẻ mạt và tiêu chuẩn môi trường hời hợt.

Nguồn: South China Morning Post 

Thời trang ngày nay ví như một ngành công nghiệp sản xuất rác thải. Trên toàn thế giới, theo báo cáo nghiên cứu Pulse of the Fashion Industry 2017, thực hiện bởi Boston Consulting Group (BCG) and Global Fashion Agenda (GFA), các loại rác thải thời trang bị vứt ra lên đến 92 triệu tấn vào năm 2015, ước tính tổng lượng rác thải thời trang vào năm 2030 lên đến 148 triệu tấn, tức trung bình 17,5kg/người/năm trên khắp hành tinh. Phần lớn rác thải thời trang kết thúc tại bãi chôn lấp hoặc bị đốt cháy, ước tính cứ mỗi giây cần tới một xe tải chở rác dệt may (theo Eco-business.com)

Saitex - nhà máy sản xuất jeans dẫn đầu chuyển đổi tác động môi trường
Pulse of the Fashion Industry 2017 report: Chapter 1, Exhibit 3, Projected Environmental Impacts

Cũng theo Pulse of the Fashion Industry 2017 (Chapter 1, Water Consumption), mức tiêu thụ nước của ngành công nghiệp thời trang toàn cầu vào năm 2015 đã đạt 79 tỷ mét khối, đủ để lấp đầy gần 32 triệu bể bơi chuẩn Olympic. Tức tiêu tốn 32 triệu lần số nước trong 1 Olympic-size swimming pools (có sức chứa tương đương 500,000 gallons ~ 1,892,706 lít nước), trong khi tình trạng hạn hán, thiếu nước sạch, nước ngọt xảy ra ở khắp mọi nơi. GFA và BCG dự đoán rằng lượng tiêu thụ nước của ngành sẽ tăng 50% vào năm 2030, điều này rất quan trọng, vì một số quốc gia sản xuất cotton hàng đầu thế giới như Trung Quốc và Ấn Độ nằm ở các khu vực đang chịu áp lực nước cao, hoặc từ trung bình đến cao. Mức độ nghiêm trọng sẽ vẫn leo thang, các quốc gia trồng cotton và ngành công nghiệp thời trang có thể phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước cực đoan hơn.

Ngành công nghiệp quần áo toàn cầu tiêu thụ nước nhiều đến mức ví như nước sông Nile đổ ra Địa Trung Hải – Bloomberg.com

Tại một phiên thảo luận về cách ngành công nghiệp thời trang có thể tiến tới một mô hình kinh doanh tuần hoàn, Hội Nghị Ecosperity (Singapore,6/2019), Mr. Ariel Muller, giám đốc điều hành khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Forum for the Future nói: “Ngành công nghiệp thời trang chiếm 10% lượng khí thải carbon hiện nay, nhiều bằng ngành vận chuyển và hàng không cộng lại. Nếu không có sự gián đoạn trong cách chúng ta sản xuất, sử dụng và tái chế quần áo, con số dự kiến đến năm 2050 là 26%”. Toàn bộ ngành thời trang thực sự phải chịu trách nhiệm trước các con số gia tăng khí thải nhà kính này. 

Và lúc này đây, khi bạn nhìn vào những chiếc quần jeans yêu thích của mình, trách nhiệm tiêu dùng liệu có khiến bạn từ bỏ việc mặc chúng, vì bạn hoàn toàn không biết trên hành trình trước khi đến với bạn, những chiếc quần jeans thật thời trang này đã tạo ra bao nhiêu tác động tiêu cực cho môi trường, ngốn bao nhiêu lít nước, xả ra bao nhiêu chất thải độc hại và gia tăng phát thải khí nhà kính đến mức nào. Bạn có nên tiếp tục mặc chúng, tiếp tục giặt, tiếp tục hao tốn nước hay vứt ngay chúng đi, nhưng bạn sẽ vứt chúng đi đâu để không gây hại cho hành tinh này?

Sẽ có nhiều cách khác nhau, có thể những người cực đoan sẽ chỉ mong “denim bị tuyệt chủng”, nhưng có những người luôn không ngừng khắc phục và nỗ lực bù đắp bằng tác động tích cực, để quần jeans có thể có một cuộc đời sinh thái hơn. Saitex chính là đơn cử, một cái tên được Everlane (một trong những thương hiệu denim bền vững nổi tiếng nhất hiện nay) tự hào giới thiệu là “nhà máy sản xuất denim sạch nhất thế giới”. Đây là một chuỗi nhà máy được ra đời từ phản ứng của người sáng lập (*1) đối với các bất công về nhân quyền, và môi trường lao động mà ông gặp phải trong suốt một thập niên làm việc liên quan đến chuỗi cung ứng thời trang toàn cầu của ôn trước đây. 

Một nỗ lực chuyển đổi tác động môi trường đáng kinh ngạc

Saitex (Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai) là doanh nghiệp FDI có trụ sở ở Biên Hoà, được thành lập bởi Mr.Sanjeev Bahl vào năm 2002 và hoạt động theo cách thông thường của một ngành sản xuất điển hình. Cho đến năm 2010, đây được xem là vạch xuất phát của một quá trình chuyển đổi tác động môi trường đáng kinh ngạc.

Hiện nay Saitex sở hữu 4 nhà máy tại Việt Nam và 1 cơ sở đang trong giai đoạn triển khai tại Mỹ, với hơn 4,500 nhân sự làm việc để sản xuất 20,000 chiếc quần jeans mỗi ngày, tổng 6 triệu chiếc mỗi năm. Saitex là đối tác nhà máy sản xuất jeans được lựa chọn bởi một loạt các thương hiệu nổi tiếng như Everlane, Tommy Hilfiger, Outerknown. American Eagle, Ralph Lauren, Calvin Klein Jeans, Eileen Fisher, G-Star Raw, Madewell, J.Crew, Gap…

Giống như Everlane, Ecochain (công ty Hà Lan chuyên cung cấp giải pháp bền vững) cũng cho rằng Saitex là “The worlds most sustainable denim manufacturer”

1. Mục tiêu: Tạo ra tác động đối với hành tinh

Miễn là tác động tích cực phải bù trừ tác động tiêu cực, nhà sáng lập đã không ngừng tìm kiếm và triển khai các giải pháp ngăn chặn 3 vấn nạn môi trường lớn nhất trong ngành, liên quan đến: nước, chất thải và năng lượng

  • Tác động: tái chế và làm sạch nước 

Công thức là: 98% nước tái chế + 2% bay hơi = 0 nước xả thải

Mr. Michael Preysman, CEO của thương hiệu thời trang Everlane, đã được biết thêm như một đối tác “đồng khí tương cầu” nhất của Saitex. Khi tham gia vào phân khúc kinh doanh denim, Mr.Preysman đã dành 3 năm để tìm kiếm đối tác trước khi khám phá ra Saitex. Cùng với nhà sáng lập Sanjeev Bahl, cả hai kích thích mối quan tâm của báo giới quốc tế khi từng uống một cốc nước, được rót trực tiếp rót từ hệ thống lọc tái chế ở nhà máy Saitex – thứ nước lọc mà Bahl nói với tờ Bloomberg là “sạch hơn tiêu chuẩn nước của WHO (World Health Organization)”. Để có được cốc nước này, hệ thống đã xử lý một thứ bùn xanh nhờ nhờ (một hỗn hợp của màu nhuộm, cát, bụi đá bọt và vụn vải dệt) ở đầu nguồn lọc. 

Hầu hết tác động của quá trình sản xuất jeans đều quy về với nước. Do đó, Saitex sử dụng hệ thống ETP (Effluent Treatment Plant), hệ thống kết hợp thẩm thấu ngược, lọc vi khuẩn và bay hơi, làm sạch nước triệt để đến mức có thể được tái sử dụng hoàn toàn trong một hệ thống vòng lặp kín. Kết quả là, 2% của nước bị mất do bay hơi nhưng mỗi giọt nước khác đều có thể tái sử dụng. Với 98% nước tái chế, kết quả là Saitex chỉ cần sử dụng 1,5 lít nước để sản xuất ra mỗi chiếc quần jeans, so với tiêu chuẩn công nghiệp là 80 lít/jeans. 

Nguồn: Everlane

Hệ thống lọc nước này là khoản đầu tư 2 triệu đô la của Saitex vào năm 2012, nhưng sau 5 năm đã có thể hoàn vốn, chứng minh không chỉ có thể làm ra quần jeans xanh an toàn với môi trường, mà còn có thể kiếm được lợi nhuận từ việc đó. Nhờ vào hệ thống lọc nước khép kín và máy giặt phản lực dạng đứng (thay thế máy giặt bụng truyền thống, giúp giảm 75% lượng nước cần sử dụng xuống chỉ còn vài lít trên mỗi kg quần jeans), mỗi năm Saitex có thể tiết kiệm 430 triệu lít nước (tương đương mức tiêu thụ nước trung bình hàng năm của 432,000 người). Trung bình nhà máy chi trả khoảng $350,000/năm cho hoá đơn nước, so với $750,000 mà các đối thủ cùng quy mô phải bỏ ra.

  • Tác động: nén bùn thải làm gạch xây dựng 

Các nhà máy xử lý nước thải tạo ra một sản phẩm phụ độc hại gọi là bùn thải, nhưng tại Saitex, bùn thải được chiết xuất và vận chuyển đến một nhà máy làm gạch. Khi trộn với bê tông, bùn thải độc hại không còn có thể xâm nhập vào môi trường, tạo ra những viên gạch dùng làm vật liệu xây dựng. 

Theo thông tin trong chuỗi bài viết Factory Tour của trang Fashionista, nhà sáng lập của Saitex cho biết đang thiết lập một nhà máy ở Thái Lan, nơi sẽ tạo ra gạch nén bùn thải denim có thể sử dụng trong đồ nội thất và sàn nhà. Không giống như một số sản phẩm tương đương, gạch nén bùn thải hầu như không sử dụng bất kỳ sản phẩm có nguồn gốc dầu mỏ, do đó tác động môi trường ở mức tối thiểu.

Saitex - nhà máy sản xuất jeans dẫn đầu chuyển đổi tác động môi trường
Các món đồ nội thất được làm bằng gạch nén từ bùn thải sản xuất jeans và gối làm từ vải jeans cũ, tại nhà máy Saitex Việt Nam. Photo: Whitney Bauck / Fashionista

Ở Việt Nam đã phổ biến sử dụng gạch nén bùn thải ở nhiều công trình dân dụng và công nghiệp, nhằm thay thế nguyên vật liệu xây dựng tự nhiên (tình trạng khan hiếm đất sét tự nhiên gây ảnh hưởng đến môi trường), vốn nằm trong mục tiêu phát triển đã được đầu tư nghiên cứu và áp dụng mạnh mẽ trong vòng 10 năm gần đây.

  • Tác động: năng lượng sạch và tái tạo 

Phía trên nhà máy Saitex trải đầy các tấm pin năng lượng mặt trời. Trong khuôn viên, đài phun nước không phải có mục đích trang trí mà nhằm trữ nước mưa. Xung quanh nhà máy và khu vực văn phòng được phủ xanh bởi hơn 6800 cây trồng. 

Bên trong phân xưởng, Saitex đầu tư hệ thống giặt có chứng nhận BlueSign (*2) duy nhất trên thế giới hiện nay. Tất cả nhiệt và hơi nước trong quá trình giặt ủi không cần sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó dựa vào các máy phát điện sinh khối từ dăm gỗ (mùn cưa) và vỏ dừa. 

Trên cao, hàng ngàn chiếc quần jeans treo đầy các dãy băng chuyền, uốn lượn xung quanh trần nhà mái tôn như thể đang ở một tòa nhà giặt khô siêu lớn. Không giống như máy sấy “hiện đại” chạy bằng điện và rất nhiều điện, tất cả jeans được sấy khô 85% bằng không khí, sau đó hoàn thiện công đoạn cuối trong một thiết bị thương mại (commercial machine *3)

https://www.instagram.com/p/Bxc3BDRh8mJ/?utm_source=ig_web_copy_link

 

Thông qua cam kết bảo tồn năng lượng bằng cách triển khai hệ thống sấy trên không, hấp thụ nhiệt, sử dụng ánh sáng tự nhiên và đầu tư vào năng lượng mặt trời, Saitex đã giảm mức sử dụng năng lượng xuống 13 triệu kwh/năm, và giảm gần 80% lượng khí thải C02. Công ty cho biết, quá trình sản xuất jeans tại Saitex tốn ít công sức hơn và giảm nồng độ khí thải nhà kính.

2. Mục đích: thúc đẩy sự thay đổi toàn cầu

Đặt mục tiêu trở thành một phần quan trọng của sự thay đổi toàn cầu, Saitex là nhà máy sản xuất jeans quy mô lớn duy nhất và đầu tiên ở Châu Á đạt chứng nhận B Corporation™ (*4), với tổng điểm 105,6. Trong đó:

  • Đạt 7.8 điểm về các tiêu chuẩn quản trị, liên quan đến sứ mệnh, cam kết, tính minh bạch và cơ cấu quản lý-kiểm soát.
  • 17.5 điểm về các chính sách nhân quyền (bình đẳng giới), chế độ lao động, môi trường làm việc, chăm sóc và bảo hiểm sức khoẻ đối với công nhân.
  • Điểm số về hoạt động cộng đồng đạt 22.9, liên quan đến cơ hội việc làm, tham gia và cống hiến dân sự, từ thiện, tạo điều kiện cho người lao động khuyết tật.
  • Điểm môi trường đạt 57.2 liên quan đến tác động tích cực trực tiếp và gián tiếp đến các yếu tố tài nguyên thiên nhiên: tiết kiệm, tái chế và hạn chế tối đa vấn đề xả thải ra môi trường.

 

Ngoài ra, nhà máy cũng thu thập một loạt các chứng nhận Fairtrade, Oeko-Tex, the Higg Index và LEED (*5) như những cột mốc trên hành trình tạo ra tác động tích cực cho hành tinh và xã hội. Đặc biệt, Saitex là nhà máy sản xuất jeans duy nhất tại Việt Nam hiện nay được trao chứng nhận LEED. 

3. Cải tiến: khai thác sức mạnh của thời đại mới

Saitex đã khai thác công nghệ 4.0 như một cơ hội tận dụng thành tựu của thời đại mới. 

Ứng dụng công nghệ robots để mài giũa quần jeans giúp tối ưu thời gian và hiệu suất lao động thể chất. Kết hợp Cyber-Physical Systems (hệ thống vật lý ảo) và Internet of Everything – IoT(internet vạn vật) để hiện thực hoá khái niệm về một nhà máy thông minh tại Saitex (giàn phơi băng chuyền sấy khô bằng không khí 85% và Commercial Machine).

Big data sẽ được xem là huyết mạch của nhà máy thông minh, giúp kiểm soát và cải thiện mọi khía cạnh hoạt động, từ tăng năng suất, tối ưu quy trình, thúc đẩy tăng trưởng và đặt các đối tác khách hàng vào trung tâm của sự chuyển đổi. Sử dụng công nghệ laser như một kỹ thuật đổi mới cho quy trình wash thủ công, rút ngắn thời gian sản xuất từ 20 – 30 phút xuống còn 90 giây mỗi chiếc quần jean. 

Nguồn: Sai-tex.com

4. Nhân văn: trân trọng nhân lực và trao quyền cho thế hệ tiếp theo

Dựa theo ý chí của nhà sáng lập, doanh nghiệp hướng tới giảm bất bình đẳng, hạ thấp mức độ nghèo đòi, thiết lập môi trường lành mạnh và bảo vệ sức khoẻ người lao động. Tại Saitex, tỷ lệ nhân sự nam nữ khá cân bằng (58% ⚤42%) và 1% doanh thu được dành ra để triển khai thành tác động xã hội. Nhà máy hiện đang hỗ trợ 4 trại trẻ mồ côi (hơn 800 bé), với chủ trương khi những đứa trẻ tròn 18 tuổi sẽ được cung cấp cơ hội được đào tạo và làm việc tại Saitex. 

Saitex Farms là hệ thống canh tác thuỷ canh hữu cơ, được xây dựng tại các cơ sở của Saitex với sự hợp tác của Everlane. Saitex tuyên bố đạt hơn 6 tấn rau sạch mỗi năm, tiết kiệm nước 90%, non-GMO, không thuốc trừ sâu, giảm khí thải carbon, phục vụ cho hơn 5,300 người (nông sản bội thu được dành tặng cho trại trẻ mồ côi và các nhân viên đang mang thai). Nông trại lành mạnh đã tạo ra nguồn thực phẩm tốt phục vụ đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp, và tạo cơ hội việc làm cho cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn. 

View this post on Instagram

There are nearly 26 million children worldwide who are orphans, which is approximately equivalent to the population of Australia. To build a better world of tomorrow, empowering young generations is a must and every child on Earth should have the right to start their life with the same opportunities. Knowing that education is the key to break the circle of poverty and vulnerability, we at SAITEX have been providing education to more than 800 kids at our orphanages. As these children turn 18, they are offered the opportunity to be further trained at SAITEX, and offered jobs with equal pay, respect, and dignity. #WorldOrphanWeek #LifeAtSAITEX . . . #saitexcares #whomademyclothes #sustainablefashion #ethicalfashion #changemakers #educationforall #unitednations #orphanage #unicef

A post shared by SAITEX DENIM (@saitexdenim) on

 

Nền tảng Circle of Life cung cấp một cơ sở đào tạo và tuyển dụng, đảm bảo cơ hội bình đẳng, tôn trọng phẩm giá và thu nhập ổn định, dành cho cộng đồng người khuyết tật. Mục tiêu của Saitex trước năm 2030 là mở một trường dạy nghề và trung tâm xã hội, tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn được đào tạo các kỹ năng sống thiết yếu, với một nguồn lực đảm bảo phù hợp và chuyên nghiệp giúp nâng cao khả năng tiếp cận việc làm tốt hơn cho cộng đồng này. 

Nước Mỹ là một phần của mục tiêu lớn

Đối với Saitex, việc gia công và xuất khẩu quần jeans cho các thương hiệu ở Mỹ là chưa đủ, tham vọng là sẽ có mặt ở đó – nước Mỹ. Bahl cho biết ông muốn mở 2 nhà máy may ở Mỹ, một ở Los Angeles vào cuối năm 2019 và một ở New York vào cuối năm 2020.

Nhà sáng lập cho rằng bước tiến vào Mỹ là một phần của mục tiêu lớn: khuyến khích sản xuất bền vững tại một thời điểm quan trọng trong lịch sử. Thời điểm mà Bahl đề cập với tờ Bloomberg, có lẽ xuất phát từ sau sự đóng cửa của nhà máy White Oak (*6) vào năm 2017, sau hơn một thế kỷ hoạt động, gần như chấm dứt một lịch sử denim độc đáo của nước Mỹ. Mặt khác, một báo cáo vào mùa thu năm 2018*** của Liên Hợp Quốc, cảnh báo về một cuộc khủng hoảng khí hậu chỉ trong vòng 20 năm tới, một lần nữa tái khẳng định mục tiêu và mục đích mở rộng Saitex càng sớm càng tốt của ông. 

Mr.Sanjeev Bahl, người sáng lập của Saitex đã ngồi lại với Mr. Robyn Turk của trang FashionUnited (FU) vào một ngày của tháng 2/2019, để chia sẻ một cách cụ thể về kế hoạch cho các nhà máy Saitex ở Mỹ, dự kiến ​​sẽ mở tại Los Angeles vào quý 3 năm 2019 và tại khu vực Tri-State của New York vào quý 4 năm 2020. Dưới đây là trích dẫn phỏng vấn:

  • FU: Làm thế nào để tạo ra tác động xã hội ở các quốc gia phát triển? 
  • Bahl: Đối với chúng tôi, thực sự thú vị khi xây dựng một mô hình Saitex ở Mỹ, trên cơ sở tự động hoá và hiệu quả. Công nghệ đã phát triển vượt bậc và có một cơ hội lớn ngay bây giờ để triển khai công nghệ tại các quốc gia phát triển, và tái triển khai ở Mỹ hoặc Châu Âu để tạo ra tác động xã hội tích cực có nghĩa là tái tạo các loại hình công việc đang bị mất đi. Thần chú của chúng tôi rất đơn giản. Chúng tôi sẽ định vị sản phẩm ở cùng mức giá mà các thương hiệu đang tìm nguồn cung ứng từ Mexico ngày nay. Mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là ngang tầm với mức giá của bán cầu tây, nhưng là “Made in the USA”. Đây là điều mà chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể làm. Một khi chúng tôi đạt được, thật dễ nghĩ là mọi công ty thời trang đều muốn sản xuất ở đây (Mỹ) thay vì ở Mexico. 
  • FU: Ông sẽ mất bao lâu để tái dựng hệ sinh thái đó?
  • Bahl: Những gì Saitex đang làm bây giờ là xây dựng hệ sinh thái của riêng mình và chúng tôi đang tiến triển khá nhanh để trở thành một nhà máy sản xuất tuần hoàn toàn diện. Chẳng hạn, nếu xây dựng một nhà máy vải ở Việt Nam và có khả năng là Los Angeles, cho phép chúng tôi cải thiện các nguyên liệu thô tốt hơn. Vải từ nhà máy riêng của chúng tôi có thể dễ dàng được tích hợp vào các cơ sở sản xuất. Sau đó, khi chúng tôi mở rộng quy mô hoạt động sản xuất tại Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ tiết kiệm được thời gian và giảm lượng khí thải carbon thay vì vận chuyển vải từ Châu Á đến Hoa Kỳ. Cuộc sống đầy những khả năng, khả năng là vô tận. Nhưng chúng ta phải bắt đầu từ đâu đó. 

Đối với chặng đường phía trước để made in USA, Saitex sẽ giải bài toán chi phí sản xuất khi đặt nhà máy ở Mỹ, thông qua việc tạo ra một quy trình tự động. Ý tưởng của Bahl chính là: nhiều robot hơn, tự động hoá nhiều hơn, ít người hơn. Saitex Việt Nam đã được định dạng như vườn ươm trong 5 năm qua. Nhà sáng lập hoạch định để tạo ra 1,000 quần jeans mỗi ngày, tại Việt Nam cần đến 200 người, thì “made in USA” chỉ cần 50 người để làm điều đó. Nếu như nhiều người lo ngại về cuộc cách mạng tự động hoá sẽ khiến cho con người mất việc làm, thì nhìn ở góc độ khác, sẽ giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng trên mỗi đơn vị và tăng sản lượng cho mỗi công nhân.

Sự thật là, Saitex không bền vững

Nhà sáng lập Saitex từ chối dùng từ “bền vững” khi nói về chuỗi nhà máy của mình: Bạn có thể tiếp tục vạch ra hướng giải quyết vấn đề chứ không thực sự giải quyết được vấn đề. Nếu hỏi tôi, tôi sẽ nói tôi ghét từ “bền vững”. Thay vào đó, tôi sử dụng từ “tác động” – Mr. Sanjeev Bahl nói với FashionUnited.com

Ms.Virginia Rollando, Sustainability Project Manager của Saitex đã giải thích với Ms. Whitney Bauck, phóng viên của tạp chí Fashionista rằng: “Khi đánh giá vòng đời của một sản phẩm may mặc, phân tích tất cả các tác động của nó trong các giai đoạn khác nhau từ khai thác nguyên liệu đến khi không còn được sử dụng nữa, bạn sẽ nhận thấy có vô số tác động tồi tệ trong quá trình sản xuất sợi và vải. Vì vậy, mặc dù chúng tôi đã rất cố gắng để Saitex bền vững, nhưng hàng may mặc được sản xuất ở Saitex vẫn có thể không bền vững vì có quá nhiều bước trước đó trong chuỗi cung ứng mà chúng tôi không có bất kỳ quyền quyết định nào”

Kho lưu trữ tại Saitex có thể chứa khoảng 5 triệu mét vải, tất cả rồi sẽ được sản xuất thành quần jeans, áo khoác denim và nhiều sản phẩm khác. Hiện tại, nguồn vải đến từ các đối tác cung cấp của Saitex, nhưng nhà sáng lập đã có kế hoạch xây dựng nhà máy dệt nhuộm denim của riêng mình, và mục tiêu không thể nằm ngoài việc “làm sạch” khâu cung ứng nguyên liệu đầu vào này. Trong tương lai, khi có thể tham gia vào khâu thiết kế vải trực tiếp cùng các thương hiệu có định hướng bền vững, Saitex có thể góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình sản xuất gây ra cho môi trường. 

Có nhiều cách khác nhau để tạo ra phong cách jeans sờn rách, phủi bụi mà rất nhiều thương hiệu yêu cầu. Giặt đá bọt (stone washing) là một cách mài mòn thủ công để làm mềm mịn và sáng màu quần jeans. Phun hoá chất kali pemanganat (tên thường gọi khác là thuốc tím) trực tiếp lên quần jeans có thể tạo được hiệu ứng “tẩy trắng cục bộ” khi thương hiệu muốn kiểu quần jeans có những vệt sáng làm điểm nhấn. 

Cả 2 phương pháp đều ảnh hưởng xấu đến môi trường: giặt đá bọt để lại các hạt đá vụn trên vải denim, sau đó cần nhiều nước hơn để loại bỏ chúng và làm ô nhiễm nguồn nước, thuốc tím càng độc hại hơn nữa. Nhưng một số thương hiệu yêu cầu các quy trình này vì phong cách jeans mà chúng tạo nên, Saitex đã hoàn toàn không thể loại bỏ “dịch vụ” này, bù lại, nhà máy đã cố gắng để giảm thiểu tác động của chúng.

https://www.instagram.com/p/B-CqSZ7J9ql/?utm_source=ig_web_copy_link

Saitex cũng có những máy móc có thể thực hiện chà nhám và mài mòn thủ công thay thế sức người, nhưng mọi người cần phải dành thời gian dạy cho máy móc cách thực hiện mọi phong cách mới, mặc dù không loại bỏ hoàn toàn các công việc nặng nhọc nhưng đã giảm thiểu lao động chân tay.

Hiện tại, nhà máy Saitex đã tập hợp đầy đủ tất cả các kỹ thuật và công nghệ phục vụ kinh doanh sản xuất quần jeans, nhưng mục tiêu hàng đầu là cung cấp nhiều lựa chọn bền vững hơn nữa và thuyết phục các đối tác thương hiệu trở thành trung tâm của quá trình chuyển đổi.

Đầu tư vào thế hệ công nghệ tiếp theo

Saitex rất chú trọng đầu tư vào thế hệ công nghệ tiếp theo để có thể tạo ra một ngành công nghiệp may mặc có tác động thấp (hơn nữa) đối với môi trường. Saitex đã áp dụng công nghệ của Jeanologia (một công ty về Science of Finishing, chuyên nghiên cứu, phát triển và cung cấp các giải pháp công nghệ trong các khâu hoàn thiện hàng may mặc *7), sử dụng tia laser để loại bỏ sắc tố chàm mịn ở lớp ngoài của quần jeans, trong khi ozone cho phép tẩy trắng mà không cần sử dụng nước. 

Saitex đã gây chú ý trong cộng đồng công nghiệp của mình bằng mô hình sản xuất tuần hoàn và đang cố gắng chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với các sản phẩm mà họ tạo ra. Nhà sáng lập Bahl đã có một cuộc gặp gỡ với Atelier & Repairs (*8) trong năm 2019, một thương hiệu tái chế quần áo sáng lập bởi Co-Founder, CEO và Giám đốc sáng tạo Maurizio Donadi (một bộ óc sáng tạo với hơn 35 năm kinh nghiệm trong ngành thời trang), để thử nghiệm và kéo dài tuổi thọ của bất kỳ sản phẩm may mặc nào xuất phát từ Saitex. Trước đây, Saitex cũng đã hợp tác với thương hiệu Puma để tạo ra những đôi giày làm từ vải vụn denim. 

Nhà sáng lập Bahl cũng đang đầu tư vào công nghệ Fibretrace scanners của Fibertrace (*9), sử dụng các hạt công nghệ nano (đã được cấp bằng sáng chế) nhúng trong sợi cellulose, tạo ra vải có thể quét hoặc sử dụng đầu đọc kết nối bluetooth, và không cần hangtag để tiết lộ thông tin về người đã trồng cotton hoặc người may nên chiếc quần jeans đó. Công nghệ sợi nano-cellulose Fibertrace này có thể kết hợp với bất kỳ sợi tự nhiên hoặc nhân tạo nào, ngay từ khi bắt đầu vòng đời ở nông trại, cho đến khi được kéo, dệt, nhuộm, giặt, tẩy hay thậm chí khắc laser.

Triển vọng về mối hợp tác giữa Saitex và Good Earth Cotton (*10) cũng đã khá chắc chắn để mở đường cho việc ứng dụng công nghệ Fiber Trace dựa trên nền tảng blockchain, từ đó tạo ra một trải nghiệm bán lẻ của tương lai, một câu chuyện thương hiệu độc đáo có thể kiểm chứng, và một sản phẩm cho phép khách hàng truy nguyên thời gian thực với đầy đủ dữ liệu từ hạt giống cho đến khi lên kệ.

“Điều này thực sự là một cuộc cách mạng. Một vấn đề khi nói đến tính bền vững là có quá nhiều thông tin bị mất. Công nghệ này hoạt động với các sắc tố và khoáng chất như bạn có thể tìm thấy trên tiền giấy (banknotes), và với một lần quét, có thể phát hiện các sắc tố này trong sợi. Chúng được đưa vào trong quá trình tách/chải hạt cotton (ginning process). Vì vậy, bạn có thể quét quần áo của mình và nhận được tất cả thông tin về nguyên liệu, nguồn gốc sợi cotton, có chứng nhận Fair Trade hay B Corp hay không” – Sustainability Project Manager của Saitex, Ms.Rollando phát biểu về công nghệ Fibretrace với Fashionista. 

Liệu Covid-19 có làm Saitex bị trì hoãn?

Trong khi trái đất vẫn đang nóng lên và tiến gần đến thời hạn 2030 mà IPCC từng cảnh báo, xu hướng chuyển đổi để phát triển bền vững đã nguội lạnh hẳn đi bởi “cú thắng gấp” của Covid-19. Karl-Hendrik Magnus, đối tác cao cấp của McKinsey and Company tại Frankfurt, và là Leader của lĩnh vực Apparel, tập đoàn Fashion & Luxury, cho biết: “Chủ đề bền vững đã giảm khỏi chương trình nghị sự trong vài tuần qua ở cấp điều hành cao nhất trong ngành, vì ngay cả các công ty mạnh cũng phải đấu tranh cho sự tồn vong tại thời điểm này”

Nhà sáng lập Sanjeev Bahl của Saitex trả lời trong một bài báo (4/2020) của Forbes rằng họ đang tận dụng thời gian giãn cách/phong toả để “nâng cấp lại sơ sở hạ tầng và mô hình kinh doanh của Saitex để quay trở lại một cách hiệu quả vào thời điểm “new normal” sắp tới”. Ông hy vọng rằng Covid-19 tiếp tục phát hiện ra những thiếu sót trong chuỗi cung ứng của chính mình và chỉ ra những điểm mà Saitex cần cải thiện triệt để.

Câu hỏi đặt ra là chiến lược bù đắp tác động của Saitex sẽ có thay đổi khi đối mặt với sự khủng hoảng kinh tế đang xảy ra? Mr.Sanjeev Bahl đã xác nhận rằng các dự án dài hạn của công ty, bao gồm một nhà máy đang xây dựng tại Việt Nam và nhà máy ở Los Angeles đã không dừng lại. Ông vẫn rất kiên định và vững vàng để tiếp tục đầu tư vào giá trị lâu dài. 

Bền vững là một hành trình, không phải là một sự kiện có thể bị trì hoãn. Đó là một cách sống. Vì vậy, một số thứ không thay đổi. Chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư vào việc tạo ra giá trị dài hạn – CEO và Founder của Saitex, Mr. Sanjeev Bahl

Tuy nhiên, “ma trận định giá sẽ trở thành một chiến trường trong những tháng sắp tới” – Bahl nói, và điều này cho thấy rõ vị thế bấp bênh của ngành công nghiệp sân sau. Bahl dự đoán rằng sự thừa thải hàng tồn sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề. Thực tế, không có cách nào tránh được sự thay đổi trong hành vi, suy nghĩ và mua hàng của người tiêu dùng trên toàn cầu. Chủ nghĩa tiêu thụ đã bắt nguồn từ đâu? Mối lo ngại đang hiện hữu rất rõ rằng: sau khi Covid-19 qua đi, có phải chúng ta sẽ nhanh chóng tìm lại “sự bình thường như cũ” và những băn khoăn về môi trường bền vững bị ném sang một bên. 

Liệu chúng ta đã thấy toàn bộ thế giới dễ bị sụp đổ như thế nào? Liệu Corona virus đã nâng cao nhận thức về sự bền vững của xã hội và môi trường trong mỗi người? Thân thiện với Trái Đất không chỉ là một thái độ kinh doanh lớn hay một thái độ tiêu dùng tốt, mà cơ bản là sự thừa nhận về mối đe doạ hiện hữu của biến đổi khí hậu, của Global Warning of 1,5 °C***, của Covid-19, của đại suy thoái kinh tế và sự sống của chính chúng ta – nhân loại.

Chú thích

*** [ Liên quan đến báo cáo vào năm 2018 mà Bahl đã đề cập với Bloomberg, tin rằng đó là IPCC Special Report in 2018: Global Warning of 1,5 °C mà Eco-business từng nhấn mạnh với tiêu đề và dòng caption đại ý rằng: Thời gian không còn nhiều…nhân loại sẽ cạn kiệt “ngân sách carbon” còn lại trong 12 năm tới. 

Tháng 4/2016, Ủy Ban Liên Chính Phủ Về Biến Đổi Khí Hậu (IPCC) đã chấp nhận lời mời từ Quyết Định của Conference of Parties lần thứ 21 (thuộc Công Ước Khung của Liên Hợp Quốc Về Biến Đổi Khí Hậu để thông qua Thoả Thuận Paris) để “…cung cấp một Special Report in 2018 về tác động của sự nóng lên toàn cầu 1.5°C so với mức của thời tiền-công nghiệp và các lộ trình phát thải khí nhà kính toàn cầu có liên quan”. 

Với phạm vi cho phép trong của thời đại tiền-công nghiệp là từ 0,8 °C đến 1,2 °C, đến năm 2018, ước tính công cuộc “hiện đại hoá” của nhân loại đã gây ra sự nóng lên toàn cầu khoảng 1,0 °C. Trước nguy cơ vượt rào đó, Special Report in 2018 của IPCC cảnh báo sự nóng lên toàn cầu có khả năng đạt tới 1,5 °C trong khoảng thời gian từ 2030 – 2052 nếu nó tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại. Để biết thêm chi tiết và tải bản full báo cáo đặc biệt năm 2018 của IPCC, truy cập Global Warning of 1,5 °C , hoặc bản tóm tắt -> Headline statements ]

(*1) Nhà sáng lập Sanjeev Bahl sinh ra ở Ấn Độ, ông học kinh doanh tại Symbiosis International University (Pune, Maharashtra, Ấn Độ). Cuối những năm 1990, ông làm việc trong lĩnh vực may mặc tại Hồng Kông. Công ty của ông, Saitex – được đặt theo tên của bậc thầy Shirdi Sai Baba của Ấn Độ.

(*2) BlueSign là một hệ thống tổng thể, cung cấp các giải pháp chế biến và sản xuất bền vững cho các ngành công nghiệp dệt may và thương hiệu bán lẻ, quản lý bởi một cơ quan độc lập Bluesign Technologies (thành viên của SGS Group). Chứng nhận BlueSign đảm bảo cho người tiêu dùng rằng: chỉ những công ty hoạt động có trách nhiệm mới tham gia vào việc sản xuất (sản phẩm được đính nhãn BlueSign®) bằng các công nghệ tốt nhất có thể và sử dụng tài nguyên có trách nhiệm, chú trọng giảm thiểu tác động đến con người và môi trường. 

(*3) Commercial machine hay commercial equipment: thiết bị thương mại (danh từ gọi chung của các máy móc xử lý, thiết bị tự động, thiết bị đa năng, băng chuyền) được sử dụng trong các doanh nghiệp thương mại bán lẻ, bán buôn, ngành công nghiệp thực phẩm, sản xuất và kho cung ứng… Các chức năng của thiết bị thương mại bao gồm vận chuyển, tải, dỡ hàng, lưu trữ, trưng bày, bán hàng, chế biến và cân hàng hoá…

(*4) Chứng nhận B Corporation là một sáng kiến được thiết kế và quản lý bởi B Lab, một tổ chức phi lợi nhuận phục vụ quan điểm “sử dụng kinh doanh như một động lực thúc đẩy” của sự thay đổi văn hoá toàn cầu, xác định lại giá trị thành công trong kinh doanh, và xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, minh bạch, có trách nhiệm và toàn diện hơn. Chứng nhận B Corp. là chứng nhận có ảnh hưởng sâu sắc đến ngành công nghiệp và văn hoá, thúc đẩy sự thay đổi hệ thống kinh tế trên toàn thế giới. Ngày 10/3/2020, trùng hợp đánh dấu 14 năm công hiến của mình, B Lab đã được có tên trong danh sách top 50 Các Công Ty Sáng Tạo Nhất Thế Giới Năm 2020 (World’s Most Innovative Companies for 2020) của đơn vị xét duyệt Fast Company, đạt vị trí #5 trong lĩnh vực Not-for-Profit. 

(*5) LEED: Leadership in Energy & Environmental Design, là một hệ thống chứng nhận công trình xây dựng xanh có giá trị quốc tế, được phát triển và công nhận bởi U.S. Green Building Council (USGBC). Tiêu chuẩn LEED đánh giá hiệu suất của các tác động tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải carbon, sử dụng nước hiệu quả và cải thiện chất lượng môi trường trong công trình xây dựng. 

(*6) Cone Mills White Oak: Cone Mills Corporation (1895 – 2004, Greensboro, Bắc Carolina, Mỹ) là một nhà lãnh đạo thế giới trong lĩnh vực sản xuất vải như corduroy, flannel, denim và các loại vải cotton khác trong suốt thế kỷ XX. Cone Mills đã được biết đến như là nhà sản xuất denim lớn nhất thế giới. Năm 2017, công ty mẹ là ITG (International Textile Group) đã tuyên bố đóng cửa nhà máy White Oak tại Greensboro (1905 – 2017), sau 112 năm hoạt động. Đó là nhà máy denim quy mô lớn cuối cùng phải đóng cửa ở Mỹ, gần như có nghĩa là không còn vải denim được sản xuất tại Mỹ nữa.

(*7) Jeanologia là một công ty sáng tạo với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc phát triển các công nghệ bền vững và hiệu quả sinh thái cho ngành công nghiệp hoàn thiện. Bắt đầu như một trung tâm R&D vào năm 1994, bởi Jose Vidal và cháu trai Enrique Silla, thông qua công nghệ và khoa học để phát triển các quy trình hoàn thiện hàng dệt may denim như mài mòn và làm sáng màu, xử lý bề mặt vải, chống phai màu, chống co rút…Ngày nay, Jeanologia là một trong những cái tên dẫn đầu sự chuyển đổi bền vững của ngành công nghiệp may mặc bằng hệ thống công nghệ sinh thái. 

(*8) Atelier & Repairs là một nền tảng cung cấp sản phẩm và dịch vụ định hướng thiết kế tuần hoàn, tái sử dụng vô hạn bằng cách sáng tạo nên nhiều vòng đời mới cho hàng dệt may ở cả góc độ thủ công và công nghiệp, với mục tiêu ít tác động môi trường nhất có thể. 

(*9) Fibertrace có nền tảng ở Anh, được thành lập bởi một đội ngũ các nhà sáng lập, nhà nghiên cứu khoa học và công nghệ có tầm nhìn sâu đối với một nền công nghiệp minh bạch, gồm Mr.David Statham & Mrs.Danielle Statham (Good Earth Cotton), Mr. Sanjeev Bahl (Saitex International), Mr. Andrew Olah (Kingpins Transformers), Mr. Malcolm Wild (chuyên gia công nghệ) và Mr.Paul Stenning (nhà khoa học).

(*10) Good Earth Cotton được sáng lập bởi đôi vợ chồng Mr.David Statham & Mrs.Danielle Statham, những người dành tình yêu to lớn của mình cho carbon positive cotton (cotton được sản xuất đạo đức nhất) bằng các công trình nghiên cứu và kỹ thuật canh tác tôn trọng môi trường, có trách nhiệm và minh bạch nguồn gốc.

Featured image

Bên trong phân xưởng giặt của nhà máy Saitex (Việt Nam), nơi quần jeans được sản xuất bằng 98% nước tái chế, sấy khô bằng không khí 85% và hạn chế tối thiểu phát thải carbon – Nguồn: Everlane.com/denim-factory

Main resources

Social sustainability … how covid-19 is changing the industry – Forbes

2019 Saitex clothing factory eco friendly – Bloomberg

Saitex revamps impact of denim – Fashionunited.uk

The fashion business make recycled garments sexy – Eco-business

Thực hiện: Xu